Wednesday 7 October 2015

Góp ý với ông Nguyễn Đăng Quang về bài Đã đến lúc khởi kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế!


Góp ý với ông Nguyễn Đăng Quang về bài Đã đến lúc khởi kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế!

Tạ Văn Tài

ĐIỂM I: Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam cùng tuyên bố với Tổng thống Obama trong Tuyên Bố Chung, về việc phải dùng luật pháp dối phó với Trung Quốc tại Biển Đông, như sau:
“Cả hai nước đều quan ngại về những diễn biến mới đây ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, và đe doạ phá hoại hoà bình, an ninh và ổn định. Hai bên công nhận sự cấp bách của việc duy trì các quyền tự do hàng hải và hàng không bên trên vùng biển được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không bị cản trở, an ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế các hành động làm tăng căng thẳng; bảo đảm rằng mọi hành động và hoạt động được tiến hành tuân thủ luật pháp quốc tế; và bác bỏ sự cưỡng ép, đe doạ, và sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực. Cả hai nước ủng hộ giải quyết hoà bình các tranh chấp theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 10/12/1982 (UNCLOS), và công nhận tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của Các bên .
ĐIỂM II. Việc kiện Trung Quốc phải tiến hành tại hai tòa án quốc tế
A. Kiện về chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại Tòa Án Công Lý Quốc Tế (International Court of Justice)
Kiện đòi chủ quyền lãnh thổ thì phải kiện tại ICJ, và phải vượt trở ngại là làm sao cho Trung Quốc chấp nhận ra tòa với việc ký nhận điều khoản nhiệm ý (optional clause) công nhận thẩm quyền của ICJ.
Kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế về chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đang xâm chiếm của Việt Nam từ năm 1974, thì phải vượt qua được sự từ chối trình diện tòa của Trung Quốc vì họ sẽ không ký điều khoản nhiệm ý (optional clause) để nhận thẩm quyền của Tòa, do đó tòa sẽ có thể không thụ lý vụ kiện.
Nhưng thiết nghĩ có hai cách vượt trở ngại này:
– Trước hết, trong vụ Case Concerning United States Diplomatic and Consular Staff in Teheran II (US v. Iran) (ICJ 1980), khi một quốc gia từ chối trình tòa để phản đối thẩm quyền tòa, Tòa vẫn tuyên án được theo quy tắc sau: Nếu Tòa án Công lý Quốc tế thấy quốc gia vắng mặt trước đó, trong một văn kiện, như Hiệp ước thân hữu chẳng hạn, đã có ưng thuận nào đó về thẩm quyền tòa và hơn nữa quốc gia nguyên đơn có trình hồ sơ đầy đủ và có tính thuyết phục cao, Tòa có thể tuyên án dù quốc gia kia vắng mặt. Vậy Việt Nam mà trình bày đủ chứng cứ lịch sử và luận cứ pháp lý vững chắc về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, thì có thể xin một bản án có lợi, nếu có thể tìm ra sự ưng thuận ra tòa có trong Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc vào năm 2000. Hoặc có thể bắt chước Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines không ra tòa án trọng tài nhưng xuất bản mấy ngàn trang sách về nội dung lập trường của mình, như một biện pháp vận dụng dư luận quốc tế; Việt Nam có thể chuẩn bị kỹ hồ sơ chủ quyền lãnh thổ trên Hoàng Sa mà đem nạp trong đơn kiện ở Tòa án Công lý Quốc tế, kèm lời mời Trung Quốc chấp nhận thẩm quyền của tòa để làm sáng tỏ vấn đề. Giáo sư Jerome A. Cohen trong Hội thảo quốc tế Hoàng Sa, Trường Sa – Sự thật lịch sử, tổ chức ở Đà Nẵng từ ngày 19/6 đến ngày 21/6/2014, mong đợi các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á cứ đến gõ cửa Tòa án Công lý Quốc tế rồi mời Trung Quốc (nếu họ tin là lẽ phải về phần mình), thì ra tòa mà bàn luận. Dù Việt Nam có nạp hồ sơ và bị từ chối xét xử vì Trung Quốc không chịu trình tòa, thì cũng như đã “treo” được hồ sơ trước cửa Tòa cho thiên hạ đọc, và đạt được thắng lợi tuyên truyền trước công luận quốc tế.
– Thứ hai, Việt Nam hay một nước bạn của Việt Nam có ảnh hưởng mạnh, có thể yêu cầu Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hay một cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc xin một bản án cho ý kiến (advisory opinion) về bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa thì Tòa án Công lý Quốc tế cũng có thể cho. Thí dụ như trong án Advisory Opinion on the Western Sahara (ICJ 1975) do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu xin một bản án ý kiến về một yêu sách lãnh thổ, thì Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra quy tắc là Tòa không cần sự ưng thuận của một quốc gia liên hệ mà vẫn cho một bản án ý kiến về một chấp lãnh thổ.
B. Kiện truớc Toà Án Trọng Tài Luật Biển (Arbitral Tribunal of the Law of the Sea of the Unìted Nations) về việc Trung quốc xâm phạm vùng biển (maritime zones), tức Thềm Lục Địa và Vùng Kinh Tế Đặc quyền (Continental Shelf + Exclusive Economic Zone) của các nước cận duyên, trong đó có Việt Nam, trong khu vực Trường Sa
Trước Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển, Việt Nam có thể theo thủ tục bắt buộc (compulsory procedure) để kéo Trung Quốc ra tòa, mà yêu cầu tòa dùng thẩm quyền giải thích và áp dụng UNCLOS (Điều 286 và Điều 288), để Việt Nam trình bày được chứng cứ lịch sử của nhiều thế kỷ về hoạt động của đội Hoàng Sa trước đây hàng năm đi ra quần đảo đều phải mang nước ngọt và thực phẩm đi theo, rồi không sống quanh năm trong một nền kinh tế tự túc được, và do đó, ngay bây giờ Trung Quốc cũng không đòi quy chế đảo cho Hoàng Sa được, và cũng không đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý cho Hoàng Sa được.
Mở rộng chiến thuật phản biện này sang các đá ở Trường Sa, mà minh chứng tất cả các hòn ở đó đều là đá trong trạng thái thiên nhiên trước khi xây các kiến trúc nhân tạo, thì có thể giảm thiểu nhiều sự tranh giành chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển Trường Sa, vì dù Trung Quốc có chiếm vài đá và đá ngầm, họ cũng không thể đòi gì rộng hơn 12 hải lý lãnh hải quanh các đá đó (đá ngầm cũng không tạo ra lãnh hải, có xây trên đó cũng không tạo thành đảo, và chỉ quốc gia cận duyên mới có quyền xây trên đá ngầm – Điều 60 UNCLOS), không thể đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xuất phát từ các hòn đá; và “đường 9 đoạn” càng mất cơ sở là có hòn đất nào đó để bám vào, làm cứ điểm xuất phát.
T. V. T.
Nguồn: Thư trao đổi trong Nhóm Humboldt. Đăng với sự đồng ý của tác giả.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment