Tuesday, 12 July 2016

Toà quốc tế chính thức bác đường 9 đoạn của Trung Quốc




---------- Forwarded message ----------
From: khai tran

Toà quốc tế chính thức bác đường 9 đoạn của Trung Quốc

  • 16:07 12/07/2016
  • 6.1
 Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vừa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý.
Toàn cảnh vụ kiện yêu sách chủ quyền của TQ trên Biển Đông: Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, kết thúc vụ kiện kéo dài hơn 3 năm qua.


Một trong những nội dung đầu tiên PCA đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông.
“Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong ‘đường 9 đoạn’,” phán quyết của toà cho hay.
Toà khẳng định dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng, trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ "thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh".

Không có kết cấu đảo ở Trường Sa 

Theo Reuters, phán quyết 497 trang này cũng kết luận lực lượng tuần tra Trung Quốc có thể gây nguy hiểm khi đâm, đụng với tàu đánh cá và hoạt động xây dựng của họ gây ra tổn hại không thể phục hồi được đối với rạn san hô ở biển. 
Trong một điểm quan trọng, toà tuyên bố không một cấu trúc nào ở Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người ở đó nên không điểm nào có vùng đặc quyền kinh tế hay vùng thềm lục địa.
“Tòa thấy rằng Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines tại Vùng Đặc quyền kinh tế thông qua các biện pháp như ngăn chặn tàu đánh cá và tàu thăm dò của Philippines, xây dựng đảo nhân tạo...”, Tòa Trọng tài nhấn mạnh.
Tòa cũng cho rằng ngư dân Philippines và ngư dân Trung Quốc có quyền đánh cá ở Bãi cạn Scarborough nhưng Trung Quốc đã can thiệp để ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận vùng biển.

Hành động không phù hợp kể từ khi bắt đầu phiên toà 

Về vấn đề liệu hành động của Trung Quốc kể từ khi bắt đầu vụ kiện năm 2013 có làm tăng căng thẳng thêm giữa các bên, toà trọng tài PCA cho rằng "các hành động gần đây của Trung Quốc như lấn đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp".
Toà khẳng định Trung Quốc đã “gây hại không thể khắc phục môi trường biển”, xây đảo nhân tạo ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, và phá huỷ bằng chứng về điều kiện tự nhiên ở Biển Đông bằng hoạt động xây dựng đảo của mình. 

Theo chuyên gia Greg Polling của CSIS, PCA cũng đã lường trước khả năng Trung Quốc thiết lập vùng quân sự khi nêu rõ: luật biển UNCLOS “không cho phép một nhóm đảo... thiết lập thành các khu quân sự tập thể”.
Ông Ernie Bower của CSIS thì khẳng định “Trung Quốc giờ đối mặt với thực tế là nếu họ tiếp tục tuyên bố đường chín đoạn, thông qua hành động hay lời nói, thì tuyên bố này ở biển Đông là hoàn toàn sai luật.” 
Chuyên gia Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho rằng: “Phán quyết của tòa là cú đánh trực diện vào yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh chắn chắn sẽ phản ứng mạnh mẽ với những ngôn từ cứng rắn hay trở nên hung hăng hơn trên Biển Đông”.

Việt Nam hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài

Ngày 12/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra Phán quyết cuối cùng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết”.

Theo ông Bình, Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

“Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Bình nhấn mạnh.

Toa quoc te chinh thuc bac duong 9 doan cua Trung Quoc hinh anh 1
Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc. Ảnh: Getty

Philippines kêu gọi dân tránh phản ứng quá khích

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 12/7 tuyên bố hoan nghênh phán quyết của tòa án, đồng thời kêu gọi người dân kiềm chế và bình tĩnh để tránh phản ứng quá khích.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay dự kiến chủ trì cuộc họp báo để nêu rõ quan điểm Manila về phán quyết. "Các chuyên gia của chúng tôi đang nghiên cứu về phán quyết thận trọng. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan cần giữ bình tĩnh và kiềm chế. Philippines mạnh mẽ khẳng định rằng chúng tôi tôn trọng phán quyết mang ý nghĩa cột mốc này", Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài, khẳng định các đảo, đá mà nước này đang kiểm soát có vùng đặc quyền kinh tế và ngư dân nước này đã hoạt động trong khu vực suốt 2.000 năm qua.
Bắc Kinh khẳng định cái gọi là "chủ quyền" với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam đồng thời ngang ngược cho rằng các việc làm của Bắc Kinh "hợp pháp và phù hợp với thông lệ quốc tế".
Bên cạnh thông báo của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường mới tới căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam.

Nội dung PCA nhận thụ lý

Tòa trọng tài Thường trực khẳng định quyền tài phán với 7 trong 15 nội dung Philippines khởi kiện. Các nội dung này liên quan tới tính pháp lý của các đá và bãi cạn trên Biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng, bồi lấp nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.
Tòa cũng tiếp nhận đơn kiện của Manila về việc Trung Quốc cản trở ngư dân đánh bắt trên Biển Đông cũng như việc tàu công vụ Trung Quốc gây nguy hiểm với các tàu hành pháp Philippines trên các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.
Toa quoc te chinh thuc bac duong 9 doan cua Trung Quoc hinh anh 2
Đồ họa: CNN
Một trong những điều được chờ đợi là phán quyết của PCA về Ba Bình, thực thể tự nhiên lớn nhất quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Đài Loan, Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Dù không đưa Ba Bình vào phạm vi kiện nhưng trong phiên điều trần sau đó, Philippines đưa nó vào nội dung cần làm rõ. Manila lập luận thực thể không phải nơi cư dân sinh sống lâu đời và cũng không có nền kinh tế bền vững mà chỉ là nơi đồn trú quân sự và tồn tại dựa vào nguồn cung từ bên ngoài nên không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế.

Dự đoán phản ứng của Trung Quốc

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có thể đưa ra phản ứng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào phán quyết của PCA. Trong cấp độ nhẹ nhàng nhất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ lên tiếng phản đối, Bắc Kinh tăng cường chiến dịch truyền thông nhưng giảm các hành động trên thực địa và ngừng ngăn chặn tàu cá nước ngoài hay đuổi phi cơ quân sự hoạt động trong khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: AP
Ở cấp độ cao hơn, Bắc Kinh sẽ tuyên bố Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, buộc máy bay thương mại và máy bay quân sự thông báo kế hoạch bay cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể tăng cường hoạt động tuần tra của lực lượng Hải cảnh và Hải quân hoặc rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982.
Ở cấp độ tiêu cực nhất, Trung Quốc sẽ bồi lấp bãi cạn Scarborough, kéo tàu Sierra Madre ra khỏi vị trí nó đang mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây và công bố tọa độ chính xác của đường lưỡi bò, chính thức biến nó thành đường biên giới lãnh thổ, đồng thời củng cố chủ quyền với toàn bộ vùng nước, tài nguyên và các thực thể địa lý nằm trong đường 9 đoạn.

Dấu mốc chính về vụ kiện

Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ở Biển Đông. Ngày 19/2/2013, Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện bằng văn bản “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông” và bác bỏ yêu sách của Philippines.

Ngày 21/6/2013, Tòa Trọng tài được thành lập với 5 người do Thẩm phán Thomas A. Mensah đến từ Ghana chủ trì. Các thành viên khác gồm có Thẩm phán Jean-Pierre Cot người Pháp, Thẩm phán Stanislaw Pawlak người Ba Lan, Giáo sư Alfred Soons người Hà Lan và Thẩm phán Rudiger Wolfrum người Đức.

Bất chấp sự phủ nhận của Trung Quốc, ngày 29/10/2015, PCA ra phán quyết khẳng định quyền xét xử vụ kiện của Philippines nhằm vào yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ 24 – 30/11/2015, PCA có phiên điều trần cuối cùng về vụ kiện. Sau nhiều dự đoán, Tòa đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2016.

Trong suốt hơn 3 năm qua, Trung Quốc liên tục bác bỏ vụ kiện của Philippines và từ chối tham gia các phiên tranh tụng. Bắc Kinh cũng tuyên bố không tuân thủ phán quyết của PCA, điều mà các nhà phân tích nhận định là bất lợi cho Trung Quốc.
Hồng Duy - Thanh Tuấn



__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment