Singapore cho
Mỹ mượn sân bay làm bàn đạp tuần tra Biển Đông
Máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ tham gia tìm kiếm
chiếc máy bay MH 370 của hàng không Malaysia bị mất tích hồi đầu năm 2014.AFP
PHOTO / Richard Wainwright / POOL
Trong một động thái chắc chắn sẽ làm Trung Quốc giận dữ, Singapore
vào hôm qua, 07/12/2015 đã đồng ý cho quân đội Mỹ triển khai loại phi cơ do
thám tối tân P8 Poseidon trên lãnh thổ của mình, để từ đó thực hiện các phi vụ
tuần tra trên Biển Đông. Đợt triển khai đầu tiên được tiến hành ngay tức khắc,
kể từ ngày 7 đến 14 tháng 12.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp tại Washington vào hôm qua,
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen đã
hoan nghênh hợp tác quân sự giữa hai bên, cho rằng việc Mỹ triển khai loại phi
cơ P8 ở Singapore sẽ « thúc đẩy khả năng tương tác lớn hơn
với các quân đội trong khu vực, thông qua các cuộc tập trận song phương và đa
phương, đồng thời cung cấp kịp thời sự giúp đỡ cần thiết cho các chiến dịch cứu
hộ và cứu nạn trong vùng, cũng như tăng cường an ninh hàng hải. »
Đây không phải là lần đầu tiên phi cơ tuần thám tối tân nhất của
Hoa Kỳ được phái đến hoạt động tại vùng Biển Đông. Gần đây nhất là sự kiện một
chiếc P8 Poseidon và một chiếc P3 Orion đã yểm trợ khu trục hạm USS Lassen nhân
chuyến tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Xu Bi mà Trung Quốc
vừa bồi đắp ở vùng quần đảo Trường Sa.
Trước đó, vào tháng Năm, Hải quân Trung Quốc đã tung ra tám thông
điệp cảnh báo nhắm vào phi hành đoàn của một chiếc P8 của Mỹ bay gần quần đảo
Trường Sa. Sự cố đã được đài Truyền hình Mỹ CNN, có phóng viên tháp tùng theo
chuyến bay, loan tải rộng rãi.
Tuy nhiên, cho đến nay, các chiếc P8 thường xuất phát từ Nhật Bản
và Philippines. Với đèn xanh của Singapore, loại phi cơ tuần thám này kể như
được bố trí sát cạnh khu vực Biển Đông cần giám sát.
Hoa Kỳ và Singapore là hai nước có quan hệ quốc phòng lâu đời.
Quyết định cho Mỹ triển khai loại phi cơ P8 ở Singapore nằm trong khuôn khổ
Hiệp định Hợp tác Quốc phòng được Tăng cường vừa được Bộ trưởng Quốc phòng hai
bên ký kết.
Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, sau đợt đầu tiên trong tháng 12
này, sắp tới đây còn có nhiều đợt triển khai khác. Được quyết định vào thời
điểm căng thẳng tăng cao ở Biển Đông do các hành động áp đặt chủ quyền của
Trung Quốc, việc Singapore cho Mỹ bố trí phi cơ tuần thám tối tân trên lãnh thổ
của mình có khả năng Trung Quốc tức giận.
Washington đã liên tục chỉ trích Trung Quốc về việc xây dựng đảo
nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, và đã phô trương uy thế vào hạ tuần tháng 10 vừa
qua bằng một hải vụ mệnh danh là « bảo vệ quyền tự do hàng hải »
trong vùng 12 hải lý quanh một hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc. Động thái này được
nối tiếp trong tháng 11 bằng phi vụ tuần tra do hai oanh tạc cơ chiến lược B-52
thực hiện trên bầu trời Biển Đông.
Singapore xích lại gần Mỹ hơn trên hồ sơ Biển
Đông
Một góc quang cảnh tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt (CVN 71)
đang trên đường tới Singapore, ngày 23/10/2015AFP PHOTO / ROSLAN RAHMAN
Khi quyết định cho Mỹ triển khai phi cơ do thám hiện đại P8
Poseidon ngay trên lãnh thổ của mình, với địa bàn hoạt động rõ ràng là Biển
Đông, Singapore như đã cho thấy là họ đang đứng về phía Mỹ trong hồ sơ Biển Đông,
nhân danh việc bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không đang bị những hành vi
quyết đoán của Trung Quốc đe dọa.
Quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Singapore và Hoa Kỳ không phải là
một bí mật, vì ngay từ năm 1990, Singapore đã đồng ý mở cửa một phần các căn cứ
của mình để cho đồng minh Mỹ sử dụng, mà cụ thể là mở quân cảng Changi cho
chiến hạm Mỹ, kể cả hàng không mẫu hạm. Trong toàn vùng Đông Nam Á, Changi là
cảng duy nhất có khả năng đón tiếp tàu sân bay Hoa Kỳ.
Bản Thỏa thuận ghi nhớ về quốc phòng Mỹ-Singapore ký kết vào khi
ấy không được các láng giềng của Singapore tán đồng. Cho dù vậy, Singapore vẫn coi
trọng quan hệ với Mỹ, và qua năm 2005, hai bên ký kết một hiệp ước khung về hợp
tác chiến lược - Strategic Framework Agreement - để thắt chặt thêm hợp tác quốc
phòng và quân sự. Công cuộc hợp tác này đã được tăng cường đáng kể với Hiệp ước
Hợp tác Tăng cường về Quốc phòng - Enhanced Defense Cooperation Agreement - ký
kết hôm nay tại Washington.
Để bảo đảm năng lực quốc phòng, Singapore không ngần ngại đầu tư
mạnh vào quân đội và vũ khí hiện đại. Trong số các nước vùng Đông Nam Á, Singapore
nổi bật là nước duy nhất đã rất thận trọng, không mua thiết bị từ Trung Quốc
hoặc từ Nga.
Từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tung ra chiến lược xoay trục qua
Châu Á, vào lúc Trung Quốc ngày càng có những hành vi hung hăng quyết đoán nhằm
áp đặt chủ quyền Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông, Singapore đã trở
thành một nước Đông Nam Á hiếm hoi dám hậu thuẫn cho chiến lược xoay trục của
Mỹ một cách cụ thể.
Chính Singapore đã đồng ý cho quân đội Mỹ đặt một trung tâm chỉ
huy trên đất nước mình, và triển khai 4 chiến hạm mới LCS tức là tàu cận chiến
duyên hải, đặt căn cứ tại quân cảng Changi, từ đó tỏa ra thực hiện các nhiệm vụ
tại Biển Đông.
Sau chiếc đầu tiên là USS Freedom, vào tháng 12 năm ngoái, chiếc
LCS thứ hai của Mỹ USS Fort Worth đã bắt đầu hoạt động từ Singapore. Theo kế
hoạch, chiếc thứ ba sẽ đến nơi vào năm tới 2016, và đến năm 2017, sẽ có đủ 4
chiếc.
Việc Singapore bật đèn xanh cho Mỹ bố trí phi cơ do thám hiện đại
P8 Poseidon cũng nằm trong chiều hướng hậu thuẫn cho chính sách xoay trục của
Tổng thống Obama, mà mục tiêu được tuyên bố là nhằm bảo đảm an ninh và ổn định
cho toàn vùng.
Trong bối cảnh đọ sức Mỹ-Trung hiện nay, với việc Hoa Kỳ đe dọa
tiếp tục tiến hành các chiến dịch tuần tra «
vì quyền tự do hàng hải » tại Biển Đông, trong lúc Trung Quốc cho
biết sẽ sẵn sàng phản ứng, đồng thời cho ra sức thị uy, Singapore rõ ràng là đã
thiên về lập trường của Mỹ khi tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến dịch tuần
tra của Mỹ.
Có tin cho rằng sắp tới đây, rất có thể là Mỹ sẽ cử một tàu cận
chiến duyên hải của mình, đặt căn cứ tại Biển Đông, thức hiện chiến dịch tuần tra
bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa.
Theo các nhà phân tích, chính thái độ hợp tác không úy kỵ với Mỹ
của Singapore, một quốc gia không thể bị nghi ngờ là mang nặng tâm lý chống
Trung Quốc, đã thúc đẩy một số nước láng giềng bớt đi dè dặt trong việc xích
lại gần Washington hơn để có đối trọng trước sức ép ngày càng lớn của Bắc Kinh.
Trong thời gian gần đây, giới quan sát đã ghi nhận một chiều hướng
của Malaysia và Indonesia cảnh giác hơn đối với Trung Quốc. Trong thế cục hiện
nay tại Biển Đông, cảnh giác với Trung Quốc, có nghĩa là gần gũi hơn với Mỹ.
Còn lãnh đạo đảng CSVN chọn làm chư hầu.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment