Tuesday, 10 November 2015

Hoa Kỳ cảnh cáo Trung Quốc đừng phô trương sức mạnh hải quân


Hoa Kỳ cảnh cáo Trung Quốc đừng phô trương sức mạnh hải quân

Financial Times

        Cùng tác giả:

         xem tiếp
Geoff Dyer
5/11/2015

Tổng thống Teddy Roosevelt, cách đây hơn một thế kỷ là người đầu tiên quyết định Thái Bình Dương là một lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ, có lần kêu gọi người Mỹ hãy “nói chuyện mềm mỏng nhưng mang theo một cây gậy to”.

Hôm thứ Năm, thứ trưởng quốc phòng Ashton Carter trong chuyến viếng thăm chiếc hàng không mẫu hạm mang tên của vị cựu tổng thống nói trên đã đưa ra lời cảnh cáo có tính cách biểu kiến đối với Trung Quốc.

Phát biểu từ trên boong tàu USS Theodore Roosevelt – còn có tên hiệu là “Cây Gậy To” – trong vùng Biển Đông, ông Carter nói rằng, “có rất nhiều mối lo ngại về Trung Quốc trong vùng. Nhiều quốc gia trong vùng đến gần Hoa Kỳ để yêu cầu có thêm nhiều hoạt động để gìn giữ hòa bình nơi đây.” Ông cảnh cáo về những “tuyên bố chủ quyền vô lý và quân sự hóa, đặc biệt là từ phía Trung Quốc” trong vùng Biển Đông.

Trong lúc có mặt của ông Carter, mẫu hạm USS Theodore Roosevelt chỉ cách vùng quần đảo Trường Sa khoảng 150-200 hải lý về phía nam.
Chuyến viếng thăm hàng không mẫu hạm là cao điểm của một chuỗi dài 10 ngày với những hoạt động quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ mà ông Carter hy vọng sẽ làm can ngăn Trung Quốc không nới rộng thêm sự hiện diện quân sự trong vùng Biển Đông và trấn an các đồng minh đang lo lắng về sự hiện diện lâu bền của Hoa Kỳ trong vùng phía tây Thái Bình Dương.

Trong tuần rồi, Hoa Kỳ gửi khu trục hạm USS Lassen đi tuần trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Subi, một hòn đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, để chứng minh cho thấy Hoa Kỳ không nhìn nhận vùng biển chung quanh thuộc chủ quyền Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những cuộc tuần tra tương tự - khoảng hai chuyến mỗi quý ba tháng.

Một yếu tố khác mà Washington hy vọng là sẽ kềm chế Trung Quốc là các quốc gia trong vùng gia tăng hỗ trợ cho sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong vùng. Trong vòng hai năm qua, Hoa Kỳ đã có những thỏa thuận hợp tác quân sự gần gũi hơn với Nhật Bản, Phi Luật Tân và Úc. Quốc gia Á Châu gần đây nhất xích lại gần Hoa Kỳ là Mã Lai, là quốc gia cũng có tranh chấp lãnh thổ trong vùng Biển Đông với Trung Quốc, và trở nên khó chịu với Bắc Kinh từ năm qua.

Ông Carter bay tới mẫu hạm Roosevelt từ một căn cứ không quân của Mã Lai và có bộ trưởng quốc phòng Mã Lai Hishammuddin Hussein tháp tùng. Tuần tới Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ sẽ cùng tập trận ở mé tây Mã Lai và cả hai chính quyền đang thảo luận về những cuộc tập trận chung sắp tới.

Một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ cho biết “Phía Mã Lai đã có nhiều mong muốn gia tăng hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Trung Quốc tự gây thiệt thòi cho họ khi họ áp lực lên các quốc gia khác không được đụng chạm đến Trung Quốc. Điều đó làm cho cả vùng thấy Trung Quốc là quốc gia mà họ phải canh chừng.”

Mira Rapp-Hooper, một chuyên gia về Á Châu tại Trung Tâm cho Nền An Ninh Hoa Kỳ Mới, một trung tâm nghiên cứu tại Washington, nói rằng Trung Quốc sẽ đẩy thêm các quốc gia vào vòng tay Hoa Kỳ nếu tiếp tục với việc gia tăng quân sự trong vùng Biển Đông.

Ông Carter nhấn mạnh là hải quân đang lớn mạnh của Trung Quốc sẽ không ngăn ngừa Hoa Kỳ đóng vai trò rường cột an ninh trong vùng. “Hoa Kỳ từ lâu đã là một lực lượng giữ ổn định tại đây. Điều đó giúp cho các phép mầu [kinh tế] Á Châu xảy ra trong 70 năm vừa qua.

Radio Chân Trời Mới - Hoàng Thuyên tóm lược

Nguồn: Financial Times

No comments:

Post a Comment