Saturday 20 February 2016

Tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung


Tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung

media
Trung Quốc phô trương tên lửa đạn đạo nhân lễ duyệt binh tại Bắc Kinh hồi tháng 9/2015.REUTERS/Andy Wong/Pool/Files
Thông tin về việc Trung Quốc triển khai các dàn tên lửa địa đối không trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, dù đã được triển khai  “ từ nhiều năm nay ”, theo khẳng định của Bắc Kinh, hay mới được triển khai, đang làm gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Ngày 17/02/2016, ngoại trưởng John Kerry cáo buộc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không tôn trọng lời hứa không quân sự hóa vùng Biển Đông. Đây là cam kết ông Tập đã đưa ra khi đến thăm Nhà Trắng vào tháng 9/2015. Ông Kerry ghi nhận là mỗi ngày đều có bằng chứng về việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa Biển Đông bằng cách này hay cách khác và theo ông đây là điều rất đáng quan ngại.
Ngoại trưởng Kerry cho biết là chính quyền Obama sẽ có một cuộc nói chuyện rất “ nghiêm khắc ” với phía Trung Quốc về việc nước này gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Hồ sơ Biển Đông đã khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên căng thẳng, nhất là sau khi hải quân Hoa Kỳ mở hai chuyến tuần tra đến sát các đảo tranh chấp, trong đó có một đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa. Nay việc Trung Quốc triển khai tên lửa địa đối không trên đảo Phú Lâm càng khiến tình hình thêm phức tạp.
Thật ra, khi chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ không quân sự hóa Biển Đông vào tháng 9/2015, không ai rõ là ông muốn nói đến cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hay chỉ nói đến Trường Sa. Qua những tuyên bố của ngoại trưởng Vương Nghị hay của bộ Quốc Phòng Trung Quốc thì có vẻ như lời cam kết của lãnh đạo họ Tập chỉ liên quan đến Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo, chứ không tính đến Hoàng Sa, quần đảo mà Trung Quốc đã chiếm giữ toàn bộ từ năm 1974.

Tờ Financial Times của Anh ấn bản ngày 18/02/2016 trích lời ông Michael Green, cựu giám đốc châu Á của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, nêu lên giả thuyết khi ông Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các đảo tranh chấp, ông đã quên báo cho các ủy viên khác của quân ủy trung ương Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu thật sự Trung Quốc đã triển khai vũ khí ở Hoàng Sa từ “ nhiều năm qua ”, thì vì sao Hoa Kỳ đã không hề hay biết hoặc nếu biết vì sao đã không lên tiếng ? Ngay cả nếu Bắc Kinh chỉ mới đặt các dàn tên lửa trên đảo Phú Lâm gần đây, thì lẽ nào tình báo Hoa Kỳ lại không biết, để đến khi truyền hình Mỹ tiết lộ các ảnh vệ tinh, ngoại trưởng Kerry mới có phản ứng ?

Thông tin về các dàn tên lửa của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm được đưa ra đúng vào ngày tổng thống Obama đang tiếp các lãnh đạo Đông Nam Á họp thượng đỉnh Mỹ -ASEAN ở Sunnylands, California. Biển Đông là đã chủ đề thảo luận chính tại thượng đỉnh, nhưng bản tuyên bố chung đưa ra sau đó không nêu đích danh Trung Quốc, mà chỉ kêu gọi bảo đảm tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp chủ quyền một cách hòa bình.

Vụ tên lửa ở Phú Lâm như vậy có lẽ đang đặt Hoa Kỳ vào thế khó xử : Không lên án mạnh mẽ Trung Quốc thì không được, mà chỉ trích quá nặng thì sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng, điều mà Washington thực sự không muốn trong lúc này. Vì dẫu sau Washington không thể để hai nước đi đến khủng hoảng trầm trọng. 

Mặt khác, Hoa Kỳ cũng khó mà ngăn chận được Trung Quốc, mặc dù một số quan chức quân sự của Mỹ lo ngại rằng việc xây các đảo nhân tạo và gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông có thể là nhằm chuẩn bị cho Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không, như là một mưu toan nhằm kiểm soát không phận vùng biển này.


Trung Quốc đã triển khai vũ khí từ “nhiều năm nay” ở Hoàng Sa

media
Ngoại trưởng Vương Nghị : "Các cơ sở được xây dựng trên các đảo phù hợp với quyền của Trung Quốc" tự bảo vệ và phòng thủ. Ảnh ngày 18/02/2016.Reuters

Theo báo chí chính thức Trung Quốc, Bắc Kinh khẳng định đã triển khai các vũ khí từ “nhiều năm nay” trên một đảo tranh chấp ở Biển Đông, bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc gia tăng cường độ quân sự hóa trong khu vực.

Ngày 18/02/2016, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đưa tin trên trang web là bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định hệ thống phòng không trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, đảo tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan, đã được triển khai từ “nhiều năm nay”, và cho rằng một số phương tiện truyền thông phương Tây vẫn cứ thổi phồng “mối đe dọa” Trung Quốc.

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc còn tuyên bố “quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) là lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc” và trên vùng lãnh thổ này, Trung Quốc “có quyền chính đáng và hợp pháp” triển khai các vũ khí phòng thủ.

Vào đầu tuần, kênh truyền hình Mỹ Fox News công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy trên đảo Phú Lâm hiện có hai dàn tên lửa và một hệ thống radar. Một quan chức Mỹ ngày 17/02/2016 xác nhận Trung Quốc đã triển khai các tên lửa địa đối không trên đảo này. Bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng đã xác nhận thông tin đó.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không bác bỏ thông tin về việc triển khai tên lửa ở Hoàng Sa, nhưng tuyên bố các cơ sở được xây dựng trên các đảo là “phù hợp” với quyền của Trung Quốc tự bảo vệ và phòng thủ, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Ngày 17/02/2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chỉ trích Bắc Kinh “gia tăng cường độ quân sự hóa” Biển Đông, vốn đã là vùng có nhiều căng thẳng giữa các nước châu Á, và theo ông, điều này gây lo ngại cho Washington.

Trung Quốc « leo thang quân sự » khi đưa tên lửa tới Hoàng Sa

media
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ảnh chụp từ vệ tinh.hoangsa.org

Việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trên quần đảo Hoàng Sa được báo La Croix và Les Echos đánh giá là « một bước tiến tới âm mưu quân sự hóa khu vực Biển Đông ».

Nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh hành động trên là « một sự leo thang », trái ngược với lời tuyên bố của ngoại trưởng Trung Quốc là « hoàn toàn mang tính phòng vệ » nhằm bảo vệ nhân viên sống trên đảo Phú Lâm (Woody), thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Tờ báo kinh tế cho rằng « cuộc khủng hoảng tên lửa » là bước mới trong chiến lược « cấm qua lại » trong khu vực của Bắc Kinh. Sau khi tiến hành nhiều công trình bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng đường băng, các cảng nước sâu, hải đăng và nhiều công trình khác, « Trung Quốc không còn trong quá trình chiếm đóng, mà thực sự đã làm xong việc này », theo như lời nhận định của ông Jean-Vincent Brisset, giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IRIS -Pháp. 

Việc triển khai hai hệ thống gồm 8 tên lửa địa đối không chỉ là bước tiếp theo. Song khó mà tin được rằng chúng chỉ nhằm mục đích bảo vệ các vùng lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý (22 km). Vì với tầm bắn tới 200 km, các tên lửa Hồng Kỳ HQ-9 do Trung Quốc sản xuất có thể trở thành vũ khí tấn công. Ngoài ra, hệ thống radar của các tên lửa này còn có khả năng phát hiện mục tiêu, như máy bay chẳng hạn.

Nhà nghiên cứu Neil Ashdown, chuyên gia về châu Á tại Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng IHS Jane’s Defense, đánh giá : « Lần đầu tiên một hệ thống có quy mô như vậy được triển khai tại Biển Đông. Đây rõ ràng là hành động quân sự hóa khu vực ». Thực vậy, việc triển khai một hệ thống tên lửa hiện đại tại ngã tư chiến lược đối với hoạt động giao thương hàng hải khó có thể tránh khỏi làm tăng thêm căng thẳng mà bắt đầu là từ các nước láng giềng.

Tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo hiện nay đang bị chia rẽ chưa biết phải phản ứng như thế nào trước hành động thách thức của Bắc Kinh. Hoa Kỳ cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Cả Les Echos và La Croix đều cho rằng chỉ một ngày sau hội nghị thượng đỉnh giữa khối ASEAN và Mỹ, tổng thống Barack Obama có cơ hội lý tưởng để tái khẳng định sự phản đối của mình trước chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Ngoài lời kêu gọi những giải pháp hữu hiệu để làm giảm căng thẳng trong khu vực, ông còn nhấn mạnh « không thể để giao thương hợp pháp bị cản trở. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay trên không phận và thực thi quyền đi lại khắp nơi trên thế giới được luật pháp quốc tế cho phép. Mỹ sẽ ủng hộ các nước khác cùng làm như vậy ».
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment