Nhật Ký Biển Đông: Nga và Tàu, Ai Nguy Hiểm Hơn?
Giữa lúc hai đối thủ Trump và Clinton
ra sức triệt hạ nhau, như một hành động chưa tửng có trước đây, Ô. Trump tạm
gác tranh cử qua một bên, đáp máy bay qua xứ Scotland để khánh thành việc mở
lại sân gôn (golf) Turnberry đã có từ trăm năm nay mà ông mua lại trên bờ biển
tươi mát ở tây nam xứ Scotland.
Ngày 22/6/2916, “ Các dân biểu thuộc
Đảng Dân Chủ tiến hành một cuộc “ngồi ăn vạ” ngay dưới đất tại đại sảnh của Hạ
Viện để phản đối phe Cộng Hòa đã bất động trước những bạo lực do súng đạn gây
ra- nặng nề chỉ trích các dân biểu Cộng Hòa đã im lặng quá lâu trước “bệnh
dịch” nổ súng giết người. Cuộc ngồi ăn vạ còn có sự tham gia của các thượng
nghị sĩ ngồi lăn lóc trên mặt đất, các bài diễn văn được trực tiếp trên hệ
thống liên mạng và đem theo cả gối để nằm và máy đấm bóp lưng- và phe Cộng Hòa
nói rằng đây là sự trình diễn đáng xấu hổ.
Khoảng 10 giờ tối, Chủ Tịch Hạ
Viện Paul Ryan kêu gọi tất cả giữ gìn trật tự giữa tiếng la ó “không biếu quyết luật, không giải tán”
của phe Dân Chủ. Tiếng gào thét ầm ầm trong đại sảnh với những tiếng la “Xấu hổ!” lớn tới nỗi không nghe
thấy tiếng của Chủ Tịch Hạ Viện. Các dân biểu Dân Chủ còn cùng nhau hát câu, “Chúng Tôi Sẽ Chiến Thắng”. Trong
khi đó phe Cộng Hòa cũng la hét khẩu hiệu “Khủng bố chứ không phải súng đạn”
(Terorism not Gun). Nhật Ký Biển
Đông ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:
-Fox News ngày 17/6/2016: “Chủ Tịch Tập Cận Bình vừa tới Serbia (Nam Tư cũ)
trong chuyến viếng thăm nhằm tăng cường ngoại giao với quốc gia thân thiện này (đầu tiên trong 30 năm) và xác
định ý muốn gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng Balkans và Âu Châu.
Tổng Thống Tomislav Nikolic của Serbia và các viên chức cao cấp của chính phủ
đã chào mừng khi Ô. Tập Cận Bình đáp xuống sân bay vào ngày Thứ Sáu. Một nhóm
nghệ sĩ dân gian trình bày những vũ điệu cổ truyền trong một phần của nghi lễ
tiếp đón. Trong ba ngày thăm viếng, Ô. Tập Cận Bình sẽ thảo luận với những giới
chức cao cấp nhất và thăm viếng nhà máy thép mà Trung Quốc đã mua.” Tưởng cũng
nên nhắc lại đây, năm ngoái Serbia đã gửi đội quân danh dự tới tham dự cuộc
diễn binh tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Quân Phiệt Nhật trong Đệ
II Thế Chiến.
-AFP ngày 18/6/2016: “Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Bild, Ngoại Trưởng Đức Frank-Walter
Steinmeier chỉ trích NATO đã tiến hành chính sách gây chiến với Nga và mô tả
NATO như là tổ chức hiếu chiến. Ô. Steienmeier nêu bằng cớ việc NATO triển khai
binh sĩ sát biên giới với Nga tại các quốc gia đồng minh vùng Baltic và Đông Âu
và nói rằng, “Điều chúng ta nên tránh ngày hôm nay là đổ thêm dầu vào tình thế
bằng những hành động hiếu chiến và đe dọa.” Hiện nay Mỹ đã thiết trí hệ thống
lá chắn hỏa tiễn tại Ba Lan và NATO triển khai bốn tiểu đoàn tinh nhuệ nhất
(4000 binh sĩ) tại các quốc gia vùng Baltic như Estonia,
Latvia và Lithuania sát biên giới với Nga,
đồng thời tiến hành các cuộc tập trận khổng lồ chưa từng thấy. Tổng thống Putin coi hệ thống lá chắn
này là "mối nguy hiểm lớn" và Moskva buộc phải đáp trả bằng cách tăng
cường khả năng tấn công bằng các loại hỏa tiễn. Bộ Trưởng Quốc Phong Shoigu đe
dọa sẽ có những đáp trả xứng đáng việc NATO triển khai quân sát biên giới Nga.
-Time ngày 21/6/2016: “Tổng thống sắp nhậm chức Duterte của Phi Luật Tân vừa
gặp gỡ hai nhóm phiến quân Hồi Giáo - một chuyển động có tính cách lịch sử được
coi như nỗ lực của quốc gia nhằm giải quyết vấn đề nổi dậy của sắc dân Hồi
Giáo. Các phiến quân Hồi Giáo cam kết hỗ trợ đề nghị của Ô. Duterte để ngả về
chính quyền trung ương với hy vọng sẽ được tái chia xẻ tài nguyên quốc gia và
là bước chấm dứt những xung đột tại Mindanao là hòn đảo lớn thứ hai ở Phi Luật
Tân đã là trọng tâm của cuộc xung đột đòi ly khai kéo dài 40 năm và hai bên
cũng đồng ý mở những cuộc đối thoại giữa những người Hồi Giáo trên đảo.”
-ABC News ngày 22/6/2016: “Giao tranh dữ dội giữa lực lượng dân quân thân chính
phủ và các chiến binh ISIS tại Thành Phố Sirte và một vụ nổ tại một nhà kho gần
Thủ Đô Tripoli, Lybia khiến 60 người chết chỉ trong một ngày. Sirte là
căn cứ địa cuối cùng của Nhà Nước Hồi Giáo tại quốc gia Bắc Phi này.”
.
Sau khi Mỹ lập vùng cấm bay, giết Ô.
Gadaffi vào năm 2011 mà Tổng Thống Obama thú nhận đây là sai lầm tệ hại trong
nhiệm kỳ tổng thống của ông, đất nước Libya chia đôi với hai chính phủ và hai
quốc hội và ISIS bắt rễ tại đây khiến Mỹ phải gửi biệt kích tới để hỗ trợ chống
quân khủng bố.
-Tin Tổng Hợp ngày 24/6/2016: Cử tri Anh đã bỏ phiếu ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu
vào ngày hôm qua. Thủ Tướng Cameron tuyên bố sẽ từ chức vì chính ông tích cực
vận động để Anh Quốc ở lại với Âu Châu. Đồng Bảng Anh xụt giá 11%, thị trường chứng
khoán toàn thế giới giảm mạnh. Khó khăn còn nhiều đang chờ đón Liên Hiệp Anh vì
Bắc Ái Nhĩ Lan và Scotland bỏ phiếu ở lại.
Không biết sau Anh, còn bao nhiêu
quốc gia sẽ giã từ Liên Hiệp Âu Châu. Nó cũng là dấu hiệu báo nguy về sự suy
yếu của Toàn Cầu Hóa đã có thời như là một giấc mơ, một “bệnh dịch”, một cơn sốt toàn cầu.
Sự ra đi của Anh Quốc khiến lập trường của Ô. Trump “America First” bị chỉ trích là
theo đuổi chính sách cô lập (isolationist)
nay trở thành thực tế - Anh Quốc trước, rồi nước Mỹ theo sau.
Trên đời này hợp tan, tan hợp là lẽ
thường. “Đổ gạo nấu cơm chung”
không được thì “Riêng rẽ khỏe ăn”.
Người ta cố tình làm trầm trọng thêm vấn đề. Ngày xưa nước Anh đứng một mình mà
trở thành đế quốc thống trị thế giới. Ngày nay Anh tách ra thì có sao đâu? Liên
Hiệp Âu Châu nếu có chia tay thì cũng “chẳng chết thằng Tây” nào.
28
nước kết hợp lại với cùng hệ thống tiền tệ, tài chính và mọi thứ yêu cầu phải
thống nhất…thì cũng giống như 28 cặp vợ chồng tiền lương bỏ chung vào một
chỗ, muốn tiêu gì phải có quyết định chung, ăn gì phải thảo luận với nhau…thì
nhóm người này sẽ hóa điên.
Rồi đây Liên Hiệp Âu Châu có thể sẽ tan vỡ, nhưng
xáo trộn một thời gian, cuối cùng mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó, lo nhiều thêm
bạc đầu.
Hiện đang có những toan tính níu kéo Anh ở lại qua bốn biện pháp:
1)
Quốc Hội Anh bỏ phiếu bác bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
2) Tái trưng cầu
dân ý.
3) EU nhượng bộ bằng cách tăng thêm ưu tiên cho Anh Quốc.
4) Scotland và
Bắc Ái Nhĩ Lan phủ quyết không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
Trong khi đó Ngoại Trưởng John Kerry cấp tốc bay qua Luân Đôn để yêu cầu các
bên sắp xếp việc Anh rời khỏi EU để không tổn hại tới thị trường toàn cầu.
Đây
là để nghị đúng đắn của Mỹ. Mọi nỗ lực nhằm hủy bỏ kết quả cuộc trưng cầu dân ý
chỉ gây thêm xáo trộn và chia rẽ cho nước Anh với hậu quả không sao lường hết
được. Lập luận này đúng vì trong cuộc họp khẩn cấp của sáu ngoại trưởng của các
nước sáng lập, Liên Hiệp Âu Châu đã yêu cầu Anh mau chóng tiến hành thủ tục
chia tay để EU tiến vào giai đoạn mới và Thủ Tướng Cameron cũng bác bỏ việc tái
trưng cầu dân ý.
-Fox News ngày 24/6/2016: “Ít nhất 24 người chết trong trận lụt tại Tiều Bang
West Virginia.” Sự biến đổi khí hậu thật đáng sợ và ảnh hưởng toàn cầu.
-International Business Times (Anh Quốc) ngày 25/6/2016: “Trung Quốc chính thức
cắt đứt hệ thống thông tin với Đài Loan sau khi Đài Bắc không xác nhận chính
sách “Một Nước Trung Hoa”. Bắc Kinh nghi ngờ đường hướng mới của Bà Thái Anh
Văn có thể đưa tới Đài Loan tuyên bố độc lập hoàn toàn.”
-Newsmax ngày 26/6/2016: “Free Beacon cho biết Nga đang kiến tạo căn cứ do thám
tại Nicaragua - một sự tăng cường quân sự kiểu Chiến Tranh Lạnh đến giật mình
tại vùng đất của Phương Tây.”
Chuyện này không có gì phải giật mình (startling). Mỹ và NATO đem quân
và hệ thống lá chắn hỏa tiễn sát biên giới Nga và ngày hôm nay tiến hành tập
trận tại Ukraine thì Nga phải tìm cách xây dựng hệ thống do thám và cảnh báo
vào “sân sau” của Mỹ theo kiểu ăn miếng trả miếng.
Ngoài căn cứ do thám, Nga
còn xây trạm tiếp vận vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) tại Nicaragua, Việt Nam và
Nam Dương. Trong tình hình hiện tại, Trung Quốc là đối thủ đáng gờm của Mỹ về
kinh tế. Còn Nga là đối thủ đáng gờm của Mỹ về quân sự. Tâm lý con người thật
lạ kỳ. Nếu bạn yếu xìu thì không bao giờ kẻ thù thèm “nói chuyện” (deal) với bạn. Muốn nói chuyện
hay thương thảo với kẻ thù thì bạn phải có một cái gì đó làm cho kẻ thù phải
khiếp sợ thì kẻ thù mới chịu thương lượng với bạn. Xin nhớ như thế và ngàn đời
sẽ như thế.
-The
Daily Beast ngày 26/6/2016: Trong bài viết nhan đề “Hoa Kỳ đã sai lầm tệ hại 36
năm trong thế giới Hồi Giáo” (The
US. Has Screwed Up in the Muslim World for 36 Years) bài báo có đoạn,
“Trong 36 năm qua, Hoa Kỳ đã can dự vào một cuộc chiến phản tác dụng, cố vấn tệ
hại nhằm nhào nặn vận mệnh của thế giới Hồi Giáo- không phải chỉ ở Trung Đông
mà còn ở Tây Nam Á, Bắc Phi, Đông Phi và Vùng Balcans nữa. Giống như Việt Nam,
khởi đầu là cuộc chiến không tuyên bố với quy mô nhỏ sau leo thang theo từng
đợt và biến thành cuộc chiến quy mô lớn.
Giống như Việt Nam, các nhà hoặch định
chính sách, các giới chức quân sự cao cấp và cả công luận đều không hiểu biết
gì cả.” (For the last 36
years, the United States has been engaged in an ill-advised,
counterproductive struggle to shape the destiny of the Muslim world—not only in
the Middle East proper, but in Southwest Asia, North and East Africa, and the
Balkans as well. Like Vietnam, this has been an undeclared war that started off
small, and escalated in fits and starts into a major conflict. Like Vietnam, it
has been poorly understood by policymakers, senior military officers, and the
American public.)
Không
ai phủ nhận hiện nay Hoa Kỳ là quốc gia mạnh và thông minh nhất hành tinh này. Nhưng
có những vấn đề mà “bộ óc của Hoa Kỳ” (think tank) không hiểu hoặc không
chịu hiểu là: Các cuộc chiến tranh lớn ở Á Châu, Âu Châu và Phi Châu sau vài
chục năm hoặc ngay khi chiến tranh chấm dứt, hận thù được xóa bỏ. Chẳng hạn như
Đệ II Thế Chiến, hận thù xóa bỏ ngay khi chiến tranh chấp dứt vì các cuộc chiến
này không mang màu sắc tôn giáo.
Còn các cuộc chiến tranh ở Trung Đông hay Ả
Rập đểu mang màu sắc tôn giáo hay thanh lọc chủng tộc cho nên hận thù kéo dài
mãi- có khi nhiều thế kỷ, chẳng hạn như cuộc Thập Tự Chinh. Cho nên đã 15 năm
qua, kể từ khi Mỹ tấn công lật đổ Taliban ở A Phú Hãn, cuộc chiến cứ lan rộng,
hận thù cứ chồng chất, khiến khủng bố lan rộng toàn cầu vì nội dung cúa các
cuộc chiến này nhuốm đượm mùi “thánh chiến” hay xung đột tôn giáo.
Mà hễ đã là
thánh chiến thì nó có thể kéo dài nhiều thế kỷ và có khi gỡ không ra. Theo tôi
nghĩ, cuộc chiến chống khủng bố mà Hoa Kỳ đang phải đối đầu ngày hôm nay có thể
sẽ kéo dài vài trăm năm dù Ô. Trump, Bà Clinton hay bất cứ ông A, ông B nào đi
nữa cũng không thể giải quyết được.
-CNBC
ngày 27/6/2016: “Trong một bản tin phổ biến báo chí, Điện Cẩm Linh cho biết
trong một bức thư gửi Tổng Thống Putin, Tổng Thống Erdogan bày tỏ hối tiếc về
những gì đã xảy ra, rằng chúng tôi không bao giờ muốn hoặc toan tính bắn
rơi máy bay của Liên Bang Nga và cuộc điều tra đang tiến hành để truy tố những
ai có liên quan đến cái chết của phi công Nga.” Đây là hành động hòa giải của
Thổ Nhĩ Kỳ đáng lý ra cần được tiến hành sớm hơn. Thật là sai lầm trong khi đất
nước tình hình chính trị rối beng, rúng động vì các cuộc tấn công khủng bố,
xung đột với Âu Châu trong vấn đề di dân, sự nổi dậy của sắc tộc Kurd… mà còn
thù nghịch với nước láng giềng khổng lồ là Nga…thì đúng là điên khùng. Trong
bang giao quốc tế, xin lỗi là hành vi cần thiết nếu nó phục vụ lợi ích quốc
gia. Bằng cớ là sau khi Thổ xin lỗi, đã có cuộc điện đàm giữa Ô. Putin và Ô.
Erdogan về việc tháo gỡ những hạn chế du khách Nga thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
-Business
Insider (Anh Quốc) ngày 28/6/2016: “Năm tàu chiến Trung Quốc tham gia cuộc huấn
luyện chung với nhóm tấn công do HKMH John C. Stennis chỉ huy trước cuộc
tập trận Vành Đai Thái Bình Dương lớn nhất thế giới sẽ diễn ra vào tháng tới.”
Thật
lạ kỳ! Hai HKMH Stennis và Donal Reagan được gửi tới Biển Đông để răn đe Trung
Quốc và bảo vệ hải lộ quốc tế nay lại huấn luyện chung với năm tàu chiến Trung
Quốc thì chỉ có Trời mới hiểu được Mỹ muốn gì. Nhưng theo Đông Phương thì vẫn
có thể hiểu được ý Trời dù Trời ở rất xa. Hành động nói trên chỉ phản ảnh tình
trạng tiến thoái lưỡng nan của Mỹ. Đánh thì không được mà lùi thì không xong,
cho nên cứ “xìu xìu ển ển”. Đó
là lý do tại các quốc gia như Thái Lan, Miến Điện, Lào, Kampuchia đã chạy theo
Hoa Lục để vừa an thân, vừa có tiền.
-AFP
ngày 29/6/2016: “Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp Jean-Marc Ayrault gặp gỡ Ngoại Trưởng Nga Lavrov
tại Paris. Hai bên thảo luận về các vấn đề như cuộc tấn công khủng bố tại Phi
Trường Istanbul ngày 28/6/2016, cuộc chiến chống khủng bố và cuộc họp thượng
đỉnh NATO tại Warsaw sắp tới đây. Ngoại trưởng Pháp nói rằng Ba Lê không muốn
đối đầu với Nga.” Trong tình thế Anh rút ra, Liên Hiệp Âu Châu suy yếu, nếu còn
tiếp tục cấm vận Nga, Âu Châu sẽ vô cùng bất lợi và tạo mầm mống chia rẽ.
Tình hình Syria:
-BBC News ngày 17/6/2016: “Trong một văn thư phổ biến nội bộ của 51 viên chức
từ cấp trung bình tới cấp cao của Bộ Ngoại Giao yêu cầu Hoa Kỳ tấn công quân
đội của Tổng Thống Assad và phản đối chính sách hiện tại của Hoa Kỳ đối với
Syria. Họ nói rằng chính sách này chống lại phe phiến quân và giúp Ô. Assad duy
trì quyền lực.”
Thật lạ đời! Viên chức ngoại giao là nhân viên dưới quyền của tổng thống. Nếu
thấy một sách lược nào đó lợi hoặc bất lợi thì trình bày lên “xếp” của mình là bộ trưởng ngoại
giao. Ông này là nhà kiến trúc chính sách ngoại giao của đất nước, sẽ trình bày
lên tổng thống xin chấp thuận. Gửi văn thư phản đối cả tổng thống lẫn bộ trưởng
ngoại giao như vậy là hành vi nổi loạn. Chưa từng thấy một quốc gia nào có
chuyện “lọa” như vậy. Nước Mỹ
đại loạn chăng? Hay Ô. Obama là một tổng thống bất lực?
Trong khi đó Tổng Thống Putin cảnh cáo một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ để lật đổ Ô. Assad sẽ gây khủng hoảng cho toàn vùng, nhưng đồng ý về một đề nghị của Mỹ trong đó một vài bộ phận của lực lượng đối kháng sẽ tham gia vào chính phủ đương thời. Theo Huffington Post ngày 22/6/2016, “Nếu Ô. Obama làm theo lời khuyên của các viên chức bộ ngoại giao, ông sẽ du vào tình thế nguy hiểm, có thể là thảm họa đối đầu với Nga. Và việc sử dựng binh lực tại Syria (oanh kích quân chính phủ Syria) có thể vi phạm luật pháp Hoa Kỳ và luật pháp quốc tế.” (However, were he to accept the cable’s advice, he would risk a dangerous - possibly catastrophic - confrontation with Russia. And, such a use of military force in Syria would violate U.S. and international law.)
Theo Washington Post ngày 30/6/2016, bộ
tham mưu của Tổng Thống Obama vừa đề nghị một thỏa thuận gia tăng hợp tác quân
sự với Nga để chống lại Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria để đổi lấy việc Nga áp lực
chính quyền của Ô. Assad ngưng oanh kích lực lượng nổi dậy do Mỹ hỗ trợ.” Đây
là sự thay đổi khá quan trọng về lập trường của Mỹ đối với vấn đề Syria. Chưa biết
Nga đáp ứng như thế nào.
-AFP ngày 25/6/2016:
“Máy bay Nga và Syria đã dội bom xuống khu vực phân đôi của thành phố lớn thứ
hai Aleppo trong lúc quân chính phủ tiến gần vào con đường tiếp vận duy nhất
của phe phiến quân. Một phóng viên của AFP tại khu vực phía đông do phiến quân
kiểm soát cho biết, cuộc oanh tạc kéo dài suốt đêm cho tới sáng.”
-CNN ngày 28/6/2016: “Ngoại Trưởng John Kerry cho rằng sự hiện diện của Ba Tư
tại Iraq hữu ích cho Hoa Kỳ trong việc đẩy lui đe dọa từ ISIS.” Đây cũng là sự
thay đổi lập trường của Mỹ đối với vai trò của Ba Tư tại Iraq và Syria mà Ả Rập
Sê-út luôn luôn cáo buộc là làm bất ổn khu vực.
Tình hình Biển Đông:
-Tạp
chí Forbes ngày 17/6/2016: “Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ, trong một bản công bố cho
biết, trong lúc tòa án quốc tế tại Hague đang phải đối đầu với vụ kiện Phi Luật
Tân chống lại tuyên bố chủ quyền của Hoa Lục tại Biển Đông và trong lúc Hoa
Thịnh Đốn và Bắc Kinh đấu khẩu dường như mỗi ngày về vấn đề này, Hoa Kỳ vừa gửi
bốn phi cơ EA-18G giống như F-18 Super Hornet với khả năng tác chiến điện tử
trên không và 120 binh sĩ hỗ trợ tới Phi Luật Tân để giúp đất nước này tuần tra
không phận và các hải lộ.” Dường như Hoa Kỳ đang chuẩn bị tất cả những gì có
thể xảy ra sau khi có phán quyết của Tòa Án Trọng Tài về Luật Biển.
Theo tôi,
đây là sự chuẩn bị rất quan trọng và cần thiết. Theo ABC News và Boston Globe
ngày 21/6/2016, “Để biểu dương sức mạnh trước khi có phán quyết của tòa
án quốc tế về vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc, theo Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Thái
Bình Dương tại Hạ Uy Di, Hải Quân Hoa Kỳ đã phái HKMH John C. Steinnis và HKMH
Ronald Reagan và sáu tàu hộ tống tới Biển Phi Luật Tân cho chiến dịch phòng vệ
trên biển và trên không bao gồm 12,000 binh sĩ, 140 máy bay. Theo hạm trưởng tư
lệnh nhóm tấn công này, hằng ngày, tối thiểu có một tàu chiến của Trung Quốc
bám theo đuôi HKMH John C. Stennis đang tuần tra ở Biển Đông, cho dù chưa có
một biến cố nào xảy ra.”
-AP
ngày 21/6/2016: “Tổng thống đắc cử Phi Luật Tân Rodrigo Duterte cho biết ông đã
hỏi đại sứ Hoa Kỳ liệu Hoa Thịnh Đốn có hỗ trợ Phi Luật Tân trong trường hợp Phi
Luật Tân đụng độ với Hoa Lục trong cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông không.
Ô. Duterte đã nói ra điều này trong cuộc hội thảo kinh doanh tại Nam Davao rằng
Hiệp Uớc Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951 giữa hai đồng minh không buộc Hoa Kỳ lập
tức giúp đỡ nếu Phi Luật Tân đụng độ với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh
thổ.”
Ô.
Duterte tuy “phổi bò” như vậy
nhưng cũng rất khôn ngoan. Theo các chiến lược gia Hoa Kỳ, Mỹ sẽ không hy sinh
tính mạng, tức mở một cuộc chiến tranh tổng lực với Hoa Lục để bảo vệ mấy hòn đảo
cho Phi Luật Tân. Do đó, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Phi Luật Tân và Biển
Đông chỉ có mục đích “tái cân bằng
lực lượng” và bảo vệ an ninh hàng hải cho Mỹ chứ không phải để bảo vệ
mấy hòn đảo hay mấy bãi đá ngầm như Scarborough Shoal. Và điều này đã được Ô.
Obama nói ra trước đây.
Giờ đây, Ô. Duterte hỏi, khiến du Mỹ vào tình thế
khó xử. Theo tôi nghĩ, Mỹ sẽ im lặng để ai muốn hiểu sao thì hiểu. Bởi vì nếu
nói “yes” tức sẽ mở cuộc chiến với
Hoa Lục. Còn nếu nói “no” thì bẽ bàng quá. Mình ký
hiệp ước để bảo vệ đàn em mà khi đàn em bị xâm chiếm biển đảo, mình lại làm
ngơ. Chơi vậy chơi với ai? Do đó bài học sống còn cho Phi Luật Tân là nương
theo tình thế lúc này, cố gắng xây dựng sức mạnh quân sự, theo đuổi chính sách
ngoại giao đa phương để từ từ liên kết chứ không bị lệ thuộc vào Mỹ.
Chỉ có dân
tộc là hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc. Còn ngoại bang - dù ngoại bang nào
đi nữa - thì cũng chỉ vì lợi. Khi có lợi thì nhảy vào, khi bất lợi thì bỏ đi.
Và đây cũng là khúc quanh nguy hiểm trong bang giao Mỹ-Phi. Nếu Phi Luật Tân
linh cảm thấy Hoa Thịnh Đốn sẽ nói “no” họ sẽ thỏa hiệp với Hoa
Lục để vừa phát triển kinh tế, vừa đỡ nhức đầu tại Biển Đông.
-AFP
ngày 23/6/2916: “Tổng Thống Widodo của Nam Dương dẫn đầu một phái đoàn bao gồm các
viên chức cao cấp như bộ trưởng ngoại giao, tướng tổng tham mưu trưởng quân đội
viếng thăm Đảo Natuna nằm ở Biển Đông dưới sự hộ tống của tàu chiến, phi cơ chiến
đấu bay trên trời cùng với cuộc thao diễn hải quân ở ngoài khơi để phô trương
sức mạnh sau cuộc đụng độ với các tàu đánh cá của Hoa Lục và mối lo Hoa Lục có
thể tuyên bố chủ quyền tới vùng biển này.”
Theo
bản đồ, nếu có tranh chấp chủ quyền ở Đảo Natuna thì chỉ có thể giữa Việt Nam và Nam
Dương chứ không liên quan gì đến Trung Quốc. Rõ ràng đây là tham vọng cuồng
điên của các “Ông Con Trời”.
-ABC
News ngày 27/6/2016: “Ô. Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) -viên chức cao cấp nhất về
chính sách ngoại giao của Trung Quốc viếng thăm Việt Nam giữa lúc Tòa Án Trọng Tài
Thường Trực tại Hague chuẩn bị đưa ra phán quyết về Biển Đông. Theo Ô. Trần Công
Trực cựu Chủ Tịch Ủy Ban Biên Giới của Việt Nam, Ô. Dương Khiết Trì muốn vận động
Việt Nam nhưng Việt Nam chống đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ
Biển Đông.” Trong cuộc gặp gỡ này, phía Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc giải quyết
những tranh chấp ở Biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Vể
chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong bốn năm sắp tới, Tạp Chí Forbes ngày 25/6/2016
nói rằng “Hoa Lục và Mỹ cần lẫn nhau trong vị thế hai siêu cường của thế giới.
Họ làm ăn buôn bán, đầu tư vào hai nền kinh tế của nhau, họ làm việc chung
trong các vấn đề an ninh toàn cầu. Đôi lúc họ đối đầu với nhau. Nếu Hillary
Clinton đắc cử vào Tháng 11 tới đây, triển vọng có thể nhiều đối đầu hơn là hợp
tác.”
Giữ vị trí bộ trưởng ngoại giao từ 2009-2013, thành quả mà Bà Clinton để lại cho nước Mỹ là một “mớ xà bần” (a mess). Bà chẳng có sách lược gì cả mà chỉ làm việc theo cảm tính thương-ghét hoặc áp lực của dư luận và hiện nay báo chí đang tố cáo bà làm việc vì lợi ích gia đình qua việc tiền ngoại quốc - nhất là Saudi Arabia đổ vào Clinton Foundation của chồng bà để lèo lái chính sách đối ngoại của quốc gia. Theo tôi nghĩ, Bà Clinton theo đuổi chính sách chống Trung Quốc là đúng, nhưng vì cùng lúc lại chống luôn cả Nga cho nên sẽ thất bại. Có một công thức dù Khổng Minh hay Tô Tần, Trương Nghi tái thế cũng phải làm theo là: Muốn chống Nga thì phải hòa hoãn với Tàu- kế mà cặp bài trùng Nixon- Kissinger đã làm.
Còn muốn chống Tàu thì phải hòa hoãn với Nga. Bà Clinton theo kế sách “Đông choảng Tôn Quyền, bắc cự luôn Tào Tháo” chắc chắn sẽ thất bại. Còn nếu Ô. Trump đắc cử, ông sẽ theo kế sách “Đông hòa Tôn Quyền, bắc cự Tào Tháo”, bằng cớ là ông ca ngợi Ô.Putin và lắng nghe Ô. Kissinger tức ông muốn hòa hoãn với Nga để chống Tàu. Nhìn sâu thẳm vào vấn đề.
Tại Đông Nam Á và Á Châu nói chung không một thế lực nào có thể là đối trọng với Trung Quốc. Nếu nổ ra chiến tranh tại Biển Đông, Mỹ sẽ là “người hùng cô đơn” tức chiến đấu đơn độc. Ấn Độ không dại gì gửi chiến hạm tới Biển Đông để đương đầu với Hoa Lục. Nhật Bản thì lo phòng thủ. Còn Úc Châu thì yếu quá và chưa chắc đã dám tham gia. Trong khi đó tại Âu Châu, NATO dư khả năng là đối trọng hoặc ngăn chặn tham vọng của Nga. Do đó, trước mắt cũng như về lâu về dài, Trung Quốc nguy hiểm hơn Nga.
Nếu hải quân Trung Quốc mạnh hoặc tối tân thêm tí nữa, thì các chiến hạm của Trung Quốc có khả năng áp sát bờ biển phía tây tức bờ Thái Bình Dương của Mỹ, điều mà Nga khó có khả năng làm được. Next Big Future ngày 23/6/2016 cho biết , “Trung Quốc mô phỏng thiết kế máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 của Mỹ để chế tạo máy bay ném bom tương tự có tên Xian H-20” (*) (China making a copy of a B-2 stealth bomber which is called the Xian H-20 bomber). Hoa Lục cũng vừa phóng thành công hỏa tiễn Trường Chinh-7 (Long March -7) có mang theo một phi thuyền không gian (a carrier rocket). Hỏa tiễn này sẽ là chủ lực trong tương lai của Trung Quốc. Do đó, những ai thường nói Trung Quốc là “con hổ giấy” hay “đồ dổm” hay “hàng mã” cần phải xét lại. Trong binh pháp, không biết gì về địch hoặc khinh thường địch hoặc mất cảnh giác là thảm họa.
Cuộc
viếng thăm Bắc Kinh và gặp gỡ Ô. Tập Cận Bình của Tổng Thống Putin ngày 25/6/2016
cho thấy Nga đang liên kết với Hoa Lục để chống Mỹ- chừng nào Mỹ còn áp đặt cấm
vận để triệt hạ Nga.
Theo thông tấn xã Tass, “Chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Hoa
Lục của Tổng Thống Putin, bộ trưởng ngoại giao hai nước sẽ ký một Bản Tuyên Bố
Chung Về Quốc Tế Công Pháp chẳng hạn những nguyên tắc về chủ quyền bình đẳng
giữa các quốc gia, không sử dụng và không can thiệp vào việc nội bộ của các
quốc gia và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.”
Rõ ràng tuyên bố chung
này nhắm vào Mỹ chứ không ai khác vì Mỷ là “ông vua” can thiệp vào nội bộ các
quốc gia khác, thậm chí lật đổ công khai không cần mạng lệnh của Liên Hiệp Quốc
- như Iraq chẳng hạn. Theo Business Insider ngày
21/6/2016, “Tướng tư lệnh lục quân Mark Milley xếp hạng Nga, Trung Quốc,
Ba Tư và Bắc Hàn là bốn quốc gia nguy hiểm nhất cho nền an ninh của Hoa
Kỳ.”
Cho nên nước Mỹ
muốn yên thì phải theo sách lược “Đông
hòa Tôn Quyền, bắc cự Tào Tháo.” Còn nếu Bà Clinton thấy nước Mỹ giờ đây là
siêu cường thống lĩnh giang hồ giống như “Đông Phương Bất Bại” thì có thể
mở hai cuộc chiến tiêu diệt Nga, Tàu cùng lúc. Biết đâu Bà Clinton đúng? Và
cứ thử làm xem.
Đào Văn Bình
(California ngày 30/6/2016)
(*) Xian có thể có nghĩa là Kiên mà Mỹ dịch là
Certain (chắc chắn)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment