Thursday 1 October 2015

Nhật Ký Biển Đông: Nga Đi Nước Cờ Cao Tại Syria


Nhật Ký Biển Đông: Nga Đi Nước Cờ Cao Tại Syria
Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Chín ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:

- AP (Manila) ngày 16/9/2015: “Cảnh sát chống biểu tình đã giải tán hơn một chục sinh viên khuynh tả đã vượt qua hàng rào cảnh sát vào sáng Thứ Tư và ném sơn vào huy hiệu con dấu của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Manila để phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ trên đất nước này. Các căn cứ quân sự của Mỹ phải đóng cửa năm 1991 nhưng nay do Trung Quốc chiếm các bãi đá ngầm của Phi Luật Tân tại Biển Đông, quân đội Hoa Kỳ được phép trở lại trong khuôn khổ thỏa hiệp tạm trú và phối hợp huấn luyện. ”

-VOA tiếng Việt ngày 16/9/2015: “Báo Financial Review đưa tin này hôm nay, 16/9 rằng Đại Tá Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói rằng chính Hoa Kỳ đã đẩy mức độ căng thẳng trong Biển Đông lên cao hơn một nấc, một phần do những chuyến thăm của các máy bay ném bom đường dài  (tầm xa) và máy bay tiếp nhiên liệu của Mỹ tới cảng Darwin của Úc và cảnh cáo Úc chớ theo Mỹ ‘một cách mù quáng’ mà can thiệp vào bất cứ cuộc tranh chấp lãnh thổ nào.”

-VnPlus ngày 16/9/2015: “Theo phóng viên TTXVN (TTX.VN) tại Bắc Kinh, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chiều 16/9, tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.Tại cuộc hội kiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; trước sau như một luôn coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ổn định, bền vững.” Lời nói này hàm ngụ nhiều ý nghĩa. Không biết Ô. Lý Khắc Cường có hiểu không, hay phải nhờ Khổng Minh hay Phạm Lãi sống dậy giải thích dùm?

-Độc lập, tự chủ: Có nghĩa là tôi không lệ thuộc anh, “Nam quốc sơn hà nam đế cư”.
-Đa phương hóa, đa dạng hóa: Tôi cũng như anh, muốn chơi với ai thì chơi, muốn liên kết với ai thì liên kết, không ai có quyến bắt bẻ ai.
-Hợp tác chiến lược với Trung Quốc: Tôi vẫn coi trọng anh, vẫn muốn hòa bình hữu nghị với anh.

-Kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình: Tôi không gây chiến, không khiêu khích anh. Có gì thì  giải quyết theo luật pháp quốc tế. Nhưng nếu anh dùng võ lực thì anh hãy hãy coi lại lịch sử các đời Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh và mới đây năm 1979. Nếu anh đánh tôi thì các anh chỉ “thủ bại hư”, ôm đầu máu hay chui vào ống đồng mà chạy.
            Chưa bao giờ bầu không khí ngoại giao của Đại Việt lại căng thẳng và phức tạp đến như vậy. Với lời tuyên bố này của Ô. Nguyễn Xuân Phúc, coi như hai bên đã khai tử khẩu hiệu “Bốn tốt, mười sáu chữ vàng”.

            -AP(Washington) ngày17/9/2015: “Thượng Nghị Sĩ John McCain thúc giục Ngũ Giác Đài biểu dương sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ bằng cách gửi tàu chiến tới các đảo nhân tạo với khoảng cách 12 dặm mà Trung Quốc xây đắp để khẳng định chủ quyền của mình ở Biển Đông. Đây là hành động không công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các hòn đảo này. “ Trong khi đó theo Reuters ngày 18/9/2015, “Trung Quốc hết sức quan tâm tới đề nghị của một vị chỉ huy cao cấp Hoa Kỳ sẽ đem máy bay, tầu chiến tới gần các đảo nhân tạo ở Biển Đông để thách thức công bố chủ quyền của Trung Quốc.”
Dù Ô. McCain và Tư Lệnh Hạm Đội 7 có “hăng hái” như vật nhưng Ô. Obama và bộ tham mưu của ông chưa thể làm thế vì tình hình chưa cho phép.

-Sputnik News ngày 17/9/2015: “Trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản xuất hiện thông báo cho biết, vào ngày 20 tháng 9 Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida sẽ đến Moskva để thực hiện các công việc chuẩn bị cho chuyến thăm Tokyo của Tổng thống Nga Vladimir Putin.” Ngày 21/9/2015, theo AFP,  “Ngoại Trưởng Nga Sergi Lavrov chỉ rõ rằng không có chuyện thỏa hiệp với Nhật Bản về Quần Đảo Kurils hiện đang tranh chấp và kêu gọi Nhật Bản công nhận thực tế lịch sử. Ngoại Trưởng Nhật Bản hiện đang thăm viếng Nga ba ngày, gặp gỡ Ô. Lavrov để nói chuyện về bốn hòn đảo mà Nhật gọi là Lãnh Thổ Phương Bắc do quân đội Sô-viết chiếm giữ trong Thế Chiến II khi Nhật đầu hàng. Còn về chuyến thăm viếng của Tổng Thống Putin, Ô. Lavrov nói rằng Nga đã nhận lời mời nhưng thời điểm còn tùy Nhật Bản.”

Theo như dự đoán của tôi trước đây, Nhật phải làm hòa với Nga để rảnh tay đối đầu với Hoa Lục. Nhật không thể hoàn toan theo Mỹ để chống Nga tức theo sách lược của Quan Vân Trường, “Đông choảng Tôn Quyền, bắc đánh luôn Tào Tháo”. Nếu Nhật làm hòa với Nga thì dễ cho Việt Nam. Nếu Nhật chống Nga thì rất khó cho Việt Nam vì cùng lúc Việt Nam phải dựa vào Nga về quân sự, năng lượng. Còn đầu tư, cho vay, hạ tầng cơ sở thì lại dựa vào Nhật. Tôi vẫn bảo vệ quan điểm cho rằng Nhật hợp tác với Nga dễ dàng hơn hợp tác với Hoa Lục. Hiện nay tại Nga không có khuynh hướng bài Nhật. Một hợp tác chiến lược hoặc hợp tác toàn diện Nga-Nhật có lợi cho cả hai bên.

-Gizmodo ngày 18/9/2015: “Người dân Hoa Kỳ một ngày gần đây sẽ đi lại giữa hai thành phố lớn nằm ở phía tây bằng xe lửa tốc hành 150 dặm/giờ. Xin cám ơn thỏa hiệp mới đây giữa công ty tư nhân Hoa Kỳ và công ty Trung Quốc có tên China Railway Group. Con tàu tốc hành này có tên XpressWest nối liền hai thành phố Los Angeles và Las Vegas cách nhau 230 dặm. Xe lửa tốc hành này sẽ đưa bạn tới đó chỉ mất 80 phút thay vì bốn giờ lái xe.”

Có người sẽ thắc mắc hỏi, tại sao Hoa Kỳ, một siêu cường giàu có nhất thế giới lại phải hợp tác với Trung Quốc để làm đường xe lửa tốc hành ? Nhục quốc thể chăng? Xin thưa, Hoa Kỳ có rất nhiều tiền để đổ vào cuộc chiến tranh Iraq, Afghanistan, Syria mỗi tuần 100 triệu đô-la nhưng lại thiếu vốn đầu tư cho các chương trình phúc lợi. Thứ hai, hiện nay Nhật Bản và Trung Quốc là hai quốc gia đứng đầu thế giới về kỹ nghệ chế tạo và xây dựng đường xe lửa tốc hành chứ không phải Hoa Kỳ. Tôi đã nói nhiều lần, xin đừng nhìn vào các chú ba Tàu cửi trần, mặc quần sà-lỏn bán hủ tíu, bánh bao, dầu cháo quẩy, thịt lợn quay ở Chợ Lớn năm xưa để đánh giá thấp Hoa Lục.

-AFP (Đông Kinh) ngày 19/9/2015: “Trung Quốc lên án Nhật Bản đe dọa nền hòa bình của khu vực sau khi Đông Kinh (Tokyo) thông qua đạo luật lần đầu tiên sau Thế Chiến II, cho phép Nhật Bản tham chiến cạnh đồng minh tại nước ngoài (cho dù không bị tấn công) và nói rằng Nhật Bản nên rút ra bài học lịch sử sâu sắc.” (thất bại trong  Thế Chiến II)
- AP (Hoa Thịnh Đốn) ngày 21/9/2015: “Lần đầu tiên Hoa Kỳ có thể sẵn sàng chấp nhận nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc cấm vận Cuba mà không phản kháng lại bằng cách không bỏ phiếu.”

-Reuters (Seattle) ngày 22/9/2015: “Chủ Tịch Tập Cận Bình đã tới Thành Phố Seattle vào ngày Thứ Ba để khởi đầu cuộc thăm viếng kéo dài một tuần lễ bao gồm những cuộc họp với giới lãnh đạo thương mại, dạ tiệc tại Tòa Bạch Ốc do Tổng Thống Obama khoản đãi, đồng thời đọc diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.” 

Trong khi đó Ngũ Giác Đài loan báo một tin không vui là hai phi cơ chiến đấu của Trung Quốc đã nghênh cản một cách hết sức nguy hiểm một phi cơ thám thính của Mỹ tại Biển Hoa Đông. Nhưng bên cạnh đó lại là một tin rất vui cho tập đoàn tư bản Mỹ là Ô. Tập Cận Bình sẽ đặt mua 300 máy bay Boeing với trị giá hợp đồng lên tới 38 tỷ đô-la. Theo tôi, với hành động “phóng tài hóa, thu nhân tâm” này thì  Hoa Kỳ khó lòng mạnh tay với Hoa Lục ở Biển Đông. Sức mạnh của Trung Quốc không phải chỉ ở mặt quân sự mà còn là túi tiền rải ra khắp thế giới. Theo Michael Auslin của Fox News ngày 27/9/2015, “Chuyến viếng thăm của Ô. Tập Cận Bình cho thấy mối liên hệ ngoại giao Mỹ-Hoa lệch lạc hơn bao giờ hết.” (Xi Jinping’s state visit reveals US, China relationship more dysfunctional than ever)

-Reuters ngày 23/9/2015: “Phát ngôn viên của Tổng Thống Putin nói rằng Nga buộc lòng phải trả đũa để lấy lại sự cân bằng tại Âu Châu nếu kế hoạch tăng cường hiện diện hạt nhân của Mỹ tại đây là có thực.” Bộ Quốc Phòng Nga cho biết Nga sẽ tiến hành tập trận hải quân ở đông Địa Trung Hải tháng này và tháng tới.

- MintPressNews ngày 23/9/2015: Với bài viết mang tựa đề, “Hoa Kỳ Là Nước Đe Dọa Họa Bình Thế Giới Nhất Chứ Không Phải Ba Tư” (The United States, Not Iran, Poses Greatest Threat To World Peace),

“Trong buổi nói chuyện tại The New School ở New York, Noam Chomsky (*) giải thích tại sao ông tin rằng Hoa Kỳ là quốc gia đe dọa hòa bình thế giới lớn nhất. Hoa Kỳ là quốc gia hung dữ (rogue state) coi thường/không thèm để ý tới luật pháp và các công ước quốc tế, cho mình có quyền xử dụng vũ lực tùy thích - chẳng hạn Học Thuyết Clinton cho rằng Hoa Kỳ có quyền tự do sử dụng sức mạnh quân sự cho những mục tiêu, chẳng hạn như bảo đảm tha hồ tiến vào những thị trường quan trọng, những nguồn cung cấp năng lượng và tài nguyên chiến lược- không màng tới an ninh hay những quan tâm về nhân đạo. Và sự bám chặt vào học thuyết này hoàn toàn được khẳng định và tiến hành hầu như không cần bàn cãi gì nữa giữa những người sẵn sàng nhìn vào những sự kiện của lịch sự hiện tại. 

Chomsky cũng giải thích tại sao ông tin rằng Hoa Kỳ và các đồng minh chí cốt của Hoa Kỳ chẳng hạn như Saudi Arabia và Do Thái hiện đang làm sói mòn viễn ảnh hòa bình tại Trung Đông. 
(In a speech Saturday at The New School in New York, Noam Chomsky explained why he believes the U.S. poses the greatest threat to world peace. “[The United States] is a rogue state, indifferent to international law and conventions, entitled to resort to violence at will. … Take, for example, the Clinton Doctrine—namely, the United States is free to resort to unilateral use of military power, even for such purposes as to ensure uninhibited access to key markets, energy supplies and strategic resources—let alone security or alleged humanitarian concerns. And adherence to this doctrine is very well confirmed and practiced, as need hardly be discussed among people willing to look at the facts of current history.” Chomsky also explained why he believes the U.S. and its closest allies, namely Saudi Arabia and Israel, are undermining prospects for peace in the Middle East.)

            - AP (New York) ngày 28/9/2015: Bên lề cuộc họp tại Đại Hội Đồng LHQ, “Chủ Tịch của Việt Nam nói với phóng viên AP rằng việc xây các đảo nhân tạo tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và gây nguy hiểm cho an ninh trên biển. Chủ Tịch Trương Tấn Sang cũng thúc giục Hoa Kỳ -quốc gia ngày càng quan tâm tới thái độ nằng nặc của Trung Quốc tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Trong khi Ô. Sang bày tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc thì lại có lời lẽ ấm áp/thân  thiện (warm words) với Hoa Kỳ. “ Còn VOA tiếng Việt loan tin, “Khi được VOA Việt Ngữ hỏi về phản ứng đối với tuyên bố của nhà lãnh đạo Trung Quốc (Tập Cận Bình), ông Sang nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa thực sự thuộc về tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, không gì tranh cãi.”
Nhận Định:
Khi những cuộc biểu tình chống đối chính phủ nổ ra năm 2011 và Ô. Assad đã dùng quân đội để đàn áp, sau  đó có những tin tức từ Mỹ và Phương Tây nói rằng chính quyền Damascus và phe nổi dậy đã dùng cả vũ khí hóa học. Lợi dụng cơ hội, Mỹ lên án chính quyền Syria, đề nghị lập “Vùng Cấm Bay” để lật đổ chính quyền của Ô. Assad theo đúng “bài bản” lật đổ Ô. Gadaffi tại Lybia. Nga nhảy vào cứu nguy Ô. Assad bằng cách đề nghị Syria giao nạp và tiêu hủy hết các kho vũ khí hóa học dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Dù Syria đã lùi một bước nhưng Mỹ vẫn không hài lòng và lên kế hoạch lật đổ Ô. Assad bằng cách trả lương, cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai được huấn luyện từ Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan rồi đem trở về chiến đấu trong lòng Syria.

Cuộc chiến đang còn giằng co thì vào Tháng 3, 2014 biến cố Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) nổ ra. Đây là lực lượng được hình thành từ đám tàn quân của Saddam Hussein thuộc hệ phái Sunni tập trung vào phía bắc Iraq có biên giới với Syria. Do có nhiều kinh nghiệm vì trước đây đã từng là Vệ Binh Cộng Hòa, lực lượng này tiến nhanh như vũ bão khiến quân đội của Bagdad xụp đổ từng mảng, tháo chạy, để lại rất nhiều vũ khí, thiết vận xa tối tân do Mỹ viện trợ trước đây. Sự kiện gây bàng hoàng cho Mỹ, đồng minh NATO và cả thế giới. Dù Ô. Obama đã tuyên bố vào cuối năm 2013 là “cuộc chiến Iraq đã xong” (the Iraq War is over) và hoàn tất việc rút hết binh sĩ Mỹ ra khỏi Iraq vào đầu năm 2014, để cứu nguy Iraq, Mỹ phải quay trở lại Iraq và ngày đêm tiến hành các cuộc không kích để ngăn chặn quân ISIS tiến về Baghdad.
Cuộc không kích của Mỹ và đồng minh bao gồm Anh, Pháp, Ý, Gia Nã Đại, Úc Châu, Jordan và Saudi Arabia khốc liệt như thế mà Nhà Nước Hồi Giáo không những không chết mà lại còn tiến chiếm một vùng rộng lớn lãnh thổ của Syria. Vấn nạn ở đây là lực lượng ISIS tấn công tiêu diệt luôn lực lượng nổi dậy Syria do Mỹ nuôi dưỡng. Trước nguy cơ lực lượng “con đẻ” có thể bị tiêu diệt do phải đối đầu cùng lúc với lực lượng của chính phủ Syria và quân ISIS, Hoa Kỳ hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến mà trong một thời gian dài Thổ đã từ chối vì Nhà Nước Hồi Giáo thuộc hệ phái Sunni.  

Trước các cuộc không kích ồ ạt của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga lo ngại Thổ dùng kế “thuận thủ khiên dương” tức “thuận tay dắt đi con dê” hay “ nhờ gió bẻ măng”, tức bề ngoài lấy cớ không kích lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo nhưng bên trong lại nhằm tiêu diệt quân chính phủ Syria để cho quân nổi dậy tiến vào Damascus. Trước tình thế đó, Nga đi một nước cờ táo bạo, đem quân vào Syria và cũng lấy cớ giúp Syria chống Nhà Nước Hồi Giáo.
Ban đầu, Mỹ chỉ cảnh cáo và không lý tới những đề nghị của Nga. Nhưng chỉ trong vòng vài ngày, tình hình biến đổi rất nhanh. Có lẽ Mỹ đã nhìn thấy một khi Nga đem quân vào đây và bố trí hệ thống hòa tiễn phòng không S-300 tại Syria thì tình hình Trung Đông sẽ đổi khác, do đó Mỹ bắt đầu thay đổi thái độ. Theo Sputnik News ngày 16/9/2015, ý định của Ô. Putin như sau, Ông Vladimir Putin đề xuất kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bao gồm việc thành lập một mặt trận chống khủng bố rộng rãi chống lại IS, mà trung tâm của nó là các quân nhân của quân đội Syria và quân đội Iraq cũng như người Kurd. Theo kế hoạch, ông Assad sẽ tiếp tục nắm quyền, và với sự hỗ trợ quốc tế sẽ thành lập một chính phủ liên minh (liên hiệp) mới.”

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của PBS và CBS News, Ô. Putin nói rằng, Lực lượng của ông Assad (Át-xát) là quân đội hợp pháp duy nhất tại Xy-ri. Không có cách nào khác để giải quyết xung đột Xy-ri ngoài việc tăng cường sức mạnh của các cơ quan chính phủ hợp pháp, hỗ trợ họ chống khủng bố.” (VOV)
Sau đó theo AP ngày 16/9/2015, “Ngoại Trưởng John Kerry nói rằng bộ tham mưu của Ô. Obama đang cân nhắc để nghị của Nga về những cuộc thương thảo và gặp gỡ để bàn về tình hình của Syria trên căn bản quân sự nói chuyện với quân sự giữa lúc Hoa Kỳ gia tăng lo lắng và không chắc chắn về việc Nga đem quân vào Syria. Ô. John Kerry cho hay Ngoại Trưởng Lavrov đã để nghị qua điện thoại vào ngày Thứ Ba mà Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại Giao đang duyệt xét đề nghị này. Ô. John Kerry cho hay ông ủng hộ một ý tưởng như vậy, và nói rằng Hoa Kỳ muốn một hình ảnh rõ ràng về ý định của Nga sau chuyển động đem quân vào Syria mới đây.”

Rồi tiếp theo vào ngày 19/9/2015, Ô. John Kerry nói việc Nga đem máy bay chiến thuật và hỏa tiễn đất-đối-không vào Syria đe dọa lực lượng của Mỹ và đồng minh và chỉ rõ rằng Hoa Kỳ có thể chấp nhận một giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria cho phép Tổng Thống Assad ở lại trong một thời hạn không chỉ định rõ. Ngoại Trưởng John Kerry tuyên bố như vậy sau khi tham khảo với ngoại trưởng Anh và cuộc nói chuyện quân sự với quân sự (military-to-military (giữa hai bộ trưởng quốc phòng Carter và Shoigu) để bảo đảm rằng sẽ không có một sự đụng chạm nào giữa quân đội Mỹ và quân đội Nga.”
Hiện nay Nga đã đem 28 phi cơ chiến đấu và khoảng 20 trực thăng vũ trang vào Syria. Và theo Reuters ngày 23/9/2015, Tổng Thống Putin sẽ đơn phương không kích lực lượng ISIS nếu Hoa Kỳ từ chối đề nghị cùng phối hợp.
Rõ ràng, từ lập trường Assad phải ra đi và Syria không thể tham dự liên minh chống khủng bố do Hoa Ky lãnh đạo, nay trở thành, “Hoa Kỳ có thể chấp nhận một giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria cho phép Tổng Thống Assad ở lại trong một thời hạn không chỉ định rõ” cho nên tờ Washington Post cho rằng, “Chính quyền Obama đang thua Nga trong việc giải quyết vấn đề Syria. Chiến lược của ông Putin ở Trung Đông là rất nghiêm trọng (nghiêm túc) và khá hợp lý. Trong khi đó chính quyền của Tổng thống Mỹ chỉ có thể quan sát những gì đang xảy ra ở Syria từ bên ngoài, tờ The Washington Post viết. Nói cách khác, ông Putin đang làm những gì ông đã làm trong thời gian cuộc khủng hoảng với vũ khí hóa học ở Syria: Nga can thiệp để cứu vãn tình hình. Vì thế, Nga có thể dần dần trở thành một đối tác không thể thiếu đối với Hoa Kỳ. Cho dù họ có muốn hay không.” (Sputnik News ngày 19/9/2015)

Theo tin AFP ngày 23/9/2015, Bà Merkel- Thủ Tướng Đức và Ô. Erdogan- Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Ô. Assad phải được tham dự trong những cuộc thảo luận về hòa bình cho Syria. Trong khi Pháp lại ủng hộ lập trường của Mỹ là Ô. Assad phải ra đi.Vào ngày 27/9/2015, theo AFP, Nga lại đi một nước cờ táo bạo nữa là “Nga và Ba Tư loan báo thành lập liên minh mới để bảo vệ lãnh tụ cứng rắn Bashar al-Assad và đánh bại Nhà Nước Hồi Giáo, tức trao cho ông này một chiến thắng lớn trước khi Đại Hội Đồng LHQ khai mạc.”

Cũng xin lưu ý, liên minh Nga- Ba Tư chống Nhà Nước Hồi Giáo chỉ là trước mắt. Về lầu về dài nó có thể biến thành liên minh chống Mỹ, điều đó chưa ai biết được. Theo tôi, liên minh Nga- Ba Tư chắc chắn sẽ làm thay đổi địa lý chính trị vùng Trung Đông. Trong khi đó Ngoại Trưởng Nga Lavrov cũng vừa loan báo, Nga, Ba Tư, Syria và Iraq thỏa thuận thành lập ban phối hợp tình báo để chia xẻ tin tức hầu chống lại lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo. Tin tức này gây ngạc nhiên cho các giới chức Hoa Kỳ.

            Nhưng thắng một nước cờ chưa hẳn thắng một ván cờ. Theo tôi nghĩ, chưa hẳn Hoa Kỳ đã thua vì tình hình Syria vô cùng phức tạp. Vấn đề còn tùy thuộc vào khả năng chiến đấu của quân chính phủ Syria và sự tồn tại dai dẳng của Nhà Nước Hồi Giáo. Chỉ một năm nữa thôi, nếu lực lượng ISIS vẫn còn thì Hoa Kỳ và đồng minh sẽ vô cùng mệt mỏi và cả Nga cũng thế và tình hình có thể ngả sang một hướng khác.

Dường như quả bóng đang nằm trong chân Hoa Kỳ. Liệu Mỹ có dám chấp nhận giải pháp đau đớn là hy sinh lực lượng “Syria Tự Do” để tự nó chết lần chết mòn mà một vị tướng Mỹ điều trần trước quốc hội cách đây vài hôm nói rằng lực lượng này được huấn luyện 5000 người, nhưng chỉ có “vài ngoe” chiến đấu thực sự ở Syria mà thôi, có thể do nạn “lính ma lính kiểng” nhập ngũ cho nhiều để lấy tiền Mỹ, nhưng lại trốn ở nhà không chiến đấu hoặc ôm vũ khí chạy theo phe Nhà Nước Hồi Giáo.
 Theo tôi, sự tồn tại của một nhà nước độc tài tại Syria tức do Ô. Assad lãnh đạo cũng chẳng làm Hoa Kỳ rụng một sợi lông chân. Nếu để cho Ô. Assad sống sót và với sự hỗ trợ của Nga, lực lượng ISIS nếu có bị tiêu diệt thì Hoa Kỳ trút được mối lo mà mối lo này chính là hậu quả của việc Ô. Bush Con đem quân vào đây tiêu diệt Ô. Saddam Hussein khiến gây thảm họa cho Hoa Kỳ tới ngày hôm nay. Hoa Kỳ chắc chắn hiểu rõ rằng một khi quân Nga đã vào Syria thì việc yêu cầu “Assad must go” chỉ còn là khẩu hiệu không thực tế.
Cuộc chiến chống khủng bố càng kéo dài, khủng bố càng lan tràn, di dân trở thành thảm họa cho Âu Châu Âu và sau đó cho Hoa Kỳ. Muốn chấm dứt thảm họa di dân thì vùng biên giới Iraq-Syria phải không còn chiến tranh để người dân có thể sống yên. Mà muốn vùng này yên không thể không có vai trò của Syria, dù là một nhà nước độc tài. Chúng ta chờ xem hành động của Hoa Kỳ trong những ngày sắp tới. Trong khi đó thì Do Thái rất bén nhậy, Thủ Tướng Netanyahu hối hả bay qua Moscow để gặp Ô. Putin để sao cho việc Nga đem quân vào Syria không tạo lo ngại về an ninh cho Do Thái.

Giữa tình hình thế giới đa cực ngày hôm nay, dù một giải pháp chính trị nào cho Syria đi nữa cũng không thể đẩy Nga ra khỏi Tartus là căn cứ tiếp vận hải quân chiến lược duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải như AFP nhận định, “Các chuyên gia cho rằng việc Nga mới đây đem quân vào Syria không phải chỉ nhằm hỗ trợ cho chế độ của Ô. Assad đang bị tấn công tứ phía mà còn gửi một tín hiệu cho Tây Phương. Với việc Tổng Thống Putin chuẩn bị đưa vấn đề Syria trong diễn văn của ông trước Đại Hội Đồng LHQ tại Nữu Ước cuối tháng này, Nga muốn nói rõ rằng họ không thể bị (Tây Phương) phớt lờ tại Trung Đông.” 

Trang tin The National Interest ngày 22/9/2015 cho rằng, “Đây là thời điểm quan trọng cho Obama ngồi xuống nói chuyện một cách nghiêm túc với Putin.” Và cuối cùng hai ông Putin và Obama đã gặp nhau 90 phút bên lề phiên họp khoáng đại của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Hai bên đã đụng độ vì quan điểm đối 
nghịch, dĩ nhiên. Nhưng có lẽ chỉ ít ngày nữa thôi, chúng ta sẽ thấy con bài Mỹ đánh ra và xem hai bên thỏa hiệp tới mức nào. Sau cuộc gặp gỡ với Ô. Obama, Ô.Putin nói với báo chí rằng, “Cũng có những điều bất đồng mà chúng tôi thỏa thuận sẽ làm việc chung với nhau. Tôi hy vọng đây là việc làm xây dựng.”
Đào Văn Bình
(California ngày 30/9/2015)

(*) Theo Wikipedia, Noam Chomsky sinh năm 1928 là nhà ngôn ngữ học Hoa Kỳ, triết gia, lý luận khoa học, nhà luận lý, bình luận chính trị và cũng là nhà hoạt động cho công lý xã hội…( Avram Noam Chomsky born December 7, 1928) is an American linguist, philosopher, cognitive scientist, logician, political commentator, social justice activist)


__._,_.___

Posted by: Binh Dao

No comments:

Post a Comment