Biển Đông: Malaysia và Indonesia phản kích Bắc Kinh, Việt Nam
làm gì?
Là hai nước nổi tiếng là thường tránh trực tiếp đả kích Trung Quốc
trên vấn đề Biển Đông, Malaysia và Indonesia trong tháng 03/2016 đã bất ngờ công
khai tỏ thái độ cứng rắn trước một số hành vi lấn lướt của Bắc Kinh ngay trong
vùng đặc quyền kinh tế của hai quốc gia Đông Nam Á.
Theo các nhà phân tích, phản ứng của Kuala Lumpur và Jakarta là
điều cần thiết để cảnh cáo Bắc Kinh là không nên coi Biển Đông là ao nhà của mình.
Vấn đề đặt ra là các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam, cũng cần
lên tiếng ủng hộ Malaysia và Indonesia để chống lại đà bành trướng của Trung
Quốc.
Vụ việc liên quan đến Indonesia xẩy ra ngày 19/03/2016 khi một tàu
tuần tra của Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc cùng
với thủy thủ đoàn gồm tám người đang đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế
của quần đảo Natuna. Thế nhưng, trên đường kéo tàu cá Trung Quốc về bờ, tàu
tuần duyên Trung Quốc đã xông vào giải cứu tàu cá vi phạm, buộc Indonesia phải
bỏ tàu cá Trung Quốc lại.
Ngay sau sự cố, ngày 21/03, bộ trưởng bộ Thủy Sản Indonesia, bà
Susi Pudjiastuti, đã tổ chức họp báo quốc tế lên án hành vi thô bạo của Bắc
Kinh, thậm chí tuyên bố công khai là Indonesia không loại trừ việc kiện Trung
Quốc ra Tòa Án Quốc Tế về hành vi vi phạm này.
Trung Quốc quá đáng, Indonesia bị "tức nước vỡ bờ"
Indonesia và Trung Quốc không tranh chấp Biển Đông, nhưng đường
lưỡi bò mà Trung Quốc vạch ra để yêu sách chủ quyền trên Biển Đông lại ăn vào
vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna nằm sát Biển Đông.
Trong thời gian qua, lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc có mặt trong khu vực, đã
không ngần ngại can thiệp để xua đuổi ngư dân Indonesia hay sách nhiễu lực
lượng kiểm ngư Indonesia để bảo vệ tàu cá Trung Quốc.
Tuy nhiên, những sự cố như trên thường được Jakarta ém nhẹm để
khỏi đụng chạm đến Trung Quốc. Vậy tại sao lần này Indonesia lại phản ứng mạnh
mẽ như vậy ?
GS. Ngô Vĩnh Long : «
Bắc Kinh leo thang để dò phản ứng »
Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại
trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), chính thái độ ngoan cố và bất chấp phải trái của
Trung Quốc đã khiến cho Indonesia bị "tức nước vỡ bờ". Trả lời RFI,
giáo sư Long ghi nhận :
« Việc Trung Quốc đưa tàu cá vào vùng quần đảo Natuna đã xảy
ra rất nhiều lần rồi, nhưng vì Indonesia muốn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc,
cho nên chỉ phản ứng nhẹ nhàng thôi. Nhưng kỳ này, ngày 19/03 vừa qua, khi tàu
cá Trung Quốc bị tàu của Indonesia bắt giữ, thì lập tức tàu tuần dương của
Trung Quốc xông tới cắt đứt giây cáp, cướp lại tàu cá.
Đối với Indonesia, đây là một hành vi quá mức, vì thế Indonesia
không những nói công khai chuyện này trước báo chí, mà lại còn dọa đưa vấn đề
này ra tòa.
Sự kiện kể trên cho thấy thái độ rất ngoan cố và bắt chấp phải
trái của Trung Quốc. Tuy đảo Natuna nằm giáp ranh đường lưỡi bò và trong vùng
đặc quyền kinh tế của Indonesia, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc
nói rằng tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trong vùng « đánh cá truyền thống của
Trung Quốc » khi bị tàu của Indonesia đe dọa cho nên tàu tuần dương của Trung
Quốc phải đến trợ giúp.
Đây rõ ràng là một hành động leo thang, một dạng thách thức của
Trung Quốc, để xem thử coi Indonesia, các nước trong và ngoài khu vực phản ứng
như thế nào đối với sự leo thang này ».
Như giáo sư Long vừa phân tích, Trung Quốc đang triển khai chiến
lược khống chế Biển Đông, và sẵn sàng có những hành vi cực kỳ khiêu khích để
thăm dò phản ứng của các nước khác.
Chiến thuật ‘biển tàu’ để khiêu khích Malaysia
Vụ Bắc Kinh ngày 24/03 vừa qua đã tung cả trăm tàu cá vào vùng biển mà
Malaysia tuyên bố chủ quyền gần bãi South Luconia Shoals cũng nhằm
mục tiêu đó. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 26/03 đã nêu bật
việc các sự cố mới nhất liên quan đến tàu cá Trung Quốc đều xẩy ra sau
khi Bắc Kinh tiếp tục công khai khuyến khích ngư dân Trung Quốc tràn xuống
Biển Đông, một phương thức thâm hiểm khác để áp đặt chủ quyền.
Hành động của Trung Quốc đã khiến Malaysia phải điều tàu và máy
bay đến nơi tăng cường giám sát, đồng thời lên tiếng cảnh cáo là lực lượng chấp
pháp Malaysia sẽ can thiệp nếu tàu cá Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp
trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, dù không muốn đụng chạm Trung Quốc
như họ vẫn thường làm, lần này chính quyền Malaysia không thể ngồi yên do tính
chất "quá đáng" của vụ việc :
« Chuyện này đã xẩy ra nhiều lần rồi. Chính phủ Malaysia đã
phải báo cáo nhiều lần cho dân chúng, cho Thượng Viện nước này, nhưng lần này
là một chuyện quá đáng.
Một ví dụ là trong cuộc tường trình vào tháng 03/2015 trước Thượng
Viện, bộ trưởng Phủ Thủ Tướng kiêm giám đốc Cục Tuần Tra Hải Phận của Malaysia
(Malaysian Maritime Enforcement Agency), ông Shahidan Kassim, đã cho biết rằng
tàu Trung Quốc thường xuyên vi phạm vùng biển South Luconia Shoals trong hai
năm trước đó. Đây là vùng cách bờ biển Sarawak 84 hải lý.
Do đó, Cục Tuần Tra Malaysia đã phải tăng tuần tra vùng này từ 269
ngày trong năm 2014 lên đến 345 ngày trong năm 2015. Việc tăng tuần tra tốn rất
nhiều tiền, cho nên chính phủ Malaysia phải qua Thượng Viện xin thêm tiền.
Hơn thế nữa, các tàu tuần dương của Trung Quốc đã dùng vũ lực để
xua đuổi tàu cá Malaysia ra khỏi vùng South Luconia Shoals. Do đó, chỉ còn có
tàu đánh cá Trung Quốc là tự do hoạt động trong vùng này trong khi ngư dân ở
vùng Sarawak không thể hành nghề truyền thống của họ nữa.
Do đó, cách nay hơn một tháng, có hơn 20 hiệp hội ngư dân vùng
Sarawak biểu tình và đòi chính phủ Malaysia phải có thái độ dứt khoát ».
Ngay từ trước lúc nổ ra vụ 100 tàu cá Trung Quốc, Malaysia, qua
lời bộ trưởng Quốc Phòng Hishammuddin Hussein hôm 14/03, đã công khai tuyên bố
quan ngại trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, cho rằng nếu thật sự là
như vậy, thì Malaysia sẽ phải kết hợp với những nước khác để "đẩy lùi"
- tiếng Anh là "push back" - Trung Quốc. Trước mắt, Malaysia đã
hội ý với Úc, và có ý định tham khảo thêm Việt Nam và Philippines.
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, sự kiện bộ trưởng Quốc Phòng
Malaysia dùng đến từ ngữ "đẩy
lùi", rất đáng chú ý.
Cần đồng thanh chống Trung Quốc coi thường luật quốc tế
Chính quyền Việt Nam cho đến lúc này vẫn im hơi lặng tiếng trước
các diễn biến trên đây liên quan đến các hành vi quá đáng của Trung Quốc. Rất
có thể là vì vấn đề Natuna ở Indonesia, hay South Luconia Shoals ở Malaysia không
liên can trực tiếp đến Việt Nam.
Tuy nhiên, theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, vấn đề là Trung Quốc đã có
những hành vi leo thang, coi thường luật lệ quốc tế ở Biển Đông. Khái niệm « ngư
trường truyền thống » mà Bắc Kinh đưa ra chẳng hạn, để giải thích cho việc
ngư dân họ đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia là điều hoàn
toàn trái với luật quốc tế, nhất là khi ngư trường truyền thống đó lại ở rất xa
Trung Quốc.
Do vậy, theo giáo sư Long, phía Việt Nam phải lên tiếng khẳng định
một cách rõ ràng là sẽ ủng hộ những cố gắng của Malaysia cũng như của các nước
khác trong khu vực và trên thế giới, buộc Trung Quốc phải phục tùng luật pháp
quốc tế và xuống thang ở Biển Đông.
Nhìn rộng ra, Việt Nam phải tiếp tục lên tiếng phản đối mọi hành
vi coi thường luật lệ quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, và tuyệt đối không được
tạo ra cảm giác là mình chấp nhận sự đã rồi do Bắc Kinh áp đặt :
« Việt Nam nên liên tục lên tiếng về sự đe doạ an ninh của
Trung Quốc bằng cách quân sự hoá các đảo mà Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh
chiếm ở Biển Đông. Việt Nam nên thường xuyên vận động dư luận quốc tế về việc
đánh chiếm của Trung Quốc để cho Trung Quốc chồn chân.
Lẽ dĩ nhiên, trước mắt Trung Quốc sẽ tiếp tục xây cất trên các đảo
đã chiếm, nhưng Trung Quốc sẽ khó leo thang bằng cách đánh chiếm thêm nếu Việt
Nam và các nước khác thường xuyên lên tiếng cảnh báo.
Hơn thế nữa, Việt Nam nên tìm mọi cách để « đẩy lùi »
Trung Quốc như tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia và nhất thiết cho mọi
người biết rõ ràng là Việt Nam không chấp nhận sự chiếm đóng bằng vũ lực của
Trung Quốc như là chuyện đã rồi. »
Trên đây là trích đoạn các phân tích của Giáo sư Ngô Vĩnh Long về
những gì Việt Nam cần làm trước các hành vi leo thang của Trung Quốc tại Biển
Đông nhắm vào Indonesia và Malaysia.
*
Toàn văn bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long:
RFI : Giáo
sư đánh giá sao về phản ứng tương đối cứng rắn của Indonesia?
GS. Ngô Vĩnh Long : Việc Trung Quốc đưa tàu cá vào vùng quần đảo Natuna đã xảy ra
rất nhiều lần rồi, nhưng vì Indonesia muốn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, cho nên
chỉ phản ứng nhẹ nhàng thôi. Nhưng kỳ này, ngày 19/03 vừa qua, khi tàu cá Trung
Quốc bị tàu của Indonesia bắt giữ, thì lập tức tàu tuần dương của Trung Quốc
xông tới cắt đứt giây cáp, cướp lại tàu cá.
Đối với Indonesia, đây là một hành vi quá mức, vì thế Indonesia
không những nói công khai chuyện này trước báo chí, mà lại còn dọa đưa vấn đề
này ra tòa.
Sự kiện kể trên cho thấy thái độ rất ngoan cố và bắt chấp phải
trái của Trung Quốc. Tuy đảo Natuna nằm giáp ranh đường lưỡi bò và trong vùng
đặc quyền kinh tế của Indonesia, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc
nói rằng tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trong vùng « đánh cá truyền
thống của Trung Quốc » khi bị tàu của Indonesia đe doạ cho nên tàu tuần
dương của Trung Quốc phải đến trợ giúp.
Đây rõ ràng là một hành động leo thang, một dạng thách thức của
Trung Quốc để xem thử coi Indonesia, các nước trong và ngoài khu vực phản ứng
như thế nào đối với sự leo thang này.
Cùng một lúc, Trung Quốc đưa cả 100 tàu cá vào trong vùng biển của
Malaysia. Đây không phải là chuyện mới, mà đã xẩy ra rất nhiều lần, đặc biệt
trong hai năm 2014, 2015, và Malaysia đã nhiều lần cảnh cáo Trung Quốc về việc
cho tàu cá thường xuyên vi phạm vùng biển của Malaysia.
RFI :Malaysia là nước thướng phản ứng kín
đáo và nhẹ nhàng trước các hành động của Trung Quốc, kể cả khi Trung Quốc tới
bãi James Shoal của Malaysia để thị uy. Vì sao Malaysia lại đột nhiên có vẻ
cứng giọng trên vấn đề Trung Quốc tại Biển Đông?
GS. Ngô Vĩnh Long : Bởi vì chuyện này đã xẩy ra nhiều lần rồi. Chính phủ
Malaysia đã phải báo cáo nhiều lần cho dân chúng, cho Thượng Viện nước này,
nhưng lần này là một chuyện quá đáng.
Một ví dụ là trong cuộc tường trình vào tháng 03/2015 trước Thượng
Viện, bộ trưởng phủ thủ tướng, kiêm giám đốc Cục Tuần tra Hải phận của
Malaysia, ông Shahidan Kassim, đã cho biết rằng tàu Trung Quốc đã thường xuyên
vi phạm vùng biển gọi là South Luconia Shoals trong hai năm trước đó.
Đây là vùng cách bờ biển Sarawak 84 hải lý. Do đó, Cục Tuần Tra
nói trên gọi là (Malaysian Maritime Enforcement Agency) đã phải tăng tuần tra
vùng này từ 269 ngày trong năm 2014 lên đến 345 ngày trong năm 2015. Việc tăng
tuần tra tốn rất nhiều tiền, cho nên chính phủ Malaysia phải qua Thượng Viện
xin thêm tiền.
Hơn thế nữa, các tàu tuần dương của Trung Quốc đã dùng vũ lực để
xua đuổi các tàu cá của Malaysia ra khỏi vùng South Luconia Shoals. Do đó chỉ
còn có tàu đánh cá của Trung Quốc là tự do hoạt động trong vùng này trong khi
ngư dân ở vùng Sarawak không thể hành nghề truyền thống của họ nữa.
Do đó, cách nay hơn một tháng, có hơn 20 hiệp hội ngư dân vùng
Sarawak biểu tình và đòi chính phủ Malaysia phải có thái độ dứt khoát. Vì vây, vào
trung tuần tháng 3 này Bộ trưởng Quốc Phòng Datuk Seri Hishammuddin Hussein đã
phải tuyên bố tại Kuala Lumpur khi ông trả lời một cuộc phỏng vấn của báo chí
là Trung Quốc đã lấn áp Malaysia quá nhiều, và nếu các thông tin về việc Trung
Quốc tăng cường vũ khí trên các đảo Trường Sa là đúng, thì đã đến lúc Malaysia
phải đẩy lùi (pushback) sự lấn áp của Trung Quốc.
Từ "pushback"
là một từ mà Malaysia ít khi, nếu không nói là chưa bao giờ, dùng trong quan hệ
với một nước khác, thế mà chỉ một tuần sau đó, Trung Quốc lại đưa một trăm tàu
cá vào vùng biển của Malaysia ngoài khơi Sarawak, để thách thức Malaysia.
RFI : Việt Nam có thể đề nghị gì khi được
Malaysia tham khảo?
GS. Ngô Vĩnh Long : Nếu tôi nhớ không nhầm thì bộ trưởng Hishammuddin nói là
ông gặp gỡ và đàm phán với các đối tác Việt Nam, Philippines và Úc để bàn về
những động thái của Trung Quốc mà ông cho là có thể để quân sự hoá Biển
Đông.
Cho đến nay, trước công chúng giới chức Việt Nam chỉ có những tuyên
bố trống không và mơ hồ. Kể cả trong việc Philippines kiện Trung Quốc ra trước
Toà Án Thường Trực, mà nếu thắng thì Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều
nhất, thì Việt Nam cũng chưa có lời ủng hộ rõ rệt và dứt khoát.
Cho nên tôi nghĩ rằng Việt Nam nên liên tục lên tiếng về sự đe doạ
an ninh của Trung Quốc bằng cách quân sự hoá các đảo mà Trung Quốc đã dùng vũ
lực đánh chiếm ở Biển Đông. Việt Nam nên thường xuyên vận động dư luận quốc tế
về việc đánh chiếm của Trung Quốc để cho Trung Quốc chồn chân.
Lẽ dĩ nhiên trước mắt Trung Quốc sẽ tiếp tục xây cất trên các đảo
đã chiếm, nhưng Trung Quốc sẽ khó leo thang bằng cách đánh chiếm thêm nếu Việt
Nam và các nước khác thường xuyên lên tiếng cảnh báo.
Hơn thế nữa, Việt Nam nên tìm mọi cách để « đẩy lùi » Trung Quốc
như tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia và nhất thiết cho mọi người biết
rõ ràng là Việt Nam không chấp nhận sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc
như là chuyện đã rồi.
Cùng chủ đề
BIỂN ĐÔNG - TRANH CHẤP
Hạ
Viện Indonesia : Xây thêm căn cứ quân sự để chống Trung Quốc
INDONESIA
Indonesia
tăng cường phòng thủ Natuna trước tham vọng của Trung Quốc
BIỂN ĐÔNG - INDONESIA -
TRUNG QUỐC
Jakarta
đòi Bắc Kinh làm rõ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông
__._,_.___
No comments:
Post a Comment