Hoa Kỳ và Trung Quốc đối chất
tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La
31/05/2015
RadioCTM
- Thanh Thảo@S:
Tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng với
những phát biểu rất cứng rắn và sẵn sàng đối đầu giữa hai cấp lãnh đạo quân sự
của Hoa Kỳ và Trung Quốc, khi Bắc Kinh tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự
trên những đảo chiếm của Việt Nam và Phi Luật Tân, bất chấp các lên án của công
luận thế giới.
Diễn Đàn Đối Thoại Sangri La tổ chức hàng năm tại Singapore từ
ngày 29 đến 31 tháng 5 lần này, có thể coi như là diễn đàn đối chất quan trọng
giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về tình hình biển Đông. Sau đây xin mời quý thính giả
theo dõi những nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân liên
quan đến sự kiện này.
Kính
chào ông Lý Thái Hùng. Thưa ông, Diễn đàn Đối Thoại Shangri-La năm ngoái diễn
ra trong bối cảnh xảy ra vụ giàn khoan HD 981, Diễn đàn năm nay xảy ra vào lúc
Hoa Kỳ và Trung Quốc đối đầu nhau về việc Bắc Kinh cho xây các đảo nhân tạo
trong quần đảo Trường Sa. Biển Đông đã trở thành đề tài nóng của Diễn đàn đối
thoại, theo ông thì dư luận chung chờ đợi gì?
Lý Thái Hùng: Đúng như chị nhận xét, biển Đông đã và đang là đề tài rất nóng
không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà có nguy cơ lan rộng trên toàn thế giới, khi
mà Trung Cộng xây dựng xong các căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa và bắt đầu
kiểm soát sự lưu thông của các tàu bè qua lại trên biển Đông.
Cách nay 3 năm, ông Robert Kaplan, tác giả quyển sách khá nổi
tiếng: Asia’s Cauldron: The South China Sea and The End of a Stable Asia –
Pacific (Chảo dầu Châu Á: Biển Đông và sự chấm dứt thời kỳ ổn định khu vực Á
Châu – Thái Bình Dương) cho rằng nếu Thế chiến thứ III có bùng nổ thì biển Đông
sẽ là ngòi nổ do cuộc chạy đua vũ trang của các nước trong khu vực.
Mặc dù Bắc Kinh đã đưa ra hai biện minh cho việc xây dựng những
đảo nhân tạo hiện nay gồm 1/ đây là quyền của Trung Quốc vì các đảo nằm trong
khu vực đường lưỡi bò chín đoạn mà Bắc Kinh chủ trương; 2/ các đảo nhân tạo chỉ
là những cứ điểm đáp ứng các nhu cầu bảo hộ trên biển, nhưng không ai chấp nhận
và tin vào giải thích này.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã đưa ra một số không ảnh chụp được từ các
đảo nhân tạo cho thấy Trung Quốc đang xây dựng những trạm kiểm soát và phi đạo
dài cả 3 cây số và một số công sự phòng thủ. Hoa Kỳ cho rằng một khi Bắc Kinh
xây dựng xong các căn cứ thì bước kế tiếp là quân sự hóa các hoạt động trên
biển Đông.
Chính vì nhìn ra nguy cơ dài hạn của âm mưu bá quyền nói trên, Hoa
Kỳ đã một mặt thuyết phục Bắc Kinh ngưng xây dựng đảo nhân tạo, mặt khác cho
tàu chiến, máy bay hoạt động quanh khu vực đảo nhân tạo để theo dõi và tạo áp
lực lên Bắc Kinh. Cho đến nay thì biện pháp thuyết phục của Hoa Kỳ đã thất bại
sau chuyến đi Bắc kinh của ngoại trưởng John Kerry vào trung tuần tháng 5 vừa
qua.
Vì thế, những động thái quyết liệt của hai cường quốc Hoa Kỳ và
Trung Quốc đã khiến cho dư luận nói chung lo ngại rằng cuộc xung đột vũ trang
có nhiều nguy cơ bùng nổ.
Đặc biệt là phái đoàn Hoa Kỳ tham dự Diễn đàn đối thoại Shangri La
lần này, ngoài ông Ashton Carter, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, còn có hai
Thượng nghị sĩ John McCain và Jack Reed trong Ủy ban quốc phòng Thượng viện.
Điều này cho thấy là cả hành pháp lẫn lập pháp Hoa Kỳ đều muốn chứng tỏ với dư
luận Á Châu rằng Hoa Kỳ không lùi bước trước sự bành trướng trên biển Đông của
Bắc Kinh.
Thanh Thảo: Liệu các bên liên hệ có mang đến Diễn Đàn một giải pháp nào để
làm dịu các xung đột hiện nay không thưa ông?
Lý Thái Hùng: Qua những phát biểu mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ông
Ashton Carter vào ngày 27/5 khi tham dự cuộc hội nghị với Bộ trưởng quốc phòng
Phi Luật Tân cho thấy là Hoa Kỳ đã có một chiến lược rất rõ ràng để đối phó với
Bắc Kinh.
Chiến lược này dựa trên ba điểm: 1/ Trung quốc phải ngưng ngay lập
tức các hành động tân tạo đảo; 2/ Mỹ sẽ cho máy bay, tàu thuyền đi qua và hoạt
động tại bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép; 3/ Sẵn sàng đáp ứng
yêu cầu của một số quốc gia trong vùng nếu bị Trung Cộng đe dọa.
Với chiến lược nói trên cho thấy là Hoa Kỳ một mặt sẵn sàng đối đầu
với Bắc Kinh, mặt khác lôi kéo và làm an lòng các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ
tại Á Châu.
Trung Quốc là nước gây ra sự căng thẳng nên vì thế Bắc Kinh phải
là quốc gia có thái độ hòa dịu trước, như họ đã phải rút giàn khoan HD 981 ra
khỏi thềm lục địa Việt Nam trước thời hạn một tháng và tình hình đã nguội dần
sau đó.
Tuy nhiên tại Diễn đàn Đối thoại, vì thể diện, phái đoàn Trung
Quốc do Đô Đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng sẽ có những tuyên bố mạnh mẽ,
sẵn sàng đối đầu lại với Hoa Kỳ; nhưng sau cuộc đối thoại, Trung Quốc sẽ tự
giảm thiểu những hoạt động bồi, lấp cát trên các đảo và không hung hăng tấn
công Hoa Kỳ như hiện nay.
Sự hòa hoãn để xoa dịu dư luận mà Bắc Kinh thực hiện không nhắm
vào Hoa Kỳ là chính mà là nhắm đến các quốc gia trong khối ASEAN. Lý do là Bắc
Kinh muốn loại các ảnh hưởng của Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Á Châu Thái Bình để làm
bá chủ.
Nói tóm lại, các bên sẽ không dùng Diễn đàn đối thoại tại
Singapore nhằm giải quyết các xung đột mà sẽ tiếp tục khẳng định các chủ trương
một cách cứng rắn hơn, đồng thời tấn công quan điểm của đối phương.
Thanh Thảo: Năm ngoái, CSVN đã cử Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh tham
dự và có bài phát biểu, năm nay Hà Nội chỉ cử cấp Thứ trưởng, mặc dù ông Thứ
trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh không phải là người xa lạ gì diễn đàn này.
Tại sao CSVN lại hạ thấp phái đoàn tham dự thưa ông?
Lý Thái Hùng: Năm ngoái CSVN phải cử cấp Bộ trưởng Quốc phòng tham dự là vì vụ
giàn khoan HD 981 liên hệ trực tiếp đến an ninh của Việt Nam nên cần sự quan
tâm của thế giới. Năm nay, mặc dù Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trong quần
đảo Trường Sa trực tiếp đe dọa an ninh của Việt Nam, nhưng vì sự căng thẳng đang
bùng nổ lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, khiến cho Hà Nội ở vào thế tiến thoái
lưỡng nan.
Tuy sự xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một gia tăng sẽ là
cơ hội cho CSVN đi gần hơn với Hoa Kỳ, nhưng đây cũng là điều khiến cho Hà Nội
lo ngại về đòn trả thù của Trung Cộng nên vì thế mà các phát biểu và đối sách
của Hà Nội trước tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ rất ba phải,
mang tính chung chung.
Trong bối cảnh đó, Hà Nội phải cử cấp Thứ trưởng Quốc phòng tham
dự để Bộ chính trị vừa né tránh sự ra mặt công khai ủng hộ Bắc Kinh hay Hoa
Thịnh Đốn và nhất là không làm trầm trọng thêm mối quan hệ với Bắc Kinh, trước
khi Nguyễn Phú Trọng lên đường đến Mỹ.
Nói cách khác là CSVN đang rất cần Hoa Kỳ để ngăn chận sự hung
hăng bành trướng của Bắc Kinh nhưng lại không dám công khai đứng về phía Hoa
Kỳ.
Thanh Thảo: Theo tin tức thì sau khi dự Diễn đàn đối thoại, Bộ trưởng quốc
phòng Hoa Kỳ sẽ viếng thăm Việt Nam. Ông đánh giá ra sao về chuyến viếng thăm
xảy ra vào lúc tình hình biển Đông đang căng thẳng?
Lý Thái Hùng: Đó cũng là một lý do nữa để cho CSVN chỉ cử cấp Thứ trưởng Quốc
phòng tham dự Diễn đàn Đối thoại năm nay vì sự thăm viếng của Bộ trưởng quốc
phòng Hoa Kỳ tại Việt Nam ngay sau khi Diễn đàn bế mạc.
Chuyến đi thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ lần này
khá quan trọng, mang 2 ý nghĩa như sau:
Thứ nhất là ông Ashton Carter sẽ trình bày chính sách của Hoa Kỳ
về biển Đông để kêu gọi sự hợp tác của phía CSVN. Sự hợp tác lần này sẽ không
chỉ mang tính biểu kiến, bề nổi mà tiến đến những hành động cụ thể để ngăn chận
sự xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Đây cũng là một phần quan trọng
chuẩn bị cho cuộc trao đổi giữa ông Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Obama về
các cam kết trong thông cáo chung về tình hình biển Đông.
Thứ hai là ông Ashton Carter sẽ thảo luận với CSVN về những điều
kiện liên quan đến việc mua bán vũ khí sát thương, để chuẩn bị cho những ký kết
khi phái đoàn ông Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ. Đáng lý ra việc thảo luận này đã
phải tiến hành từ đầu năm nay, nhưng vì ông Chuck Hagel, cựu Bộ trưởng quốc
phòng từ nhiệm hôm tháng 2 năm 2015 nên đã triển hạn.
Ngoài hai điểm then chốt nói trên, ông Ashton Carter là nhân vật
cao cấp nhất của chính phủ Hoa Kỳ đến viếng thăm Việt Nam vào thời điểm xảy ra
những căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh, đồng thời trước chuyến viếng
thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng nên đây cũng là dịp để hai bên điều chỉnh
lần cuối các nội dung đón tiếp và gặp gỡ tại Hoa Kỳ.
Thanh Thảo: Những diễn biến tiếp tục căng thẳng trên biển Đông giữa Hoa Kỳ và
Trung Quốc như vậy, sẽ ảnh hưởng đến chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn
Phú Trọng ra sao thưa ông?
Lý Thái Hùng: Trung Quốc nói chung quan tâm theo dõi, thu thập mọi dữ kiện,
tin tức liên quan đến chuyến đi Mỹ của phái đoàn ông Nguyễn Phú Trọng, kể cả
chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter.
Trung Quốc quan tâm vì hai lý do sau đây:
Thứ nhất là Bắc Kinh không còn nắm chặt Hà Nội như trước đây, nhất
là từ khi vụ giàn khoan HD 981 xảy ra; nhưng Trung Quốc không muốn mất CSVN vì
như thế sẽ rất bất lợi cho sự bành trướng của Trung Quốc ra biển Đông khi cả
hai đầu cầu Việt Nam và Phi Luật Tân nằm trong vòng ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Thứ hai là Bắc Kinh sẽ dùng những áp lực kinh tế, tài chánh để
buộc CSVN phải hợp tác với Trung Quốc, không đứng về phía Hoa Kỳ chống lại như
Phi Luật Tân đang gây rất nhiều khó khăn cho Bắc Kinh trên mặt Quốc tế lẫn
trong khối ASEAN.
Hơn thế nữa, trong lúc Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn đang leo thang xự
xung đột, ông Nguyễn Phú Trọng dẫn một phái đoàn cao cấp nhất của đảng viếng
thăm Hoa Kỳ cho thấy là quan hệ giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn đang nồng ấm hơn
là giữa Hà Nội với Bắc Kinh.
Để không làm cho Bắc Kinh khó chịu, Nguyễn Phú Trọng và Bộ chính
trị CSVN sẽ cố né tránh những ký kết hay những thảo luận mang nội dung khiến
cho Bắc Kinh khó chịu hay giận dữ. Rốt cuộc là chuyến đi Mỹ của ông Trọng nhiều
phần sẽ không có gì đột phá.
Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.
No comments:
Post a Comment