Đăng
ngày 23-06-2015
Máy bay Nhật Bản lượn trên đảo tranh chấp với
Trung Quốc
Máy bay P3-C Orion của Nhật cất cánh từ đảo Palawan-Philippines.
Ảnh ngày 23/06/2015.Reuters
Trong khuôn khổ cuộc tập trận chung với quân đội Philippines đang
diễn ra trên Biển Đông, hãng tin Reuters ngày 23/06/2015 cho hay một máy bay tuần
tra của Nhật Bản đã bay lượng trên vùng đảo có tranh chấp với Trung Quốc là Bãi
Cỏ Rong.
Theo các quan chức Nhật Bản và Philippines, chiếc máy bay trinh
sát loại P3-C Orion cùng ba thành viên phi hành đoàn của quân đội Philippines
đã bay lượn trên đảo Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ở độ cao 1524 mét. Bay sau máy bay
của Nhật là một chiếc phi cơ tuần tra loại nhỏ của Philippines.
Bãi Cỏ Rong là địa điểm được cho là có nhiều tiềm năng dầu khí
đang có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc.
Từ sở chỉ huy cuộc tập trận chung Phi- Nhật tại đảo Palawan, đại
tá Hải quân Philippines Jonas Lumawag cho Reuters biết quân đội hai nước tiến hành
các bài tập thực hành kìm kiếm cứu hộ trên biển trong trường hợp xảy ra thiên
tai.
Chỉ huy lực lượng Hải quân Nhật tham gia tập trận Hiromi Hamao cho
biết thêm : « Đây là làn đầu tiến chúng tôi tiến hành những hoạt động như vậy
với quân đội Philippines ».
Mặc dù sự hiện diện của quân đội Nhật ở trong vùng biển quốc tế
nhưng Bắc Kinh vẫn nhìn nhận đó là sự hậu thuẫn của Tokyo cho các đòi hỏi chủ quyền
của Manila ở Biển Đông.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) trong
một cuộc họp báo hôm nay cho biết Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan không gây
thêm căng thẳng để có thể cùng đóng góp vào hòa bình ổn định trong vùng. Trong
khi đó tân Hoa Xã lên tiếng tố cáo cuộc tập trận lần này là sự « can thiệp »
của Nhật vào Biển Đông.
Đăng ngày 23-06-2015
Biển Đông : Vì sao Trung Quốc dịu giọng ?
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã dịu giọng trên vấn đề Biển
Đông, tuy rằng trên thực tế Bắc Kinh không hề thay đổi lập trường trên hồ sơ
này.
Khi Philippines ngày 15/05/2014 công bố các hình ảnh cho thấy Bắc
Kinh bắt đầu tiến hành bồi đắp, mở rộng các đảo đang tranh chấp của quần đảo
Trường Sa trên Biển Đông, phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã
trả lời thẳng thừng : « Trung Quốc có chủ quyền không thể
tranh cãi trên quần đảo Nam Sa (Trường Sa), và các vùng biển xung quanh, bao
gồm cả Xích Qua Tiêu ( Đá Gạc Ma ). Bất cứ công trình xây dựng nào của Trung
Quốc trên đảo này là hoàn toàn thuộc chủ quyền Trung Quốc ».
Mười tháng sau đó, tháng 03/2015, bà Hoa Xuân Oánh cũng đã ra
tuyên bố tương tự : « Những hoạt động xây dựng bình
thường của Trung Quốc trên các đảo của chúng tôi và trên vùng biển của chúng
tôi là hợp pháp, hợp lý và chính đáng ».
Tuy nhiên, trong bốn tháng gần đây, đã có thay đổi lớn trong cách
mà Bắc Kinh nói về những hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Trước hết là
ngày 09/04, cũng chính phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã nêu rõ chi
tiết các công trình xây dựng đảo nhân tạo để chứng minh mục đích « dân sự » của
các công trình này. Tiếp đến, ngày 16/06, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lục
Khảng thông báo việc bồi đắp đảo sắp kết thúc.
Theo trang mạng The Diplomat, các chuyên gia thuộc Trung tâm
Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ghi nhận rằng, trước khi thông báo sắp ngừng
xây dựng đảo nhân tạo, Trung Quốc đã hoàn tất việc bồi đắp hai đảo Đá Gạc Ma và
Đá Chữ Thập, và gần như đã hoàn tất các đảo khác.
Cho dù trên thực tế Trung Quốc vẫn sẽ thực hiện đến cùng những
hoạt động xây dựng của họ trên Biển Đông, nhưng sự thay đổi giọng điệu nói trên
cho thấy Bắc Kinh thấy rõ là nếu cứ khăng khăng «
chủ quyền không thể tranh cãi », hay « hợp pháp, hợp lý », thì hình ảnh của nước
này trên trường quốc tế và đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á sẽ bị tổn hại.
Cũng trên trang The Diplomat gần đây, một học giả thuộc Viện Hàn
lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định rằng tranh chấp Biển Đông có thể ảnh hưởng
đến thành công của các dự án ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của
Bắc Kinh, như dự án Con đường tơ lụa hàng hải. Dự án này rất cần sự hợp tác của
các nước láng giềng trong khối ASEAN. Vị học giả này đề nghị Trung Quốc nên
điều chỉnh các chính sách và chiến lược về Biển Đông.
Những thay đổi giọng điệu nói trên có thể là bước đầu của việc
điều chỉnh chính sách về Biển Đông của Trung Quốc. Chiến lược của Bắc Kinh là
vừa xác quyết chủ quyền trên Biển Đông, nhưng vừa duy trì quan hệ tốt với các
nước tranh chấp, mà chủ yếu là dựa trên hợp tác kinh tế.
Nhưng như đã nói ở trên, Trung Quốc chỉ thay đổi giọng điệu chứ
không hề thay đổi hành vi. Bắc Kinh vẫn dứt khoát không để mất một tấc lãnh thổ
nào trên Biển Đông.
Ấy là chưa kể, tuy xác nhận rằng các công trình xây đảo
nhân tạo ở quần đảo Trường Sa cũng nhằm mục đích quốc phòng, nhưng cho tới nay
Trung Quốc không tiết lộ bất cứ điều gì về các kế hoạch quân sự hóa các đảo
nhân tạo này, trong khi đây mới thật sự là điều gây lo ngại cho các nước tranh
chấp chủ quyền với Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment