Saturday, 9 January 2016

Trung Quốc tiếp tục đáp máy bay xuống Trường Sa


Trung Quốc tiếp tục đáp máy bay xuống Trường Sa

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
2016-01-07
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Trung Quốc liên tục đáp máy bay xuống Trường Sa Phần âm thanhTải xuống âm thanh
000_Hkg7600331-620
Các tàu đánh cá Trung Quốc neo tại bãi Đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp hôm 17/7/2012.
AFP photo
Chỉ trong mấy ngày đầu năm mới 2016, Trung Quốc đã tiến hành ba chuyến bay mà Bắc Kinh nói là thử nghiệm đáp xuống đường băng trên Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa. Đây là một trong bảy đảo nhân tạo do Trung Quốc gấp rút cải tạo ra trong thời gian qua.
Động thái này của Bắc Kinh có gì đáng lưu tâm, Gia Minh nêu vấn đề với tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singpapore.
Không bất ngờ
Gia Minh: Tiến sĩ có thấy ngạc nhiên khi Trung Quốc cho tiến hành những chuyến bay thử nghiệm ra Đá Chữ Thập?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi cho rằng việc Trung Quốc cho cất và hạ cánh tại các đường băng ở các đảo nhân tạo tại Trường Sa là một bước đi bình thường trong qui trình xây dựng các đảo nhân tạo và cơ sở vật chất của họ ở đó; nên tôi nghĩ đó là điều mà người ta có thể dự đoán được không gây ra bất ngờ.
Gia Minh: Trước đó khi có ý kiến của các nước khác về việc tôn tạo các đảo nhân tạo của Trung Quốc, thì Bắc Kinh nói đã ngưng. Ông thấy sao về lời nói và hành động của Trung Quốc?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi nói ngưng vì họ đã hoàn thành và bây giờ họ chuyển sang giai đoạn thử nghiệm và củng cố trang thiết bị trên các hòn đảo này. Việc cho tiến hành các chuyến bay thử ở các đảo này là việc làm thể hiện họ đã ở vào giai đoạn hoàn thành các cơ sở này rồi.
Giàn khoan Hải Dương 981 hồi năm 2014 xảy ra một lần rồi chuyển đi, còn các đảo nhân tạo chúng ta thấy chúng nằm đó có thể ‘mãi mãi’.
- Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
Một điều chúng ta nên lưu ý là họ tuyên bố sẽ không quân sự hóa các đảo này. Chúng ta thấy rằng trong những ngày qua họ đã cho thử nghiệm cả những máy bay quân sự lẫn dân sự. Đây là điểm xuyên suốt trong tính toán của Trung Quốc, đó là họ sẽ sử dụng các công nghệ, trang thiết bị mang tính chất ứng dụng để một mặt có thể qua mặt được dư luận quốc tế cũng như mặt khác trong tương lai khi cần họ có thể chuyển các cơ sở và trang thiết bị đó từ mục đích dân sự chuyển sang mục đích quân sự một cách rất nhanh chóng và hiệu quả. Đó là phương thức mà họ đang áp dụng và không chỉ trong trường hợp đường băng sân bay mà tôi nghĩ điều này còn áp dụng cho các cơ sở khác: các cảng biển cũng như các cơ sở về thông tin- liên lạc… Họ đều theo hướng sử dụng với mục đích ứng dụng.
Gia Minh: Sau khi Trung Quốc có những hành động như vậy thì có phản ứng từ những nước như Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, và ngay cả Hoa Kỳ. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả việc thử nghiệm các chuyến bay cũng chỉ để mục đích tiếp vận như về nhân sự, y tế … thôi?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Trung Quốc dùng lý lẽ đó để bảo vệ cho hành động của họ. Các nước khác ngoài phản đối bằng các tuyên bố ngoại giao thì khó có thể làm gì để cản bước được Trung Quốc trên thực địa. Đó là điều mà chúng ta phải chấp nhận. Ngay cả Hoa Kỳ có thể có hành động để gây sức ép. Ví dụ gần đây chúng ta thấy những chuyến tuần tra để đảm bảo quyền tự do hàng hải ở khu vực thôi, còn để ngăn cản Trung Quốc buộc họ phải ngừng các hoạt động trên các đảo này thì tôi nghĩ không thể xảy ra. Đó là điều rất khó đối với các nước trong khu vực.
VN phản đối theo thông lệ
Gia Minh: Như vậy theo tiến sĩ tình huống sẽ rất xấu đối với các nước như Việt Nam và Philippines đang quản lý một số đảo ở Trường Sa?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Chính xác như vậy. Nếu chúng ta so sánh với sự cố giàn khoan Hải Dương 981 hồi năm 2014. Sự cố đó xảy ra một lần và giàn khoan đến rồi chuyển đi. Còn các đảo nhân tạo chúng ta thấy chúng nằm đó có thể ‘mãi mãi’. Chính vì thế đó là vấn đề tiếp tục gây căng thẳng cho quan hệ trong khu vực, đặc biệt giữa các nước có tranh chấp Biển Đông trong khu vực đặc biệt Việt Nam và Philippines. Trong thời gian tới chúng sẽ tiếp tục là ‘cái gai’ trong quan hệ giữa các nước này. Ngoài ra những quốc gia có lợi ích liên quan như Hoa Kỳ hay Nhật bản cũng sẽ coi sự hiện diện của các đảo nhân tạo này là một thách thức. Một vấn đề mà bản thân các nước này cũng sẽ phải gây áp lực với Trung Quốc để kiềm chế các hành động, tham vọng của Trung Quốc; đặc biệt âm mưu dùng các hòn đảo này để khống chế các vùng biển trong khu vực, tiến hành quân sự hóa các đảo này phục vụ các ý đồ chiến lược sâu xa hơn của Trung Quốc.
Tôi nghĩ việc trao công hàm phản đối là việc bắt buộc Việt Nam phải làm và đó chỉ là thông lệ thôi; tức là điều thường xảy ra khi có khiêu khích hay vi phạm của Trung Quốc.
- Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Gia Minh: Tiến sĩ so sánh những đảo nhân tạo đó như những cái gai, chúng có tương tự như trường hợp quần đảo Hoàng Sa trước đây không?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ cái gai này có thể tồn tại lâu dài và có thể nói không thể nhổ được. Vấn đề là các nước khác phải xử lý cái gai đó như thế nào. Phải chung sống với nó nhưng phải làm thế nào để nó không thể phát tác ra thành các vấn đề lớn hơn.
Nếu so sánh với trường hợp Hoàng Sa năm 74 thì tôi nghĩ hai trường hợp này khác nhau. Ở Trường Sa chúng ta thấy có sự hiện diện của nhiều nước hơn và bây giờ thế, lực của các bên cũng khác với thế, lực của Trung Quốc và Việt Nam năm 74. Đó là chưa kể đến sự can dự, liên can của các nước lớn trong khu vực đặc biệt Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cho nên tôi nghĩ rằng trong trường hợp các đảo nhân tạo ở Trường Sa, mặc dù Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế và có thể nâng cao vị thế chiến lược của mình thông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo này, nhưng về lâu dài có thể họ bị cô lập nhiều hơn, sẽ trở thành gánh nặng chiến lược đối với Trung Quốc trong quan hệ với các nước ASEAN cũng như trong quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Gia Minh: Việt Nam có trao công hàm phản đối, nhưng việc làm đó của Việt Nam sẽ có tác dụng đến đâu?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ việc trao công hàm phản đối là việc bắt buộc Việt Nam phải làm và đó chỉ là ‘routine ( thông lệ)” thôi; tức là điều thường xảy ra khi có khiêu khích hay vi phạm của Trung Quốc. Đó cũng là điều tốt nhất mà Việt Nam có thể làm trong thời điểm hiện nay để có thể quy trì các yêu sách chủ quyền của mình trong khu vực này. Còn trên thực địa tôi nghĩ rằng cần có những bước đi mang tính cách xác quyết hơn từ phía Việt Nam để có thể cùng các nước khác có thể răn đe hoặc (nếu có thể bằng từ mạnh mẽ hơn) kiềm chế tham vọng về lãnh hải và lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực này. Tuy nhiên tôi nghĩ những bước đi đó Việt Nam sẽ thận trọng và sẽ không thực hiện được một sớm, một chiều mà cần sự tính toán cũng như sự phối hợp, đồng thuận từ các đối tác nữa mới có thể tiến hành được. Còn trước mắt hình thức phản đối ngoại giao là hình thức phản đối hiệu quả nhất và cần thiết nhất mà Việt Nam có thể làm trong thời gian bây giờ.
Gia Minh: Cám ơn Tiến sĩ về những nhận định vừa rồi.



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment