TQ triển khai
tên lửa ở Hoàng Sa
·
17 tháng 2 2016
Hành động này
có nguy cơ làm tăng căng thẳ̀ng trong khu vực mới đây đã xảy ra nhiều sự kiện.
Hôm 30/1, tàu
khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo
Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong điều mà Hoa Kỳ gọi là "chiến dịch
tự do hàng hải" (FONOP).
Cũng có tin
Trung Quốc đang cải tạo và xây căn cứ trực thăng ở quần đảo Hoàng Sa.
Hãng Fox News
chiếu hình ảnh chụp từ vệ tinh do công ty ImageSat International cung cấp cho
thấy hiện diện của hai khẩu đội tên lửa với tám bệ phóng, và một hệ thống
radar trên đảo Phú Lâm.
Đây là đảo lớn
nhất của quần đảo Hoàng Sa và là nơi Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự.
Sau đó tin này
đã được giới chức một số quốc gia xác nhận.
Tuy nhiên, phát
biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ở Bắc
Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ và nói báo chí phương
Tây thêu dệt việc này.
Trong ngày
17/02, Đài Loan cho hay theo họ thì "Trung Quốc đã đưa hỏa tiễn ra Biển
Nam Trung Hoa".
Bộ Quốc phòng
Trung Quốc đáp lại rằng Trung Quốc “có quyền lợi chính đáng và hợp pháp trong
việc bố trí các cơ sở phòng thủ trong phạm vi lãnh thổ của mình”.
Cục Thông tin
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Tây Sa (tức Hoàng Sa) là “lãnh thổ vốn có
của Trung Quốc”.
“Trung Quốc có
quyền lợi chính đáng và hợp pháp trong việc triển khai các cơ sở phòng thủ
trong phạm vi lãnh thổ của mình, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh
quốc gia.”
“Việc Trung
Quốc bố phòng trên các đảo đá liên quan đã có từ lâu, sự thổi phồng và hâm nóng
của cá biệt phương tiện truyền thông hoàn toàn là nhai lại giọng điệu cũ
rích về cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc,” Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói.
Tên lửa phòng không
Fox News dẫn
nguồn một quan chức Hoa Kỳ nói dường như đây là hệ thống tên lửa phòng không
HQ-9, có tầm che phủ 200km và có thể đe dọa các máy bay bay gần đó.
Ảnh vệ tinh
hôm 3/2 cho thấy một vị trí trống không nhưng cũng nơi đó hôm 14/2 đã xuất
hiện các tên lửa.
Việc triển
khai tên lửa đất đối không chắc chắn gây quan ngại an ninh cho các nước xung
quanh khu vực Hoàng Sa, và cả cho các bên có quyền lợi hàng không và hàng hải
tại đây.
Một số chuyên
gia cho rằng hành động này có thể là phản ứng đối với việc Hoa Kỳ điều tàu
vào sát đảo Tri Tôn hôm 30/1.
Trung Quốc
tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông nhưng sẵn sàng phòng thủ.
Nước này cho
rằng Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc về Trung Quốc, bởi vậy
triển khai vũ khí tại các quần đảo này là quyền chủ quyền của Trung Quốc.
Người phát ngôn
của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Bill Urban, nói với báo chí rằng ông không bình luận
về các chủ đề liên quan tình báo nhưng chúng tôi theo dõi chúng rất chặt
chẽ".
Việt Nam, nước
cũng tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa, chưa có phản ứng trước việc Trung Quốc
triển khai tên lửa.
Tuy nhiên hôm
31/1, khi nói về vụ tàu chiến Mỹ áp sát đảo Tri Tôn, Người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Lê Hải Bình tuyên bố "Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong
lãnh hải" của tàu Mỹ theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
'Không có lựa chọn'
Tiến sỹ Ian
Storey, chuyên gia về an ninh khu vực ở Singapore, nói với BBC: "Việt Nam
chắc chắn sẽ hết sức quan ngại trước hoạt động nâng cấp khả năng quân sự đáng
kể này của Trung Quốc ở Hoàng Sa".
Theo ông
Storey, Việt Nam sẽ phản đối và nói đây là hành động vi phạm chủ quyền của
Việt Nam, và vi phạm cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà ông Tập Cận Bình
đưa ra hồi năm ngoái.
"Thế nhưng
Việt Nam không có lựa chọn nào cả."
"Việt Nam
không thể làm gì để khiến Trung Quốc rút tên lửa đi. Những tên lửa này sẽ ở lại
đó và thậm chí có thể sẽ dẫn đến việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng
phòng không (ADIZ) trên phía bắc Biển Đông, nơi có quần đảo Hoàng Sa. Trong
tương lai Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động như vậy xuống quần đảo Trường
Sa, nơi nước này đang tích cực xây đảo nhân tạo."
Một điều đáng
chú ý, theo Tiến sỹ Storey, là vì tranh chấp Hoàng Sa trên thực tế chỉ là giữa
hai nước Việt Nam và Trung Quốc (Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền nhưng không
tham gia tranh chấp một cách tích cực), việc triển khai tên lửa ở đây sẽ
không gây phản ứng gay gắt từ các nước khác trong khu vực, nếu so với quần đảo
Trường Sa.
"Tôi cho
là các nước khác sẽ tảng lờ hoặc im lặng trước việc này."
Tuy nhiên ông
Storey cảnh báo rằng trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa
đi liền với nhau và "căng thẳng gia tăng trong khu vực sẽ ảnh hưởng tới
tất cả các nước".
Vì sao TQ triển khai hỏa tiễn ở Hoàng Sa?
·
17 tháng 2 2016
Triển khai hỏa
tiễn và Radar tại Hoàng Sa là một hành động nhằm chuẩn bị hoàn thành bước quân
sự hóa ở Biển Đông, đồng thời khẳng định giai đoạn thứ sáu trong một chiến lược
dài hạn của Trung Quốc có tên gọi là 'thay đổi nguyên trạng' Biển Đông của
chính quyền Bắc Kinh, theo cắt nghĩa của nhà phân tích chiến lược quan hệ quốc
tế từ Hà Nội.
Bộ Quốc phòng
Trung Quốc đã tuyên bố rằng Trung Quốc “có quyền lợi chính đáng và hợp pháp
trong việc bố trí cá cơ sở phòng thủ trong phạm vi lãnh thổ của mình”.
Cục Thông tin
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Tây Sa (tức Hoàng Sa) là “lãnh thổ vốn có
của Trung Quốc”.
“Trung Quốc có
quyền lợi chính đáng và hợp pháp trong việc triển khai các cơ sở phòng thủ
trong phạm vi lãnh thổ của mình, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh
quốc gia.”
Bình luận với
BBC về động thái Trung Quốc được cho là đã triển khai tên lửa và hệ thống radar
trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ tay của
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1974, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD) nói:
"Đấy là
một hành động ngang ngược và bất chấp dư luận thế giới... Tại sao Trung Quốc
lại phải triển khai tên lửa ở một khu vực mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam?
"Hành động
này là một bước chuẩn bị cho việc sau khi Trung Quốc hoàn thành cải tạo các
đảo, thì Trung Quốc triển khai các tên lửa xuống Trường Sa và như thế là hoàn
thành bước quân sự hóa Biển Đông."
Đồng thời theo
nhà phân tích, người cũng là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, hành động
triển khai hỏa tiễn thống nhất với một chiến lược dài hạn đã có từ lâu của
Trung Quốc ở vùng biển có nhiều tranh chấp về chủ quyền.
Ông
Nguyễn Ngọc Trường nói:
"Kể từ năm
2014 đến nay là Trung Quốc bước vào giai đoạn thứ sáu, giai đoạn thay đổi
nguyên trạng Biển Đông... và nhằm xác lập những nỗ lực trên thực tiễn để kiểm
soát Biển Đông...
"Xét về
toàn bộ quá trình Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông qua năm giai đoạn, và đây là
giai đoạn thứ sáu, có sáu giai đoạn, thì nó không phụ thuộc lắm vào hoạt động
của Trung Quốc, vào việc mở rộng và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Tôi nghĩ
việc lấn chiếm Biển Đông, từng bước lấn chiếm Biển Đông và áp đặt sự hiện diện
quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông có tính quy luật, trở thành một xu thế Trung
Quốc đã thực hiện từ năm 1954 đến nay, kể từ khi Pháp rút khỏi Đông Dương cho
đến ngày nay."
Ba nguyên nhân chính
Cũng bình luận
về động thái mới của Trung Quốc ở Hoàng Sa, diễn ra ngay sau khi hội nghị
Sunnylands giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và mười quốc gia thành viên Asean mới kết thúc
ở Hoa Kỳ, một nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung và đàm phán tranh chấp chủ
quyền giữa hai nước, cho rằng có ba nguyên nhân chính.
"Theo tôi
cũng là một bước đi trong chủ trương quân sự hóa của Trung Quốc để thực hiện
tham vọng của mình là khống chế và tiến tới độc chiếm Biển Đông. Cho nên việc
họ đưa tên lửa hay xây dựng đường băng, rồi đưa tàu chiến, rồi đưa máy bay và
xây dựng các đồn bốt quân sự thì rõ ràng đó là một điều mà không ai lạ lẫm gì.
"Và trong
chuyện lịch sử vừa qua cũng như sắp đến, người ta đều có thể dự đoán là Trung
Quốc sẽ làm. Nhưng việc quan trọng là họ đưa tên lửa đất đối không ở Phú Lâm
trong thời điểm hiện nay có lẽ phải thấy rõ là có sự tính toán của Trung
Quốc."
Và theo nhà
quan sát này, có ba nguyên nhân chính đằng sau động thái của Trung Quốc, Tiến
sỹ Trần Công Trục nói tiếp:
"Thứ nhất,
đây có phải là một sự phản ứng, tỏ ra một sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc
trong kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh của các nước Asean và Hoa Kỳ vừa diễn
ra, với một kết quả là có một tuyên bố khá chi tiết, đầy đủ với mười mấy điểm
mà chúng ta đã biết.
"Và đây là
một phản ứng có thể rất mạnh mẽ, thậm chí có thể gọi là rất ngông cuồng của
phía Trung Quốc trong việc tìm cách đe dọa bằng những vũ khí rất hiện đại đó để
có thể đe dọa các nước Asean đang tỏ ra một quyết tâm mạnh mẽ, một sự đoàn kết
thống nhất trong việc ngăn cản các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc, thì
tôi nghĩ đấy cũng là một nguyên nhân.
"Thứ
hai có thể nói rằng nó cũng là một thách thức đối với các nước trong khu vực
Asean mà kể cả Hoa Kỳ, bởi vì họ đã thấy rõ là Hoa Kỳ vừa rồi đã đưa tàu chiến
vào tuần tra trong phạm vi 12 hải lý ở Tri Tôn, ở quần đảo Hoàng Sa.
"Và nữa là
phải chăng họ (Trung Quốc) đang thể hiện đe dọa và thái độ của mình trước thông
tin là tháng Năm này, (Tổng thống Mỹ) Obama thăm Việt Nam.
"Tất cả
những cái đó rõ ràng là Trung Quốc đang tỏ rõ một tính toán, một quyết tâm rất
mạnh mẽ và một lần nữa họ bất chấp dư luận và bất chấp tất cả những quan ngại
cũng như tiếng nói mạnh mẽ của Quốc tế," ông Trần Công Trục nêu quan điểm.
Động thái tiếp theo?
Hôm thứ Tư,
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường nói với BBC về khả năng động thái tiếp theo của
Trung Quốc và ông tiên lượng Trung Quốc có thể sẽ có những hành động mới gây
thay đổi cán cân quân sự một cách 'rất cực đoan' ở khu vực.
"Tất nhiên
nó là nằm trong vấn đề Biển Đông, mà Biển Đông đã trở thành một vấn đề của quốc
tế, chứ không chỉ liên quan đến những nước có đòi hỏi chủ quyền biển đảo trực
tiếp như là Việt Nam.
"Mỹ và các
nước lớn liên quan sẽ rất quan ngại về hành động này. Thực ra hành động này...
rõ ràng là thay đổi tương quan quân sự, lực lượng quân sự, cán cân quân sự ở
Biển Đông. Rồi đây Trung Quốc sẽ cho máy bay quân sự xuống các tổ hợp quân sự,
dân sự ở Hoàng Sa, Trường Sa, nó sẽ thay đổi cán cân một cách rất là cực đoan.
"Với hành
động này, Trung Quốc, đây là leo thang từng bước và hành động này là bước leo
thang nghiêm trọng để quân sự hóa Biển Đông, thay đổi nguyên trạng Biển Đông và
đồng thời từng bước Trung Quốc sẽ tăng cường sự kiểm soát của mình đối với các
con đường biển huyết mạch ngang qua Biển Đông.
"Mặc dù
Trung Quốc nói hiện nay hành động của Trung Quốc không có ảnh hưởng gì đến tự
do hàng hải, nhưng người ta thấy là những quy luật hoạt động của Trung Quốc từ
mấy chục năm qua, người ta thấy đấy là bước leo thang càng ngày càng nghiêm
trọng."
Và Tiến sỹ
Nguyễn Ngọc Trường đưa ra dự đoán thêm với BBC:
"Theo tôi
việc từ Hoàng Sa sẽ dẫn đến Trường Sa, Trường Sa sau đó sẽ có thể là thiết lập
khu vực kiểm soát của Trung Quốc để bảo vệ khu vực hoạt động tàu ngầm hạt nhân
của Trung Quốc ở Biển Đông, rồi có thể Trung Quốc thiết lập vùng cấm bay."
Hiện có tin Trung
Quốc đang cải tạo và xây dựng căn cứ cho phi cơ trực thăng ở quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên ngay
tại một họp báo chung vơi Ngoại trưởng Úc Julie Bishop ở thủ đô Trung Quốc, Bắc
Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc ông Vương Nghị đã bác bỏ tin này và cho rằng truyền
thông phương Tây đã 'thêu dệt' sự việc.
Trung Quốc từ
trước vẫn luôn khẳng định Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) là những
phần lãnh thổ của nước này mà chủ quyền là 'không thể tranh cãi'.
Bắc Kinh do đó
cũng tuyên bố nước này có toàn quyền thực hiện các hành động thuộc chủ quyền
của mình trên các quần đảo này, bất chấp các quan ngại của quốc tế và các quốc
gia trong khu vực về các động thái được cho là 'quân sự hóa' đe dọa an ninh
chung, trong đó có đe dọa quyền tự do hàng hải của các quốc gia cũng như cố
tình 'làm thay đổi hiện trạng' ở khu vực.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment