Saturday, 23 May 2015

Liệu xảy ra xung đột trên Biển Đông?....Biển Đông : Hải quân Trung Quốc đuổi phi cơ tuần tra Mỹ

Biển Đông : Hải quân Trung Quốc đuổi phi cơ tuần tra Mỹ

mediaP8-A Poseidon, máy bay giám sát tối tân nhất của quân đội Mỹ (nguồn : U.S. Navy)
Theo tin từ đài truyền hình CNN, hải quân Trung Quốc đã tám lần yêu cầu phi cơ tuần tra của Mỹ rời khỏi khu vực bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa, Biển Đông.

Đài truyền hình CNN cho biết là hôm qua, 20/05/2015, các phóng viên của đài này lần đầu tiên đã được phép tham gia một bay tuần tra trên vùng Biển Đông, trên chiếc P8-A Poseidon, máy bay giám sát tối tân nhất của quân đội Mỹ. Họ đã trực tiếp chứng kiến vụ hải quân Trung Quốc ra lệnh cho máy bay tuần tra Mỹ. 
Theo CNN, khi các phi công Mỹ đáp lại rằng máy bay này đang bay ngang qua không phận quốc tế, vô tuyến điện viên Trung Quốc đã bực tức la lên : « Đây là hải quân Trung Quốc. Hãy đi đi ». 

Chỉ huy trưởng đội máy bay tuần tra của Mỹ ở châu Á, Mike Parker, tham gia chuyến bay hôm qua, cho phóng viên CNN biết lệnh xua đuổi của hải quân Trung Quốc rất có thể là đến từ một trạm radar cảnh báo sớm đặt trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. Một chỉ huy của Mỹ gần đây cho hãng tin Reuters biết là các cơ sở quân sự trên Đá Chữ Thập, kể cả phi đạo dài 3.000 mét, có thể sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm nay. 

Vụ đuổi máy bay tuần tra của Mỹ, cùng với những vụ gần đây Trung Quốc nhiều lần yêu cầu phi cơ Philippines rời khỏi không phận quần đảo Trường Sa, cho thấy là Bắc Kinh đã cố thiết lập một vùng cấm bay bên trên các đảo nhân tạo mà họ đang ráo riết xây dựng. 

Theo nhận định của hãng tin Reuters, một số chuyên gia về an ninh đang lo ngại về nguy cơ đụng độ giữa Mỹ với Trung Quốc, nhất là sau khi vào tuần trước, một quan chức Mỹ cho biết Lầu năm góc đang xem xét phương án điều phi cơ quân sự và chiến hạm đến sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc để bảo đảm sự tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông.

Lần đầu tiên Indonesia đánh chìm tàu cá của Trung Quốc

Indonesia đánh chìm tàu cá Trung Quốc .
Hôm 20/5, Indonesia đã đánh chìm một tàu cá Trung Quốc vì đánh bắt trái phép trong hải phận nước này gần Biển Đông nhằm thể hiện quyền chủ quyền và hợp nhất lãnh thổ với cả các đối tác thương mại lớn.


Tờ The Jakarta Post dẫn lời Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia, bà Susi Pudjiastusi cho biết tàu cá vỏ thép nặng 300 tấn của Trung Quốc mang tên Gui Xei Yu 12661 đã bị đánh chìm hôm 19/5 ở Pontianak, Tây Kalimantan bằng thuốc nổ.

Đây là 1 trong 41 tàu cá nước ngoài bao gồm Philippines, Thái Lan,... đã bị Indonesia cảnh báo nhằm thực hiện nghiêm "ngày hành động vì nhận thức quốc gia". Tuy nhiên, tàu Gui Xei Yu là tàu Trung Quốc đầu tiên và duy nhất cho đến nay bị Indonesia đánh chìm.

Một số quốc gia Đông Nam Á đã lên tiếng chỉ trích hành động đánh chìm các tàu nước ngoài của chính phủ Indonesia.

Song, Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo cho rằng đây là bước đi cần thiết để ngăn chặn tình trạng thất thoát hàng tỷ USD mỗi năm vì hoạt động đánh bắt trái phép của các tàu nước ngoài.

Theo The Jakarta Post, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2014 – 3/2015, Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp cùng Hải quân Indonesia đã đánh chìm 18 tàu nước ngoài của Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Giới quan sát đặt ra câu hỏi liệu Indonesia có dám đánh chìm tàu cá Trung Quốc bởi hành động này có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước khi mà Bắc Kinh đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Jakarta.

Trước đó, hồi tháng 12/2014, cố vấn chính sách ngoại giao của Tổng thống Jokowi cho rằng chính phủ Indonesia không cần phải e ngại khi đánh chìm tàu Trung Quốc, theo The Diplomat.

Do đó, quyết định đánh chìm tàu Trung Quốc cho thấy chính quyền của ông Jokowi muốn thể hiện quyết tâm duy trì chính sách "đánh chìm tàu nước ngoài" và một lần nữa nhấn mạnh quyền chủ quyền và hợp nhất lãnh thổ trước cả những đối tác kinh tế quan trọng nhất.

Song, trái với phản ứng ngay lập tức đánh chìm tàu cá của các nước châu Á khác khi bị bắt giữ, hành động của Indonesia với Trung Quốc có phần chậm rãi hơn.

Ngoài ra, việc đánh chìm một tàu cá Trung Quốc cũng được Indonesia thực hiện trong buổi lễ "kỷ niệm ngày hành vi nhận thức quốc gia" cùng với các tàu thuyền nước ngoài khác chứ không riêng gì Trung Quốc.

Bộ trưởng Susi còn khẳng định đây không phải là hoạt động biểu dương lực lượng, nó chỉ đơn thuần là việc thực thi pháp luật của Indonesia.


Liệu xảy ra xung đột trên Biển Đông?

Trung Điền

       Cùng tác giả:

         xem tiếp
Ngày 20 tháng 5 vừa qua, đài truyền hình CNN đã loan tải một đoạn phim liên quan đến việc hải quân Trung Cộng đã tám lần yêu cầu phi cơ tuần tra của Hoa Kỳ rời khỏi không phận của các bãi đá chìm mà Bắc Kinh đã cho lấp, bồi cát để xây dựng những căn cứ quân sự từ cuối năm 2014 cho đến nay.
Đây là hình ảnh đầu tiên được một cơ quan truyền thông tư nhân phổ biến khi một số phóng viên quốc tế được phép tham gia vào một phi tuần trên chiếc P8-A - máy bay giám sát tối tân của Hoa Kỳ - hiện đang đưa vào hoạt động trên biển Đông vào cuối tháng 3/2015 thuộc hạm đội 7.
Theo phóng viên CNN cho biết là khi phi cơ giám sát Hoa Kỳ bay qua không phận các bãi đá bồi cát, lệnh xua đuổi của hải quân Trung Quốc phát ra từ một radar đặt trên bãi đá Chữ Thập, một trong 6 bãi đá mà Bắc Kinh đang xây dựng các căn cứ quân sự. Đặc biệt căn cứ quân sự trên bãi đá Chữ Thập lớn nhất, có phi đạo dài 3 cây số là trung tâm điểm kiểm soát toàn bộ không phận trên quần đảo Trường Sa.
JPEG - 31.5 kb
Không ảnh cho thấy Trung Quốc bồi đắp Đá Vành Khăn (Mischief Reef), quần đảo Trường Sa. Hình chụp của Ritchie B. Tongo, AP
Vụ đuổi máy bay tuần tra của Hoa Kỳ không chỉ mới xảy ra lần đầu mà đã lập lại nhiều lần trong thời gian vừa qua, nhất là từ khi Hoa Kỳ quyết định đưa tàu chiến và máy bay đến sát các đảo lấp, bồi cát của Trung Cộng.

Ngoài ra, việc hải quân Trung Cộng xua đuổi các phi cơ tuần tra của Hoa Kỳ trên không phận của quần đảo Trường Sa cho thấy là Ngoại trưởng John Kerry của Mỹ hoàn toàn thất bại trong việc thuyết phục Bắc Kinh ngưng xây dựng các đảo nhân tạo trong chuyến viếng thăm Trung Quốc hôm 16 và 17 tháng 5 vừa qua.
Chính sự thất bại này mà Hoa Kỳ đã gia tăng các phi vụ tuần tra trên không phận Trường Sa để dằn mặt Bắc Kinh. Những diễn biến này cho thấy là tình hình biển Đông đang nóng lên kể từ sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981 từ ngày 3/5 đến 15/7 năm 2014.
Tuy nhiên khác với sự xung đột giàn khoan HD 981, tập trung giữa CSVN với Trung Cộng, lần này sự xung đột nếu xảy ra sẽ ở tầm mức cao hơn, liên hệ đến nhiều quốc gia vì có những quyền lợi trực tiếp đến sự giao thương trên biển Đông.

Nói cách khác, từ trước đến nay khu vực quần đảo Trường Sa thuộc vùng biển Quốc tế, chi phối đến 80% lượng hàng hóa, dầu khí của nhiều quốc gia. Nay Trung Cộng xây xong khu quân sự và thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển này là một thách đố lớn cho Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ.
Trước thách đố này, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ không im lặng.

Thứ nhất là Hoa Kỳ sẽ gia tăng tàu chiến và máy bay để tuần tra quanh khu vực Trường Sa và sẵn sàng ứng chiến nếu máy bay của Trung Cộng uy hiếp những chiếc tàu chở dầu khí, hàng hóa của các quốc gia đi qua khu vực này.
Thứ hai là Nhật Bản cũng sẽ đưa tàu chiến vào quanh khu vực Trường Sa để bảo vệ các tàu chở hàng hóa, dầu khí của Nhật Bản và sẵn sàn ứng chiến nếu bị hải quân Trung Quốc uy hiếp.

Khi tình hình ngày một căng thẳng như nói trên, những va chạm nhỏ giữa các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và Nhật Bản với hải quân Trung Cộng trong lúc tuần tra khó tránh khỏi.

Những va chạm nhỏ nếu lập lại nhiều lần và các bên không có khả năng kiềm chế, thì sẽ bùng nổ tạo thành xung đột quân sự.

Hiện nay Hoa Kỳ không còn có thể ngăn chận hay thuyết phục Bắc Kinh ngưng tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự. Vì thế xung đột quân sự sẽ xảy ra tùy thuộc vào thái độ của Bắc Kinh:
Một là Bắc Kinh dùng các căn cứ quân sự xây dựng trên các bãi đá chìm ở Trường Sa để tung ra những phi vụ tuần tra các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở phía Tây Thái Bình Dương, trong khu vực đảo Guam.

Hai là Bắc Kinh chính thức tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không quanh khu vực Trường sa, đòi hỏi các tàu bè, máy bay của Hoa Kỳ và các quốc gia phải xin phép khi qua lại biển Đông.

Với tham vọng khống chế biển Đông qua chủ trương đường lưỡi bò chín đoạn, Bắc Kinh sẽ khó dừng lại ở các căn cứ quân sự đang xây dựng hiện nay rồi thôi mà sẽ ra mặt đối đầu với Hoa Kỳ qua hai thái độ nói trên.
Trong tình thế căng thẳng này, xung đột trên biển Đông giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc rất khó tránh trong những ngày tới.
Trung Điền
Ngày 20/5/2015.
JPEG - 390.6 kb


No comments:

Post a Comment