Tuesday 2 June 2015

Biển Đông : Mỹ chỉ có thể ‘làm mạnh’ nếu Đông Nam Á bớt ‘rón rén’


TẠP CHÍ VIỆT NAM

Biển Đông : Mỹ chỉ có thể ‘làm mạnh’ nếu Đông Nam Á bớt ‘rón rén’

Trước các hoạt động bồi đắp đảo đá của Trung Quốc tại vùng quần đảo Trường Sa, Hoa Kỳ đã liên tiếp tỏ thái độ cứng rắn. Tuy nhiên, theo phân tích của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason Hoa Kỳ, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ chủ yếu « nói mạnh » chứ chưa « làm mạnh ». Để thúc đẩy Washington kiên quyết hơn, các nước Đông Nam Á bị Trung Quốc lấn lướt cần có đối sách dứt khoát hơn hiện thời.

Trong những ngày qua, Hoa Kỳ càng lúc càng tỏ thái độ thực sự quan tâm đến hồ sơ Biển Đông sau khi có được những thông tin chính xác là ảnh vệ tinh, nêu bật tốc độ nhanh chóng cũng như quy mô to lớn của các công trình bồi đắp các bãi ngầm mà Trung Quốc đang tiến hành tại vùng quần đảo Trường Sa.
Hầu như mọi giới ở Mỹ đều quan tâm đến vấn đề này, từ giới truyền thông đã đưa tin rộng rãi về các hành vi của Trung Quốc, cho đến giới học giả, nghiên cứu, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về Biển Đông.
Đối với chính quyền Mỹ cũng vậy, cả hai ngành lập pháp và hành pháp đều bày tỏ mối ưu tư đến các diễn biến đáng ngại tại Biển Đông, mà kẻ gây ra không ai khác hơn là Trung Quốc.
Trong bối cảnh chung đó, giới quan sát đã đặc biệt chú ý đến động thái của Chính quyền Obama, vốn đã đề ra chiến lược « xoay trục » qua Châu Á, để xem Washington phản ứng ra sao trước các hành động của Bắc Kinh. Và rõ ràng là Hoa Kỳ đã có biểu hiện dấn thân sâu hơn vào hồ sơ Biển Đông, và không ngần ngại đụng chạm với Trung Quốc.

Vụ xua đuổi máy bay tuần thám P-8A Poseidon
Biểu hiện rõ rệt nhất, và được phơi bày trước dư luận thế giới là sự cố xẩy ra ngày 20/05/2015, khi một phi cơ do thám P-8A Poseidon của Mỹ, tuần tra trên bầu trời Biển Đông gần khu vực Bắc Kinh đang bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở, đã bị Hải quân Trung Quốc bên dưới dùng radio xua đuổi 8 lần, với luận điệu là phi cơ Mỹ xâm nhập vào không phận của Trung Quốc.

Điểm đáng nói là Hải quân Mỹ đã cho một toán phóng viên đài Truyền hình Mỹ CNN tháp tùng theo chiếc phi cơ để làm phóng sự, và dĩ nhiên là hành động ngang ngược của Trung Quốc đã bị vạch trần trước công luận quốc tế. Bên cạnh đài CNN, Hải quân Mỹ cũng cho công bố gần 3 phút video của phi vụ giám sát nói trên, góp phần đánh động dư luận về những gì mà Trung Quốc đang làm.

Nếu việc thám thính các hoạt động của Trung Quốc không có gì mới, thì đây là lần đầu tiên mà Lầu Năm Góc cho giải mật băng video ghi lại các hoạt động xây dựng của Trung Quốc, cũng như băng ghi âm những lời xua đuổi máy bay Mỹ do phía Trung Quốc đưa ra.

Chiếc máy bay Poseidon P-8A hôm 20/05 còn ở độ cao 15.000 bộ, khi hạ xuống mức thấp nhất. Trước các thách thức của Trung Quốc, Hoa Kỳ đang xem xét khả năng tiến hành các phi vụ giám sát gần hơn nhắm vào các đảo của Trung Quốc, đồng thời phái tàu tiến sâu vào bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo này để chứng minh rằng Hoa Kỳ không chấp nhận việc Bắc Kinh dùng sức mạnh thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Lời tố cáo mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Song song với hành động có thể gọi là mạnh mẽ như trên, các quan chức Mỹ càng lúc càng lên giọng đả kích hoạt động bồi đắp đảo đá của Trung Quốc, và xác định trở lại quyết tâm can dự của Hoa Kỳ.
Bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 30/05/2015 trước một cử tọa bao gồm giới lãnh đạo ngành quốc phòng và quân sự khu vực và quốc tế tại Đối thoại Shangri La ở Singapore, đã nêu bật lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ đối với các hoạt động xây đảo của Trung Quốc.
Trong phần đề cập đến Biển Đông, ông Carter đã xác định trở lại rằng mọi quốc gia đều đã hưởng lợi nhờ tự do thông thương qua Biển Đông và eo biển Malacca, do đó mọi quốc gia cần phải quan tâm đến việc một bên nào đó phá hoại nguyên trạng và gây nên bất ổn định tại Biển Đông, bằng vũ lực, bằng sự cưỡng ép, hoặc chỉ đơn giản bằng cách tạo ra những sự kiện không thể đảo ngược trên mặt đất, trên không hay trên mặt nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã cho rằng từ Việt Nam, Philippines, cho đến Đài Loan, Malaysia, bên tranh chấp nào cũng đã xây dựng tiền đồn trên các đảo đá mình kiểm soát. Thế nhưng ông Carter đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên Trung Quốc khi xác định : « Có một quốc gia đã đi xa hơn và nhanh hơn rất nhiều so với bất kỳ nước nào khác. Và đó là Trung Quốc ».

Đối với lãnh đạo Lầu Năm Góc, nguy cơ xung đột bùng lên do các hoạt động bồi đắp tiền đồn trên Biển Đông là điều đáng quan tâm, và trong tư cách một quốc gia Thái Bình Dương, một quốc gia thương mại, và là thành viên của cộng đồng quốc tế, Hoa Kỳ có toàn quyền can dự và quan tâm đến an ninh khu vực.

Ông Carter nhấn mạnh rằng đó không phải chỉ là mối quan tâm của riêng Mỹ, mà các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, cũng đã lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại và đặt câu hỏi về ý đồ của Trung Quốc trong việc xây dựng các tiền đồn to lớn như vậy.

Dừng lập tức và vĩnh viễn hoạt động xây dựng trên Biển Đông
Và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã xác định trở lại ba yếu tố quan trọng trong lập trường của Hoa Kỳ :
Đầu tiên, là phải có một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Do vậy, mọi bên tranh chấp phải dừng ngay lập tức và vĩnh viễn các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Hoa Kỳ phản đối việc tiếp tục bất cứ hoạt động quân sự hóa nào trong khu vực. Một cách cụ thể là ASEAN và Trung Quốc nên ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử « ngay trong năm nay ». Mỹ sẽ ủng hộ quyền của các bên tranh chấp viện đến trọng tài pháp lý quốc tế và dùng các biện pháp hòa bình khác để giải quyết tranh chấp. Hoa Kỳ cũng chống lại các sách lược cưỡng chế.

Biến đá ngầm thành sân bay không thể mang lại chủ quyền

Thứ hai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các nguyên tắc về tự do hàng không và hàng hải… Ông Carter cảnh báo : « Mỹ sẽ đến nơi, bằng máy bay, bằng tàu, và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép… Dẫu sao thì biến một hòn đá ngầm thành sân bay không thể mang lại quyền chủ quyền và cho phép (một nước) hạn chế quyền tự do hàng không quốc tế hay quyền quá cảnh trên biển ».

Điểm cuối cùng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh là cần phải dựa vào các kiến trúc an ninh trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông Carter, với những hành động của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đã lệch pha với cả các quy tắc quốc tế lẫn chuẩn mực an ninh khu vực vốn chủ trương giải pháp ngoại giao và phản đối hành vi cưỡng chế.
Đối với ông Ashton Carter, Hoa Kỳ sẽ luôn sát cánh cùng các đồng minh và đối tác. Điều quan trọng là khu vực cần hiểu rằng nước Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực, vẫn tiếp tục đấu tranh cho luật pháp quốc tế và các nguyên tắc phổ quát ... và giúp cung cấp an ninh và ổn định cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới đây.
Mỹ và Biển Đông : Nói mạnh nhưng chưa làm mạnh
Các động thái được cho là mạnh dạn của Hoa Kỳ trong việc phản đối Trung Quốc đã được nhiều nhà binh luận hoan nghênh. Tuy nhiên có nhiều người cho rằng, trước các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, Hoa Kỳ gần như chỉ nói mạnh, chứ chưa thể làm mạnh.

Đây chính là phân tích của Giáo sư Chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường Đại Học George Mason, Hoa Kỳ. Đối với giáo sư Hùng, Một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến Hoa Kỳ chưa thể « làm mạnh » được trong vấn đề Biển Đông, chính là vì tình trạng còn chia rẽ trong khối Đông Nam Á ASEAN, kèm theo là thái độ còn « rón rén » của nhiều nước, bị Trung Quốc chèn ép, nhưng không dám trực diện đối đầu.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, sau khi phân tích một số sự kiện gần đây liên quan đến sự dấn thân của Hoa Kỳ vào hồ sơ Biển Đông, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã không ngần ngại nêu bật các giới hạn trong chính sách Biển Đông hiện nay của Mỹ, bắt nguồn chủ yếu từ việc chưa động viên được tất cả các nước Đông Nam Á cùng góp sức với Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng 01/06/2015 nghe

RFI : Biển Đông căng thẳng, Trung Quốc hung hăng, Hoa Kỳ có dấu hiệu can dự mạnh mẽ hơn. Phải chăng Mỹ bạo dạn hơn ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Nói « bạo dạn » thì có vẻ hơi quá... bởi vì điều Hoa Kỳ làm cho đến giờ trước hết chỉ là tuyên bố « miệng » mà thôi, trong lúc các động thái, như phái phi cơ tuần thám, thì trước đây họ cũng đã từng làm như cho tàu tuần thám đến, mặc dù Trung Quốc phản đối, hay là vụ vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông (mà Trung Quốc thành lập), thì Hoa Kỳ cũng không tôn trọng, mà chẳng sao cả.

Cho nên nói mạnh bạo hơn, theo tôi có lẽ hơi quá, bởi vì trong Quốc hội Hoa Kỳ, có rất nhiều người chê rằng thái độ của chính quyền là « too little too late » - quá ít và quá trễ. Họ cho là lẽ ra phải làm từ lâu rồi, và làm mạnh hơn.

RFI : Nhưng gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter có những phát biểu mạnh mẽ hơn ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Đánh giá về ông Carter có thể nói là mạnh hơn so với năm ngoái, nhưng tình hình năm nay căng hơn năm ngoái, thành ra phản ứng đó cũng tự nhiên thôi...
Vấn đề đặt ra là trước hết phải xem ông Carter có tuyên bố gì khác ở Shangri La ngoài việc dọa nạt bằng mồm ; kế đến là Quốc hội Mỹ, đã phàn nàn, nhưng liệu có biểu quyết ngân sách quốc phòng đầy đủ để chính quyền thực hiện nhiệm vụ đó hay không ; và thứ ba là Quốc hội có bằng lòng phê chuẩn hiệp ước TPP một cách dễ dàng để cho Mỹ có bàn đạp kinh tế và quân sự ở đấy không ?

Thành ra chính sách Biển Đông của Mỹ có thể nói là : « Miệng nói thì to, nhưng khả năng thi hành thì chưa thấy rõ rệt », chưa thấy biểu lộ quyết tâm rõ rệt và sự đồng thuận giữa hành pháp và lập pháp.

RFI : Mỹ đang ở trong thế cưỡi trên lưng cọp trên vấn đề Biển Đông ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Tôi nghĩ là không, bởi vì cưỡi cọp thì không xuống được. Đằng này Hoa Kỳ lại có khả năng xuống mà, có thể lùi được mà ! Thành ra tôi không nghĩ là Mỹ đang ở trong thế cưỡi trên lưng cọp.
Nhưng tôi thấy là cái mà Hoa Kỳ có thể làm, tùy thuộc rất nhiều vào các quốc gia Đông Nam Á. Sở dĩ Hoa Kỳ không làm, đó là bởi vì các nước ASEAN hoàn toàn chia rẽ, và rất là rón rén.
Họ chỉ muốn Hoa Kỳ bênh vực họ, nhưng lại không chịu gánh thêm trách nhiệm.

Tôi lấy ví dụ trường hợp máy bay tuần tiễu của Hoa Kỳ, cần phải bay thường trực hơn chứ không phải là bay đi rồi bay về. Muốn bay thường trực, thì phải có căn cứ, mà đảo Guam của Mỹ thì ở rất xa. Chiếc Poseidon vừa qua đặt căn cứ ở Clark Airbase tại Philippines, nơi mà Hoa Kỳ ở trước đây nhưng sau đó bị Philippines đuổi đi, và phi trường đó không được hiện đại hóa.

Ví dụ thứ hai là việc dùng tàu cũng thế. Mỹ ở rất xa, mà không có căn cứ gần (Biển Đông) để hoạt động : Tàu tuần duyên Mỹ (Littoral Combat Ship) hiện đóng ở Singapore !
Thành ra khả năng để Mỹ project - tức là phóng chiếu - lực lượng ra vùng Biển Đông một cách thường xuyên cũng ít. Lý do là bởi vì các quốc gia Đông Nam Á không có quyết tâm để đóng góp với Hoa Kỳ, không thể trách Hoa Kỳ được.

RFI : Sự kiện Philippines, Úc, Nhật hợp lực với Mỹ có tác dụng lôi kéo hay không ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Trường hợp Úc, Nhật Bản và Philippines đều căn cứ vào những liên minh quân sự sẵn có với Mỹ, giờ họ chỉ tăng cường thêm thôi.
Dĩ nhiên là gần đây có những chỉ dấu, nhất là trường hợp nước Úc, bằng lòng cho Hoa Kỳ có căn cứ, với 2.500 lính thủy quân lục chiến, rồi Philippines đồng ý cho Mỹ sử dụng một số căn cứ ở Philippines, thì đó là dấu hiệu cho thấy là họ có tăng cường đóng góp.
Có thể hiểu như sau : Hoa Kỳ nói là « tôi sẽ giúp anh nếu anh đóng góp thêm », thì có những quốc gia như là Nhật, Philippines chịu đóng góp rất nhiều, còn những quốc gia Đông Nam Á thì chúng ta chưa thấy gì cả.
Các nước Đông Nam Á một mặt thì sợ Trung Quốc, mặt khác thì có quyền lợi rất chặt về kinh tế với Trung Quốc, thậm chí lại còn nghi ngờ là Hoa Kỳ không (thực tâm) giúp. Các nước này không cố gắng lên thì Hoa Kỳ không thể giúp được.

RFI : Phản ứng dư luận Mỹ trước các diễn biến ở Biển Đông ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Số người tuyên bố nên hòa hoãn với Trung Quốc rất ít, số người nói là không thể chấp nhận điều này thì nhiều. Ngay tờ Washington Post cũng nói là không thể chấp nhận điều này được.
Nhưng chưa ai nói được là nếu không chấp nhận thì làm gì, chưa có ý kiến rõ rệt gì cả.

Một đằng thì không muốn gây chiến tranh một cách không cần thiết, một đằng khác thì bảo không chấp nhận được, nhưng không chấp nhận được thì làm cái gì, thì chưa ai đặt vấn đề đó ra cả.
Chỉ có vấn đề như sau : Ông Carter đã nói là Mỹ đang nghiên cứu việc phái tàu đến đó, đi vào thẳng khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Mỹ không công nhận, và phái máy bay tuần thám tiếp tục.
Nhưng như chúng tôi đã nói, điều đó đòi hỏi tiền, và các phương tiện để thực hiện, do đó đòi hỏi một sự cộng tác rất chặt chẽ của các nước ASEAN.

RFI : Có khả năng Việt Nam cho Mỹ sử dụng căn cứ ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Người Mỹ hay nói « never say never » (đừng bao giờ nói « không bao giờ »). Hiện nay, Việt Nam tuyên bố không cho ngoại quốc có base (căn cứ quân sự) ở Việt Nam.
Trên nguyên tắc là như vậy, nhưng khi người ta bị dồn vào đường cùng, người ta sẽ thay đổi chính sách. Thành ra, không thể tiên đoán được… Các nhà lãnh đạo Việt Nam phải tính toán khả năng, tính toán lợi hại, và tính toán cả xem bối cảnh thế giới và khu vực có thuận lợi cho việc làm của mình không.

Ở Philippines, họ không nói đến base mà nói đến facilities (cơ sở), khi cần mới sử dụng. Để dùng facilities, người ta ký hiệp ước gọi là SOFA, tức là Status of forces agreement, và khi nào muốn sử dụng thì sử dụng, chứ không phải lúc nào cũng để quân ở đó…
Có những quốc gia, khi cần thì ký hiệp ước (SOFA), nhưng có trường hợp ký trước hiệp ước, khi cần thiết thì dùng (không cần ký nữa).
Nếu giải thích một cách chặt chẽ, thì về phương diện quân sự, facilities cũng là base, nhưng người ta cũng có thể giải thích một cách lỏng lẻo rằng đó không phải là base.

RFI : Diễn biến Biển Đông sắp tới đây ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Hiện nay, Trung Quốc đang ở trong thế chủ động, các quốc gia khác tìm cách đáp ứng lại, nhưng hiện nay chưa thấy sự nhất trí trong việc đáp ứng của các quốc gia, nhất là giữa Mỹ và các nước bị ảnh hưởng trực tiếp nhất là các quốc gia Đông Nam Á.

Điểm thứ hai là nếu Mỹ nhất quyết làm việc đó (can dự vào Biển Đông) mà Trung Quốc nhất định không nhượng bộ, sự cọ xát, va chạm, xung đột không thể tránh được, và có thể có chiến tranh nữa.
Cựu Phó Giám đốc Trung ương Tình báo CIA (Michael Morell) đã tuyên bố là nếu tình hình này tiếp tục, căng thẳng có thể dẫn đến chiến tranh là điều khó có thể tránh được.
 



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment