Wednesday, 10 June 2015

Nhật sắp tập trận lần 2 với Philippines tại Biển Đông


Đăng ngày 09-06-2015

Nhật sắp tập trận lần 2 với Philippines tại Biển Đông

media
Các chiến hạm của Hải quân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật gần Philippines tham gia cuộc tạp trận chung hai nước lần đầu từ ngày 12/5/2015.REUTERS

Nhật Bản có ý định đưa phi cơ tuần tra hiện đại P3-C Orion đến Philippines để tham gia cuộc tập trận tìm kiếm và cứu hộ trong tháng này. Reuters và AFP dẫn các nguồn tin quân sự hôm nay 09/06/2015 cho biết hai cựu thù trong Đệ nhị Thế chiến đang siết chặt hơn mối quan hệ, trong lúc Nhật tìm cách mở rộng sự hiện diện trên Biển Đông.

Căng thẳng tại Biển Đông đang tăng lên, nhất là từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp quy mô các đảo đá ngầm và rạn san hô tại quần đảo Trường Sa. Qua việc xây dựng đảo nhân tạo, Bắc Kinh muốn mở rộng ảnh hưởng tại vùng biển hàng năm có đến 5 tỉ đô la hàng hóa giao thương, mà đa số là hàng xuất đi và nhập về của Nhật Bản. Hoa Kỳ muốn các đồng minh châu Á tỏ ra cương quyết hơn, trước chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc - theo Washington. 

Đề nghị tiến hành cuộc tập trận gần thủ đô Manila đã được đưa ra, sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino viếng thăm Nhật Bản tuần trước để hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe. Hai nguyên thủ bày tỏ mối « quan ngại sâu sắc » trước việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo, vi phạm thỏa thuận năm 2002 với các nước trong khu vực.

AFP dẫn lời phát ngôn viên Hải quân Philippines Edgard Arevalo cho biết đây là cuộc tập trận chung thứ hai với Nhật, kéo dài từ 22 đến 26/6. Trước đó ngày 12/5, hai khu trục hạm của Nhật và một chiến hạm mới nhất của Philippines đã tập trận chung gần bãi cạn Scarborough, nay đang bị Trung Quốc kiểm soát.

Ông Tomohisa Takei, chánh văn phòng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nói với báo chí : « Chúng tôi sẽ loan báo các chi tiết như thời khóa biểu và các phương tiện tham gia tập trận, ngay khi kế hoạch được ấn định xong ». Còn phía Philippines cho biết thêm, Hải quân đôi bên sẽ trao đổi các chiến thuật, kỹ thuật mới trong các hoạt động trên biển sau này. 

Nhật Bản muốn tham gia tuần tra trên Biển Đông cùng với Hoa Kỳ, để làm đối trọng trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Các đồng minh thân thiết của Mỹ là Nhật và Philippines đang thương lượng một thỏa ước, và nếu đạt được thì các phi cơ Nhật như loại Lockheed Martin P3-C có thể sử dụng các căn cứ ở Philippines để tiếp nhiên liệu. 
Phát ngôn viên Arevalo nói rằng Hải quân của Philippines và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang khảo sát khu vực huấn luyện, và nghiên cứu việc hợp tác kể cả trợ giúp nhân đạo và đối phó thảm họa.

Nhật Bản và Philippines hồi tháng Giêng đã ký kết một thỏa thuận về việc siết chặt quan hệ quân sự. Lần này hai nguyên thủ Aquino và Abe đồng ý chuyển giao công nghệ quốc phòng và thiết bị, để giúp Manila tăng cường lực lượng tuần tra tại vùng biển đang bị Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền với lực lượng hải quân hùng mạnh hơn. Thỏa thuận này có thể gồm cả việc Nhật xuất khẩu cho Philippines các thiết bị quân sự như máy bay trinh sát chống tàu ngầm và công nghệ radar.

Đăng ngày 09-06-2015

Biển Đông : Dù bị Hoa Kỳ thúc ép, Hàn Quốc cố giữ thái độ trung lập

media
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se trong cuộc họp báo tại Seoul ngày 18/5/2015.REUTERS/Lee Jin-man/Pool
Mặc dù đang bị đồng minh Hoa Kỳ thúc giục phải lên tiếng chống lại việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông và đưa vũ khí đến đây, Hàn Quốc vẫn cố giữ thái độ trung lập.

Tại một cuộc hội thảo về tình hình bán đảo Triều Tiên ở Washington ngày 03/06/2015, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel đã yêu cầu Hàn Quốc nói rõ lập trường chống lại việc Trung Quốc áp đặt đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, cụ thể là qua các dự án xây đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang tiến hành ở Biển Đông. Theo ông Russel, Hàn Quốc phải xác định rõ lập trường về vấn đề Biển Đông, vì quốc gia này có vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Đây là lần đầu tiên một quan chức Hoa Kỳ công khai yêu cầu Seoul ngả theo Washington trên hồ sơ Biển Đông.

Tiếp đến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Tổ chức Heritage ( Hoa Kỳ ), ông Walter Lohman, trong một bài viết đăng trên tạp chí Nikkei Asian Review ngày 06/06, cũng cho rằng Seoul cần phải lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Ông Lohman viết : « Hai nước ( Mỹ và Hàn Quốc ) nên có lập trường đồng nhất về các vấn đề hiện nay. Chẳng hạn như sẽ là một điều đáng khích lệ nếu Hàn Quốc lên tiếng mạnh mẽ hơn để ủng hộ việc áp dụng luật quốc tế thông dụng cho các căng thẳng ở Biển Đông ».

Nhà phân tích này nhắc lại rằng, trong một tuyên bố chung vào tháng 10 năm ngoái, sau các cuộc họp về an ninh giữa các bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, hai đồng minh Mỹ Hàn đã từng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông ở vùng Biển Đông.

Nhưng một quan chức bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố hôm nay 09/06/2015: « Lập trường của chúng tôi về vấn đề này không có gì thay đổi kể từ tuần trước ». Vào tuần trước, bộ Ngoại giao Hàn Quốc vẫn chủ trương không đứng về phe nào, mà chỉ tuyên bố rằng chính phủ Seoul hy vọng rằng bản tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông DOC sẽ được thi hành đầy đủ và thật sự. Seoul cũng kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN nhanh chóng ký kết bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, để có thể duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực này.

Nhưng theo một nhà phân tích của Hàn Quốc, giờ đây phải xem Seoul có thể tiếp tục cưỡng lại sự thúc ép của đồng minh Washington hay không tại cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Hàn ngày 16/06 tới. Giáo sư Kim Hyun-wook nhận định : « Chỉ một tuần nữa là đến cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Hàn, những lời kêu gọi như vậy nhằm tạo một bầu không khí tích cực cho hai nhà lãnh đạo bàn về vấn đề này tại cuộc họp ».
Giáo sư Kim Hyun-wook dự đoán là vấn đề Biển Đông sẽ được nêu lên trong một bản thông cáo chung hoặc một tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh, vì đây là vấn đề rất quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Tóm lại, Seoul hiện đang trong một tình thế khó xử, buộc phải chọn lựa giữa hai cường quốc Mỹ -Trung, chứ không thể tiếp tục giữ thái độ trung lập, hay nói đúng hơn là thái độ mập mờ trên vấn đề Biển Đông.
Làm sao vẫn đáp ứng được yêu cầu của đồng minh Hoa Kỳ nhưng không làm phật lòng Trung Quốc, một đối tác ngày càng quan trọng của Hàn Quốc ? Một bài toán nan giải đang chở tổng thống Park Geun Hye trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới với Tổng thống Barack Obama.


Đăng ngày 09-06-2015

Lãnh đạo quân đội Trung Quốc công du Hoa Kỳ

media
Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch quân ủy Trung ương Trung Quốc ( phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerrey tại Bắc Kinh ngày 16/5/2015.REUTERS/Saul Loeb/Pool

Trong bối cảnh những tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông đã làm cho mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây, Lầu Năm Góc hôm qua 08/06/2015 thông báo lãnh đạo quân đội Trung Quốc đã bắt đầu chuyến công du sáu ngày tại Hoa Kỳ.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc sẽ đến thăm tàu sân bay mang tên Ronald Reagan tại một căn cứ hải quân tại California. Lãnh đạo quân đội Trung Quốc sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, cũng như nhiều quan chức cao quốc phòng cao cấp khác tại Lầu Năm Góc vào ngày thứ Năm 11/06 tới đây.

Những tuần gần đây, khẩu chiến Mỹ - Trung đã gia tăng do tham vọng bá quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng. Washington chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh  đẩy mạnh các hoạt động cải tạo các đảo đang có tranh chấp mà họ đang chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh thì khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại những khu vực đó là “không thể chối cãi” trên cơ sở những “lập luận lịch sử và pháp lý”.

Hoa Kỳ cảnh báo sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm tự do lưu thông hành hải được tôn trọng, như đưa tàu chiến hay chiến đấu cơ đến tuần tiễu trong khu vực, kể cả ở những vùng không phận hay lãnh hải xung quanh những đảo do Trung Quốc kiểm soát. Tại Diễn đàn An ninh Châu Á Thái Bình Dương, diễn ra tại Singapore ngày 31/05/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chỉ rõ  “Trung Quốc đã không tuân theo các luật lệ quốc tế”.

AFP cho biết để tránh xảy ra các sự cố hải quân hay không quân do những bất đồng giữa quân đội hai bên, Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn duy trì các mối quan hệ quân sự thường xuyên ở các cấp. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiền nhiệm, ông Chuck Hagel, từng đến thăm Bắc Kinh vào tháng 4/2014.

__._,_.___


Posted by: Dien bien hoa binh <

No comments:

Post a Comment