Monday, 7 September 2015

Không quên tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

Không quên tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

RFA

Gia Minh - Bangkok
06-09-2015
Tin tức về thị trường chứng khoán lao dốc, những vụ nổ hóa chất ở Hoa lục và hoạt động duyệt binh mừng 70 năm mừng chiến thắng Phát xít Nhật tại Bắc Kinh dường như che lấp mọi thông tin về những diễn tiến ngoài Biển Đông.
Vậy thực tiễn tình hình ở đó ra sao?
Tham vọng không đổi của Trung Quốc
JPEG - 62 kb
Hải quân Trung Quốc hoạt động trên biển Đông
Giới quan sát lâu nay đều đồng ý với nhận định là ý đồ làm chủ Biển Đông của Trung Quốc từ trước đến nay vẫn không có gì thay đổi. Bắc Kinh có lúc dường như xuống giọng về vấn đề Biển Đông; thế nhưng đó là những lúc mà họ gặp phải những bất lợi khiến không thể hung hăng như cũ.
Tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á-ASEAN lần thứ 48 vào đầu tháng 8 vừa qua ở Kuala Lumpur, Malaysia, bộ trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã ngưng hoạt động cải tạo, bối đắp các đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp với một số nước trong khu vực.
Tuy nhiên chỉ chừng 3 tuần lễ sau đó, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ra phúc trình nói diện tích mà Trung Quốc cải tạo tại quần đảo Trường Sa tăng gần 50 % so với tháng 5.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, khoa Sử, Đại học Maine- Hoa Kỳ đưa ra một số nhận định về quan hệ Trung- Việt liên quan đến Biển Đông và thái độ của Trung Quốc như sau:
“Đối với Việt Nam bao nhiêu phái đoàn sang bên đó rồi. Trước phái đoàn của ông Trọng là phái đoàn của bộ trưởng Lê Hồng Anh, vào vào đầu tháng tư ông Trọng sang phải nhắc lại chuyện Biển Đông. Trung Quốc có hứa và ký 4 hiệp định hợp tác…Rồi sau chuyến ông Trọng đi ( Trung Quốc) có nói phải thêm nhiều cuộc họp song phương để giải quyết các vấn đề: vấn đề biên giới, vấn đề trao đổi hàng hóa giữa hai bên, vấn đề các nhà thầu của Trung Quốc không làm tới nơi tới chốn… Bây giờ họ cũng đang bàn cãi thôi, cũng chưa đi đến đâu!
Tôi nghĩ nếu có gì đi đến đâu ( nói không phải mình nịnh Mỹ), nhưng bây giờ tình hình kinh tế khó khăn như thế này và Tập Cận Bình sắp sang Mỹ; theo tôi từ nay đến đó mà Tập Cận Bình thấy tình hình trong nước quá khó khăn thì có thể chịu một số nhượng bộ thế nhưng trước khi đi phải làm hăng để đỡ mất mặt. Làm hăng như thế để đến khi gặp Mỹ có chịu nhượng bộ gì không. Đối với Trung Quốc chuyện mất mặt rất quan trọng, mặc dù biết làm ẩu nhưng họ vẫn làm tới!”
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia Việt Nam tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, cũng có những đánh giá về diễn tiến các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông:
“Lâu nay Trung Quốc vẫn có tiếng là lời nói và hành động của họ không có thống nhất. Bây giờ theo tôi nghĩ nếu trên Biển Đông tình thế khác với những gì họ tuyên bố chính thức thì không có điều gì đáng phải bất ngờ cả. Hiện tại sự chú ý vẫn tập trung vào việc Trung Quốc hoàn thành các đảo nhân tạo và xây lắp các trang thiết bị ở đó. Liệu họ có các thiết bị phục vụ cho mục đích quân sự hay không chẳng hạn là điều mà chúng ta cần phải quan tâm theo dõi. Nếu họ có các hoạt động hướng đến quân sự hóa các đảo nhân tạo này thì đó thực sự là một bước leo thang và gây ra những mối quan ngại cho tình hình an ninh khu vực.”
Thế giới lên tiếng
Có thể nói sau khi thông tin và hình ảnh những khu bãi và đá tại quần đảo Trường Sa do Trung Quốc kiểm soát được bồi đắp, cải tạo trở thành những đảo nhân tạo, hầu hết các quốc gia trong khu vực cũng như ở các châu lục khác cũng đều chỉ trích hoạt động làm thay đổi hiện trạng mà Trung Quốc tiến hành.
JPEG - 79.8 kb
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham dự một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi tại Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh vào ngày 16 Tháng 5 năm 2015. AFP
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định về thái độ của các quốc gia đối với hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông như sau:
“Thời gian gần đây, theo tôi nghĩ tình hình trong khu vực, ở đông bắc Á cũng như ở đông nam Á nói chung, đã có một sự điều chỉnh nhất định ở một số các quốc gia để phản ứng lại sự gia tăng những áp đặt của Trung Quốc trên Biển Đông. Chúng ta thấy ở đông bắc Á, đặc biệt Nhật bản rất cứng rắn và động thái của chính quyền Abe soạn ra dự luật an ninh mới để qua đó hiện thực hóa việc diễn dịch lại Hiến pháp trao cho quân đội Nhật bản vai trò lớn hơn trong việc phòng vệ tập thể cùng với các đối tác của Nhật. Tôi nghĩ hành động đó của Nhật nhắm chủ yếu vào Trung Quốc. Đó là biểu hiện rõ nhất. Còn trong khu vực, ngoài những quốc gia tiền tuyến như Việt Nam hay Philippines thì chúng ta thấy lâu nay họ đã có những động thái để phản ứng lại sự gia tăng gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, thì trong khu vực một số quốc gia khác cũng có một số điều chỉnh nhất định. Rõ nhất là trường hợp của Malaysia chẳng hạn: họ lâu nay có thái độ tương đối nhún nhường đối với Trung Quốc, tuy nhiên gần đây họ có những động thái không giống với truyền thống trước đây của họ. Ví dụ họ ký đối tác chiến lược với Nhật Bản và vừa rồi với Việt Nam; rồi có những tuyên bố rất cứng rắn thể hiện sự quan ngại đối với những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông.
Rồi trường hợp của Indonesia cũng đáng lưu ý khi họ công khai bày tỏ những lo ngại đối với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Indonesia cũng cho đánh đắm những tàu cá của Trung Quốc mà xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ…
Đó là một số ví dụ cho thấy các quốc gia trong khu vực cũng đã có những động thái để phản ứng lại động thái gia tăng sức mạnh cũng như sự quyết đoán ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.”
Vị tiến sĩ trẻ này cũng có đánh giá về hành xử của phía Hoa Kỳ trước các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông:
‘Một lý do ngắn hạn là Tập cận Bình sắp thăm mỹ; theo tôi nghĩ trước chuyến thăm như vậy, phía Mỹ cân nhắc không muốn đẩy căng thẳng lên cao để chuyến thăm thành công.
Thứ hai về mặt dài hạn mặc dù mâu thuẫn chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng gần đây nhưng hai bên vẫn có những lợi ích song trùng trong một số lĩnh vực nhất định, nhất là lĩnh vực thương mại, rồi các vấn đề liên quan đến Triều Tiên… Họ vẫn có lợi ích và cần có sự hợp tác giữa hai bên để giải quyết các vấn đề này. Theo tôi nghĩ, phía Mỹ mặc dù họ về dài hạn vẫn gia tăng cạnh tranh, gia tăng sức ép đối với Trung Quốc để kiềm chế các hành vi của Trung Quốc; tuy nhiên một mặt họ vẫn sẽ làm từng bước, có mức độ nhất định để thăm dò phản ứng của Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực để làm sao có thể kiểm soát được hành vi của Trung Quốc đồng thời giữ vững được hòa bình, ổn định và bảo đảm được các quyền lợi của Mỹ về thương mại, kinh tế…”
Báo cáo mà Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đưa ra hôm ngày 20 tháng 8 vừa qua nêu rõ quan ngại của phía Mỹ là những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp lên ở quần đảo Trường Sa sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự. Như thế có thể gây nên bất ổn tại một trong những tuyến đường hàng hải lớn nhất thế giới.
Nguồn: RFA


No comments:

Post a Comment