Phán quyết PCA và tương lai
của biển Đông
Bùi
Quang Vơm (Danlambao) - Còn hai ngày nữa, ngày 12/07/2016 Tòa trọng
tài thường trực (PCA) sẽ đưa ra phát xét chính thức cho phiên xử đơn
kiện của Philippines về đường lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông.
Có thể tin chắc chắn rằng phán quyết của
PCA sẽ ủng hộ Philippines, bác bỏ yêu sách chủ quyền đường chín đoạn
hay đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra chỉ dựa trên “chứng cứ lịch
sử”, chiếm hơn 80% diện tích biển Đông Thái Bình Dương, nơi có lưu
lượng luân chuyển chiếm gần 50% tổng lượng hàng hoá toàn cầu với
giá trị gần 5000 tỷ USD.
Trung Quốc bị dồn vào thế bắt buộc phải
lựa chọn thái độ hành xử. Tuỳ theo từng lựa chọn, số phận biển
Đông, trật tự thế giới và an ninh toàn cầu có thể thay đổi.
Tất nhiên, trước một sự kiện, sẽ có ba
khả năng xảy ra, ba phương án mà Trung Quốc lựa chọn.
- Phương
án thứ nhất, Trung Quốc chấp nhận thua kiện, thừa nhận tính phi pháp
của đường lưỡi bò, muối mặt rút lại “chủ quyền không thể chối cãi”
nhưng không thể chứng minh.
Buộc phải chấp nhận giữ nguyên hiện
trạng, huỷ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ biển Đông. Với
phương án này, Trung Quốc buộc phải từ bỏ giấc mơ Trung Hoa, từ bỏ
“con đường tơ lụa trên biển” và giấc mơ chia đôi Thái Bình Dương với
Mỹ, quay lại chiến lược “thao quang dưỡng hối”, hoàn chỉnh các căn cứ
tại Hoàng Sa, âm thầm hoàn thiện vũ trang các thực thể đã chiếm
được tại Trường Sa, chờ đợi giàu có lên cho đến khi bằng và vượt Mỹ
về năng lực quân sự, chờ đợi khủng hoảng của Mỹ, khủng hoảng của
thế giới các cường quốc, mai phục một khủng khoảng toàn cầu. Trong
khi tìm mọi các tăng trưởng nhanh nhất về kinh tế, Trung Quốc sẽ tận
dụng mọi cơ hội để chia rẽ thế giới siêu cường, kích thích các mâu
thuẫn giữa Nga và phương Tây, nuôi dưỡng và duy trì khủng hoảng trung
đông và giữ cho biển Đông không có chiến tranh nhưng luôn có xung đột
cục bộ, giữ lửa để có thể bùng phát thành chiến tranh bất cứ lúc
nào có cơ hội. Đây là chủ trương của Đặng Tiểu Bình, “chủ quyền của
ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”. Khát vọng chiếm đoạt biển Đông
không bao giờ bị từ bỏ, nhưng không được đưa ra như một mục tiêu có
hạn định thời gian.
Kịch bản này tuy vậy, lại rất khó có
thể chấp nhận. Vì trên thực tế, nhà cầm quyền Bắc Kinh, thúc đẩy
bởi ảo tưởng siêu cường sau 40 năm liền tăng trưởng, đã đi quá xa trong
việc kích đ̣ộng chủ nghĩa dân tộc, nhằm tạo ra sự cố kết quốc gia,
sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu. Trung Quốc đã đẩy khát vọng thành
một thứ ma tuý.
Nhưng trong một xã hội có truyền thống
rời rã, bất tuân quyền lực trung ương, lực dính kết bề ngoài, chỉ
bằng khát vọng đại Hán, là con dao hai lưỡi. Chấp nhận thất bại
đường lưỡi bò là thất bại của giấc mơ siêu cường bá chủ, là thất
bại của tính chính danh và uy thế quy tụ, tập trung quyền lực của
tập đoàn cầm quyền, nguy cơ phân rã, nội loạn và tan vỡ có khả năng
quay trở lại. Nếu quyền lực trung ương tan vỡ, “Quảng Đông, Vân Nam, Tứ
Xuyên, Tân Cương, Tây Tạng, thậm chí cả Thượng Hải, vốn chưa bao giờ
trung thành với Trung Nam Hải, có nguy cơ cát cứ. Trung Quốc trên thực
tế sẽ tan thành từng mảnh. Trong hoàn cảnh quyền lực Trung ương mất
hiệu lực, Hồng Kông sẽ xin nhập trở lại Anh và Đài Loan sẽ tuyên bố
độc lập, Tân Cương có thể tuyên bố ly khai?!”.
Nguy hại hơn, nếu thừa nhận UNCLOS, yêu
sách“chủ quyền lịch sử” bị vô hiệu, các thực thể chiếm đoạt bằng
vũ lực, cơi nới, bồi lấp nhân tạo không được coi là căn cứ tạo ra
chủ quyền, Trung Quốc đối diện với các yêu sách của Philippines đối
với Scarborough, Việt Nam đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa. Các vụ kiện
ra Toà quốc tế có thể sẽ chỉ mới bắt đầu và sẽ còn tiếp tục.
Mặc dù vậy, ít ai chịu nhận rằng, đây là
phương án duy nhất tốt cho Trung Quốc. Không có quyền chủ quyền trên
toàn bộ biển Đông, nhưng bằng hữu nghị hợp tác bình đẳng, từ bỏ tư
duy bành trướng và sôvin đại Hán, thực tâm tôn trọng các quốc gia
nhỏ, đặc biệt là các quốc gia láng giềng gắn liền như Nhật Bản,
Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, và Việt Nam. Với tỷ trọng kinh tế
khổng lồ và sức hút các lợi ích kinh tế, Trung Quốc sẽ làm chủ
việc chia sẻ quyền kiểm soát trên thực tế không chỉ biển Đông mà cả
biển Hoa Đông. Không cần phải đối đầu công khai với Mỹ, gây xung đột
và đe dọa an ninh thế giới, thực tế Trung Quốc vẫn có thể thực hiện
chương trình “một vành đai một con đường” mà không cần phải có quyền
tài phán trên toàn bộ biển Đông.
- Phương
án thứ hai, có lẽ là phương án có "xác suất cao nhất". TQ
không thừa nhận phán quyết của Tòa và tiếp tục tuyên bố không từ bỏ
chủ quyền. Phương án này sẽ dẫn đến tuyên bố ADIZ. Phớt lờ phán
quyết của Toà, tăng cường phương tiện quân sự đủ để kiểm soát vùng
trời và vùng biển trên toàn bộ biển Đông, bất chấp vùng hải phận
quốc tế theo quy chế công ước UNCLOS.
Cự tuyệt phán quyết của PCA, Trung Quốc
sẽ buộc phải rút khỏi UNCLOS hay trên thực tế không còn được hưởng
các quy chế quốc tế căn cứ trên UNCLOS. Thực tế, Trung Quốc tự đưa
mình ra ngoài vòng pháp luật. Không tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng
cũng sẽ không có tư cách để đòi hỏi được hưởng các quy chế quốc
tế. Tư cách và tiếng nói của Trung Quốc trong các tổ chức, định chế
quốc tế sẽ phải chịu áp lực.
Tuy là phương án mong muốn, vì vẫn giữ
nguyên lập trường độc chiếm biển đông, không phản bội nguyện vọng dân
chúng Trung Quốc vốn bị mê hoặc do chính chính sách tuyên truyền
nhiều năm nay của nhà cầm quyền. Nhưng ADIZ chứa đựng không ít nguy cơ
thất bại. Bằng tuyên bố vùng nhận dạng phòng không, Trung Quốc tạo
áp lực, gây phiền hà cho các hoạt động thương mại, đe dọa an toàn
đối với các phương tiện bay và tàu thuyền đi lại của rất nhiều quốc
gia liên quan.
Trừ các nước có sức mạnh kinh tế độc
lập và sức mạnh quân sự tương ứng như Nhật, Mỹ, Úc, Ấn Độ, các
nước nhỏ khác thông thường chấp nhận khai báo và xin phép Trung Quốc,
một hình thức thừa nhận chủ quyền trên thực tế. Nhưng ngay các nước
nhỏ, dù vẫn trình báo xin phép, nhưng không thừa nhận quyền chủ quyền
của Trung Quốc, và xử sự với Trung Quốc như với một bá quyền.
Tuy vậy, tuyên bố thì dễ, điều kiện để
đảm bảo hiệu lực kiểm soát đó một cách thường xuyên và các điều
kiện duy trì hiệu lực của nó về lâu dài, một mặt là vấn đề đang
vượt quá sức của Trung Quốc, một mặt khác, đụng độ dân sự có thể
sẽ diễn ra từng ngày, gây căng thẳng cho các lĩnh vực khác trong các
quan hệ quốc gia.
Suy giảm kinh tế và thương mại hai năm vừa
qua và khủng hoảng đang đến những năm sắp tới khoét sâu lỗ hổng thâm
hụt. Tham vọng lũng đọan kinh tế chính trị thế giới bằng đồng tiền
vung tay trên khắp các lục địa, tham vọng mua bán chính trị bằng
những hứa hẹn quá trớn đang biến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc
chỉ còn là một cái túi rỗng, thị tường tài chính của Trung Quốc
trở nên không thể bù đắp, đang là một trái hơi và tất yếu sụp đổ.
ADIZ trên một vùng mênh mông hải không gian
hàng triệu km2, suốt ngày bão gió, xa hậu cần hàng nghìn km, với chi
phí tới hàng trăm tỷ USD một năm, có thể trở thành một vết loét rỉ
máu không có thuốc chữa.
Mặt khác, ADIZ biển Đông là sự áp đặt
quyền kiểm soát của Trung Quốc lên một phần hải phận và không phận
quốc tế theo UNCLOS, vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm lợi ích
quốc gia của hầu hết các nước lớn. Những cản trở tự do sẽ lôi cuốn
rất nhiều quốc gia khác không trực tiếp với biển Đông vào cùng một
mặt trận phản đối, tạo sức ép không nhỏ trong các quan hệ với Trung
Quốc.
Mỹ sẽ buộc phải tăng cường sức mạnh quân
sự. Để vô hiệu ADIZ, hai hạm đội hàng không mẫu hạm hiện đang có mặt
sẽ không đủ. ADIZ sẽ tạo lý do chính đáng để Quốc hội Mỹ tăng ngân
sách quốc phòng cho khu vực biển Đông, và lực lượng hiện diện thường
trực tại biển Đông sẽ được tăng lên đủ để chế áp một cuộc chiến
với Trung Quốc. Nhưng mật độ phương tiện của Mỹ họat động trên biển
đông, đặc biệt những chuyến tàu tuần tra trong ngoài ranh giới 12 hải
lý các thực thể cơi nới nhân tạo có trang thiết bị quân sự của Trung
Quốc, cũng như các chuyến bay B52 không chỉ là con số một vài như đối
với Hoa Đông trước đây, có rất nhiều khả năng xảy ra xung đột. Nguy cơ
bùng phát chiến tranh sẽ không thể chỉ coi là khả năng. Thế giới bị
đặt trước một nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn cầu.
Liên minh Mỹ, Nhật, Úc sẽ buộc phải thực
tiễn và hữu hiệu hơn. Một mặt trận quốc tế bao gồm cả Ấn Độ, liên
minh châu Âu và NATO sẽ không chỉ thống nhất trên nhận thức và tinh
thần... Có thể hình dung gần như một cuộc cấm vận quốc tế đối với
Trung Quốc về mặt Ngoại giao và Quân sự. Quan hệ thương mại cũng vì
thế mà sẽ trở lại những rào cản bảo hộ mậu dịch, ảnh hưởng trầm
trọng thêm khó khăn xuất khẩu đang ở mức cao hiện nay của Trung Quốc.
Thực chất, ADIZ chỉ làm cho Trung Quốc thua
thiệt thêm về mặt chiến lược.
Tuy nhiên, với tâm lý thua kiện, mọi tức
tối sẽ trút hết lên đầu Philippines, tiếp đến là Việt Nam. Tổng
thống mới đắc cử Rodrigo Duterte dù muốn chuyển sang thương lượng song
phương, tuyên bố “sẵn sàng đàm phán và chia sẻ tài nguyên biển Đông”
với Trung Quốc sau phán quyết cuả PCA. Tờ China Daily phiên bản tiếng Anh
của Trung Quốc hôm 4/7 dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho hay Bắc Kinh sẵn sàng
nối lại đàm phán với Philippines, nhưng với tiền đề là Chính phủ mới của
Philippines “phải từ bỏ một cách thực chất kết quả phán quyết của PCA”.
Vì vậy, mặc dù Trung Quốc luôn kêu gào
đàm phán song phương, nhưng Trung Quốc sẽ không chấp nhận tha thứ.
Những ai hiểu văn hoá Trung Quốc, những ai từng đọc lịch sử thương
lượng tay đôi của Trung Quốc thì phải biết rút ra một bài học bất
biến là Trung Quốc chấp nhận đàm phán song phương không phải nhằm
phát triển hữu nghị mà là lợi dụng tiền bạc và danh nghĩa hữu
nghị để thực hiện âm mưu trả thù, bắt chính phủ và người dân
Philippines phải đền tội theo kiểu trừng phạt vốn có của người Tàu
là sẽ làm cho Philippines khốn khổ tới mức “muốn chết không được
chết”.
Trong kịch bản này, Trung Quốc sẽ tiếp
tục cơi nới, bồi lấp và trang bị các bãi đá, các rạn san hô thành
các đảo nhân tạo. Tiếp tục tăng cường kiến thiết 7 thực thể đã
chiếm đọat thành các cơ sở chủ quyền và căn cứ quân sự. Nhưng cho dù
Trung Quốc có đầu tư bao nhiêu cho Trường Sa và Hoàng Sa, nếu 21 thực
thể Trường Sa còn nằm trong tay Việt Nam, 10 trong tay Philippines... thì
việc độc chiếm biển đông còn là chuyện xa vời. Khi đường lưỡi bò
không có giá trị pháp lý, Trung Quốc không thể tuỳ tiện “thu hồi”
những hòn đảo đá còn lại. ADIZ chỉ cho Trung Quốc cái cảm giác chủ
quyền giả tạo, thực chất chỉ là sự phiền toái, bỏ thì thương, vương
thì tội.
- Phương
án thứ ba, chiến tranh.
Ai cũng biết, thực chất của các tranh cãi
hiện nay là xung đột quyền lợi giữa Mỹ và Trung Quốc, đó là mâu
thuẫn giữa một siêu cường đang nắm giữ vai trò kiểm soát trật tự
thế giới và một lực lượng đang vươn lên với tham vọng phá vỡ cái
trật tự đó, chia sẻ quyền kiểm soát toàn cầu với tư cách là siêu
cường thứ hai. Trung Quốc đã không giấu diếm tham vọng đó trong ngày
7-8/6/2013, tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở Palm Springs, California, khi Tập
Cận Bình đã nói “Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc”,
với gợi ý hình thành câu lạc bộ siêu cường, nghĩa là thế giới chỉ
còn hai quốc gia phải chia sẻ với nhau là Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc
muốn Mỹ hãy chấp nhận chia đôi thế giới với Trung Quốc.
Bắt đầu từ 1909, đặt mốc chủ quyền trên
Hoàng Sa; năm 1947 vẽ đường "lưỡi bò"; năm 1956 Cộng hoà Nhân Dân
Trung Hoa chiếm giữ phần phía Đông của Hoàng Sa; năm 1958 Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa ra tuyên bố chính thức yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa; năm 1974 chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa; năm 1988
đánh chiếm Gạc Ma, Côlin trên quần đảo Trường Sa; năm 1995 đánh chiếm thêm
Vành Khăn, phía Nam quần đảo Trường Sa. Tháng 5/2009 chính thức gửi công
hàm tới Liên Hợp Quốc tuyên bố chủ quyền theo đường lưỡi bò, bắt
đầu chiến dịc bồi lấp, cơi nới và lắp đặt thiết bị quân sự, xây
dựng các công trình phục vụ sinh sống dân sự.
Như vậy, ý định và âm mưu chiếm đoạt biển
Đông không phải bắt đầu từ năm 2013 khi có vụ kiện của Philippines, do
đó, Trung Quốc sẽ không vì phán quyết PCA mà thay đổi hay từ bỏ.
Có thể do phán quyết của Toà Thường trực
PCA, ý đồ chính danh đi ra biển thông qua chủ quyền lưỡi bò đã thất
bại. Lựa chọn con đường không chính danh, hay là con đường tước đoạt
bằng sức mạnh đang nằm trên mặt bàn nhà cầm quyền Trung Quốc. Không
phải Trung Quốc thua Philippines hay Việt Nam mà là do có sự hiện diện
quân sự của Mỹ. Trung Quốc đã sai về chiến thuật. Thủ đoạn cắt lát
salami cho phép Trung Quốc lấn chiếm mà tránh được xung đột với Mỹ.
Nhưng chiến thuật này quá chậm và vì vậy mà không còn yếu tố bất
ngờ. Mỹ đã kịp chuyển trục và tăng cường từng bước năng lực thích
ứng. Trung Quốc buộc phải đối phó với bức tường chắn không thể vượt
qua.
Nhưng nếu không chiếm đoạt và kiểm soát
biển đông, không tạo ra con đường thoát ra bên ngoài, thông thương với
biển quốc tế, Trung Quốc chỉ là là một con hổ bị hãm trong cũi
sắt. Hai lỗ hổng có thể chọc thủng, hai mắt xích có thể bẻ gãy là
Trường Sa của Việt Nam và Đài Loan.
Nếu Trung Quốc chớp nhoáng đánh chiếm
Trường Sa lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn, những thực thể có hiện diện
của hải quân Việt Nam ngay từ trước khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam năm
1995, hoặc ít nhất cũng trước khi Mỹ tuyên bố xoay trục năm 2010, thì
không cần viện ra đường lưỡi bò, thực chất biển Đông cũng chỉ có
mặt một mình Trung Quốc.
Sai và muộn, nhưng chưa phải là hết. Mỹ
vẫn chưa có quyền can thiệp đương nhiên khi xảy ra xung đột theo hiệp
định an ninh tương hỗ với Philippines, nếu Philippines không bị tấn công
trước, Philippines sẽ không có lý do để cầu cứu Mỹ, và Mỹ sẽ không
có quyền can thiệp. Như vậy, với Scarborough, Trung Quốc chỉ cần một
lực lượng đủ mạnh dàn thành bức tường ngăn, Philippines sẽ không dám
tấn công, và Trung Quốc có thể ung dung bồi lấp cơi nới và biến nó
thành một căn cứ nhân tạo. Mỹ chỉ có thể đứng nhìn.
Còn với Việt Nam, trong khi Mỹ và Việt Nam
còn chưa có một hiệp định an ninh chung, thì khi Trung Quốc tấn công
chớp nhoáng, xoá sổ nhanh chóng và hoàn toàn sự hiện diện của bất
cứ người Việt nào trên các đảo hay đá có người trên Trường Sa, Mỹ
chỉ có thể ngồi nhìn và chấp nhận việc đã rồi. Việt Nam không dám
đơn phương công bố chiến tranh, trong khi Mỹ không có lý do nào để tuyên
chiến với Trung Quốc.
Nếu không bằng chiến tranh thì buộc Việt
Nam, thậm chí cả Mỹ, lẫn các định chế quốc tế, không làm được gì
khác là kêu gọi đàm phán. Trung Quốc đã biến các rạn san hô nửa
chìm, và những hòn đá không có sự sống thành các hòn đảo nhân tạo,
với đầy đủ trang thiết bị của mộc căn cứ quân sự bằng thủ đoạn vừa
làm vừa đàm, đàm để làm. Đàm phán sẽ chỉ đem lại lợi thế nhiều hơn
cho Trung Quốc. Thực trạng mà Trung Quốc đạt tới hiện nay là kết quả
của nghệ thuật đàm và hãm không cho xung đột xảy ra. Mỹ biết mà
không thể làm gì.
Vì vậy, phương án thứ ba là chiến tranh
chớp nhoáng chiếm đoạt Trường Sa của Việt Nam, trong khi Hà Nội lúng
túng như gà mắc tóc, giằng xé giữa chế độ và chủ quyền, lẫn lộn
giữa bạn và kẻ thù. Chiến tranh sẽ phải nổ ra trước khi Hà Nội
tỉnh ngộ và một hiệp định an ninh chung giữa Mỹ và Việt Nam được ký
kết.
Con đường thứ hai là Đài Loan. Trung Quốc
vốn muốn chiếm Đài Loan bằng chiến thuật bao vây phong toả, buộc Đài
Loan không có lối ra với thế giới, bị trói hoàn toàn vào Trung Quốc
lục địa, và bắt buộc chấp nhận sáp nhập hoà bìng vào Trung Quốc,
thực hiện chiến thuật “không chiến tự nhiên thành”.
Nhưng muốn vậy, Trung Quốc cần kiểm sóat
hoàn toàn cả biển Đông lẫn biển Hoa Đông. Thất bại đường lưỡi bò sẽ
kéo dài vô hạn con đường ra biển về phía Nam của Trung Quốc qua biển
Đông, đặt Trung Quốc trước nước cờ sáp nhập Đài Loan ngay lập tức.
Nhưng Đài Loan với xu hướng bài Trung và ly
khai là một trở ngại bất lợi sau khi đảng Dân Tiến do bà Thái Anh Văn
làm chủ tịch vừa giành ghế tổng thống. Tham vọng biến màu Đài Loan,
chuyển đài Loan thành một thứ khu tự trị, điều khiển chính thể Đài
Loan không cần một tuyên bố sáp nhập, đã thất bại cùng với thất bại
của Quốc Dân đảng. Một trong những sự kiện điển hình là vụ cá chết
tại Vũng Áng của Việt Nam. Tập đoàn Formosa đã bị ngay chính chính
phủ Đài Loan tố cáo và lật tẩy, trong khi cổ phần cuả Trung Quốc
mới chỉ đạt 39%, là một cú đánh trực diện vào âm mưu ra biển của
Trung Quốc. Chậm hơn chỉ càng bất lợi. Trung Quốc đứng trước một
quyết định sáp nhập Đài Loan trước khi trở thành quá muộn. Mỹ sẽ
tăng mạnh sự hiện diện quân sự trong thời gian tới, và khả năng sáp
nhập Đài Loan sẽ trở nên không thể, đồng thời, xu hướng độc lập của
Đài Loan sẽ chỉ càng phát triển để tiến tới một tuyên bố độc lập
sau trưng cầu dân ý.
Một khả năng xảy ra sẽ là hoặc Việt Nam
là trận địa giả, các khiêu khích tại Trường sa sẽ tung hoả mù, cuốn
hút tập trung của Mỹ và thế giới, nhưng cuộc chiến sẽ xảy ra cấp
tập giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Một cuộc đảo chính do Quốc dân
Đảng tổ chức có hỗ trợ từ Đại lục, sẽ lập ra chính phủ mới và
tuyên bố trưng cầu dân ý sáp nhập vào Trung Quốc, trước khi Mỹ kịp
phản ứng. Con đường ra biển sẽ tạo ra từ chỗ này, biển Đông không
còn là một nhu cầu bắt buộc. Sẽ thu hồi dần dần.
Nhưng một khả năng khác có xác suất cao
hơn là khả năng sự kiện sẽ diễn ra theo chiều ngược lại. Nghĩa là
Đài Loan sẽ chơi vai trò trận địa giả. Vũ khí sẽ ồ ạt tập trung
phía bờ biển đối diện với Đài Loan. Tuyên bố chống lại chính phủ
Thái Văn Anh sẽ liên tục với mức căng thẳng khác thường. Các vụ đụng
độ dân sự và quân sự trên biển Đài Loan sẽ có vẻ không thể dàn xếp.
Chiến tranh có thể nổ ra bất cứ thời điểm nào. Nhưng tiên lửa lại ồ
ạt bắn xuống ba hòn đảo có người ở tại Trường Sa Việt Nam, tàu
ngầm bất ngờ nổi lên tại những hòn đảo này và quân đội Trung Quốc
sẽ có mặt để đổi ngôi chủ nhân của những hò đảo này, và chôn cất
các thi thể của hải quân và dân cư Việt Nam. Hà Nội sẽ kêu gọi “nhân
dân bình tĩnh, đảng và chính phủ sẽ kiên quyết đấu tranh và sẽ lập
tức đàm phán, yêu cầu Trung Quốc trao trả cho Việt Nam. Thiện chí hoà
bình hữu nghị của anh em trong nhà không cần bất kỳ sự can thiệp nào
từ phía thứ ba”. Mỹ khoanh tay ngồi nhìn. Ngược lại, nếu Mỹ huy động
lực lượng vào Trường Sa, Đài Loan có khả năng bị mất luôn.
Xong cả hai việc này, Trung Quốc sẽ làm
mọi việc phục vụ lợi ích quốc gia Mỹ, sẵn sàng cho Mỹ tất cả những
gì Mỹ muốn nhân danh lợi ích quốc gia, miễn là Mỹ sẽ không tuyên bố
chiến tranh với Trung Quốc.
***
Tóm lại, sau phán quyết PCA, chẳng có gì
thay đổi gọi là mới. Vì âm mưu độc chiếm các lối thoát ra biển của
Trung Quốc vẫn còn nguyên. Nếu có gì mới thì đó là chiến tranh và
nếu là chiến tranh Trường Sa, thì tranh chấp biển đông với Việt Nam
sẽ biến mất hoàn toàn. Sẽ chỉ cò là “quyết tâm trước sau như một
của đảng và nhà nước (cộng sản)” và “nếu thế hệ này không đòi
được, thì con cháu chúng ta sẽ đòi”.
10/07/2016
__._,_.___
No comments:
Post a Comment