Trường Sa: TQ dọa phi cơ chở
nhà báo BBC
Rupert Wingfield-Hayes Phóng viên BBC News
- 15
tháng 12 2015
Năm ngoái phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes dùng thuyền cá để
tới khu vực có tranh chấp ở Biển Đông và trở thành nhà báo đầu tiên quan sát
cận cảnh Trung Quốc đang xây dựng các hòn đảo mới trên các bãi đá ngầm ra sao.
Cách đây vài ngày, ông đã trở lại khu vực này bằng chiếc phi cơ nhỏ và làm Hải
quân Trung Quốc tức giận và có phản ứng đe dọa.
Các bãi đá ngầm, rạn san hô và cồn cát nằm rải rác được gọi là
Spratlys (Việt Nam gọi là Trường Sa) là một nơi rất khó tới. Một số do Việt Nam
kiểm soát, một số khác do Philippines và Đài Loan, và tất nhiên có những nơi do
Trung Quốc nắm.
Đừng mong đợi có một lời mời thăm nơi này từ Bắc Kinh. Hãy tin tôi
đi, tôi đã thử rồi.
Chỉ có Philippines mới cho phép bạn tiếp cận dải đất nhỏ bé dài
400 mét gọi là Pagasa. Chỗ này chỉ đủ lớn để một máy bay nhỏ có thể hạ cánh
được.
Sau nhiều tháng chuẩn bị và đàm phán, tôi đang ngồi trong phòng
khách sạn ở Manila đóng gói vali sẵn sàng để đi thì chuông điện thoại reo. Đó
là đồng nghiệp của tôi, cô Chika.
"Giấy phép cho chúng ta hạ cánh xuống đảo Pagasa đã bị
hủy!" Cô nói.
Tôi lo quá. Có việc gì vậy? Có phải chính phủ Philippines bị đe
dọa? Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị tới Manila? Có lẽ Manila không muốn
cảnh tượng này?
Trên thực tế thì còn tệ hại hơn. Thế nào đó mà Bắc Kinh đã phát
hiện ra chúng tôi đang định làm gì.
Tiếp sau đó là người quản lý về biên tập của tôi gọi điện từ
London.
"Đại Sứ quán Trung Quốc đã gọi điện đấy. Họ cảnh báo có thể
có vấn đề xảy ra nếu BBC cố gắng tới nơi mà họ gọi là lãnh thổ bị chiếm đóng
bất hợp pháp của Philippines ở Nam Hải (Biển Đông)," sếp của tôi nói.
Tôi bực quá. Làm sao họ lại biết được? Tôi cần phải thận trọng hơn.
Và vì vậy trong một tuần tôi buộc phải ngồi trong phòng khách sạn
của tôi và xem Chủ tịch Tập đến Manila rồi rời đi. Sau đó, đàm phán căng hơn...
và cuối cùng chính phủ Philippines cũng thông. Chúng tôi có thể đi.
Lúc 05:30 sáng, năm người chúng tôi tụ tập trên đường băng Puerto
Princesa, nằm trên đảo Palawan của Philippines. Hai phi công, một kỹ sư, Jiro, người
quay phim và tôi. Trước mặt chúng tôi là phi cơ Cessna 206 có một động cơ duy
nhất.
"Trời ơi," tôi nghĩ. "Chúng ta thực sự sẽ bay hơn
ba giờ trên đại dương và đất liền để tới một hòn đảo nhỏ trên chiếc phi cơ bé
xíu này sao?"
Thậm chí chính các phi công trông lo lắng. Và sự thật là chưa có
ai từng thử làm điều mà chúng tôi sắp làm.
Với phi cơ nhỏ xíu chở thiết bị quay phim và xăng, phi cơ loạng
choạng trên đường băng và chao đảo cất cánh và bay lên không trung. Vài phút
sau, chúng tôi không còn thấy những ngọn núi xanh mướt của Palawan, và trước chúng
tôi là nước xanh mênh mông của Biển Đông.
Kế hoạch của chúng tôi đơn giản thôi. Tức là từ Palawan chúng tôi
sẽ bay thẳng đến đảo Pagasa (của Philippines), hạ cánh và tiếp nhiên liệu. Sau
đó chúng tôi sẽ bay về phía tây nam và lượn vòng Fiery Cross (Đá Chữ Thập) mà
Trung Quốc kiểm soát. Đây là nơi Trung Quốc có vẻ đã và đang xây một căn cứ hải
quân và không quân.
Sau đó chúng tôi sẽ trở lại Pagasa và tiếp nhiên liệu một lần nữa.
Cuối cùng, chúng tôi sẽ bay qua Mischief Reef (Đá Vành Khăn) trên đường quay về
Palawan. Đây là một bãi do Trung Quốc kiểm soát, rất gần với Philippines, nơi
diễn ra hoạt động xây cất trong năm nay với quy mô lớn.
Chúng tôi có hai mục tiêu. Tiếp cận càng gần càng tốt các đảo mới
mà Trung Quốc kiểm soát để quay những công trình đang được thi công. Và cũng
không kém phần quan trọng là để xem Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao.
Trung Quốc đang bị ràng buộc bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật
Biển (UNCLOS), mà họ tham gia. Công ước này quy định rằng các cấu trúc ngập
nước, như bãi đá, không thể được tuyên bố là bờ biển có chủ quyền, và rằng việc
xây dựng cấu trúc nhân tạo trên các cấu trúc này cũng không thể biến chúng
thành lãnh thổ có chủ quyền được.
Một nước sở hữu một hòn đảo tự nhiên có thể tuyên bố giới hạn lãnh
hải 12 hải lý xung quanh đảo này, cả trên biển và trên không. Nhưng cấu trúc nhân
tạo không được hưởng bất kỳ quyền nào như vậy. Nói cách khác, chúng tôi sẽ có
thể bay phi cơ của mình đến sát các đảo mới của Trung Quốc mà không vi phạm bất
kỳ luật quốc tế nào, và Trung Quốc không nên can thiệp vào chuyến bay của chúng
tôi.
Khi chiếc phi cơ nhỏ của chúng tôi đáp xuống đường băng Pagasa,
tim tôi đập nhanh, phấn khích và hồi hộp. Bay khoảng nửa giờ về phía nam của
hòn đảo, tôi thấy một dải đất màu vàng từ ô cửa trong máy bay. Trên dải đất này
là một khu nhà màu trắng. Tôi nhận ra nó ngay lập tức từ các bức ảnh vệ tinh.
"Đó là Bãi Gaven!" Tôi hô lên với Jiro trong tiếng động
cơ máy bay. "Có nhớ là chúng ta đi thuyền qua nó năm ngoái không. Lúc đó
họ mới chỉ bắt đầu xây dựng thôi."
Ngay khi tôi hô lên thì một giọng nói lớn và dữ dằn phát lên từ
radio.
"Máy bay quân sự không nhận diện ở phía tây của Bãi Nam Huân
(theo cách gọi của Trung Quốc), đây là Hải quân Trung Quốc. Các vị đang đe dọa
tới an ninh của trạm chúng tôi! Để ngăn ngừa tính toán sai lầm, rời khỏi khu vực
này ngay lập tức!"
Các phi công của chiếc Cessna (chiếc còn xa mới có thể gọi là phi
cơ quân sự) của chúng tôi đảo hướng về phía tây. Nhưng những lời cảnh báo tiếp
tục hoài, bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, ngày càng lớn và căng thẳng hơn.
Chúng tôi bay về phía nam-tây hướng tới Fiery Cross Reef (Việt Nam
gọi là Đá Chữ Thập, Trung Quốc gọi là Đá Vĩnh Thử). Sau một giờ chúng tôi có
thể nhìn thấy nó từ xa, một dải rộng lớn màu vàng trên mặt đại dương.
Khi chúng tôi tới cách nơi này 20 hải lý thì lại có giọng radio
phát ra.
"Máy bay quân sự nước ngoài đến phía tây bắc của đảo Vĩnh
Thử, đây là Hải quân Trung Quốc, các vị đang đe dọa an ninh của trạm chúng
tôi!"
Lần này phản ứng của các phi công là ngay lập tức, đổi hướng ngay
về phía Bắc, cách xa các bãi này.
"Chúng ta cần tới gần hơn!" Tôi đề nghị cơ trưởng. "Chúng
ta cần phải quay trở lại, chúng tôi không thể quay phim gì từ khoảng cách xa
như vậy!"
Nhưng cũng chẳng ích gì cả.
"Tôi xin lỗi," cơ trưởng nói. "Chúng tôi có lệnh
phải theo của chúng tôi."
Những lời cảnh báo trước đó đã làm các phi công khá sợ hãi. Tôi
rất thất vọng. "Chúng ta sẽ chẳng quay được gì," tôi nghĩ.
Trở lại đảo Pagasa, khi máy bay tiếp nhiên liệu lần nữa, tôi đã
đặt lại vấn đề với các phi công.
"Xem này," tôi nói. "Chúng ta không vi phạm bất kỳ
luật lệ nào, Trung Quốc sẽ không bắn hạ chúng ta. Các anh phải thực hiện xong
việc của mình chứ, và các anh phải đáp lại họ và nói cho họ biết chúng ta là
một máy bay dân sự bay trong không phận quốc tế."
"Ông phải hiểu, chúng tôi là phi công dân sự chứ không phải
không quân," họ trả lời. "Chúng tôi không biết họ có thể làm những gì
tới chúng ta, chúng tôi coi an toàn là trên hết."
Cuối cùng, sau nhiều giờ thương lượng, các phi công đồng ý họ sẽ
thử xem sao.
Chúng tôi cất cánh lần thứ ba, bây giờ quay trở lại về hướng
Philippines. Sự căng thẳng trong tôi gần như tới ngưỡng chịu không nổi. Liệu
phi công sẽ thực hiện được đúng việc của họ hay không?
Chẳng bao lâu thì một dải đất hình lưỡi liềm vàng khổng lồ xuất
hiện bên dưới chúng tôi, hình dạng không thể nhầm lẫn của Mischief Reef (Việt
Nam gọi là Đá Vành Khăn, Trung Quốc gọi là Mỹ Tế). Các phi công hạ độ cao xuống
5,000 bộ. Ở điểm 12 hải lý lại nghe các lời cảnh báo.
"Máy bay quân sự nước ngoài tại phía tây bắc của Bãi Mỹ Tế,
đây là Hải quân Trung Quốc, các vị đang đe dọa an ninh của trạm chúng
tôi!"
Cơ trưởng chúng tôi bình tĩnh trả lời: "Hải quân Trung Quốc,
đây là máy bay dân sự Philippines trên đường đến Palawan, chở hành khách dân
sự. Chúng tôi không phải là máy bay quân sự, chúng tôi là máy bay dân sự một
động cơ."
Nhưng cũng chẳng khác gì cả.
"Máy bay quân sự nước ngoài tại phía bắc của Bãi Mỹ Tế, đây
là Hải quân Trung Quốc!" và các lời cảnh báo liên hồi.
Nhưng lần này phi công của chúng tôi vững tâm. Tại điểm 12 hải lý,
chúng tôi đi men theo phía bắc của hòn đảo mới khổng lồ.
Phía dưới chúng tôi là các đầm với đầy các loại tàu bè lớn nhỏ.
Trên mảnh đất mới là các nhà máy xi măng và phần móng của những tòa nhà mới.
Sau đó, chúng tôi lượn vòng qua một đám mây, và lần đầu tiên chúng
tôi đã nhìn rõ một đường băng mới Trung Quốc đang xây dựng ở đây, chỉ 140 hải lý
tính từ bờ biển Philippines. Tôi đã làm một phép tính nhanh. Một chiến đấu cơ
của Trung Quốc cất cánh từ đây có thể bay tới bờ biển Philippines chỉ trong khoảng
tám hoặc chín phút.
Khi chúng tôi bay trở lại về hướng Philippines mọi người ai nấy
đều cảm thấy phấn khởi. Chúng tôi đã làm được điều đó! Tôi nói đùa với cơ
trưởng rằng chúng tôi nên quay đầu máy bay rồi hạ xuống thấp. Thế rồi từ radio
phát ra một giọng rất khác, với tiếng Anh khác giọng hẳn.
"Hải quân Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc," giọng này
vang lên. "Chúng tôi là một máy bay của Úc thực hiện quyền tự do bay trong
không phận quốc tế theo công ước hàng không dân dụng quốc tế, và Công ước của
Liên Hợp Quốc về Luật Biển – xin hết."
Hoa Kỳ đã thực hiện một số chuyến bay và đưa tàu qua khu vực Biển
Đông có qui mô trong những tháng gần đây, trong đó có cả phi cơ ném bom B-52.
Nhưng Úc chưa bao giờ công khai tuyên bố rằng họ đang làm y như vậy. Vì vậy,
đây kể như là “tin mới nóng”.
Chúng tôi nghe thông báo của phía Úc được lặp lại nhiều lần, nhưng
không nghe thấy bất kỳ phản ứng nào từ phía Trung Quốc.
Mục đích của các chuyến bay như vậy là để chứng tỏ cho Trung Quốc
thấy rằng các nước như Úc và Hoa Kỳ không công nhận nhận các hòn đảo mới mà
Trung Quốc đang cơi nới.
Nhưng những đảo đó có tồn tại và Trung Quốc đã và đang thực thi
một khu vực cách ly 12 hải lý xung quanh các đảo này, hoặc cố gắng làm vậy.
Tại Fiery Cross (Bãi Chữ thập) những lời cảnh báo bắt đầu từ khi
phi cơ vào giới hạn 20 hải lý.
Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra "sự việc đã
rồi" mới. Họ đang xây dựng đường băng mới, trạm radar công suất lớn và các
cơ sở cho cảng nước sâu.
Tại Manila vào tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói
rằng Trung Quốc phải "ngưng toàn bộ việc xây cất mới" và "không
tiến tới quân sự hóa" các cơ sở mới này.
Từ những gì tôi đã nghe và tận mắt thấy thì kể như đã quá muộn
rồi.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment