Wednesday 3 June 2015

5 cách để chận đứng Trung Quốc ở Biển Đông

5 cách để chận đứng Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Điền

        Cùng tác giả:
Về Bạch thư Quốc phòng 2015 của Trung Cộng 
Liệu xảy ra xung đột trên Biển Đông? 
Côn an biến thành côn đồ
         xem tiếp
Trong thời gian qua, Hoa Kỳ đã có những phản ứng mạnh mẽ đối với sự kiện Trung Quốc đã cải tạo một số đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa. Hoa Kỳ đã một mặt kêu gọi Trung Quốc ngưng việc bồi lấp một số đảo, mặt khác đã cho tàu chiến và máy bay qua lại và đến gần các đảo nhân tạo này.

Những việc làm nói trên của Hoa Kỳ, tưởng là áp lực và buộc Bắc Kinh phải ngưng mọi âm mưu khống chế Biển Đông, nhưng trong thực tế, Hoa Kỳ càng chỉ trích thì Trung Quốc càng hung hăng đối đầu.
Để ngăn chận sự hung hăng bành trướng của Bắc Kinh trong tình hình hiện nay, Giáo sư James Holmes, thuộc Naval War College, đồng tác giả tập sách “Sao Đỏ trên Thái Bình Dương” đã đưa ra một số đề nghị.

Những đề nghị này được tóm lược trong một tiểu luận có tựa đề là: “5 Ways to Foil China in the South China Sea” (5 cách đối phó Trung Cộng trên Biển Đông).

1/ Dùng tàu chiến Littoral Combat Ship (LCS). Đây là các tàu chiến loại nhỏ, mới, trang bị vũ khí nhẹ, có thể hoạt động độc lập từng chiếc nhưng đủ mạnh để buộc Bắc Kinh phải e dè và gởi tàu chiến của Hải quân đến ứng phó. Lúc đó, thử đoán xem ai sẽ là kẻ bị coi là thành phần xấu khua gậy lớn gây hấn trước?

2/ Gởi cảnh sát biên phòng. Mục tiêu chính là để giám sát lãnh hải và vùng đặc quyền, nhưng lực lượng biên phòng cũng là một cánh tay vươn dài trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Lực lượng này có nhiệm vụ bắt kẻ buôn lậu trong thời bình, nhưng có thể sát nhập với Hải quân Hoa Kỳ trong thời chiến để cùng tác chiến. Cần gia tăng sự hiện diện của lính biên phòng Mỹ trên những tàu tuần duyên vùng Đông Nam Á.

3/ Quay video. Nỗ lực tuyên truyền chống Trung Quốc của các nước ASEAN quá yếu kém và thụ động. Không cần chờ New York Times quảng bá mà chính các nhà ngoại giao, các tổ chức dân sự tại Phillipines, Việt Nam có thể cung cấp những đoạn video quay lại cận cảnh các hành vi hung hăng của tàu chiến Trung Quốc ở Scarborough Shoal, ở Gạc Ma hay những chiến tàu của ngư dân bị tàu hải giám Trung Quốc tấn công. Đáng lẽ những hình ảnh này phải được phổ biến rộng rãi trên các kênh thông tin. Hãy để dư luận tự chọn lựa giữa cái loa tuyên truyền của Trung Quốc và những điều mà mắt họ trông thấy.

4/ Biết luật và phản ứng nhanh. Nếu có chuyện gì xảy ra, ngay lập tức phát ngôn viên của Trung Quốc luôn luôn chỉ biết khẳng định: Trung Quốc đúng và Hoa Kỳ hay các nước sai. Bắc Kinh còn tung ra những dữ kiện ngụy tạo hay bóp méo để biện minh. Hải quân Hoa Kỳ và các nước với tinh thần thượng tôn pháp luật, phải mất thời gian để nghiên cứu các sự kiện và đưa ra những giải thích hợp pháp. Trong thời gian đó, Bắc Kinh đã xoay hướng câu chuyện về phía mình. Hãy nhớ rằng: đây là một cuộc chiến đối với Trung Quốc, không phải là một cuộc tranh luận tỉnh táo về những chi tiết pháp lý chính đáng. 

Biết nghĩ như vậy thì các nước mới ứng phó hiệu quả. Phải nắm vững luật lệ và nhất là phải nhanh chóng phản ứng hơn hoặc ngang tầm với Bắc Kinh thì mới đè bẹp những luận điệu áp đảo của Trung Quốc. Tốc độ có khả năng tiêu diệt đối thủ.

5/ Vung gậy lớn. Trung Quốc hiểu rằng họ phải hỗ trợ chiến thuật “ngoại giao gậy nhỏ” bằng cây gậy lớn của lực lượng quân sự. Những đối thủ kém hơn biết rất rõ rằng, ngay cả khi họ làm cho chiến thuật “ngoại giao gậy nhỏ” của Trung Quốc bị lúng túng, Bắc Kinh vẫn còn có một cây gậy lớn dự trữ, đó là lực lượng hải quân, phi đội máy bay, và các hỏa tiễn phòng không. Vô hiệu hóa sức mạnh quân sự không cân xứng này là điều tối quan trọng trong chiến lược ngăn chặn. Muốn như vậy Hoa Kỳ và các quốc gia trong vùng Biển Đông phải nằm trong thế liên minh chặt chẽ và đủ mạnh để bao vây Bắc Kinh.

5 cách đối phó mà Giáo sư James Holmes đề nghị phần lớn là nhằm vào chính quyền Hoa Kỳ. Tuy nhiên những cách đối phó này chỉ có thể thực hiện khi lãnh đạo Hoa Kỳ là một khối thuần nhất và các quốc gia ASEAN cùng thấy rõ nguy cơ bành trướng của Bắc Kinh.
Hiện nay, trong thành phần lãnh đạo Hoa Kỳ chia làm 2 khuynh hướng.
Một khuynh hướng chủ trương gia tăng các áp lực quân sự để buộc Trung Quốc phải ngưng bành trướng ở Biển Đông. Đa số giới quân sự trong Bộ Tham Mưu Á Châu - Thái Bình Dương nằm trong khuynh hướng này vì hàng ngày chứng kiến thái độ hung hăng mang tính thách đố của lực lượng Trung Quốc.

Một khuynh hướng khác thì cho rằng không nên dồn Bắc Kinh vào chân tường, khi đưa máy bay và tàu chiến vào sâu trong vùng đảo nhân tạo vì chỉ tạo thêm căng thẳng và sự đối đầu của Bắc Kinh. Một số tướng lãnh và một vài chính giới ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn nằm trong khuynh hướng này. Những người này còn cho rằng sự kiện Bắc Kinh cho cải tạo đảo nhân tạo là đúng luật vì Đài Loan, Việt Nam và Phi Luật cũng làm tương tự.

Khi chính nội bộ giới lãnh đạo Hoa Kỳ có những suy nghĩ và phản ứng khác biệt về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông như vậy, ta mới thấy là Hoa Kỳ tuy nói mạnh qua những tuyên bố trên bề nổi; nhưng vẫn còn rất e dè trong hành động.

Do đó mà giáo sư James Holmes mới hiến kế bằng 5 cách đối phó để áp đảo Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ cho Hoa Kỳ mà cho cả những quốc gia quanh khu vực Biển Đông.

Trung Điền
2/6/2015
http://www.viettan.org/5-cach-de-chan-dung-Trung-Quoc-o.html

Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ để làm gì? 


Nguyễn Hưng Quốc
02.06.2015 

Tin tức từ trong nước cho biết Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp đi Mỹ với lời hứa hẹn là sẽ được Tổng thống Barack Obama đón tiếp theo “nghi thức cao nhất” dành cho các nguyên thủ. Nếu dự định ấy được thực hiện, ông Trọng sẽ là Tổng Bí thư đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ. Chúng ta không thể không thắc mắc: ông Trọng sang Mỹ để làm gì?

Chưa có chi tiết nào về chuyến đi được công bố, tuy nhiên, điều đầu tiên có thể khẳng định một cách chắc chắn là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không thể ký kết bất cứ một hiệp ước quan trọng nào với Mỹ. Đó là nguyên tắc hành chánh. Trong cấu trúc chính trị của Việt Nam, với tư cách tổng bí thư, ông Trọng là người có quyền lực cao nhất nước, nhưng dưới mắt Tây phương, ông lại chỉ là lãnh tụ của một đảng chứ không phải lãnh tụ của quốc gia (như trường hợp của chủ tịch nước hay thủ tướng), do đó, về phương diện ngoại giao, ông không phải là đối tác thích ứng của tổng thống Mỹ.

Huống gì ông Nguyễn Phú Trọng lại có hai thế yếu để có thể hoạch định chiến lược chung với Mỹ. Thứ nhất, ai cũng biết ông Trọng không phải là một tổng bí thư mạnh và có ảnh hưởng quyết định về chính sách trong đảng. 

Qua những sự thất bại của ông trong nỗ lực kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng cũng như đưa Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị trước đây, ai cũng thấy rõ tầm ảnh hưởng của Nguyễn Phú Trọng trong Ban Chấp hành Trung ương đảng rất yếu. Thứ hai, sinh năm 1944, trong kỳ đại hội đảng vào đầu năm 2016 sắp tới, ông đã 71 tuổi, lứa tuổi bị buộc phải về hưu. 

Như vậy, ông chỉ còn tại vị được chưa tới một năm nữa thôi. Đó là một thời khoảng ngắn ngủi không thích hợp cho bất cứ một cam kết hoặc một chính sách nào lâu dài. Mỹ chắc chắn biết rõ điều đó: Trong tiếng Anh, người ta hay gọi những lãnh tụ sắp hết nhiệm kỳ như vậy là “vịt què” (lame duck).

Không có một hiệp ước hay một cam kết dài hạn nào, chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, theo tôi, chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Hoàn toàn có tính chất tượng trưng.

Tượng trưng, về phía Việt Nam, nằm ở chỗ: họ muốn khẳng định thiện chí và nhiệt tình thắt chặt bang giao với Mỹ để cân bằng cán cân quyền lực với Trung Quốc. Điều ai cũng biết là lâu nay Trung Quốc tìm mọi cách để lấn hiếp Việt Nam. Với con đường lưỡi bò của Trung Quốc, nếu thành hiện thực, nước bị thiệt thòi lớn nhất là Việt Nam. Với việc bồi đắp các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Trung Quốc, khi hoàn tất, nước bị đe doạ nhiều nhất cũng là Việt Nam. Với cả hai, Việt Nam đều bị bất lực. 

Nhỏ và yếu, Việt Nam không có cách gì để phòng vệ một cách hiệu quả cả. Dù muốn hay không, Việt Nam cũng phải tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Trong mấy năm vừa rồi, Việt Nam chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm đồng minh. Nhưng đồng minh duy nhất có thể giúp được Việt Nam chính là Mỹ. Không thể có ai khác. Qua chuyến đi Mỹ, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ muốn gửi một thông điệp: cả đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam đều cần Mỹ và đều đặt hy vọng vào quan hệ đồng minh ấy.

Về phía Mỹ, việc tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng cũng có tính chất tượng trưng: Họ muốn gửi một thông điệp là họ muốn và sẵn sàng liên kết với Việt Nam để bảo vệ an ninh trên Biển Đông. Họ không chấp nhận những hành vi xâm chiếm cũng như những thái độ gây hấn của Trung Quốc. Với họ, Biển Đông là một con đường hàng hải tối quan trọng không thể để mặc cho Trung Quốc tự tung tự tác. Nhưng nói đến Biển Đông là nói đến Việt Nam, nước có chủ quyền trên nhiều hòn đảo ở Trường Sa nhất và cũng là nước có lãnh hải chung với con đường lưỡi bò của Trung Quốc nhiều nhất. Có thể nói tất cả các nỗ lực bảo vệ nguyên trạng trên Biển Đông của Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu Mỹ không lôi cuốn được sự tham dự của Việt Nam, quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng nhất trên Biển Đông.

Tuy nhiên, việc đón tiếp Nguyễn Phú Trọng với những “nghi thức cao nhất” dành cho các nguyên thủ quốc gia của Mỹ lại mang một ý nghĩa khác nữa: Mỹ thừa nhận tư cách nguyên thủ của ông Trọng, và qua đó, thừa nhận vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản tại Việt Nam. Thật ra, điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Lâu nay, Mỹ vẫn chủ trương, một mặt, đòi hỏi các quốc gia phải tôn trọng nhân quyền, nhưng mặt khác, vẫn tôn trọng các cơ cấu quyền lực ở các quốc gia khác. Riêng với Việt Nam, Mỹ vẫn thường xuyên lên án các hành động trấn áp dân chúng của cộng sản nhưng chưa bao giờ kêu gọi lật đổ chính quyền cộng sản để xây dựng một chế độ khác. Với họ, việc thay đổi chế độ là công việc trong nội bộ nước ấy.

Không đáng ngạc nhiên, nhưng hai sự thừa nhận nêu trên cũng là một món quà lớn đối với đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam: Nó làm tăng thêm tính chính đáng của đảng cầm quyền.

Dĩ nhiên, trong quan hệ quốc tế, không có món quà nào là trọn vẹn. Chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ đặt ra một số điều kiện cụ thể cho hành động “ban phước lành” của họ. Những điều kiện ấy chắc chắn thuộc hai loại: Một, Việt Nam phải có lập trường rõ ràng và dứt khoát trong việc bảo vệ Trường Sa cũng như Biển Đông trước các hành động xâm lấn của Trung Quốc; và hai, Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và chấp nhận dần dần con đường dân chủ hoá.
Chưa biết Việt Nam sẽ đáp ứng thế nào trước hai loại điều kiện ấy. Chờ xem.

http://www.voatiengviet.com/content/nguyen-phu-trong-di-my-de-lam-gi/2803237.html 

Tàu Trung Quốc điên cuồng đâm thủng tàu Cảnh sát biển Việt Nam
01/06/2014 
(TNO) Diễn biến căng thẳng bất ngờ diễn ra vào chiều nay 1.6, khi tàu Trung Quốc số hiệu 46105 đã điên cuồng phun nước và tăng tốc đâm thủng tàu Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam 2016, nơi phóng viên Thanh Niên Online đang có mặt.
  

   Tàu Trung Quốc bắn nước và đâm thẳng tàu CSB 2016 - Ảnh: Trung Hiếu
16 giờ chiều nay, tình hình khu vực giàn khoan đang khá yên ắng. Lúc này, các tàu CSB và Kiểm ngư Việt Nam đang thả trôi cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 12 hải lý. Đột nhiên từ đâu có 4 - 5 tàu Trung Quốc từ phía giàn khoan trái phép Hải Dương-981 (Haiyan Shiyou-981) kéo đến.

Đi đầu là tàu kéo số hiệu 32 của Trung Quốc tổ chức khiêu khích một tàu kiểm ngư Việt Nam. Khác với các lần trước, tàu Việt Nam chủ động đứng yên hoặc di chuyển chậm và mở loa tuyên truyền đẩy đuổi các tàu Trung Quốc. 

Đột nhiên tàu kéo 32 của Trung Quốc mở súng phun nước vào tàu kiểm ngư. Lúc ấy, tàu CSB 2016 đang nổ máy đi chậm ở vòng ngoài để hỗ trợ khi cần thiết thì đột nhiên tàu Trung Quốc 46105 tăng tốc lao về phía tàu CSB 2016. Nhận thấy sự nguy hiểm, tàu CSB 2016 tăng tốc lao về phía trước. Với lợi thế vận tốc lớn, sau 5 phút đeo bám tàu 46105 áp sát bên mạn phải, mở súng phun nước bắn xối xả vào tàu 2016.

Thượng úy Quản Trọng Dương, thuyền trưởng CSB 2016 ra lệnh thuyền viên và phóng viên vào đài chỉ huy, đóng chặt cửa để tránh nước. Tình thế cực kỳ gay go khi phía trước tàu Trung Quốc đang phun nước vào tàu kiểm ngư Việt Nam và che mất đường đi của tàu CSB 2016.

Chưa dừng lại ở đó, tàu Trung Quốc 46105 còn tăng tốc đâm thẳng góc vào mạn phải tàu CSB 2016. Cú đâm cực mạnh khiến cả tàu chao đảo. Thuyền trưởng Dương ra lệnh tổ máy chạy hết công suất trên 20 hải lý/giờ để tăng tốc thoát khỏi vòng vây.

Sau cú đâm trên, tàu 46105 lại truy đuổi tiếp và ép bên mạn trái của tàu 2016. Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, chính trị viên tàu 2016 cho biết sau khi đâm va, tàu 46105 tiếp tục phun nước. 
Lúc này, khi phát hiện thượng úy Huy đang có mặt trên boong tàu để ghi hình, phía tàuTrung Quốc ra lệnh phun nước trực diện vào người anh Huy. “Lúc này tôi vừa quay phim vừa tránh nước phun, mình quen với cảnh bị phun nước nên không sợ, chỉ sợ hư máy, mất hết hình ảnh”, thượng úy Huy kiên cường nói. 

  Tàu cảnh sát biển trong đợt bàn giao cho lực lượng cảnh sát biển hồi cuối tháng 8.2013 tại Hải Phòng - Ảnh: Đàm Duy Khánh
 Do 2 bên tàu 46105 có gia cố thêm mũi neo nên cú đâm đã gây tổn thất nặng cho tàu CSB 2016. Tàu CSB 2016 bị thủng 4 lỗ ở mạn phải, lỗ lớn nhất dài 40 cm, rộng 7 cm; lỗ nhỏ nhất dài 35 cm, rộng 3 cm, có lỗ thủng cách mép nước 40 cm, khiến nước tràn vào khoang tàu. Ngoài ra, tàu còn hư hỏng thêm 7 mét lan can tàu, ống thông hơi và ống dầu bị gãy. 

Đến 18 giờ, cuộc tấn công hung hãn của tàu Trung Quốc kết thúc, các lực lượng trên tàu CSB 2016 đang tập trung gia cố tránh nước tràn vào.
Theo thuyền trưởng Quản Trọng Dương, với hư hỏng này, chỉ có cách kéo tàu vào bờ để sửa chữa, bởi nếu chạy nhanh hoặc sóng to hơn, thì nước sẽ tràn vào khoang tàu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đây là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất của tàu Trung Quốc đối với tàu Việt Nam mấy ngày qua. Dẫu vậy, các chiến sĩ trên tàu CSB vẫn không hề nao núng, vẫn bình tĩnh, sửa chữa khắc phục sự cố để bám biển, từng giây từng phút. 
Trung Hiếu
(từ Hoàng Sa, Đà Nẵng)


Việt Nam phải làm gì trong tình hình Biển Đông hiện nay?
Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-06-01 

Tàu hải giám Trung Quốc (phải) sử dụng một khẩu pháo nước để tấn công một tàu cảnh sát biển Việt Nam gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp trên biển Đông ngày 2 tháng 5, 2014 
 AFP 

Tình hình Biển Đông và khu vực trước sự leo thang của Trung Quốc, là hết sức nghiêm trọng. Việt Nam cần có thái độ và sách lược thế nào cho phù hợp?

Anh Vũ phỏng vấn TS. Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên trưởng Nhóm Tư Vấn Lãnh Đạo Bộ Ngoại Giao VN về vấn đề này. 

Anh Vũ: Thưa ông, hội nghị Shangri – La lần thứ 14 ở Singapore vừa kết thúc, xin ông đánh giá kết quả của hội nghị này?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Trong 2-3 ngày vừa qua tại phiên đối thoại Shangri-La, người ta nói nhiều về hành động của TQ gây ra đã trở thành hiểm họa đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực, nó vi phạm các nguyên tắc về tự do đi lại trong lĩnh vực hàng hải. Và đặc biệt là, các đoàn đều đưa ra những biện pháp và đỏi hỏi đòi TQ phải dừng ngay các hành động như thế.  Tôi cho rằng, nhìn về khung cảnh chung của hội nghị đó thì đây là một diễn đàn cực kỳ quan trọng đối với an ninh và phát triển của khu vực.

Anh Vũ: Tình hình Biển Đông trước sự leo thang của TQ, đến lúc này là nghiêm trọng. Tướng Vịnh, được Reuters dẫn lời cho rằng, đây có thể là dấu hiệu rất xấu cho một tình huống rất phức tạp ở Biển Đông. Theo ông, lúc này VN nên có thái độ thế nào ?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Thái độ của VN thì bao giờ cũng phản ảnh một chính sách chung và những chiến lược tổng thế của VN, mà cái chính sách và chiến lược đó như hai mặt như hai mặt của đồng tiền. Thứ nhất là nó phải bảo vệ được chủ quyền của biển đảo, mà cái này không phải là bảo vệ xuông, mà phải bằng hành động, việc làm và sự hiệu triệu dân chúng và cái mặt thứ 2 là phải đảm bảo được một môi trường hòa bình, không chỉ nhất thời mà phải là hòa bình bền vững.

Các đoàn đều đưa ra những biện pháp và đỏi hỏi đòi TQ phải dừng ngay các hành động như thế. Tôi cho rằng, nhìn về khung cảnh chung của hội nghị (Shangri-La) đó thì đây là một diễn đàn cực kỳ quan trọng đối với an ninh và phát triển của khu vực
TS. Đinh Hoàng Thắng

Nhưng do sự phức tạp của tình hình, đặc biệt là do cái sự nói và làm của TQ là nó không bao giờ đồng nhất cả. Cộng với cái tương quan lực lượng về mọi mặt của VN và TQ, đôi khi nó còn do cả cái quán tính của tư duy đối ngoại cũ của VN còn rơi rớt lại nữa. Cho nên có thể nói, VN gặp khá nhiều khó khăn, khá vất vả trong việc thực hiện chiến lược tổng thể nói trên. 

Tuy nhiên cũng may, quan hệ quốc tế ngày nay nó đã khác xa, ngày nay thì trong khu vực cũng như góc độ toàn cầu thì cái hệ thống đối tác chiến lược và hệ thống đối tác toàn diện của VN đã được định hình và đã phát huy tác dụng. Đó chính là cơ sở nền tảng để thái độ của VN ngày càng bắt nhịp với những chuyển hóa của thời đại.

Anh Vũ: Hôm nay (31/5), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tới thăm VN. Được biết Bộ trưởng Quốc phòng hai nước sẽ ký một thoả thuận hợp tác Quốc phòng (đầu tiên) về thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa 2 nước một cách thực chất. Ông có đánh giá gì về chuyến đi này?

Máy bay tuần thám đặc biệt của hoa Kỳ đã chụp được ảnh các tàu Trung Quốc đang xây thêm đảo nhân tạo ngày 22 tháng 5, 2015. Video clip/AFP

TS. Đinh Hoàng Thắng: Hai bên sẽ ký kết một văn kiện, gọi là tuyên bố hay thông cáo về “Tầm nhìn chung”, đây có thể là một cái đánh giá về việc hợp tác hiện nay và cũng có thể là một cái lượng định về viễn cảnh về quan hệ quốc phòng giữa 2 nước trong thời gian tới. Tất nhiên, theo thông tin sơ bộ thì khả năng phía Mỹ sẽ chính thức thông báo việc bán các vũ khí quân sự để hỗ trợ cho VN trong lĩnh vực tuần duyên và tiếp nối. 

 Nếu tuyên bố đó được bạch hóa trong bối cảnh TQ đang ráo riết bồi đắp và thổ hóa các đảo đá của VN, thì nó sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều đó nó cho thấy, VN đã chuyển sang một tâm thế chủ động hơn trong việc đối phó với những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của VN từ phía TQ.

Thứ 2 là việc xích lại gần hơn với Hoa kỳ trong thời điểm hiện nay cho thấy đây là một đòi hỏi khách quan và tất yếu, mà khó có ai hay thế lực nào có thể đẩy lùi. Và cái thứ 3 nữa là, việc ký kết này diễn ra giữa 2 chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo VN sau chuyến thăm Bắc kinh và trước chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư VN cho thấy, VN đang cố gắng kiến tạo một thế quân bình động trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ với các nước lớn nói riêng.

Anh Vũ: VN luôn khẳng định không liên minh với một bên nào để chống lại bên thứ 3. Trong khi đó, ông Ashton Carter Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng “Tại Châu Á, vẫn có môt số nước nghiêng về phía Trung Quốc, một số khác thì nghiêng về phía Hoa Kỳ, nhưng hầu hết thì không muốn phải có một sự lựa chọn dứt khoát nào, và tôi nghĩ rằng điều này cần thiết để giữ sự đa dạng trong quan hệ ngoại giao ngay tại khu vực, trong thời gian tới”. Theo ông, điều đó có ý nghĩa gì?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Vâng, đây là một vấn đề liên quan đến triết lý an ninh không chỉ là riêng VN, mà còn của nhiều nước trong khu vực Asian. Như lời của Tổng trưởng Quốc phòng Ashton Carter là hầu hết các nước châu Á không muốn và họ không thể có một sự lựa chọn nhất nguyên nào cả, vì bản thân nước Mỹ cũng thấy duy trì cái sự đa dạng về quan hệ ngoại giao trong khu vực Đông Nam Á hiện nay là điều cần thiết.

 Nó cần thiết không chỉ cho Đông Nam Á, mà nó còn cần thiết cho cả chiến lược xoay trục và chính sách tái cân bằng của Mỹ. Tuy nhiên, mọi lý thuyết về chính trị, an ninh nhiều khi cũng là màu xám và nó không phải là bất biến.

Đừng chú ý quá về sách lược, mà nhiều khi vấn đề Biển Đông lại như vấn đề ở Ukraina hay vấn đề ở tận Trung Đông chẳng hạn. Cho nên kết luận của tôi khi trả lời câu hỏi này là, mọi sách lược chỉ là nhất thời, nhưng nguy cơ của TQ đối với độc lập chủ quyền và lãnh thổ của VN cái nguy cơ đó là nguy cơ vĩnh viễn
TS. Đinh Hoàng Thắng

Anh Vũ: Thưa ông, ông có cho rằng một lúc nào đó chính sách quốc phòng “ba không” của VN sẽ buộc phải thay đổi?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Đa dạng hóa hay đa phương hóa hay hội nhập toàn diện thì chính cái ấy để hướng về một thế quân bình, nhưng cái quân bình bao giờ cũng chỉ là tạm thời và trong quá trình duy trì chính sách ba không, thì một khi môi trường an ninh thay đổi thì tôi nghĩ mọi việc và mọi sự nó có thể khác. Ở đây vấn đề không phải là theo ai để chống ai, vì cái này VN đã có một bài học đắt giá trong chiến tranh lạnh rồi. Mà vấn đề đặt ra ở đây là, VN có thể và cần phải làm gì?

Phải tập hợp lực lượng, lấy lợi ích quốc gia làm hệ quy chiếu, lấy lợi ích tối cao của đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền khi chính những quyền lợi tối cao của đất nước bị xâm phạm. Đấy là bình luận của tôi về cái khả năng thay đổi của chính sách “ba không”.
Anh Vũ: Trong bối cảnh tình hình khu vực hết sức phức tạp, theo ông VN cần có một sách lược thế nào cho phù hợp?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Một trong những vấn đề nhận thức quan trọng, là phải phân biệt thế nào là sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế đối với các căng thẳng trên Biển Đông hiện nay và thế nào là những nguy hiểm thực sự đối với VN do việc TQ bồi đắp và đảo hoá các bãi đá. Bởi vì các căng thẳng trên Biển Đông, nói như Tổng trưởng Quốc phòng Nhật bản vừa rồi nói tại Đối thoại Shangri-La là, TQ đang liều lĩnh đưa cả khu vực trên bờ vực hỗn loạn.

Riêng về phía VN, thì các ĐBQH đang họp ở Hà nội cũng rất quan ngại, có đại biểu đã bày tỏ quan ngại khi cho rằng nếu TQ lặp lại kịch bản như việc đánh chiếm Gạc ma vào năm 1988. Vì vậy, cần lượng định cái tầm vóc nghiêm trọng của các hoạt động đơn phương do TQ gây ra trong vùng quần đảo HS-TS của VN thì mới phân biệt được cái sách lược và chiến lược. 

Đương nhiên là bây giờ nó đã khác với trước đây 2-3 năm, chúng ta ở trong nước đã gọi sự vật đúng tên của nó, không buộc phải gọi ám chỉ tàu lạ, nước lạ… xâm phạm vùng biển của VN nữa. Nhưng đừng chú ý quá về sách lược, mà nhiều khi vấn đề Biển Đông lại như vấn đề ở Ucraina hay vấn đề ở tận Trung Đông chẳng hạn. Cho nên kết luận của tôi khi trả lời câu hỏi này là, mọi sách lược chỉ là nhất thời, nhưng nguy cơ của TQ đối với độc lập chủ quyền và lãnh thổ của VN cái nguy cơ đó là nguy cơ vĩnh viễn.

Anh Vũ: Xin cảm ơn TS. Đinh Hoàng Thắng đã dành cho RFA cuộc trao đổi này.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-doe-vn-shouls-do-06012015061040.html

__._,_.___
________________________________________
Posted by: ly vanxuan

No comments:

Post a Comment