Friday, 17 July 2015

Philippines mở lại căn cứ Subic Bay đương đầu với tham vọng Trung Quốc

 
Đăng ngày 16-07-2015

Philippines mở lại căn cứ Subic Bay đương đầu với tham vọng Trung Quốc

media
Một tàu chiến Mỹ ghé vịnh Subic của Philippines. Ảnh chụp ngày 14/10/2014.REUTERS/Lorgina Minguito/Files

Trong kế hoạch đương đầu với tham vọng biển đảo của Trung Quốc, Manila điều máy bay chiến đấu và chiến hạm vào vùng biển phía tây Philippines. Căn cứ quân sự khổng lồ Subic Bay sắp hoạt động trở lại, sau 23 năm đóng cửa chuyển đổi thành khu kinh tế, sẽ cho phép Philippines can thiệp nhanh chóng tại Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Philippines ngày 16/07/2015 cho biết đã ký hợp đồng thuê lại căn cứ Subic Bay thời hạn 15 năm có gia hạn với cơ quan quản lý dân sự Subic Bay Metropolitain hồi tháng 5.

Quân đội Philippines sẽ đưa về Subic Bay chiến đấu cơ phản lực mới và hai chiến hạm. Theo các chuyên gia quân sự, sử dụng căn cứ Subic Bay sẽ cho phép quân đội Philippines can thiệp hữu hiệu, ngăn chận hoạt động của hải thuyền Trung Quốc trong vùng biển phía tây của đảo Luzon. Chuyên gia an ninh quốc phòng Philippines Rommel Banlaoi nhận định : Giá trị quân sự của Subic Bay đã được quân đội Mỹ chứng minh và giới tướng lãnh Trung Quốc cũng biết được điều đó.

Một khi Subic Bay phục hồi vai trò quân sự, hải quân Mỹ có thể sử dụng căn cứ này một cách dễ dàng hơn cho dù khả năng Hoa Kỳ được quyền thuê trở lại vẫn chưa ngã ngũ do có sự chống đối của Tối cao Pháp viện Philippines. Từ năm 2000 cho đến nay, hải quân Mỹ chỉ đến Subic Bay trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung.

Theo kế hoạch của bộ Quốc phòng Philippines, kể từ tháng 12 năm nay, hai chiến đấu cơ FA-50 đầu tiên trong số 12 chiếc đặt mua của Hàn Quốc sẽ được chuyển giao và sẽ được bố trí tại căn cứ Subic.

Subic Bay nằm cách đảo đá ngầm Scaborough bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 2012 chỉ có 270 cây số. Theo chuyên gia an ninh Mỹ Patrick Cronin, chiến đấu cơ FA-50 chỉ cần vài phút là bay đến mục tiêu.

Đăng ngày 16-07-2015

Bắc Kinh phản đối Manila sửa chữa chiến hạm cũ ở Trường Sa

media
Chiến hạm cũ BRP Sierra Madre của Philippines "mắc cạn" tại bãi Cỏ Mây. Ảnh chụp ngày 30/03/2014.REUTERS/Erik De Castro/Files

Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, 15/07/2015, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh phản đối việc Philippines sửa chữa một chiến hạm, mà theo Trung Quốc, đã mắc cạn « trái phép » trên bãi Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây ), thuộc quần đảo Trường Sa.

Nhắc lại rằng Bắc Kinh có chủ quyền « không thể tranh cãi » đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển chung quanh, trong đó có bãi Cỏ Mây, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu phía Philippines kéo chiến hạm nói trên ra khỏi bãi Cỏ Mây và dọa sẽ thi hành các biện pháp khác nếu Manila không thực hiện điều này.

Hôm qua, Manila tuyên bố đã bắt đầu sửa chữa chiến hạm cũ BRP Sierra Madre, có từ thời Đệ nhị Thế chiến, mua lại của Mỹ từ thập niên 1970, được dùng làm căn cứ tiền tiêu kiểm soát bãi Cỏ Mây. Mục đích việc sửa chữa, theo phát ngôn viên Hải quân Philippines, là nhằm bảo đảm những điều kiện sống tối thiểu cho đơn vị đóng trên tàu.

Chiến hạm bị rỉ sét dài 100 mét này vốn được quân đội Philippines cố tình để cho mắc cạn ở bãi Cỏ Mây vào năm 1999, nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, trong bối cảnh Manila lo ngại Trung Quốc cưỡng chiếm đảo này. Trước đó bốn năm, Trung Quốc đã chiếm bãi Mischief Reef (bãi Vành Khăn), mà Philippines cũng khẳng định chủ quyền, nằm cách bãi Cỏ Mây khoảng 40 km.

Hiện tại, Philippines vẫn duy trì một đơn vị gồm 9 binh sĩ trên chiến hạm Sierra Madre. Hồi năm ngoái, theo báo chí Philippines, tàu hải quân nước này thường xuyên bị tàu tuần duyên Trung Quốc ngăn chặn khi tới bãi Cỏ Mây. Manila thậm chí phải dùng đến đường hàng không để tiếp tế lương thực cho các binh sĩ.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

No comments:

Post a Comment