Friday, 17 February 2017

Giới chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xung đột Mỹ - Trung






Giới chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xung đột Mỹ - Trung

media
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bộ Chỉ Huy Trung Tâm (CentCom), Florida ngày 06/02/2017.REUTERS/Carlos Barria
Sự thất thường của tân tổng thống Donald Trump cộng với cách cầm quyền độc đoán và thái độ ngày càng hung hăng của chủ tịch Tập Cận Bình đang đẩy quan hệ Mỹ -Trung đến một giai đoạn nguy hiểm.
Đó là cảnh báo của một nhóm chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc trong một báo cáo gởi Nhà Trắng, trong đó họ đưa ra những khuyến cáo về quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. Báo cáo này được chuyển đến Nhà Trắng hôm Chủ Nhật vừa qua và trên nguyên tắc sẽ được công bố ngày 07/02/2017.
Trong báo cáo này, các chuyên gia Mỹ về Trung Quốc, trong đó có một số người đã làm việc với Bắc Kinh từ hơn 50 năm, cảnh báo : quan hệ giữa hai cường quốc có vũ khí hạt nhân này có thể xấu đi nhanh chóng và biến thành xung đột kinh tế, thậm chí xung đột quân sự, nếu hai bên không tìm được thỏa hiệp trên các vấn đề như thương mại, Đài Loan và Biển Đông.
Theo nhật báo Anh The Guardian, một trong những tác giả bản báo cáo, ông Winston Lord, cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, nhận định : hiện giờ, do các chính sách của Trung Quốc và do sự thất thường của ông Trump, quan hệ giữa hai nước đang ở trong giai đoạn khó lường nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn (1989). Ông Orville Schell, một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc, thì rất lo ngại về nguy cơ tổng thống Trump phá tan hàng thập kỷ chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
Ngay cả trước khi bất ngờ đắc cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016, nhà tỷ phú New York đã tuyên bố ông sẽ có thái độ cứng rắn với quốc gia mà ông gọi là « nước Trung Quốc xấu xa ». Và kể từ khi thắng cử đến nay, ông Donald Trump vẫn không thay đổi giọng điệu với Bắc Kinh.
Trên đài truyền hình và trên mạng xã hội Twitter, tân tổng thống Mỹ đã tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, thao túng tiền tệ và không giúp kềm chế lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Tổng thống Trump cũng đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi cho thấy là ông không đi theo chính sách chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất theo đó Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Báo cáo của các chuyên gia nói trên nhấn mạnh, nguy cơ này « vô cùng nguy hiểm » và là yếu tố đe dọa nghiêm trọng nhất đối với quan hệ Mỹ-Trung.
Các chuyên gia Mỹ về Trung Quốc cũng cảnh báo « bão tố đang hình thành » ở Biển Đông. Họ cho rằng những hành động xác quyết chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc, cộng với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ngày càng mạnh ở nước này, khiến Hoa Kỳ và Trung Quốc đang « trên đường nguy hiểm đi đến xung đột ». Vào tuần trước, cố vấn chiến lược của tổng thống Trump, Steve Bannon, đã dự báo chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông là « không thể tránh khỏi » trong vòng từ 5 đến 10 năm tới.
Những người trong êkíp của ông Trump đã từng chỉ trích sự « yếu kém » của chính quyền Obama ở châu Á – Thái Bình Dương và đã yêu cầu gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng này, theo chiến lược « đạt đến hòa bình bằng sức mạnh », nhằm chống lại Trung Quốc. Nhưng báo cáo của các chuyên gia khuyến cáo Nhà trắng rằng đó là một chính sánh « thiển cận », chỉ khiến cho tình hình căng thẳng thêm.
Đặc biệt, cựu đại sứ Winston Lord xem quyết định của ông Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là một « thảm họa », vì làm tổn hại uy tín của Mỹ ở châu Á và giúp cho Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở vùng này.
Không chỉ đưa ra các khuyến cáo, các chuyên gia còn kêu gọi chính quyền Trump tránh để quan hệ Mỹ-Trung vượt khỏi tầm kiểm soát.

Manila tố cáo Bắc Kinh muốn xây đảo nhân tạo ngoài khơi Philippines

media
Bãi cạn Scarborough cách căn cứ quân sự Vịnh Subic, Philippines, khoảng 200 km về phía tây. (Ảnh chụp ngày 12/03/2016)REUTERS/Planet Labs
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP ngày 07/02/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông tin rằng Trung Quốc có thể sẽ bồi đắp bãi cạn Scarborough, chỉ nằm cách đảo Luzon của Philippines 230 km. Trung Quốc đã chiếm giữ bãi cạn này từ năm 2012.
Bắc Kinh hiện đã xây nhiều đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có Đá Chữ Thập mà Manila cũng đòi chủ quyền, và đặt các thiết bị quân sự trên một số đảo đó. Theo các nhà phân tích, việc đặt các thiết bị quân sự trên bãi cạn Scarborough sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát về mặt quân sự vùng Biển Đông, điều mà Hoa Kỳ báo trước là sẽ không chấp nhận.
Theo lời bộ trưởng Lorenzana, các công trình xây dựng trên bãi cạn Scarborough sẽ đáng lo ngại hơn nhiều so với trên Đá Chữ Thập, vì bãi cạn này nằm rất gần Philippines. Từ Scarborough, các chiến đấu cơ phản lực và tên lửa của Trung Quốc có thể dễ dàng tấn công lực lượng Mỹ đóng tại Philippines. Tiền đồn trên Scarborough có thể giúp Trung Quốc ngăn chận tàu của các nước khác sử dụng con đường hàng hải trọng yếu này.
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines nói với AFP, việc bồi đắp các đảo ở Biển Đông là chiến lược của Trung Quốc nhằm chống lại những cường quốc nào can dự vào Biển Đông, vì đối với Bắc Kinh, đây là vùng biển của Trung Quốc.
Chính quyền của tân tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ đẩy lùi mọi mưu toan của Trung Quốc nhằm củng cố kiểm soát Biển Đông. Trong cuộc điều trần trước Thượng viện để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, tân ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ ngăn chận Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo trên Biển Đông, mặc dù các nhà phân tích cho rằng, muốn làm như thế Washington phải phong tỏa trên biển, và đây là một hành động chiến tranh.
Nhưng theo tờ The Japan Times của Nhật số ra ngày 07/02/2017, một tài liệu được tiết lộ trên một trang mạng cho thấy là sau đó ông Tillerson đã có giọng điệu hòa dịu hơn. Trả lời các câu hỏi về các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, tân ngoại trưởng Mỹ chỉ viết : Không thể để Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo để cưỡng ép các nước láng giềng hoặc hạn chế quyền tự do lưu thông hàng khải và hàng không ở Biển Đông. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành xử các quyền tự do ấy bằng cách đưa phi cơ và tàu đến hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.

__._,_.___

Posted by: <tntimnguyen

No comments:

Post a Comment