Saturday, 16 July 2016

Khủng bố ở Pháp và căng thẳng Biển Đông phủ bóng thượng đỉnh Á-Âu

 

Khủng bố ở Pháp và căng thẳng Biển Đông phủ bóng thượng đỉnh Á-Âu

media
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (T) phát biểu trong phiên khai mạc thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 tại Mông Cổ, ngày 15/07/2016.DAMIR SAGOLJ / POOL / AFP

Vụ khủng bố đẫm máu tại Nice, thành phố du lịch miền nam nước Pháp, và không khí căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài, bao trùm thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 tại Ulan Bator, Mông Cổ, khai mạc ngày 15/07/2016.

Thượng đỉnh ASEM được tổ chức hai năm một lần, với sự tham gia của lãnh đạo hơn 50 quốc gia, kỷ niệm 20 năm thành lập, dự kiến là một dịp để các quốc gia hai châu lục, tăng cường hợp tác về kinh tế và chính trị. Thế nhưng, vụ khủng bố tối ngày 14/07 tại Pháp đã đảo lộn lịch trình. Thượng đỉnh mở đầu với một phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân vụ khủng bố trên đại lộ Promenade des Anglais ở Nice, khiến hơn 80 người chết.

Lãnh đạo 51 nước tham dự ASEM ra thông cáo chung, lên án « các hành động tấn công khủng bố, đầy hận thù và hèn hạ », tái khẳng định « cam kết phối hợp chống nạn khủng bố ».

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố : « Đây là một ngày đau buồn với nước Pháp, châu Âu và với tất cả chúng ta tại Mông Cổ ». Ông nhấn mạnh : « Điều bi thảm là chứng kiến vụ thảm sát nhắm vào những con người đang vinh danh tự do, bình đẳng và bác ái (nhân ngày Quốc Khánh Pháp). (…) Chúng ta hãy đoàn kết với nhân dân Pháp và chính phủ Pháp trong cuộc chiến chống bạo lực và thù hận ». Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang), trong một phát biểu ngắn bằng tiếng Trung, tỏ lòng thương tiếc các nạn nhân, và nhắc lại là Bắc Kinh « chống lại mọi hình thức khủng bố ».

Có mặt tại Ulan Bator, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết, thảm kịch kinh hoàng tại Nice làm dấy lên « một tình cảm đoàn kết tự nhiên » trong giới lãnh đạo các nước Á-Âu tham dự ASEM, đối với nước Pháp. Theo lãnh đạo ngoại giao Pháp, không một nơi nào trên thế giới hiện nay có thể bình yên trước đe dọa khủng bố, thông cáo chung của ASEM về chủ đề này chắc chắn sẽ phải được « tăng cường ».

Biển Đông được đề cập tại ASEM bất chấp Trung Quốc
Biển Đông là chủ đề lớn bất ngờ thứ hai bao trùm ASEM, ít ngày sau khi Tòa Trọng Tài La Haye ra phán quyết, bác bỏ các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông. Trung Quốc gửi tín hiệu cảnh báo, thượng đỉnh ASEM không phải là « một nơi thích hợp » để thảo luận về vấn đề này. Bất chấp việc Bắc Kinh tức giận, hồ sơ Biển Đông chắc chắn có mặt trong nhiều đối thoại song phương ngày 15 và 16/07.

Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố sẽ cử đặc phái viên tới Trung Quốc để « tái khởi động đàm phán », như một cử chỉ hòa dịu. Cùng lúc đó, ngoại trưởng Perfecto Yasay khẳng định sẽ dùng cơ hội tại Mông Cổ, để « thảo luận về một tiếp cận hòa bình, dựa trên luật pháp, của Philippines, và việc các bên tuân thủ quyết định của Tòa Trọng Tài ».

Trả lời AFP ngày 14/07, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh ca ngợi phán quyết của Tòa, và cho biết mọi vấn đề liên quan hiện đang được bàn thảo. Phán quyết La Haye là thắng lợi lịch sử của Philippines, nhưng cũng có thể rất có lợi cho nhiều quốc gia ven bờ Biển Đông, như Việt Nam, Malaysia, Brunei hay Indonesia.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trước chuyến đi Mông Cổ, hy vọng sẽ thảo luận về các tranh chấp, và tầm quan trọng của việc « tìm ra giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế ». « Đối thoại và cam kết tôn trọng trật tự quốc tế, dựa trên luật pháp là điều cần thiết. Các quy tắc ứng xử chung và có thể tiên liệu trước khiến các quốc gia được bảo vệ » là nhận đinh của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu.

Pháp: ít nhất 84 người chết trong một vụ khủng bố ở Nice

mediaCảnh sát và binh sĩ Pháp đi tuần tra trên đại lộ Promenade des Anglais, Nice, sau vụ khủng bố 14/07/2016REUTERS

Vào lúc 23 giờ, ngày Quốc Khánh Pháp, 14/07/2016, một chiếc xe tải đã lao vào đám đông đi xem bắn pháo hoa, trên đại lộ « Promenade des Anglais » - đại lộ chính bên bờ biển của thành phố Nice, miền nam nước Pháp. Tổng thống Hollande khẳng định đây là một vụ tấn công mang tính khủng bố.

Trên quãng đường dài hơn 2 km, hung thủ lái xe tải 19 tấn, đâm vào tất cả những ai đi trên đại lộ. Hung thủ đã nhiều lần nổ súng bắn vào cảnh sát và cuối cùng đã bị cảnh sát bắn hạ. Theo tổng kết mới nhất của nhà chức trách, được tổng thống François Hollande thông báo hôm nay, 15/07/2016, có ít nhất 84 người chết, bao gồm nhiều trẻ em và nhiều người ngoại quốc. Trong số khoảng 200 người bị thương, còn có đến khoảng 50 người đang trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Theo lời một phóng viên hãng tin AFP, có mặt tại chỗ để tường trình về lễ Quốc Khánh ở Nice, khi xe tải lao vào đám đông đang xem pháo hoa, cảnh tượng hỗn loạn vô cùng, mọi người hoảng sợ chạy tứ phía. Nhìn thấy chiếc xe tải cỡ lớn mà chạy một đường thẳng như thế, phóng viên này hiểu ngay đây là một hành động « hoàn toàn cố tình ».

Còn một nữ du khách Úc, đứng cách xe tải chỉ vài chục mét vào lúc xảy ra vụ tấn công, kể lại : « Nhiều người chạy về phía chúng tôi, tuy chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, chúng tôi cũng chạy theo. Ai cũng cố chạy vào các khách sạn, các nhà hàng, bãi đậu xe, chạy vào bất cứ nơi nào để tránh đường phố ».

Theo một nguồn tin thân cận với các nhà điều tra, người ta đã tìm thấy trong xe tải của hung thủ một quả lựu đạn « không sử dụng được » và nhiều vũ khí giả, cùng với giấy tờ tùy thân mang tên một người Pháp gốc Tunisia 31 tuổi. Theo một nguồn tin từ cảnh sát, đây đúng là danh tính của hung thủ. Nguồn tin cảnh sát còn cho biết là chiếc xe tải đã được thuê chỉ vài ngày trước khi được sử dụng để gây án.

Đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất tại Pháp kể từ sau các vụ tấn công khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris khiến 130 người chết.
Tuy chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, nhưng trong một bài phát biểu đọc vào lúc 3h sáng ngày 15/07, tổng thống Pháp François Hollande khẳng định đây là một vụ tấn công rõ ràng mang tính khủng bố. Ông thông báo tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp ( theo lẽ sẽ kết thúc vào ngày 26/07/2016) thêm ba tháng.

Ông Hollande tái khẳng định quyết tâm chống khủng bố của nước Pháp và loan báo sẽ gia tăng các hành động ở Syria và Irak. Tổng thống Pháp cũng loan báo quyết định huy động các công dân ttình nguyện làm lực lượng dự bị để hỗ trợ lực lượng cảnh sát và hiến binh, nhất là trong việc kiểm soát biên giới.

Pháp vẫn là mục tiêu ưu tiên của khủng bố Hồi Giáo

mediaLực lượng cảnh sát Pháp thu thập chứng cứ gần chiếc xe tải sau vụ khủng bố tối ngày 14/07/2016 trên Promenade des Anglais, tại Nice.ANNE-CHRISTINE POUJOULAT / AFP

Vụ tấn công tại Nice ngày Quốc Khánh 14/07/2016 một lần nữa cho thấy Pháp vẫn chưa thoát ra khỏi nguy cơ khủng bố Hồi Giáo.
Trong một cuộc điều trần trước ủy ban quốc phòng của Hạ Viện Pháp mới tháng 5 vừa qua, ông Patrick Calvar, giám đốc Tổng Cục An Ninh Nội Địa - DGSI, cho biết Pháp nay đã trở thành mục tiêu tấn công khủng bố hàng đầu không chỉ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo - Daech, cũng như của mạng lưới Al-Qaida.

Sau các vụ tấn công bằng vũ khí của những tên khủng bố liều chết, ông Calvar lo ngại là những kẻ tấn công khủng bố sẽ thay đổi phương thức hành động. Giám đốc DGSI nhấn mạnh đến nguy cơ bọn khủng bố đặt chất nổ tại những nơi có đông người để gây một tâm lý hoảng loạn.

Ông Calvar tiết lộ rằng Daech đang dự trù những cuộc tấn công mới, sử dụng những chiến binh tại chỗ, dùng những con đường dễ xâm nhập vào lãnh thổ nước Pháp. Do hiện nay, việc đi vào Syria ngày càng khó khăn và liên minh quốc tế thì gia tăng oanh kích, ngày càng có ít thanh niên Pháp đi sang Syria. Các số liệu mới nhất của bộ Nội Vụ Pháp thẩm định hiện chỉ có 652 quân thánh chiến người Pháp đang chiến đấu ở Syria.

Nguợc lại, ngày càng có nhiều quân thánh chiến người Pháp muốn trở về nước nhưng bị Daech ngăn cản, và đối với tổ chức này, những người muốn rời Syria là những kẻ « phản bội », cần phải xử tử ngay lập tức. Theo lời giám đốc DGSI, có một số người bị Daech xem là phản bội nay muốn đoái công chuộc tội bằng cách trở về tấn công khủng bố nước Pháp. Ngoài ra, còn có nhiều trẻ em trở về nước cùng với các chiến binh người Pháp. Cơ quan DGSI sợ rằng Daech đã huấn luyện những em này thành những kẻ khủng bố tương lai.

Trong một cuộc điều trần khác trước uỷ ban luật pháp của Hạ Viện Pháp, bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve, thông báo là trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp, được ban hành sau loạt tấn công khủng bố ở Paris ngày 13/11/2015, từ đầu năm đến nay, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ 101 người có liên quan đến khủng bố, trong đó có 45 người bị truy tố và 33 người bị tống giam. Theo bộ trưởng Cazeneuve, con số này đủ cho thấy mức độ đe dọa khủng bố đối với nước Pháp.

Khi khai thác máy vi tính của kẻ khủng bố tự sát tại sân bay Bruxelles ngày 22/03, các nhà điều tra biết được là quân khủng bố đã dự trù tấn công vào nhiều mục tiêu ở Pháp, trong đó có khu doanh nghiệp La Défense. Ý định ban đầu của tổ thánh chiến ở Bruxelles là tấn công nước Pháp lần nữa, nhưng cuối cùng họ đã cấp tốc quyết định ra tay hành động ngay tại thủ đô Bỉ.

Tình trạng khẩn cấp ở Pháp trên nguyên tắc sẽ được dỡ bỏ vào ngày 26/07 tới, thế nhưng sau vụ tấn công ngày 14/07 ở Nice, chính phủ đã buộc phải triển hạn thêm 3 tháng. Nhưng vụ tấn công tại Nice cho thấy rất khó mà ngăn chặn những kẻ khủng bố hành động riêng lẻ.

 Giống như vụ sát hại hai vợ chồng cảnh sát ở Magnaville ngày 13/06/2016, hung thủ không cần ai hỗ trợ mà chỉ ra tay một mình nhân danh tổ chức Daech. Hành động này tuy riêng lẻ nhưng gây tiếng vang rất lớn vì nó nhắm vào một biểu tượng là lực lượng an ninh.

Còn trong vụ tấn công tại Nice, hung thủ đã đánh vào biểu tượng của chính nước Pháp khi cho xe tải cán chết những người đến xem pháo bông mừng lễ Quốc Khánh, ngày lễ của tự do, bình đẳng, bác ái. Hung thủ ở Nice có lẽ cũng đã làm theo lời kêu gọi của Daech, đó là dùng đủ mọi phương tiện, kể cả xe, để giết những người Pháp « vô đạo » càng nhiều càng tốt.



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment