Wednesday, 15 July 2015

Nhật Ký Biển Đông: Bang Giao Vì Lợi Ích Quốc Gia, Không Vì Thương-Ghét


Nhật Ký Biển Đông: Bang Giao Vì Lợi Ích Quốc Gia, Không Vì Thương-Ghét
Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Bảy ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:

-AFP ngày 1/7/2015: “Chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ nêu rõ các nước như Trung Quốc và Nga là hung hăng và đe dọa an ninh lợi ích của Hoa Kỳ, trong khi cảnh báo về sự thách thức ngày càng gia tăng về kỹ thuật và sự ổn định toàn cầu ngày càng tệ hại. Bản phúc trình u ám của Tướng Martin Dempsey- Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ đưa ra ngày Thứ Tư cảnh cáo là tuy còn thấp nhưng mỗi lúc mỗi gia tăng về khả năng một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ với một cường quốc lớn mà hậu quả không sao lường hết được.” Bản báo cáo nói thêm, “ Khi ứng dụng vào hệ thống quân sự, sự lan tràn của kỹ thuật đang thách thức lợi thế/thế thượng phong mà Hoa Kỳ nắm giữ từ lâu chẳng hạn như hệ thống cảnh báo sớm và tấn công chính xác.” (America's new military strategy singles out states like China and Russia as aggressive and threatening to US security interests, while warning of growing technological challenges and worsening global stability. A somber report released Wednesday by General Martin Dempsey, the chairman of the Joint Chiefs of Staff, warns of a "low but growing" probability of the United States fighting a war with a major power, with "immense" consequences…When applied to military systems, this diffusion of technology is challenging competitive advantages long held by the United States such as early warning and precision strike," the paper says.” Thế nhưng theo GS. Michael Klare thuộc Đại Học Tổng Hợp New Hampshire thì, “Hoa Kỳ không xác định được ai là kẻ thù chính, Nga hay Trung Quốc?”.

-Finance.yahoo.com ngày 1/7/2015: Với tiêu đề, “ Liệu Saudi Arabia Đang Bỏ Rơi Mỹ vì Nga?”  (Is Saudi Arabia Leaving The U.S. Behind For Russia?)  Robert Berke viết, “Những tin tức từ Diễn Đàn Kinh Tế St. Petersburg mới đây kéo dài từ 18-20 Tháng Sáu đã gây ra hàng loạt những lời phỏng đoán về hướng mới của giá năng lượng/dầu. Nhưng những lời xầm xì thực sự tại diễn đàn này là điều bất ngờ về chuyến viếng thăm công khai của Phó Thái Tử của Saudi vốn là sứ giả của nhà vua. Vị hoàng tử này, cũng là Bộ Trưởng Quốc Phòng của đất nước, đã mang một thông điệp của hoàng gia trực tiếp mời Tổng Thống Putin viếng thăm nhà vua và đã được đáp ứng ngay và đáp lại vị hoàng tử cũng nhân danh nhà vua nhận lời thăm viếng Nga…Có thể tin tức đã đầy đủ về chuyến viếng thăm bất thường của một phái đoàn cao cấp của một nước vốn là đồng minh lâu đời và được Mỹ bảo hộ như Saudi Arabia, lại tham dự một hội nghị kinh tế do Nga bảo trợ, một quốc gia đang bị Mỹ cấm vận.”

Nhận định về chuyển động ngoại giao này, trên tờ Christian Science Monitor, Fred Weir viết, ”Một số chuyên gia coi dấu hiệu của việc xuất hiện mối hợp tác được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch của ngọn gió toàn cầu, trong đó tiển mặt của Saudi Arabia giúp Moscow né tránh được cấm vận của Phương Tây trong khi đó vũ khí, kỹ năng cơ khí và trợ giúp ngoại giao đã giúp cho vị vua mới, năng động làm cho đất nước của mình không còn lệ thuộc vào Hoa Kỳ bằng cách gia tăng bất hợp tác.”

Vị vua trẻ Salman nối ngôi cha ngày 23/1/2015 đã ngả dần về Nga thay vì hoàn toàn dựa vào sự đỡ đầu của Mỹ trong nhiều thập niên bởi rất nhiều lý do. Nguyên do trước mắt là Saudi Arabia đang lún sâu vào cuộc khủng hoàng Yemen mà Nga là người có thể giúp tiến tới một giải pháp chính trị để tạo ổn định cho Vùng Vịnh mà nếu kéo dài sẽ nguy hiểm cho Saudi Arabia vì Yemen và Saudi Arabia có chung biên giới, trong khi Hoa Kỳ  đã phải rút tòa đại sứ và quân đội ra khỏi Yemen vì thất bại trong việc hỗ trợ cho chính quyền của tổng thống lưu vong Hadi.

Nếu mất đồng minh Saudi Arabia, Hoa Kỳ sẽ không còn khả năng khống chế giếng dầu của thế giới và hải lộ chiến lược tử Ấn Độ Dương tiến vào Địa Trung Hải. Rõ ràng khó khăn mỗi lúc mỗi gia tăng trên toàn cầu, thách thức ngôi vị bá chủ của Hoa Kỳ. Và theo một số nhà nghiên cứu chiến lược, rồi đây nước Mỹ và vị thế của Hoa Kỹ sẽ không còn như xưa nữa.

Thế giới ngày hôm nay  không còn “xung đột chủ nghĩa hay ý thức hệ” mà vì lẽ sống của từng dân tộc. Quà thật, không có quốc gia nào lệ thuộc vào sự đỡ đầu của Hoa Kỳ như Saudi Arabia. Mối liên minh quân sự, tài chính thân thiết tới nỗi Ô. Obama đã cúi rạp mình trước Vua Abdulla khi ông tới thăm vương quốc này - mà nay cũng phải thay đổi chiến lược ngoại giao. Thế mới hay, “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (1). Mọi liên minh dù đẹp đẽ như thế nào đi nữa thì cũng có ngày tàn lụi.

-AFP ngày 2/7/2015: “Phát ngôn viên quân sự Phi Luật Tân cho bết nước này đã nhận được hai trực thăng mới của do Gia Nã Đại chế tạo và một tàu vận tải dư thừa của Nam Hàn trong khi đất nước này  đẩy mạnh tiến chương trình hiện đại hóa quân đội.”

Sự kiện cho thấy được Mỹ “bật đèn xanh”, hai đàn em thân tín của Mỹ là Nam Hàn và Gia Nã Đại  đã trực tiếp tham gia vào cuộc khủng hoảng ở Biển Đông. Chưa biết phản ứng của Hoa Lục như thế nào.

-Fox News ngày 2/7/2015: “Cựu TT. Jimmy Cater nói rằng TT. Obama chỉ đạt thành quả nhỏ xíu trên chính trường thế giới.” (President Obama has minimal accomplisments on world stage.”
-Tin Tổng Hợp ngày 2/7/2015: Nhân dịp tham dự Lễ Độc Lập Hoa Kỳ và Kỷ Niệm 20 Năm tái lập bang giao Việt-Mỹ tổ chức tại Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại TP. HCM, cựu TT.Bill Clinton đã có các cuộc tiếp xúc với Ô. Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí Thư, Ô. Trương Tấn Sang- Chủ Tịch Nước cùng một số các nhà hoạt động dân sự. Tham dự lễ kỷ niệm  còn có Ô. Phạm Bình Minh- Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Việt Nam. Vể vấn để Biển Đông,theo TTX/VN,  Ô. Bill Clinton đã phát biểu nhẹ nhàng theo kiểu “huề vốn”, “Các nước liên quan đều phải tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết thông qua đối thoại và có sự tham gia của tất cả các bên, không nên có những hành động đơn phương. bởi chính ông đã tạo mối liên hệ chiến lược, thân thiết nhất với Hoa Lục.

Trong bối cảnh dồn dập của ngoại giao đó, chiếc tầu ngầm Kilo Hó Đen thứ tư mang tên Khánh Hòa đã về Quân Cảng Cam Ranh mà các chuyên gia quân sự Nga tiết lộ trên Sputnik News, “Tàu còn được trang bị nhiều hệ thống tên lửa Club (Klub) hiện đại nhất. Đó là loại tên lửa với tầm bắn lên tới 300 km, ngay từ đầu bay với tốc độ cận âm. Đến khi tiếp cận mục tiêu, đầu đạn chứa 400 kg thuốc nổ sẽ tách ra từ động cơ chính và tăng tốc đến ba lần tốc độ của âm thanh, tức lớn hơn 1km/s. Đến gần mục tiêu, tên lửa này bay ở độ cao chỉ 5-10 mét, khiến cho radar và hầu như các hệ thống chống tên lửa của đối phương không thể phát hiện và có thể làm lệch cán cân quân sự thế giới.”

-Bloomberg News ngày 2/7/2015: “Airbus Group SE đang xem xét việc chế tạo phụ tùng cho máy bay tại Việt Nam sau khi Công Ty Hàng Không VietJet đặt hàng 9. 8 tỉ đô-la trong vòng chưa đầy hai năm.”
-VOA tiếng Việt ngày 4/7/2015: “Trong tuần vừa qua, thảm đỏ đã được trải ra khắp các thành phố Âu châu để tiếp đón Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc. Biến đổi khí hậu là đề tài được đặt cao trong nghị trình, nhưng kinh tế và thương mại là đề tài bao trùm.” Nhận định về Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tâng Cơ Sở Á Châu (AIIB), Bà Olivia Gippner của trường Kinh tế London, trong cuộc phỏng vấn qua Skype đã nói, “Trung Quốc coi AIIB là một cách để chống lại điều mà Bắc Kinh nhận thấy là một thế giới đơn cực nằm dưới sự thống trị của Hoa Kỳ.”

-VOA ngày 5/7/2015: Gần như chép lại bản tin của VnPlus, VOA cho biết, “Chính quyền Nga đã giúp hiện đại hóa và mở rộng quân cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, tin từ Moscow cho hay.Theo phó tổng giám đốc của một tập đoàn xuất khẩu vũ khí lớn của Nga, hoạt động này nằm trong thỏa thuận mua bán 6 tàu ngầm giữa hai nước.Tin cho hay, ngoài hợp đồng trị giá 2 tỷ USD mua 6 tàu ngầm Kilo từ Nga, Việt Nam còn ký kết một hợp đồng phụ trong đó có việc xây dựng cơ sở hạt tầng có trị giá gấp đôi, tới 4 tỷ USD ở Cam Ranh.Theo đó, Nga sẽ huấn luyện thủy thủ tàu ngầm, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp các thiết bị cần thiết cho Việt Nam. Moscow dự kiến sẽ chuyển giao tất cả 6 tàu cho Việt Nam trước năm 2016.”
-Sputinik News ngày 5/7/2015: “Sau khi tập trận chung với Phi Luật Tân tại Biển Đông, Nhật Bản lại tiến hành cuộc tập trận chung quy mô với Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan tại vùng biển thuộc Úc Châu có tên Talisman Saber .” Đây là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản chuẩn bị tham gia quân sự vào cuộc khủng hoảng ở Biển Đông.

-BBC tiếng Việt ngày 6/7/2015: “Ông thủ tướng muốn mượn lại bản đồ gốc, còn gọi là bản đồ Bonne, tỷ lệ 1/100.000, mà chính quyền thực dân Pháp vẽ ra trong những năm 1933 và 1955, sau đó được cố Quốc vương Norodom Sihanouk gửi lưu chiểu tại LHQ năm 1964. Công văn của Thủ tướng Hun Sen nói chính phủ Campuchia nay cần bản đồ này để kiểm tra lại quá trình cắm mốc hiện nay và chấm dứt sự kích động dân tộc cực đoan của một số bên ở Campuchia, mà có thể dẫn tới thảm họa cho Campuchia. Đảng đối lập Cứu quốc ở Campuchia lâu nay chỉ trích chính quyền sử dụng bản đồ mà Việt Nam dựng ra hồi thập niên 1980 thay vì bản đồ của người Pháp để phân giới cắm mốc giữa hai bên, tố cáo chính quyền đã nhượng đất cho Việt Nam. Về phần mình, chính phủ biện hộ rằng bản đồ mà họ và Việt Nam sử dụng trong Hiệp định Biên giới 2005 là phù hợp với Hiến pháp.”  

Thế mới hay kích động tự ái dân tộc, vu cáo cho đối thủ “nhượng đất, bán đất” là thủ đoạn hiểm độc để tranh đoạt quyền lãnh đạo chính trị của các chính trị gia hoạt đầu như Sam Rainsy.

-Euters ngày 6/7/2015: “Vào ngày Thứ Hai 6/7/2015, Công Ty Boeing và Vietnam Airlines JSC IPO-VAHM) đã đồng ý thương lượng bán 8 thêm máy bay Dreamlines 787-10 và 8 máy bay 777-8x, một cử chỉ được các giới chức Hoa Kỳ và Việt Nam hoan nghênh như một dấu hiệu tăng cường thêm mối liên hệ thương mại giữa hai cựu thù. Phụ Tá Bộ Trưởng Thương Mại Bruce Andrews nói với Reuters rằng việc bán máy bay Boeing phản ảnh chiều kich lớn lao của mối liên hệ ngày càng gia tăng.”

-AP (Vienna) ngày 14/7/2015: “Sau nhiều cuộc thương thảo đầy va chạm, các cường quốc và Ba Tư đã đã đạt được thỏa hiệp lịch sử để kiềm chế chương trình hạt nhân của Ba Tư hầu đổi lấy việc tháo bỏ cấm vận nhiều tỉ đô-la - tránh được mối dọa chế tạo vũ khí nguyên tử của Ba Tư và một cuộc can thiệp quân sự nữa của Hoa Kỳ vào Vùng Trung Đông.”

-International Business Times ngày 14/7/2015: “Vào ngày Thứ Hai 13/7/2015 Google loan báo cập nhật hóa bản đồ bằng cách gỡ bỏ danh hiệu Trung Quốc cho những bãi cạn đang tranh chấp sau khi có sự phản đối  của các nhà hoạt động Phi Luật Tân - trước đây được ghi chú như là một phần của Quần Đảo Trường Sa thuộc Trung Quốc nay thay vào đó bằng cái tên quốc tế Scarboroug Shoal.”
Nhận Định:
            Trong tháng qua, trước, sau và trong chuyến công du Hoa Kỳ của Ô. Nguyễn Phú Trọng mà Ô. Trọng  gọi là “chuyến viếng thăm lịch sử” đã có rất nhiều bình luận của các nhà quan sát, nghiên cứu, giới chức Hoa Kỳ, Úc Châu, Tân Gia Ba, Hongkong kể cả các nhà hoạt động chính trị và học giả Việt Nam trong và ngoài nước. Tất cả nhận định, phê bình đều xoay quanh mấy chủ đề:

-Cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của Ô. Nguyễn Phú Trọng và gặp gỡ Ô. Obama ở Tòa Bạch Ốc có ý nghĩa gì?
-Bang giao Việt-Mỹ đi về đâu? Triển vọng của nó như thế nào?
-Ai cần ai hơn? Mỹ cần Việt Nam hơn hay Việt Nam cần Mỹ hơn?
            Trong quá nhiều bình luận đó, tôi đặc biệt chú ý tới cuộc phỏng vấn của phóng viên BBC với Ô. Fred Brown (2) ngày 5/7/2015 nhân kỷ niệm 40 Năm Bang Giao Việt-Mỹ phổ biến trên BBC tiếng Việt. Bài phỏng vấn có đoạn như sau;
BBC: Ông có nghĩ rằng Việt Nam đã học được cách là bạn tốt hay có quan hệ tốt với Hoa Kỳ?

Fred Brown: Vâng tôi nghĩ rằng Việt Nam đã cải thiện nhiều, Bắc Việt Nam, Cộng sản Việt Nam đã tiến một bước dài trong chuyện hiểu được Hoa Kỳ, hiểu những gì Hoa Kỳ có thể làm và có thể không làm. Đây là điểm tích cực. Về phía Mỹ cũng thế. Chúng tôi không có mong đợi quá mức trong quan hệ với Việt Nam

Anh nói rằng đó là nước nhỏ nhưng họ cũng là nước thứ 11 hay 12 về dân số và tôi nghĩ nếu Việt Nam có những chính sách sáng suốt về kinh tế và chính trị trong một thế hệ tới thì Việt Nam có cơ hội trở thành nước lãnh đạo quan trọng ở Đông Nam Á.Tôi nghĩ đây là điều tốt và hợp lý. Nhưng nó cũng đòi hỏi sự hợp tác ở mức cao không chỉ với ASEAN, Hiệp hội các nước Đông Nam Á mà còn với Hàn Quốc, Nhật Bản và hiển nhiên là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Tôi nghĩ chính sách đa phương của chính phủ Việt Nam hiện nay là sáng suốt thể hiện sự hiểu biết và cần phải tiếp tục.”

            Nhận định của Ô. Brown , dù chỉ là phỏng đoán, nhưng là sự phỏng đoán của một nhà nghiên cứu có trình độ, kinh nghiệm và chắc chắn có quan hệ rộng rãi với các giới chức quyết định về chính sách ngoại giao Hoa Kỳ khiến chúng ta có thể tin cậy được. Nhưng những điều này không phải do Ô. Brown nói ra chúng ta mới biết. Căn cứ vào những dữ kiện thực tế của lịch sử, địa lý chính trị cũng như những gì đang diễn ra ở Biển Đông, Đông Nam Á và Á Châu chúng ta thấy:

1)      Hoa Kỳ chỉ bang giao tức thân thiết với Việt Nam ở mức độ không chọc giận Hoa Lục, tức không có liên minh quân sự cũng như không bán vũ khí sát thương cho Việt Nam như khu trục hạm, máy bay chiến đấu, hỏa tiễn - ngoại trừ tàu tuần duyên, thiết bị tuần thám v.v..Xin nhớ, cho tới thời điểm này Hoa Kỳ chưa có ý định khiêu khích, dồn ép hoặc gây chiến với Trung Quốc mặc dù đã thấy rõ Trung Quốc là kẻ thù tiềm tàng của Hoa Kỳ. Các nhà chiến lược Hoa Kỳ tin tưởng rằng, liên kết nhiều đồng minh, ưu thắng về vũ khí là cách “răn đe hữu hiệu nhất” để không cho Trung Quốc “làm ẩu” chứ không tiến hành chiến tranh tổng lực để tiêu diệt Hoa Lục.
2)      Các nhà chiến lược Hoa Kỳ hy vọng Việt Nam sẽ là “điểm tựa” hoặc “cơ sở tiếp vận” hoặc “tiền đồn” cho Hoa Kỳ khi nổ ra chiến tranh với Hoa Lục hoặc ít ra Việt Nam không cản trở kế hoạch “Tái Cân Bằng Lực Lượng” của Hoa Kỳ.

3)      Một Việt Nam mạnh lên về hải quân sẽ phần nào giúp cả thế giới chứ không riêng gì Mỹ để bảo vệ tuyến hàng hải quốc tế thông quá Biển Đông cho nên việc Việt Nam mua vũ khí tối tân của Nga như  máy bay, khu trục hạm, tàu ngầm, hệ thống hỏa tiễn tối tân phòng thủ bờ biến của Nga không cản trở kế hoạch “Xoay Trục” của Mỹ mà còn giúp cho kế hoạch “Tái Cân Bằng Lực Lượng” của Hoa Kỳ. Một sự ổn định về chính trị lẫn phát triển kinh tế của Việt Nam với sự hiện diện của Mỹ khiến tạo ổn định cho cả vùng Đông Nam Á chứ không riêng gì Đông Dương Việt-Mên-Lào. Một sự hợp tác chiến lược hoặc toàn diện hoặc sâu rộng với Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và cả Liên Hiệp Âu Châu cũng là một sự hỗ trợ cho Việt Nam đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông. Những sự hợp tác này đều có lợi cho Hoa Kỳ và không ngăn cản chiến lược của Hoa Kỳ đối phó với Trung Quốc - trước mắt cũng như về lâu về dài.

4)      Sự liên kết của Việt Nam và Phi Luật Tân với  Hoa Kỳ khiến sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông trở nên có chính nghĩa mà không giá nào mua được. Giả sử, Hoa Kỳ xung đột với Việt Nam thì việc Hoa Kỳ trở lại Biển Đông - nơi Hoa Kỳ đã bỏ đi năm 1974 mặc cho Trung Quốc tung hoành - sẽ vô cùng gian nan. Trong bài viết nhan đề “Hoa Kỳ ve vãn Việt Nam, chuẩn bị trải thảm đỏ đón tiếp lãnh tụ đảng cộng sản”  (US, wooing Vietnam, readies red carpet for communist chief) do AP phổ biến ngày 5/7/2015,  Grant Peck viết, “Việt Nam có thể là mấu chốt trong chiến lược xoay trục về Châu Á của Obama, đang đóng một vai trò quan trọng về địa lý chính trị và kinh tế.” (Vietnam could be a linchpin in Obama's "pivot" toward Asia, playing a strong geopolitical and economic role.)
5)      Qua lịch sử 4000 năm, dân tộc Đại Việt đã từng đánh bại mọi cuộc xâm lăng từ phương Bắc mà không cần nhờ cậy vào ngoại bang. Không có Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn có thể tự bảo vệ đất nước mình, bằng cớ là cuộc chiến 1979 Việt Nam hoàn toàn tự lực cánh sinh, đâu có nhờ vả vào Hoa Kỳ hay Nga. Nay cuộc khủng hoảng Biển Đông, nếu có sự can dự của Hoa Kỳ thì Việt Nam sẽ tự tin và nhẹ gánh hơn. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là sức mạnh riêng của Việt Nam. Nếu Việt Nam xụp đổ thì lập tức Hoa Kỳ phải rút bỏ Phi Luật Tân và quay về cố thủ ở Guam. Có lẽ Mỹ và cả thế giới đều thấy điều này. Khi liên kết với Hoa Kỳ, có thể Việt Nam nhằm tranh thủ thế chính trị, kiếm chế bớt sự hung hăng của Hoa Lục tại Biển Đông, phát triển kinh tế hơn là nhờ vào Hoa Kỳ để xây dựng sức mạnh quân sự. Khác hẳn với Phi Luật Tân nương tựa vào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ nhưng lại không nhằm phát triển kinh tế hoặc do không phải là trọng tâm hay ưu tiên để Hoa Kỳ và quốc tế đầu tư vào đó.

Do đó trong cuộc mặc cả (deal) này Mỹ có lợi - trước mắt cũng như lâu dài cho nên đó là lý do tại sao Mỹ trải thảm đỏ mời Ô. Nguyễn Phú Trọng tới Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên phía Việt Nam cũng có lợi nhưng sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Làm thế nào để “đi với Mỹ” mà không tạo mối lo ngại về an ninh cho Trung Quốc và làm tổn thương tới mối liên hệ truyền thống với Nga- một quốc gia cung cấp đầy đủ vũ khí tối tân cho Việt Nam để tự vệ và cũng là chỗ dựa vững chắc về chinh trị cho Việt Nam- là chuyện vô cùng nhức đầu. Hiện nay đã có những bài viết từ hai phía Nga và Trung Quốc cảnh báo Việt Nam về mối liên hệ gần gũi với Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhìn thấy viễn tượng đó cho nên họ gọi giai đoạn có tinh lịch sử quyết định này là “cơ hội và thách thức”: Đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển và vươn lên về mọi mặt, nhưng cũng là thách thức về khả năng lãnh đạo của Đảng CSVN, và khả năng “đu dây” như thế nào để giữ yên đất nước, đi với Mỹ mà không bị lôi kéo vào cuộc xung đột về quyền lợi sinh tử hay lợi ích cốt lõi của các đại cường. Chúng ta hãy xem Tướng Nguyễn Chí Vịnh- người chịu trách nhiệm về sách lược quốc phòng của Việt Nam trả lời cuộc phỏng vấn của VnExpress:
Phóng viên VnExpress: “ Nếu nói một cách cô đọng nhất về nguyên tắc trong quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ, ông sẽ nói gì?
Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Nguyên tắc trong quan hệ Việt-Mỹ (cũng như đối với tất cả các nước khác) là tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng chế độ chính trị, lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và mối quan hệ ấy không gây phương hại, không gây quan ngại cho bất kỳ một quốc gia nào. Hơn thế mối quan hệ đó sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên tắc này đã được nhấn mạnh trong bản ghi nhớ 2011. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter cũng đã mạnh mẽ khẳng định lại nguyên tắc này khi ký tuyên bố về tầm nhìn quốc phòng Việt - Mỹ vừa qua.”
Phân tích lời tuyên bố của Tướng Nguyễn Chí Vịnh chúng ta thấy có hai vế:
Vế thứ nhất: “Nguyên tắc trong quan hệ Việt-Mỹ (cũng như đối với tất cả các nước khác) là tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng chế độ chính trị, lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và mối quan hệ ấy không gây phương hại, không gây quan ngại cho bất kỳ một quốc gia nào.” Theo vế này, mối quan hệ Việt-Mỹ chỉ có lợi cho Việt Nam, không có lợi cho Hoa Kỳ.

Vế thứ hai:  Hơn thế mối quan hệ đó sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.” Theo vế này thì vai trò của Hoa Kỳ rất quan trọng và được Việt Nam trân trọng, vun đắp trong việc Hoa Kỳ bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Như thế quan hệ Việt-Mỹ có lợi cho Hoa Kỳ.

            Tại sao trong mối bang giao vừa có lợi, lại vừa không có lợi? Bộ các nhà chiến lược Hoa Kỳ điên khùng hết rồi sao? Xin thưa, mối liên hệ vô cùng phức tạp giữa Mỹ và Việt Nam sự thực nó là như vậy. Vào thời điểm này thì nó là như vậy như Ô. Fred Brown nói, Chúng tôi không có mong đợi quá mức trong quan hệ với Việt Nam. Còn dăm ba năm nữa nó tiến triển ra sao: Mỹ lợi 70%, Việt Nam lợi 30% hoặc Mỹ lợi 30% Việt Nam lợi 70% hoặc Mỹ ăn hết, Việt trắng tay hoặc Mỹ trắng tay, Việt ăn hết, hoặc mối liên hệ nhạt dần rồi chấm dứt khi Trung Quốc hòa dịu với Việt Nam…thì chỉ có Trời mới biết được. 

Sách lược đối ngoại phải căn cứ vào thực trạng, tức là điều kiện của cả hai bên, ngay bây giờ và nơi đây (here now) rồi tùy theo tình hình mà ứng phó. Xin nhớ cho Mỹ là một siêu cường, ngoại trừ thời kỳ nô lệ Thực Dân Anh, chưa bao giờ thấy Mỹ phải thương thảo trên thế lép và bất lợi cả. Mỹ chỉ “ăn” người ta chứ đừng hòng ai “ăn” được Mỹ, ngoại trừ Mỹ cố tình nhượng bộ cho lợi ích lâu dài. Mà lợi ích lâu dài ở đây theo Ô. Fred Brown, “Trung Quốc luôn là yếu tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và Việt Nam hiểu điều đó.”

Nhìn vào bối cảnh chính trị thế giới ngày hôm nay, Việt lẫn Mỹ đều muốn để lại sau lưng quá khứ và nhìn về tương lai. Nếu Mỹ cứ sống mãi với quá khứ, thương-ghét hoặc lý tưởng thì không thể có liên minh Mỹ-Nhật và Mỹ- Đức hoặc Mỹ-Anh. Ở bất cứ nơi đâu, dù cá nhân hay quốc gia, nếu có lợi cho cả hai bên hoặc có chung kẻ thù trước mắt thì có thân thiện, có bang giao, liên kết, xa hơn là đồng minh. “Mối tình” Việt-Mỹ bây giờ cũng thế và nó được thi vị hóa bằng hai câu Kiều mà Phó Tông Thống Joe Biden đã đọc trong dạ tiệc khoản đãi Ô. Trọng:
Thank heaven we are here today. (Trời còn để có hôm nay)
To see the sun through parting fog and clouds. (Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời)
Nhờ Trời đây tức là nhờ Ông Trung Quốc mà chúng ta mới có cuộc gặp gỡ này. Bao mây mù hận thù của 40 năm đã tan và mặt trời ló dạng báo hiệu những ngày tươi sáng.
 Do đó, phát triển thương mại mà Mỹ nêu ra chỉ là cái vỏ bề ngoài, bởi vì thị trường tiêu thụ của Việt Nam sao bằng Trung Quốc (1.3 tỉ), Ấn Độ (1.2 tỉ), Nam Dương (248 triệu), Ba Tây (199 triệu), Mễ Tây Cơ (106 triệu). Do đó cái lõi ở bên trong chính là mối nguy trước mắt và lâu dài mà Tướng Dempsey đã chỉ ra: Nga và Hoa Lục là hai kẻ thù tiềm tàng của Mỹ, tuy nguy cơ chiến tranh còn thấp nhưng mỗi lúc mỗi gia tăng.

Tôn Ngô Binh Pháp dạy rằng, nếu muốn phòng thủ hay tấn công một đại cường, mà bên cạnh đại cường có một nước nhỏ thì bằng mọi cách phải đánh chiếm nước nhỏ đó hoặc biến nước nhỏ đó thành đồng minh với mình để làm “thế ỷ dốc” hoặc “mũi nhọn” tấn công hoặc trở thành “tiền đồn” che chở cho mình. Việt Nam đang là nước nhỏ mà Hoa Kỳ rất cần để đối phó với Trung Quốc. Nếu đạt được mục đích này thì vào TPP, đầu tư, trợ giúp…là cái giá quá “hời” đối với Hoa Kỳ. Khi an nguy của đất nước được đặt lên hàng đầu thì mọi nghi thức, thủ tục ngoại giao, nguyên tắc và lý tưởng sẽ “đi chỗ khác chơi”. Tất cả phải dành cho sự sống còn.
Còn đối với Việt Nam đang phải đối đầu với một cường địch như Trung Quốc thì thà có sách lược liên kết với Mỹ còn hơn không có sách lược nào và ngồi đó chờ chết. Khi Tào Tháo đem 800,000 quân tới sát nách mà đám hủ nho ở Giang Đông vẫn còn bình luận văn chương, “tầm chương trích cú” khua môi múa mỏ…mà không có một kế sách cứu nước thì Giang Đông chết tới nơi rồi. Liên minh Ngô (Mỹ) -Thục (Việt) là giải pháp duy nhất để đối đầu với Tào Tháo (Hoa Lục). 

Khi đất  nước lâm vào thế  “ngàn cân treo sợi tóc” thì phải có các nhà lãnh đạo chính trị quả cảm, quyết liệt, dứt khoát như Tể Tướng Lữ Gia hay Thái Sư Trần Thủ Độ. Trong nghệ thuật giữ nước, không mưu tính và bàn luận tới nơi tới chốn là hồ đồ, nông nổi. Nhưng bàn luận nhiều quá thì đi tới do dự không quyết đoán. Địch tới nhà mà còn do dự, không quyết đoán là mất nước. Có sách lược hay rồi thì quyết tâm thi hành rồi từ từ chấn chỉnh. Đầu óc “kinh bang tế thế” từ cổ chí kim cũng chỉ như vậy thôi.

Nói tóm lại, bang giao Việt-Mỹ bây giờ là như thế. Nó không giống như liên minh Mỹ-NATO hay Mỹ-Nhật Bản hay Mỹ- Phi Luật Tân. Nhưng năm, ba năm nữa nó như thế nào chi chưa ai biết được. Nhưng dù Hoa Kỳ có mạnh tới đâu đi nữa, yếu tố quyết định thay đổi cục diện thế giới cũng như Á Châu vẫn là Trung Quốc.
            Đào Văn Bình
(California ngày 15/7/2015)

(1)   Kệ tụng của Vạn Hạnh Thiền Sư: Thịnh suy biến đối nhanh giống như sương mai trên đầu ngọn cỏ.
(2)   Fred Brown: Đã từng là Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Đà Nẵng (1971-1973)

__._,_.___

Posted by: Binh Dao

No comments:

Post a Comment