Saturday 28 November 2015

Biển Đông : Trung Quốc phản đối kế hoạch tập trận chung Mỹ-Nhật


Biển Đông : Trung Quốc phản đối kế hoạch tập trận chung Mỹ-Nhật

media
Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Trường Sa. Ảnh vệ tinh tháng 5/2015.Reuters
Trung Quốc phản đối kế hoạch của Nhật Bản và Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành tập trận chung ở Biển Đông, vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ.
Ngày 25/11/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và Tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris vừa loan báo hai nước sẽ tiếp tục các cuộc tập trận chung ở Biển Đông, « nhằm chứng minh quan hệ chặt chẽ giữa hai đồng minh ». 

Đối với ông Nakatani, với chiến dịch tuần tra vào tháng trước của chiến hạm USS Lassen trong phạm vi 12 hải lý chung quanh một hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa, Mỹ đang đi đầu trong các nỗ lực của quốc tế « nhằm đảm bảo hòa bình và quyền tự do đi lại trên biển ». 
Trong cuộc họp báo ngày 26/11/2015 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc « khuyên các nước có liên quan đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định, thay vì biểu dương lực lượng, gây căng thẳng và thúc đẩy quân sự hóa vùng Biển Đông ». 

Cũng liên quan đến Biển Đông, trong một bản tin phổ biến ngày 26/11/2015 tại La Haye, nơi đặt trụ sở Tòa án Trọng tài Liên hiệp quốc, Philippines tố cáo các hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa đến môi trường hải dương ở vùng này. Phát ngôn viên phủ Tổng thống Philippines trích lời giáo sư Mỹ Kent Carpenter báo động rằng mức độ tàn phá các rạn san hô do hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc « đã gần đến thảm họa ». 
Giáo sư Carpenter là một trong hai chuyên gia mà Philipines đưa ra điều trần trước Tòa án Trọng tài ngày 26/11/2015. Đây là ngày cuối cùng trong loạt điều trần thứ nhất trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông. Loạt điều trần thứ hai sẽ bắt đầu ngày 30/11/2015. 

Cũng về Trung Quốc, không quân nước này vừa loan báo các oanh tạc cơ và các chiến đấu cơ phản lực khác đã bay ngang qua eo biển giữa các đảo của Nhật Bản trên đường đến Tây Thái Bình Dương. Các phi cơ này cũng đã bay tuần tra ở vùng nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh đã đơn phương thiết lập ở vùng biển Hoa Đông.

Trung Quốc bỏ tù ba nhà đấu tranh chống kiểm duyệt báo chí

mediaẢnh minh họa.REUTERS
Bắc Kinh tiếp tục trấn áp các tiếng nói chỉ trích chế độ. Tòa án Quảng Châu, phía nam Trung Quốc ngày 27/11/2015 kết án tù ba nhà đấu tranh, với tội danh ủng hộ biểu tình chống kiếm duyệt báo chí.

Theo tường thuật của luật sư Trương Lỗi, ba nhà đấu tranh Quách Phi Hùng, Lưu Diên Đông và Tôn Đức Thắng theo thứ tự lãnh án 6 năm, 3 năm và 2 năm rưỡi tù giam. Tòa án Quảng Châu cáo buộc cả ba người này “tụ tập đám đông gây rối trật tự công cộng”, một tội danh thường được sử dụng tại Trung Quốc để kết án tù các nhà đấu tranh và những người biểu tình.

Vào tháng Giêng năm 2013 cả ba người nói trên đã tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ tờ báo Nam Phương Chu Mạt ở Quảng Châu. Tuần báo này đã bị kiểm duyệt do bài xã luận đăng dịp Tết Nguyên đán, kêu gọi bảo đảm các quyền chính trị tại Trung Quốc. Ông Quách Phi Hùng đã bị bắt vào tháng 8 cùng năm.

Theo quan sát của phóng viên AFP tại chỗ, do vụ việc có tính chất nhạy cảm, hàng chục nhân viên cảnh sát, trong đó có nhiều người mặc thường phục đã chặn lối vào tòa án, sau khi có lời kêu gọi của nhiều nhà đấu tranh trên trang mạng Twitter.

Luật sư Trương Lỗi, bào chữa cho ông Quách Phi Hùng đã giận dữ đánh giá các quyết định trên của tòa án là “một quyết định kỳ quặc trong lịch sử ngành tư pháp nhân loại. Hơn bao giờ hết chúng ta bị mang tiếng xấu”.
Rất nhiều tổ chức đấu tranh khác cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các bản án đưa ra. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Right Watch xem phiên xử là “một trò hề”. Còn đối với Ân xá Quốc tế Amnesty International thì đó là “một ngày đen tối cho các nhà đấu tranh tự do ngôn luận và dân chủ”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cải tổ sâu rộng quân đội

media
Chủ tịch Trung Quốc trong lễ duyệt binhReuters
Trung Quốc sẽ tiến hành cải tổ sâu rộng cơ cấu của Quân đội Giải phóng Nhân dân, nhằm gia tăng sự kiểm soát của Đảng Cộng sản lên lực lượng quân sự này. Đây được coi là đợt cải tổ quy mô nhất kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949.

Trong một thời gian dài, các lực lượng võ trang của Trung Quốc vẫn gặp hai vấn đề chủ yếu đó là thiếu hiệu quả và tham nhũng, ngay cả vào lúc Bắc Kinh đang hiện đại hóa quân sự, xác quyết mạnh mẽ hơn chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi mà Trung Quốc tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
Trong chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động, mà những người chỉ trích ông cho là một chiến dịch thanh trừng nội bộ trá hình, ngay cả các tướng lãnh trong quân đội Trung Quốc cũng bị hạ bệ cùng với nhiều sĩ quan cao cấp khác, như trường hợp của tướng Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Theo Tân Hoa Xã, tại một cuộc họp kín quy tụ hơn 200 quan chức cao cấp của chính phủ và quân đội, vừa kết thúc hôm 26/11/2015, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố : « Sự lãnh đạo tối cao cao và quyền chỉ huy quân đội phải được tập trung tốt hơn dưới sự quản lý của Đảng và Quân ủy Trung ương ».
Trên thực tế, tại Trung Quốc, quân đội là nhánh vũ trang của Đảng Cộng sản hơn là của Nhà nước. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã nhắc lại rằng, chính là dưới sự lãnh đạo của Đảng mà quân đội Trung Quốc đã phát triển « từ nhỏ tới lớn, từ yếu tới mạnh và từ chiến thắng này đến chiến thắng khác ».
Tân Hoa Xã cho biết là trong cuộc họp vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc đã quyết định sẽ thành lập các vùng chiến thuật mới và các bộ chỉ huy tác chiến hỗn hợp, thay thế cho 7 vùng chiến thuật hiện có. Các vùng chiến thuật hiện nay có các cơ cấu chỉ huy riêng và trách nhiệm hành chính riêng.
Để góp phần « nhổ tận gốc » nạn tham nhũng trong quân đội Trung Quốc một cơ quan kỷ luật mới sẽ được thiết lập trong quân đội, cùng với một cơ quan kiểm toán.

Cũng trong chiều hướng cải tổ quân đội, Tập Cận Bình đã nhắc lại thông báo mà ông đã đưa ra vào tháng 9 vừa qua, đó là cắt giảm 300 000 binh lính từ quân số 2,3 triệu người hiện nay. Nhưng lãnh đạo họ Tập khẳng định rằng Trung Quốc nay đã chuyển từ một nước rộng lớn thành một nước « vừa rộng lớn, vừa hùng mạnh ».

Vào lúc mà Bắc Kinh gây lo ngại cho nhiều nước láng giềng với việc ráo riết xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay tuyên bố rằng chính sách quốc phòng của Bắc Kinh sẽ vẫn « mang tính phòng thủ về bản chất ». Nhưng trên thực tế, việc thành lập bộ chỉ huy tác chiến hỗn hợp, quân đội Trung Quốc sẽ ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu hơn.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment