Saturday, 1 October 2016

Nhật Ký Biển Đông: Phi Luật Tân và Ngoại Giao Đa Phương


Nhật Ký Biển Đông: Phi Luật Tân và Ngoại Giao Đa Phương 

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Chín ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình thế giới:
-Reuters ngày18/9/2016 : “Theo kết quả sơ khởi từ ban bầu cử trung ương, đảng đương quyền Nước

Nga Thống Nhất đạt 51% số phiếu trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày hôm nay sau khi ¼ số phiều được kiểm kê. Điều này cho phép đảng do Ô. Putin sáng lập và thừa hưởng uy tin của ông sẽ kiểm soát Hạ Viện gọi là Duma. Cuộc thăm dò các cử tri ngay khi dời phòng phiếu cho thấy Đảng Nước Nga Hợp Nhất thắng áp đảo.”
Đây là tin vui cho Ô. Putin cho dù nước Nga đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc cấm vận của Mỹ và Âu Châu. Cũng theo Reuters, “Các phụ tá của Ô. Putin chắc chắn sẽ dùng kết quả này như tấm ván nhún lấy đà cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018, cho dù Ô. Putin chưa xác nhận là ông có ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa hay không.”

            -AFP ngày 19/9/2016: “Trên đường tham dự Đại Hội Đồng LHQ tại Nữu Ước, Tổng Thống Hassan Rouhani  của Ba Tư đã ghé Cuba, Venezuela đồng thời viếng thăm Ô. Fidel Castro và Chủ Tịch Raul Castro. Trước chuyến đi, Ô. Rouhani nói rằng ông muốn ghé Cuba- một nước thân thiện và cách mạng.” Ba Tư là quốc gia duy nhất ở Trung Đông mở rộng tầm ảnh hưởng tới Nam Mỹ  “sân sau” của Hoa Kỳ. Thủ tướng Ấn Độ Modi, Ô. Putin và Ô. Tập Cận Bình cũng đã viếng thăm Ba Tư. Chỉ trong năm, mười năm nữa thôi, Ba Tư sẽ nổi lên như một cường quốc mới.

            -Business Insider ngày 20/9/2016: “Không Đoàn Thứ 5 tại Căn Cứ Không Quân North Dakota đã cho cất cánh cùng lúc 12 siêu pháo đài bay B-52 như là sự phô diễn khả năng của phi đội có thể phóng ra sức mạnh hạt nhân hay quy ước tại bất cứ nơi nào và thời điểm nào.” Trong Chiến Tranh Việt Nam, khoảng 34 B-52 đã bị bắn rơi nhưng Mỹ chỉ công nhận 16 chiếc bị bắn rơi tại chỗ và không tính những chiếc bị rớt trên biển hoặc hư hỏng khi về tới căn cứ. Còn trong cuộc chiến Iraq và A Phú Hãn, tính tới ngày hôm nay, chỉ một chiếc  B-52 bị rơi vì hư hỏng máy móc, tức toàn bộ hệ thống phòng không của Saddam Hussein đã bị hỏa tiễn hành trình tiêu diệt trước khi các pháo đài bay B-52 tới nơi, an toàn “trải thảm”.
            -International Business Times ngay20/9/2016: “Đáp trả lại lời kêu gọi của Liên Hiệp Âu Châu rằng Phi Luật Tân nên chấm dứt chiến dịch đẫm máu để đối phó với những kẻ chuyển vận ma túy, Ô. Duterte nói rằng một số thành viên của Liên Hiệp Âu Châu như Anh, Pháp nên nhìn lại những gì họ đang làm tại Trung Đông.”
            -CNN ngày 21/9/2016: Nhân dịp tham dự Đại Hội Đồng LHQ, Tổng Thống Poroshenko của Ukraina (Crưm) ngỏ ý muốn được gặp hai ứng cử viên tổng thống là Ô. Trump và Bà Clinton nhưng cuối cùng chỉ có Bà Clinton đáp ứng. Còn Ô. Trump thì không trả lời. Hiện nay Ukraina đang trở thành gánh nặng của Hoa Kỳ và Âu Châu. Nếu Ô. Trump đắc cử, chắc chắn ông sẽ phối hợp với Nga để giải quyết dứt khoát “cục nợ” Ukraina. Theo tôi, chỉ có giải pháp phi liên kết hay một thể chế trung lập cho Ukraina theo như đề nghị của Ô. Henri Kissinger mới có thể đem lại ổn định vĩnh viễn cho Ukraina. Lúc đó chắc chắn Ô. Poroshenko sẽ phải ra đi.

            -Newsweek ngày 26/9/2016: “Bốn ngàn lính Nga cùng tham gia diễn tập quân sự với lực lượng ly khai của quốc gia sát nách Georgia/Gruzia. Nam Ossetia và Abkhazia là hai vùng ly khai ở bắc Georgia đang đặt dưới sự kiểm soát hữu hiệu của quân đội Nga từ năm 2008. Liên Hiệp Quốc không công nhận tuyên bố độc lập của họ, tuy nhiên họ đã điều hành đất nước ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Georgia với sự hỗ trợ của Nga và đang thảo luận về một cuộc trưng cầu dân ý sát nhập vào Nga (giống như Crimea). Hiện Nga chưa tuyên bố có chấp nhận điều này hay không. Hiện nay Georgia đang nỗ lực để xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và NATO, thế nhưng tình trạng chưa dứt khoát của cuộc tranh chấp tại hai vùng Nam Ossetia và Abkhazia  khiến quyết định bị ngăn chặn.”

            -AP ngày 28/9/2016: “Hoa Kỳ đang gửi thêm 615 lính tới Iraq để tiến hành cuộc tấn công do Iraq chỉ huy để chiếm lại Mosul- một thành phố ở phía bắc hiện là căn cứ địa quan trọng của Nhà Nước Hồi Giáo hơn hai năm. Cuộc tấn công dự trù vào Tháng 10 được coi như giờ phút quyết định cho Iraq và chiến lược đánh bại Nhà Nước Hồi Giáo bị nhiều người chỉ trích của Tổng Thống Obama.” Tính tới ngày hôm nay hơn 5000 lính Mỹ đang hiện diện tại Iraq, 4486 lính Mỹ tử trận mà chưa một lối thoát danh dự cho Hoa Kỳ.

            -Reuters ngày 29/9/2016: “Điện Cẩm Linh cho biết Bà Merkel và Ô. Putin đã thỏa thuận về những cuộc tiếp xúc trong tương lai nằm trong cái gọi là Khuôn Khổ Normandy (Normandy Framework) lần đầu tiên được chấp thuận tại Pháp năm 2014 bao gồm lãnh đạo các nước Ukraina, Nga, Đức và Pháp. Bà Merkel cũng nhắc nhở Ô. Putin giữ gìn ổn định cho cuộc ngưng bắn mong manh tại Ukraina và làm những gì có thể làm để cải thiện tình trạng bi thảm về nhân đạo tại Syria.”.

Tình hình Syria:
            -Homeland Security ngày 16/9/2016: “Một đoạn phim ngắn đáng lo ngại xuất hiện ngày hôm nay cho thấy các phiến quân của Quân Đội Syria Tự Do (Free Syrian Army) do Hoa Kỳ hỗ trợ lại đe dọa giết những lính biệt kích Mỹ tại thị trấn Al-Rai gần Thành Phố Aleppo. Thị trấn này vừa được tái chiếm từ tay Nhà Nước Hồi Giáo sau nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và yểm trợ không quân từ Mỹ.” Theo Reuters cùng ngày, năm binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ đã rút về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi có những đe dọa.

            Vì nhu cầu lật đổ Ô. Assad, Mỹ đã hỗ trợ cho nhiều nhóm phiến quân mà Mỹ gọi là “ôn hòa” dù những nhóm này hành động cũng vô cùng tàn bạo và còn bán cả vũ khí cho ISIS, cũng như trước đây Mỹ viện trợ cho Khmer Đỏ vì nói rằng trong Khmer Đỏ có thành phần ôn hòa.

            -AP ngày 17/9/2016: “Hoa Kỳ lấy làm tiếc vì đã oanh tạc lầm trong khi thực hiện những cuộc oanh kích chống Nhà Nước Hồi Giáo làm chết 62 binh sĩ Syria, khiến đe dọa thỏa thuận ngưng bắn vốn đã mong manh, phần lớn được tôn trọng nhưng có thể đã có hàng chục các vụ vi phạm từ hai phía và Hội Đồng Bảo An LHQ phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp về vụ oan tạc lầm này.” Trong khi đó Nhà Nước Hồi Giáo (ISIL/ISIS) cho biết họ đã bắn rơi một máy bay quân sự của chính phủ Syria tại Deir Az Zar và giết chết viên phi công.

            -AP ngày 19/9/2016: “Thủ tướng Úc bày tỏ hối tiếc về việc máy bay trong khi phối hợp với Mỹ đã oanh kích lầm làm 62 binh sĩ Syria tử thương.” Cùng ngày hôm nay, AFP cho biết, hai giờ sau khi quân đội Syria tuyên bố thỏa hiệp ngưng bắn chấm dứt, đã tiến hành một cuộc oanh kích dữ dội xuống khu vực Aleppo do phiến quân kiểm soát. Trong khi đó Ngoại Trưởng John Kerry nói rằng Nga đã không thi hành phần mình trong thỏa thuận là kiềm chế không để quân chính phủ mở các cuộc tấn công vào phiến quân.

            -AP ngày 20/9/2016: “Những tình nguyện viên còn đang dập tắt những đám cháy do cuộc không kích đêm qua vào đoàn xe cứu trợ khiến 20 dân thường mạng vong trong khi LHQ loan báo đình chỉ các chuyến cứu trợ bằng đường bộ tại Syria, làm nguy hại cho việc cung cấp y tế và thực phẩm cho cả triệu dân đang bị vây hãm trong khu vực khó có thể đến gần. Hoa Kỳ quy trách nhiệm cho Nga về vụ không kích đoàn xe cứu trợ.”

            -AFP ngày 27/9/2016: “Các nhà phân tích cho rằng Nga quyết định tung ra sức mạnh quân sự để hỗ trợ cho chính phủ Syria chiếm lại phần còn bị chia cắt của Thành Phố Aleppo để đẩy Hoa Kỳ vào thế phải chấp nhận những yêu cầu của Mạc Tư Khoa. Sau khi thỏa thuận ngừng bắn chết yểu, các phi cơ chiến đấu của Nga phối hợp với không quân và pháo binh của chính phủ đã oanh kích dữ dội khu vực do phiến quân kiểm soát ở phía đông với một hỏa lực chưa từng có. Thomas Pierret - một chuyên viên về Syria của Đại Học Edingburgh cho rằng những cuộc thương thảo với Hoa Kỳ chỉ là màn khói để mua thời gian hầu chuẩn bị cho những chiến dịch quân sự sắp tới.”

Tình hình Biển Đông:
            -Reuters (Hà Nội) ngày 16/9/2016: “Việt Nam sẽ  không đưa việc phê chuẩn hiệp ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) vào chương trình nghị sự sắp tới của quốc hội vì tương lai không chắc chắn của hiệp ước mà Tổng Thống Obama đã ký vào đó. Tin tưởng rằng có thể là người hưởng lợi nhiều nhất của thỏa hiệp bao gồm 40% kinh tế toàn cầu, Việt Nam hy vọng là quốc gia đầu tiên phê chuẩn thỏa hiệp  giúp thúc đẩy con số đầu tư kỷ lục của ngoại quốc năm ngoái vào khu vực chế tác đang nở rộ.” (Vietnam will not include ratification of the Trans-Pacific Partnership (TPP) on its agenda for its next parliament session, an official said on Friday, adding to uncertainty over the future of U.S. President Barack Obama's signature trade deal. As arguably the biggest beneficiary of the deal covering 40 percent of the global economy, Vietnam was expected to be among the first to ratify the TPP, the prospect of which helped spur record foreign investment last year in its booming manufacturing sector.)

            Việt Nam nhìn thấy và 11 quốc gia tham gia thỏa hiệp này cũng đã thấy, dù Ô. Trump hay Bà Clinton thắng cử, thỏa hiệp TPP cũng sẽ chết. Bây giờ mình phê chuẩn mà người đề xướng lại vứt thỏa hiệp vào thùng rác…thì bẽ bàng quá. Thôi thì chờ (wait and see) sau bầu cử cục diện diễn biến như thế nào rồi tính. Cho nên các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ làm thay đổi vận mệnh thế giới. Mỗi ông tổng thống đều có sách lược riêng và còn tùy theo quyền lợi của Hoa Kỳ. Ông trước cam kết, ông sau thấy bất lợi sẽ bội ước. Cho nên các nước nhỏ “đi với Mỹ” phải chuẩn bị trước ngày Mỹ tháo chạy, kẻo chết bỏ mạng. Theo tạp chí Forbes, việc Việt Nam hoãn phê chuẩn thỏa hiệp là một thất bại của Ô. Obama.

            -AFP ngày 19/9/2016: Hoa Lục đã nặng nề chỉ trích Nhật Bản rằng, “Trung Quốc buồn lòng tới mức  thất vọng về thái độ của Nhật Bản tại Biển Đông sau khi Tokyo tuyên bố có thể sẽ tuần tra để huấn luyện chung với hải quân Hoa Kỳ tại vùng biển tranh chấp.”
            -UPI ngày 20/9/2016: “Đài Loan có thể đang xây các bệ phòng không tại Đảo Ba Bình (Thái Bình) trong lúc Hoa Lục tiếp tục các cuộc tập trận tại Biển Đông.”
            -ibtimes (Luân Đôn) ngày 20/9/2016: “Chính phủ Phi Luật Tân nói rằng một âm mưu đảo chính lật đổ Tổng Thống Duterte đang được tiến hành và nhà cầm quyền đang trấn áp những nghi can chủ mưu. Phát ngôn viên của chính phủ Phi nói rằng một vài người Mỹ gốc Phi tại Nữu Ước đang lên kế hoạch lật đổ nhà lãnh đạo ăn nói thô lỗ.”   
        
Đây có thể thật và cũng có thể do tình báo Mỹ tung ra để “cảnh cáo” Ô. Duterte đã có lập trường chống Mỹ. Hiện nay Liên Hiệp Quốc đã được Mỹ bật đèn xanh để tiến hành cuộc điều tra về những hành vi giết người mà Ô. Duterte nói là kế hoạch chống tội phạm xì-ke ma túy lúc còn làm thị trưởng Davao. Trong tình thế mà Hoa Lục đang rình rập nuốt trọn Biển Đông và một số đông các quốc gia Đông Nam Á đang ngả theo Hoa Lục, một Phi Luật Tân bất ổn sẽ là thảm họa cho Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam. 

Theo tôi nghĩ, Mỹ nên kiên nhẫn và chịu đựng như đã làm với Ô. 
Erdogan- tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Thương thảo để Phi Luật Tân “ở lại” với Mỹ vẫn tốt hơn là đảo chính, xúi giục biểu tình lật đổ hay truy tố Ô. Duterte ra Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. 

Khi mà tình hình Phi Luật Tân hỗn loạn, chắc chắn Bãi Cạn Scarborough sẽ mất vào tay Hoa Lục, miền nam của Phi sẽ lọt vào tay các chiến binh Hồi Giáo. Là một sai lầm chí tử nếu Mỹ tìm cách lật đổ Ô. Duterte vào lúc này, giống như lật đổ Ô. Saddam Hussein và Ô. Guadafi trước đây. Nước Mỹ là tinh hoa của hành tinh này, nhưng lãnh đạo lại thường đi vào “vết xe đổ” của quá khứ vì không có tầm nhìn chiến lược, chẳng hạn như Ô. Bush Con tạo ra cuộc chiến Iraq và Afghanistn mà Ô. Obama tám năm gỡ không ra. Rồi Ô. Obama tạo ra cuộc chiến Syria, Libya và sẽ “bàn giao” gánh nặng này cho tổng thống kế tiếp.  

-Reuters (Liên Hiệp Quốc) ngày 24/9/2016: “Phát biểu trước Đại Hội Đồng thường niên LHQ, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phi Luật Tân Yasay nói rằng tân tổng thống của đất nước ông có một mạng lệnh chưa có trong tiền lệ và thế giới không nên can dự vào cuộc trấn áp tội phạm ma túy mà chính quyền của Ô. Duterte đã quyết định đưa Phi Luật Tân ra khỏi sự hư đốn và những tập tục tù hãm bao gồm cả việc chế tạo, phân phối và sử dụng ma túy.”

Theo tôi nghĩ, mặc dù chính quyền của Ô. Duterte giết người bừa bãi nhưng thực tế đau buồn của đất nước ông có thể khiến các quốc gia khác không thể lấy cớ “vi phạm nhân quyền” để làm áp lực hay can thiệp vào nội tình Phi Luật Tân. Nhưng khuyến cáo của LHQ có thể khiến Ô. Duterte nhẹ tay hơn hoặc tuân thủ những quy định tối thiểu của luật pháp về quyền con người. Trong khi đó theo AP, Ô. Duterte cho biết ông sẽ mời Tổng Thư Ký LHQ và các giới chức trong Liên Hiệp Âu Châu tới để điều tra về chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy đẫm máu nhưng với điều kiện ông được truy vấn họ sau đó nếu những quan tâm của họ về nhân quyền không có bằng cớ. Nhân dịp này Ô. Duterte tấn công luôn Tổng Thống Obama và các nước Âu Châu là đạo đức giả trong khi nêu vấn đề nhân quyền của đất nước ông trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy lại phóng ra những cuộc tấn công quân sự giết hại các thường dân vô tội ở Trung Đông.

-Sputnik News ngày 23/9/2016: “Thứ Trưởng Bộ Phát Triển Viễn Đông Kirill Stepanov cho biết theo kết quả cuộc họp lần thứ 19 của Ủy Ban Liên Chính Phủ Nga-Việt về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, phía Việt Nam đang nghiên cứu khả năng hợp tác cùng với Nga tổ chức tại vùng Viễn Đông những cơ sở chế tạo tàu cao tốc chở khách, tàu đánh cá và tàu nạo vét sâu.” Đây là tiến trình thực hiện Kế Hoạch Hướng Đông của Ô. Putin mà Việt Nam là cửa ngõ để Nga tiến vào Đông Nam Á.

-International Business Times ngày 28/9/2016: “Đại Sứ Tân Gia Ba tại Trung Quốc đã phản đối tới tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngụy tạo tin tức khi nói rằng tại hội nghị thượng đỉnh của Phong Trào Phi Liên Kết tổ chức tại Venezuela khi phái đoàn Tân Gia Ba đưa ra vấn đề Biển Đông đã bị nhiều thành phần khác ngăn chặn lại.”

-VnPlus ngày 29/9/2016: “Vào ngày 28/9/2016, Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte đã viếng thăm Việt Nam. Trong cuộc hội đàm với Chủ Tịch Trần Đại Quang, về vấn đề Biển Đông, hai bên cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Việt Nam cũng cam kết cung cấp đều đặn gạo cho Phi Luật Tân.”

-MarineTimes ngày 29/9/2016: Trung Tướng Gen. Lawrence Nicholson- Tư Lệnh Lực Lượng Viễn Chinh TQLC Hoa Kỳ nói với Marine Times rằng khi còn là cậu bé, tôi đã coi Chiến Tranh Việt Nam qua truyền hình và không thể tưởng tượng được sau này trong đời, tôi lại có cơ hội được huấn luyện với quân đội Việt Nam. Việt Nam và Mã Lai có những tàu tuần tra nhỏ. Họ có lực lượng hải quân đánh bộ và họ muốn Hoa Kỳ tới xem và mong có cơ hội thực hiện một vài cuộc huấn luyện.”

Nếu sự kiện này diễn ra thì đây là một biến cố lớn ở Biển Đông. Việt Nam đi một nước cờ rất táo bạo. Trong lúc Ô. Duterte nói rằng đây là lần cuối cùng mà Hoa Kỳ và Phi tập trận chung, thì Việt Nam lại “huấn luyện” với lực lượng viễn chinh thiện chiến nhất của Hoa Kỳ thì Việt Nam nổi bật lên như  một đồng minh duy nhất của Mỹ tại Đông Nam Á.

Nhận Định:
Hiện nay Phi Luật Tân đang phải đối đầu với đe dọa từ Trung Quốc tại Biển Đông. Trong lúc nội bộ lại phải tiến hành cuộc chiến đẫm máu với quân nổi dậy Maoist và Hồi Giáo mà hai lực lượng này không chấp nhận sự diện diện quân sự của Mỹ ở Phi Luật Tân. Để giải quyết thảm họa của đất nước đã kéo dài, sau một thời gian tung ra những lời tuyên bố rất mạnh bạo và khá nguy hiểm trong mối bang giao với Hoa Kỳ, Ô. Duterte đã lật con bài tẩy là ông muốn tiến hành chính sách ngoại giao đa phương để bớt lệ thuộc vào Hoa Kỳ.

Theo Reuters, “Ô. Duterte nói rằng ông có thể sẽ viếng thăm Nga và Hoa Lục năm nay để thiết lập một chính sách ngoại giao độc lập và mở rộng liên minh với hai cường quốc vốn là đối thủ truyền kiếp của Hoa Kỳ. Phi Luật Tân đã ở vào thời điểm không thể quay trở lại mối liên hệ với Hoa Kỳ đã từng đô hộ đất nước này cho nên cần phải tăng cường ngoại giao với những nước khác và đã lựa chọn hai cường quốc mà Hoa Thịnh Đốn đang đối đầu trên vũ đài chính trị thế giới.”

Chính sách ngoại giao đa phương, nôm na là giao hảo với tất cả các đại cường, là chính sách ngoại giao khôn ngoan của nước nhỏ để giữ yên đất nước. Tuy nhiên theo đuổi chính sách này không phải dễ.

-Có những quốc gia do yếu tố địa lý chính trị (geopolitics) không thể theo chính sách ngoại giao đa phương mà phải cột chặt vào qũy đạo của một đại cường nào đó, chẳng hạn như Mễ Tây Cơ và Gia Nã Đại. Giả thử ngày mai đây nếu Mễ Tây Cơ hay Gia Nã Đại theo chính sách ngoại giao đa phương bằng cách “giao hảo” với Nga hay Tàu, lập tức Hoa Kỳ sẽ tìm cách lật đổ chính quyền hiện hữu để thiết lập một chính quyền thân Mỹ tại đây. Nếu Nga hay Tàu có một căn cứ hải quân hay không quân tại đây, thì Mỹ sẽ tiến quân vào, chia cắt đất nước này để lập một vùng trái độn chứ không bao giờ chấp nhận để Mễ Tây Cơ hay Gia Nã Đại trở thành bàn đạp để tấn công Hoa Kỳ giống như tình trạng của Ukraine bây giờ. Do yếu tố địa lý, do nhược tiểu so với Mỹ, hai quốc gia Mễ Tây Cơ, Gia Nã Đại sẽ là “đàn em” trung thành với Hoa Kỳ muôn đời và không bao giờ có chính sách ngoại giao độc lập hay đa phương.

-Đối với những quốc gia nằm trong vùng tranh chấp giữa các đại cường như Việt Nam và Phi Luật Tân, nếu muốn tồn tại và vươn lên và không để đất nước mình biến thành bãi chiến trường đẫm máu thì bắt buộc phải theo chính sách ngoại giao đa phương tức giao hảo và cân bằng ảnh hưởng giữa các siêu cường. Hiện nay ba quốc gia có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở khu vực theo thứ tự và theo thực lực là: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Nhật Bản cũng có ảnh hưởng nhưng không phải ảnh hưởng quyết định. Do đó một chính sách ngoại giao đa phương cho các quốc gia trong vùng Biển Đông là phải giao hảo với ba “ông kẹ” Mỹ, Nga và Tàu. Rõ ràng Phi Luật Tân đã theo chân Việt Nam để theo đuổi chính sách này. Thế nhưng chính sách ngoại giao “đu dây” vô cùng khó khăn và đòi hỏi nhiều điểu kiện.

Thứ nhất: Chính trị nội bộ phải ổn định. Nếu chính phủ muốn giao hảo với Mỹ hay Trung Quốc mà đối lập kích động dân chúng xuống đường biểu tình chống Mỹ hay Trung Quốc thì sách lược ngoại giao gặp khó khăn.

Thứ hai: Đất nước phải đủ mạnh để không bị lệ thuộc ngoại bang về kinh tế cũng như quốc phòng.

Thứ ba: Phải có bản lĩnh và vô cùng linh động. Âm thầm mà làm, không tuyên bố ồn ào, tránh khiêu khich hay chạm tự ái lãnh đạo các quốc gia khác dù trong bụng mình khinh thường hay căm ghét.

Thứ tư: Không nên có bất cứ lời tuyên bố chính thức nào của chính phủ chống đối lại một trong ba “ông kẹ” nói trên trong những vấn đề quốc tế. Chính sách ngoại giao đa phương cũng là chính sách “giả ngu giả điếc” hay nói nôm na là “ngậm miệng ăn tiền” giống như Phần Lan. Ba “Ông Kẹ” đụng độ với nhau, mình là “tép riu” sức đâu mà “bình luận” hay phê phán ngoại trừ liên quan đến quyền lợi của đất nước. Ngay như Úc còn phải “ngậm miệng” trước sự hung hãn của Hoa Lục tại Biển Đông. Trong trường hợp bảo vệ quyền lợi của đất nước, dù hành động cương quyết nhưng vẫn chừng mực, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Cái “phao” để các nước nhỏ bám vào là Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Việc Ô. Duterte đe dọa rút ra khỏi Liên Hiệp Quốc là tuyên bố thiếu suy nghĩ.

Thứ năm: Xin nhớ cho, chính sách ngoại giao đa phương là chính sách không chống ai. Nếu Ô. Duterte tiếp tục có những lời tuyên bố chống Mỹ hay phớt lờ quyền lợi của Mỹ tại Biển Đông thì chính sách ngoại giao đó sẽ thất bại. Rất may mới đây ông tuyên bố chấp nhận tuần tra chung với Mỹ tại Biển Đông và đã viếng thăm Việt Nam. 

Các nước nhỏ cần phải liên kết với nhau để ít ra trong lúc ‘tối lửa tắt đèn” sẽ hỗ trợ và bênh vực lẫn nhau. Thực ra, Phi Luật Tân chẳng thua thiệt gì nếu Phi Luật Tân làm như Việt Nam đã làm là tuyên bố, “Sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông là cần thiết nếu nó đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực.” Lời tuyên bố này sẽ làm Hoa Kỳ “mát lòng mát dạ” dù sau đó ông Duterte có ghé thăm Bắc Kinh hay Mạc Tư Khoa thì cũng Hoa Kỳ cũng sẽ lờ đi. 

Theo tôi, chính sách ngoại giao đa phương của Ô. Duterte chỉ thành công và đem lại phúc lợi cho Phi Luật Tân nếu “không chống Mỹ” và chấp nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ ở một mức độ nào đó hầu làm đòn bẩy để ông “làm bạn” hay “đu dây” với Bắc Kinh mà không bị lên án là “ngả” theo Trung Quốc. Theo RFI ngày 21/9/2016, Ô. Duterte nói rằng “Manila cần có quân đội Mỹ hiện diện tại Biển Đông.” Đây là lời tuyên bố cần thiết cho sinh mệnh của Phi Luật Tân. 

Nhân chuyến công du Việt Nam của Ô. Duterte, Newsweek ngày 29/9/2016 đưa nhận định, “Việc Phi Luật Tân tiếp tục công kích Hoa Kỳ khiến Việt Nam lo ngại, Ô. Duterte có thể tham khảo với các nhà lãnh đạo Việt Nam xem cách họ điều hành mối liên hệ với Hoa Kỳ,Trung Quốc và Nhật Bản trong bối cảnh vô cùng phức tạp ngày hôm nay.” 

(Duterte might consult Vietnam's leaders about how they manage relations with China, the United States, and Japan in what was now "a very complicated environment .) Cùng ngày, AFP loan tin, “Bộ Trưởng Quốc Phòng Carter nói rằng, “Liên minh quân sự Mỹ-Phi vững như bàn thạch cho dù tổng thống nước này nói rằng sẽ chấm dứt những cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.” Điều này cho thấy Mỹ quyết tâm ở lại Phi Luật Tân cho dù lập trường của Ô. Duterte thế nào đi nữa.

Trong tương quan lực lượng của thế giới ngày hôm nay, không một quốc gia nào, kể cả Nga hay Trung Quốc có thể phớt lờ cảnh báo cũng như quyền lợi của Mỹ. Theo tin tức ngày 27/9/2016, tàu duyên phòng Trung Quốc đã xua đuổi tàu đánh cá Phi Luật Tân tại Bãi Cạn Scarborough cho dù Tổng Thống Duterte kêu gọi Hoa Lục cho phép Phi được đánh cá tại Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của chính mình. 

Liệu Phi Luật Tân có thể “làm bạn” với Hoa Lục được không? Do đó, dù độc lập dân tộc là tối thượng, dù quá khứ Mỹ đô hộ Phi Luật Tân (1898-1946) là tủi nhục, nhưng Ô. Duterte phải hết sức thận trọng để tránh một thảm họa cho chính ông và cho đất nước ông.
Đào Văn Bình
(California ngày 30/9/2016)

__._,_.___

Posted by: Binh Dao

No comments:

Post a Comment