Nga và Trung Quốc
thông đồng tại Biển Đông ?
Chiến hạm Nga tại cảng Trạm Giang, Quảng Đông chuẩn bị tham gia
tập trận chung với Trung Quốc ngày 12/09/2016.REUTERS/Stringer
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu hồi tháng Chín, Trung
Quốc tỏ rõ rằng tổng thống Nga Vladimir Putin là thượng khách hàng đầu. Cả Nga
và Trung Quốc đều khoe là quan hệ song phương
« tốt đẹp hơn bao giờ hết », đồng thời chứng tỏ một «
sự tin tưởng cao độ chưa từng có ». Ông Putin mô tả quan hệ này là «
đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược ».
Quan hệ Nga-Trung dựa trên mong muốn chung là đẩy lùi Hoa Kỳ,
chống lại sự phát triển NATO ở châu Âu và chính sách tái cân bằng sang châu
Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Các biện pháp trừng phạt do Mỹ và châu Âu áp đặt đối với
Nga đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này, Nga cần thị trường mới để xuất khẩu
năng lượng, đặc biệt là dầu khí. Trung Quốc đã ký kết một hợp đồng lớn mua khí
đốt của Nga, và là một thị trường rộng lớn cho vũ khí và công nghệ Nga.
Ve vãn Trung Quốc, nhưng không muốn mất lòng Việt Nam và Ấn Độ
Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Thayer của trường đại học New South
Wales, Úc, lợi ích của Nga v à Trung Quốc không phải luôn hòa hợp với nhau. Nga
lo lắng trước dự án « Một vành đai, một con đường »
của Tập Cận Bình, vốn nhằm mở rộng sang Trung Á. Matxcơva cũng đối mặt với
thách thức khó khăn là làm thế nào xúc tiến quan hệ với Bắc Kinh mà không làm phương
hại đến quan hệ truyền thống với Việt Nam, Ấn Độ ; trong khi cả hai nước này
đều chịu áp lực nặng nề của Trung Quốc.
Sự giằng co này được biểu lộ qua quan điểm của Nga về Biển Đông.
Đầu tiên Matxcơva không đứng về bên nào trong tranh chấp, và ủng hộ tự do hàng hải,
kể cả tự do hàng không, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình giữa các bên
liên quan dựa trên luật pháp quốc tế. Nhưng gần đây Nga lại phản đối sự can dự
của bên thứ ba ngoài khu vực, vì theo Putin, sự tham gia này
« sẽ chỉ làm thiệt hại cho việc giải quyết vấn đề, và phản tác dụng ».
Ông Putin ủng hộ lập trường của Trung Quốc về phán quyết mới đây
của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) với lý do là phán quyết được đưa ra mà không
có sự hiện diện của Trung Quốc, hay quan điểm của Bắc Kinh không được xét đến.
Putin biện hộ rằng đây là vấn đề pháp lý hơn là chính trị.
Thực ra, ông thiếu thông tin (hoặc là chọn lựa làm ngơ), rằng thủ
tục trọng tài được tiến hành theo phụ lục VII của UNCLOS, mà điều 9 nói rõ «
sự khiếm diện của một bên hay việc một bên thất bại trong việc biện hộ sẽ không
được coi là trở ngại cho tiến trình ».
Kết luận rút ra là ông Putin chắc chắn đang cố gắng tìm cách lấy
lòng Trung Quốc, cho dù phải trả cái giá là ảnh hưởng đến những mối quan hệ
bằng hữu xưa nay trong khu vực.
Nga và Việt Nam thỏa thuận rằng tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông
phải được giải quyết một cách hòa bình bởi các bên liên quan. Nhưng Nga không
tôn trọng quan điểm của Việt Nam là khi liên quan đến lợi ích của bên thứ ba
trong khu vực, thì bên thứ ba này phải được tham gia đàm phán. Việt Nam ghi
nhận lợi ích của các bên ngoài khu vực, đặc biệt khi liên quan đến tự do hàng
hải và hàng không.
Yêu sách chủ quyền quá đáng và các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại
Biển Đông nhắm vào việc thống trị vùng biển này, rốt cuộc đã hạn chế các hoạt động
của các chiến hạm Hoa Kỳ (và những nước khác). Nói một cách khác, các hành động
của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải và hàng không của các quốc gia trong khu
vực cũng như các cường quốc khác.
Giáo sư Carl Thayer nhận định, như vậy Nga đã giả dối, vì trên
thực tế lợi ích của bên thứ ba ngoài khu vực bị Trung Quốc xâm hại. Ông Putin
ủng hộ tự do hàng hải cho Hải quân Nga, nhưng làm ngơ nếu Bắc Kinh gây khó khăn
cho Hải quân Hoa Kỳ.
Không sử dụng từ « đồng minh »
Cũng theo giáo sư Thayer, mặc cho sự gần gũi mới này, cả Nga và
Trung Quốc đều thận trọng không sử dụng từ «
đồng minh » để chỉ quan hệ chính trị và quân sự của đôi bên.
Thường thì quan hệ đồng minh chính thức nhằm đối phó trực tiếp với
bên thứ ba, liên quan đến một cam kết mà đôi bên đã ký kết để có hành động
chung trong những tình huống nhất định, như một cuộc tấn công vũ trang vào một trong
các bên. Đương nhiên là một đồng minh Nga-Trung nhắm vào Hoa Kỳ và các đồng
minh của Mỹ, trên thực tế có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Và như thế sẽ phản tác dụng. Một liên minh Nga-Trung có thể tạo hệ
quả là tái tạo sinh lực cho mạng lưới đồng minh Mỹ ở cả châu Âu và châu Á-Thái
Bình Dương. Các nước thành viên ASEAN riêng rẽ có thể chịu áp lực nặng nề phải
đứng về một bên nào đó để củng cố an ninh của chính mình.
Cuối cùng, giả thiết về đồng minh Nga-Trung có thể gây ra một cuộc
chạy đua vũ trang toàn cầu, tạo thêm căng thẳng và làm tăng nguy cơ xung đột ở
biển Hoa Đông cũng như Biển Đông, nơi cả ba cường quốc có lợi ích cụ thể.
Giáo sư Thayer kết luận, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục làm việc
chung khi có cùng lợi ích. Hai bên sẽ phối hợp hành động và hợp tác về an ninh
cũng như các vấn đề chiến lược gây ảnh hưởng đến họ, đặc biệt là đối phó với các
hỏa tiễn đạn đạo của Mỹ ở châu Âu, và hệ thống lá chắn tên lửa (THAAD) tại Hàn
Quốc. Nhưng Bắc Kinh và Matxcơva cũng sẽ hợp tác với Washington nếu thấy có lợi
cho mình.
Nga và Hoa Kỳ đã làm việc cùng nhau để giải quyết cuộc xung đột
Syria (tuy nhiên những khó khăn trong hồ sơ này cũng có thể khiến đôi bên quay
mặt). Trong khi đó Trung Quốc và Hoa Kỳ hợp tác trên một loạt vấn đề quốc tế đa
dạng, từ biến đổi khí hậu cho đến nguyên tử Bắc Triều Tiên.
Do đó, theo giáo sư Carl Thayer, những gì chúng ta trông thấy có
thể nói một cách chính xác hơn là sự hợp tác nhất thời vì những lợi ích giới
hạn, chứ không phải là một cam kết chiến lược sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment