Tuesday 16 August 2016

Biển Đông: Trái Mìn Nổ Chậm?


Biển Đông: Trái Mìn Nổ Chậm?
Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Tám ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình thế giới:
            -Good Morning America ngày 1/8/2016: “Theo yêu cầu của Chính Phủ Hòa Hợp Quốc Gia (Government of National Accord), Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc không kích chống Nhà Nước Hồi Giáo ISIS tại Sirte, Libya.”

            Sau khi Hoa Kỳ đem HKMH vào Địa Trung Hải, thiết lập Vùng Cấm Bay, tiêu diệt Ô. Qaddafi năm 2011, từ một đất nước tuy độc tài nhưng không khủng bố, không Nhà Nước Hồi Giáo nay chia đôi, khủng bố quốc tế và ISIS bắt rễ, khiến Hoa Kỳ phải gửi biệt kích và máy bay không người lái tới để chống lại cái mà quốc tế nói rằng do chính Hoa Kỳ tạo ra mà Ô. Obama nói rằng đó là một sai lầm tệ hại trong suốt nhiệm kỳ tám năm của ông.

            -AP ngày 3/8/2016: “Đệ Nhất Phu Nhân của Nicaragua - Rosario Murillo đã được chồng là Daniel Ortega cử làm ứng cử viên phó tổng thống trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ thứ ba của ông vào ngày 6/11/2016.”

            Trên đời có nhiều chuyện lạ xoay quanh việc ham mê và thâu tóm quyền lực. Trong một loạt các nhà độc tài chúng ta thấy Ô. Ferdinand Marcos cho vợ làm Thị Trưởng Manila sau bị lật đổ, sống lưu vong rồi chết tại Hawaii. Nhà độc tài Juan Peron của Argentina để bà vợ thứ ba làm phó tổng thống và trở thành tổng thống khi ông qua đời vào năm 1974. Tống Mỹ Linh và cả gia đình nắm hết quyền lực củaTrung Hoa Dân Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch sau thua chạy qua Đài Loan rồi bà chết tại Cựu Kim Sơn năm 2003.  Bill Clinton làm tổng thống 8 năm, thấy chức vụ tổng thống “thơm” quá cho nên chuẩn bị cho Bà Hillary làm tổng thống cho vui và xem cái thú làm tổng thống sướng thế nào. 

Chứ nếu chức vụ tổng thống mà khổ, phải bỏ tiền của ra để “hy sanh” chắc chẳng ai ham. “Ai bảo tổng thống là khổ? Không, tổng thống sướng lắm chứ.” Quyền lực là cái gì thật quyến rũ. Đã nắm rồi thì mê đắm, sửa hiến pháp để “hy sanh” thêm dăm ba nhiệm kỳ nữa và chỉ buông ra khi bị cất chức, lật đổ hoặc chết. Hễ còn sống thì truyền con con cái, anh chị em và nhất là vợ… cho chắc ăn. Ở Mỹ chúng ta thấy có Kennedy Dynasty, Bush Dynasty rồi sẽ tới Clinton Dynasty…cô Chelsea chuẩn bị ra ứng cử thượng nghị sĩ nếu mẹ đắc cử là vừa. Ô. Clinton nói rằng con gái ông còn giỏi hơn vợ ông nữa. Không biết tương lai Ô. Ortega đi về đâu? Hay Nicaragua cũng nên có một nữ tổng thống cho kịp trào lưu thế giới từ từ chuyển quyền lực vào tay các bà?


            -Los Angeles Times ngày 9/8/2016: Xuất hiện trên truyền hình tại miền nam của Thành Phố Davao, tổng thống vừa tuyên thệ Duterte đã đưa ra danh tánh 150 viên chức chính phủ Phi Luật Tân đã can dự vào việc chuyển vận ma túy trong đó có dân biểu quốc hội, cảnh sát lẫn năm ông tướng đương nhiệm lẫn hồi hưu và ít nhất bảy thẩm phán và cho họ thời hạn 24 tiếng phải trình diện và vài chục ông đã đã tự nạp mình tại sở cảnh sát.”

            Thật chưa có một ông tổng thống nào có hành động kỳ lạ và “bạo” như vậy. Nhưng biết đâu “Thuốc đắng dã tật? “ Trước thảm trạng đất nước muốn tiêu ma vì xì-ke ma túy mà sử dụng biện pháp “rùa hành chánh”,  ba tòa quan lớn bàn cãi, kháng cáo, các luật sư nhân quyền khiếu nại mọi thứ để xin tha bổng thì “từ chết tới bị thương”. Hãy thử nhìn vào đất nước Mễ Tây Cơ mà xem. Ô. Duterte có thể là người nhiệt tình yêu nước. 

Vào ngày 10/8/2016, Washington Post đưa tin Tổng Thống Duterte đã hạ nhục đại sứ của Hoa Kỳ khi ông nói, “Như quý vị đã biết, tôi đang chống lại đại sứ của John Kerry- một gã ái nam ái nữ, con của một con điếm. Y đái vào mặt tôi. Nhưng Ô. Duterte nói bằng tiếng Tagalog cho nên chữ “con của con điếm” có thể chỉ có nghĩa là “chó đẻ” trong tiếng Anh. (As you know, I’m fighting with [U.S. Secretary of State John Kerry’s] ambassador. His gay ambassador, the son of a whore. He pissed me off,” Duterte said. (He was speaking in Tagalog, the main language of the Philippines, and the word for "son of a whore" isn't quite as pointed as it seems in English. It might be compared to calling someone an S.O.B.) Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã triệu tập Tham Vụ Ngoại Giao của Tòa Đại Sứ Phi Luật Tân tại Hoa Thịnh Đốn để yêu cầu giải thích về lời tuyên bố này. “

                Như tôi đã nói trước đây, kể từ khi Ô. Duterte nhậm chức, Mỹ sẽ gặp khó khăn về ngoại giao với Phi Luật Tân. Đây có thể chỉ là “nút xì” của ẩn ức kéo dài kể từ cuộc chiến tranh Phi Luật Tân-Hoa Kỳ 1899-1902 sau đó Phi trở thành thuộc địa của Hoa Kỳ. Vị đại sứ Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân sắp tới phải hết sức cẩn thận, khéo léo đừng để chạm tự ái “ông tổng thống Trương Phi” này giữa lúc Hoa Lục đang bành trướng quân sự và ảnh hưởng chính trị tại Á Châu. Ông/Bà đại sứ mới hãy trông gương Ô. Đại Sứ Hoa Kỳ Ted Osius tại Việt Nam. Mình là siêu cường mà khiêm cung thỉ người ta mới nể sợ. Hách xì xằng gặp “ông Trương Phi” phang cho thì  xấu hổ, có khi mất chức và hỏng việc.

            -Reuters ngày 9/8/2016: “Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vừa chấp thuận việc có thể bán (potential sale) cho Ả Rập Sê-út 130 xe thiết giáp Abrams, 20 thiết vận xa chuyên dùng để sửa chữa xe tăng hư hại và những thiết bị khác trị giá 1.15 tỉ Mỹ Kim. Việc chấp thuận bán vũ khí dùng cho bộ binh xuất hiện giữa lúc Ả Rập Sê-út đang cầm đầu một liên minh quân sự để hỗ trợ cho lực lượng của tổng thống lưu vong  Hadi đang muốn trục xuất phiến quân Shiite-Houthis do Ba Tư hỗ trợ đang chiếm cứ Thủ Đô Sanna.” Một số nhà bình luận cho rằng việc mua thêm vũ khí phơi bày tổn thất của Ả Rập Sê-út trong chiến dịch tiêu diệt phe phiến quân Houthis. 

            -USA Today ngày 9/8/2016: “Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng Thống Nga Putin trong cuộc gặp gỡ hôm 9/8/2016  đã thỏa thuận phục hồi kinh tế bị thiệt hại sau khi Thổ bắn rơi một máy bay Nga vào Tháng 11. Hai người bắt tay nhau và trao đổi một vài lời vui đùa sau cuộc họp tại Lâu Đài Konstantin ở St. Petersburg, Ông Erdogan đã cám ơn Ô. Putin đã sớm gọi điện thoại ngay sau âm mưu đảo chính vào ngày 15/7/2016. Nhà lãnh đạo Nga ca ngợi người đồng cấp đã cam kết nối lại bang giao và nói rằng chuyến thăm viếng có nghĩa là tất cả hai bên đều muốn tái tục thương thảo.” Chưa thấy phản ứng của Hoa Kỳ về chuyển động ngoại giao này.

            -AP ngày 13/8/2016: “11 cuộc nổ bom liên tiếp tại những khu du lịch Thái Lan khiến 4 người chết mấy chục người bị thương trong đó có 11 du khách ngoại quốc khiến Thủ Tướng Prayut Chan-ocha hối hả tìm xem động lực của những cuộc khủng bố này là gi? Chưa biết tổ chức nào đứng đằng sau những cuộc tấn công, nhưng bất ổn chính trị có thể là nguyên do chính. Sau cuộc đảo chính năm 2014, tập đoàn quân phiệt đang phải đối đầu với sự chống đối chính trị của phe Áo Đỏ và cuộc nổi dậy dai dẳng của nhóm chiến binh Hồi Giáo ở miền nam từ năm 2004 khiến 5000 người chết.” Tin tức mới nhất cho biết cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ một số nhân vật chính trị nói là có dính líu tới những vụ đánh bom này. 

Nhưng Đảng Pheu Thái (Áo Đỏ) đã bác bỏ mọi liên quan đến hoạt động khủng bố. Phải chăng Thái Lan lại theo chân Thổ Nhĩ Kỳ “mượn gió bẻ măng” lợi dụng  vụ đánh bom khủng bố để tiêu diệt hàng ngũ đối lập? Nếu vậy “nhóm khủng bố” sẽ mừng hết lớn vì được an toàn tiếp tục đánh bom mà không bị điều tra, bắt giữ, truy tố…và đất nước Thái Lan rồi sẽ thối nát thêm. Đây là căn bệnh trầm kha của các nước độc tài chậm tiến Á-Phi và Châu Mỹ La Tinh và ngày nay thêm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập nữa.

            -Reuters ngày 13/8/2016: “Một giáo sĩ Hồi Giáo bị bắn chết cùng với một tín đồ trong lúc đi bộ về nhà sau buổi lễ cầu nguyện tại một thánh đường tại Queens thuộc Thành Phố New York.”
 Đây là một vụ án nghiêm trọng có thể do thành phần cực đoan người Mỹ tiến hành và cũng có thể là sự thanh toán trong nội bộ Hồi Giáo. Nước Mỹ phải mau chóng tìm ra thủ phạm nếu không, thành phần Hồi Giáo quá khích sẽ lợi dụng để kích động phong trào chống Mỹ. Trong khi đó bạo động bùng phát tại Mayhem, Milwaukee . Khoảng 800 dân Da Đen đã tràn ra đường, phóng hỏa một khu phố, đập phá xe cảnh sát, trạm xe buýt và hôi của sau khi cảnh sát mặc thường phục, đuổi theo và bắn chết một thanh niên Da Đen 23 tuổi mà họ nói có cầm vũ khi. Cộng với tin đáng buồn này, hai cảnh sát Mỹ lại bị bắn chết tại Tiểu Bang Georgia.

Tình hình Syria:
            -AP ngày 1/8/2016; “Một phi cơ trực thăng chuyển quân của Nga bị bắn rơi trên lãnh thổ của phe  phiến quân tại bắc Syria, cả 5 phi hành đoàn và sĩ quan trên tàu đề tử nạn.”
            -AFP ngày 2/8/2016: “Trong lúc cuộc giao tranh giữa các phe gia tăng dữ dội, Ngoại Trưởng John Kerry thúc giục Nga và chính quyền Syria tự chế để sự chuyển tiếp chính trị có thể bắt đầu. Ông cũng nói rằng về phần Hoa Kỳ, trách nhiệm là làm sao để phe phiến quân cũng tự chế.”

            Trong Chiến Tranh Việt Nam, John Kerry là trung úy thuyền trưởng một giang tốc đỉnh hoạt động ở Cà Mau, nhưng chắc chắn ông không phải là một nhà quân sự. Tôi không hiểu trong lúc hai bên giao tranh dữ dội để tranh giành nửa phần còn lại của Aleppo để phân thắng bại mà lại buộc các bên phải “tự chế” là như thế nào? Tự chế là không tiến thêm nữa? Không bắn trả khi bị tấn công? Hay bắn trả vừa vừa thôi? Và thế nào là vừa vừa? Và ai giám sát, làm chứng cho sự “tự chế” này? Nếu đơn vị của tôi bị tấn công, là cấp chỉ huy, tôi phải tận dụng tối đa hỏa lực để tiêu diệt đối phương. Đó là quy luật sống còn trên chiến trường và không thể có sự ‘tự chế”. 

Chính ra Ô. John Kerry nên đề nghị một cuộc ngưng bắn tạm thời, dù vài tiếng đồng hồ cũng được, thì may ra mới khả thi. Để nghị của Ô. John Kerry phản ảnh sự lúng túng của Hoa Kỳ trong việc giải quyết cuộc chiến Syria. Vào ngày 4/8/2016, trong cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài, Tổng Thống Obama nói rằng những lựa chọn (một giải pháp) cho Syria rất hạn chế. Điều này cho thấy Hoa Kỳ không có biện pháp  mạnh để lật đổ Ô. Assad và có thể sẽ để phe nổi dậy trôi theo số phận. Tin tức mới nhất cho biết phe phiến quân đang tung ra những trận đánh quyết tử để bảo vệ phần đất phía đông của Aleppo. Theo AFP, hơn 500 binh sĩ chính phủ và phiến quân đã chết trong các cuộc giao tranh này. Dĩ nhiên là hai bên chẳng “tự chế” tí nào cả.

Tình hình Biển Đông:
-AP ngày 1/8/2016: “Trung Quốc tái khẳng định cam kết bảo vệ lãnh thổ giữa lúc căng thẳng mới về biên giới và tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong một buổi tiếp tân, Bộ Trưởng Quốc Phòng Thường Vạn Toàn nói rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và quyền lợi phát triển cần phải được bảo vệ.” Trong khi đó theo Business Insider,”Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã đi bài xã luận đòi tấn công Úc Đại Lợi vì đã ủng hộ phán quyết phán quyết của Tòa Hague và tấn công luôn các tàu của Úc thamg gia chiến dịch Tự Do Hàng Hải ở trong vùng.” Còn theo Reuters, một giới chức Trung Quốc dấu tên cho biết,”Ông Tập Cận Bình nói rằng quân đội hãy sẵn sàng, chúng ta phải tiến vào và cho chúng nó “lỗ mũi ăn trầu” (bloody nose) giống như Đặng Tiểu Bình làm năm 1979, ý nói cuộc chiến trừng phạt Hà Nội vì đã tiêu diệt Khờ Me Đỏ - đồng minh của Trung Quốc.”
            Theo tôi nghĩ, đây là những tuyên bố cường điệu để che dấu thất bại và bẽ bàng của một chính sách bành trướng thiếu suy tính. Lãnh đạo đất nước mà che dấu thất bại hoặc không dám nhận thất bại để sửa chữa sẽ là một thảm họa. Các minh quân đều biết nghe lời nói phải trong đó có việc nhận định đúng-sai. Hôn quân ám chúa - ai nói mình sai là chém đầu liền cho nên hôn quân ám chúa đều chết thảm và có khi cả gia đình, tộc họ cũng chết theo. Ngày xưa để trị quốc, các minh quân đều có Quan Ngự Sử can gián. Một đất nước không có lời nói “phải” cất lên thì đất nước đó sớm muộn cũng tiêu vong. 

Tuy nhiên cũng cần phân biệt giữa lời nói “phải” và phá hoại. Phá hoại là dù làm đúng vẫn chống đối, bôi lọ hay bẻ quẹo, xuyên tạc. Còn lời nói “phải” là lời nói cẩn trọng của các bậc sĩ phu, trung thần nghĩa sĩ, đặt quyền lợi tối thượng của đất nước, của nhân dân lên trên mà nói. Có thể Trung Quốc sẽ xụp đổ vì không còn hàng ngũ trí thức.  Khi trí thức hoặc sĩ phu bị tiêu diệt thì đất nước giống như “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm.” Vì mù cho nên thay vì đâm kẻ thù lại đâm vào chính mình luôn.

            -Reuters ngày 6/8/2016: “Viên Thượng Tá Không Quân Trung Quốc Shen Jinke cho biết Hoa Lục đã cho oanh tạc cơ H-6 và chiến đấu cơ Su-30 bay tuần thám trên không phận chung quanhTrường Sa và Bãi Cạn Scarbotrough. Chiến dịch này bao gồm cả máy bay tuần thám và máy bay tiếp nhiên liệu trên không.” Trong khi đó theo International Business Times (Luân Đôn), Nhật Bản đã lên tiếng phản đối sau khi phát hiện sáu tàu duyên phòng và 230 tàu đánh cá Trung Quốc tiến vào gần khu vực tranh chấp tại Biển Hoa Đông.

                -Sputnix News ngày 7/8/2016: “ HKMH đầu tiên của Trung Quốc là tàu Liêu Ninh mua lại xác tàu cũ của Ukraine vào năm 1998, đóng từ thời Liên Xô. Ngày 31/12/2015, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết nước này đang đóng tàu sân bay thứ hai có độ choán nước/trọng tải 50.000 tấn tại Cảng Đại Liên, bắc Trung Quốc, với kỹ thuật hoàn toàn trong nước. Sputnik News tiết lộ rằng trong khi đang đóng HKMH  thứ hai, PLA đã lên kế hoạch đóng tiếp một tàu thứ ba.” Điều này cho thấy Hoa Lục không phải “đồ dổm”, “hàng mã” như chúng ta suy nghĩ. Trung Quốc hiện nay đang có khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ để làm chủ Thái Bình Dương. Hoa Kỳ chỉ muốn hòa dịu chứ không muốn căng thẳng với Hoa Lục. AP ngày 9/8/2016 đưa tin, “Việc Khu Trục Hạm Benfold trang bị hỏa tiễn đạn đạo viếng thăm Cảng Thanh Đảo của Trung Quốc tuần này là chuyển động mới nhất trong nỗ lực dài nhằm xây dựng lòng tin giữa hai lực lượng quân sự, giữa những căng thẳng và cạnh tranh khống chế Á Châu.” 

            -Reuters (Hương Cảng) ngày 9/8/2016:  “Việt Nam đã bí mật phòng thủ nhiều đảo của mình tại Biển Đông bằng các giàn phóng hỏa tiễn di động mới có khả năng tấn công phi đạo và căn cứ quân sự của Trung Quốc dọc theo hải lộ chiến lược. Các giới chức quân sự và ngoại giao nói với Reuters rằng tin tức tình báo cho biết Hà Nội đã chuyên chở những giàn phóng từ đất liền để bố trí trên 5 căn cứ ở Quần Đảo Trường Sa trong những tháng vừa qua, một chuyển động chắc chắn làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. 

Các giàn hỏa tiễn tối tân mua của Do Thái (*) này đã được ngụy trang để che mắt máy bay thám sát trên không, chưa được lắp đạn nhưng có thể triển khai trong vòng hai-ba ngày. Vào Tháng Sáu, Tướng Nguyễn Chí Vịnh- thứ trưởng quốc phòng nói với Reuters ở Hương Cảng rằng không có việc triển khai các giàn hỏa tiễn như vậy tại Trường Sa nhưng trong quyền tự vệ chính đáng, chúng tôi có quyền di chuyển bất cứ loại vũ khí nào, khắp nơi trong lãnh thổ của chúng tôi. (It is within our legitimate right to self-defense to move any of our weapons to any area at any time within our sovereign territory.) 
Những diễn biến đang xảy ra ở Biển Đông bây giờ, chúng ta thấy cách đây ba năm hoàn toàn không có, như:
- Hải Quân Trung Quốc tập trận liên miên. Oanh tạc cơ và phi cơ chiến đấu của Hoa Lục thường    xuyên tuần thám Biển Đông.

            -HKMH Mỹ hoạt động ở vùng này. Theo National Interest ngày 13/8/2016, Hoa Kỳ cho chuyển các máy bay ném bom tối tân nhất như B-1, B-2 và B-52 tới Đảo Guam- một cuộc biểu dương sức mạnh quân sự thật bất thường ở khu vực Thái Bình Dương.
            -Việt Nam gấp rút tăng cường sức mạnh hải quân và đưa hỏa tiễn tối tân ra Trường Sa.

Với những chuyển động quân sự mỗi lúc mỗi gia tăng đó, phải chăng Biển Đông đang là trái mìn nổ chậm? Quả bóng đang ở về phía Trung Quốc vì chắc chắn Hoa Kỳ, Việt Nam và Phi Luật Tân không mong muốn một cuộc chiến với Hoa Lục. Nhưng theo tôi,  nếu Hoa Lục bước thêm một bước nữa, chắc chắn có đụng độ quân sự tại Biển Đông.
Đào Văn Bình
(California ngày 15/8/2016)
(*) Hỏa tiễn EXTRA do Do Thái chế tạo có tầm bắn 150 km với các đầu đạn 150kg mang theo chất nổ hoặc bom  có thể tấn công nhiều mục tiêu trên biển và trên đất liền.

__._,_.___

Posted by: Binh Dao <

No comments:

Post a Comment