Tuesday, 7 June 2016

Biển Đông : Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu một giải pháp ngoại giao

Kerry nên ngay thẳng khuyến cáo China ngưng xâm lược các nước nhỏ ở Biển Đông!

Biển Đông : Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu một giải pháp ngoại giao

mediaNgoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu nhân buổi khai mạc cuộc Đối thoại Chiến lược Mỹ - Trung tại Bắc Kinh ngày 06/06/2016.Reuters

Đối thoại chiến lược thường niên Mỹ-Trung lần thứ 8 khai mạc vào ngày 06/06/2016 tại Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông. Trước mặt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố : Hoa Kỳ kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng « một giải pháp ngoại giao, tôn trọng luật pháp và chuẩn mực quốc tế ».

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bất ngờ căng thẳng lên hôm Chủ nhật vì tình hình Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tranh giành chủ quyền biển đảo với các quốc gia Đông Nam Á. Trong 24 giờ qua, ngoại trưởng Mỹ phải hai lần lên tiếng. Lần thứ nhất, khi trưởng đoàn Trung Quốc tại Diễn đàn An ninh Shangri-la ở Singapore Tôn Kiến Quốc lên án Mỹ « khiêu khích » tại Biển Đông, ngoại trưởng John Kerry đang thăm Mông Cổ, cảnh cáo Trung Quốc « quân sự hóa Biển Đông, làm tình hình căng thẳng ».

Hôm nay 06/06, trong giờ khai mạc « Đối thoại Chiến lược và Kinh tế » lần thứ 8 , và trước mặt chủ tịch nước chủ nhà, Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa nhắc đến hồ sơ Biển Đông và kêu gọi « một giải pháp ngoại giao ».

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt tường thuật:
Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tìm kiếm một giải pháp ngoại giao trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và trong tinh thần tôn trọng các khung pháp lý. Tuyên bố trên của ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry gần như là một lời cảnh cáo Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng khiêu khích các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines bất chấp những khuyến cáo của Hoa Kỳ

Trung Quốc đã liên tục xây dựng các phi đạo, hải đăng và cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo. Gần đây, quân đội nước này còn tổ chức một buổi hòa nhạc tại các hòn đảo có tranh chấp chủ quyền, với những bài hát ca ngợi tổ quốc, do một ca sĩ nổi tiếng Trung Quốc, trong bộ quân phục, thể hiện.
Bắc Kinh luôn có rất nhiều sáng kiến để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên. Du thuyền của Trung Quốc đã đưa khách đến tham quan các vùng biển đang có tranh chấp và đỉnh điểm của các cuộc du ngoạn này là khi du khách dương cao cờ Trung Quốc và hát quốc ca.

Phía Hoa Kỳ đã điều tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc nhưng vẫn không làm Bắc Kinh nao núng. Trung Quốc giải thích cần tăng cường sự hiện diện trong vùng để bảo đảm an ninh cho các tuyến đường biển. Ngoài ra, theo luận điểm của Bắc Kinh các hòn đảo vừa được xây dựng xong sẽ đóng một vai trò tích cực cho tất cả mọi quốc gia trong vùng để hoàn thành nhiệm vụ trong công tác cứu hộ trên biển.


Mỹ- Trung kêu gọi hợp tác song phương

mediaNgoại trưởng Mỹ John Kerry (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 06/06/2016.Reuters

« Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên lần thứ 8 » diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 06 và 07/06 giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hai bên cùng kêu gọi hợp tác, tránh thái độ thù nghịch nhưng tham vọng của Hoa lục tại Biển Đông làm quan hệ đôi bên căng thẳng. Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi « thiết lập tin cậy lẫn nhau » nhưng khẳng định có những bất đồng « không thể giải quyết bằng đối thoại ».

Hai đại cường số một và số hai thế giới gặp nhau trong hai ngày, thứ Hai và thứ Ba tại thủ đô Trung Quốc trong khuôn khổ « đối thoại chiến lược và kinh tế » định kỳ.

Tuy nhiên, cuộc đối thoại lần thứ 8 này diễn ra trong căng thẳng. Trung Quốc càng ngày càng tỏ ra quyết liệt khống chế Biển Đông. Bước tới đây, theo báo chí Hồng Kông, Bắc Kinh sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ADZ trên vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á và cũng là con đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Trong khi đó thì Hoa Kỳ xem châu Á Thái Bình Dương là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại với kế hoạch « xoay trục » và hiệp định thương mại TPP, không có Trung Quốc.

Ngay vào giờ khai mạc, chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình bắn phát pháo đầu tiên. Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng châu Á Thái Bình Dương đủ rộng để Mỹ và Trung Quốc cùng hợp tác thay vì tranh giành. Ông Tập Cận Bình kêu gọi hai bên « củng cố niềm tin cậy lẫn nhau ».
Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ John Kerry, được bộ trưởng Tài Chính Jacob Lew tháp tùng, đã trả lời cứng cỏi : chính hai nước chúng ta, Mỹ và Trung Quốc, phải hành động như thế nào để trở thành đối tác hơn là đối thủ.

Hai ngày trước, Mỹ và Trung Quốc lên án nhau « khiêu khích » ở Biển Đông. Ngoại trưởng John Kerry lên án thái độ « gây bất ổn định, khiêu khích, đơn phương quân sự hóa » Biển Đông của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter khuyến cáo Bắc Kinh coi chừng bị Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á đáp trả.

Tuy nhiên, khi đến Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ kêu gọi giải quyết xung khắc chủ quyền tại Biển Đông qua « một giải pháp ngoại giao ». Theo giới phân tích, tình hình Biển Đông nóng lên một phần vì Toà Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sắp công bố phán quyết về đơn kiện Trung Quốc của Philippines mà nhiều người dự đoán là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.
Một nhà ngoại giao Mỹ nhìn nhận là « căng thẳng tại Biển Đông tăng nhiều hơn so với tình hình cách nay một năm » nhân Đối thoại chiến lược Mỹ-Trung lần trước.

Chương trình nghị sự năm nay cũng không nhẹ : xung khắc Biển Đông, Bắc Triều Tiên, Đài Loan, tin tặc, khủng bố, tỷ giá đồng tiền Trung Quốc, cán cân thương mại, thép Trung Quốc bị tố trợ giá xuất khẩu… một danh sách rất dài. Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cam kết sẽ « tăng cường trao đổi với Mỹ về hồ sơ Bắc Triều Tiên, Iran và Syria ».

Tuy nhiên, theo Reuters, lãnh đạo số một Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó tuyên bố : có những bất đồng có thể giải quyết bằng nỗ lực đàm phán nhưng có những bất đồng không thể giải quyết bằng đối thoại vào thời điểm này .
Chủ tịch Trung Quốc có ẩn ý gì và ám chỉ hồ sơ nào ?






__._,_.___

No comments:

Post a Comment