Bang Giao Việt-Mỹ 1995-2015
Từ
năm 1991 cho tới ngày hôm nay, liên hệ song phương Việt-Mỹ được đánh dấu bởi những
sự kiện như sau:
-Tháng 4, 1991: Tổng Thống
George Bush đề nghị với Việt Nam “lộ trình” (Road Map) từng bước bình thường
hóa quan hệ.
-Tháng 12, 1991: Washington dỡ bỏ lệnh cấm
việc đi lại có tổ chức từ Hoa Kỳ tới Việt Nam. Quốc Hội Hoa Kỳ ủy quyền cho Cơ
quan Thông Tin Hoa Kỳ (USIA) bắt đầu trao đổi các chương trình với Việt Nam.
-Ngày 3/3/1993: Tổng thống Clinton dỡ bỏ lệnh
cấm vận thương mại đối với Việt Nam.
-Ngày 28 tháng 1, 1995: Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức ký hiệp định giải
quyết các vấn đề về bồi thường và thiết lập Văn Phòng Liên Lạc tại thủ đô của mỗi
nước.
-Ngày 11/7/1995: Tổng
thống Mỹ Bill
Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ
Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai
quốc gia.
-Ngày 6/8/1995: Ngoại Trưởng Warren Christopher thăm Hà Nội
và chính thức mở tòa đại sứ tại Việt Nam. Việt Nam cũng mở tòa đại sứ tại
Washington D.C.
-Ngày 7/10/1995- Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara thăm Việt
Nam.
-Ngày10/ 4/1997: Ô. Pete Peterson, cựu chiến binh trong chiến
tranh Việt Nam, đồng thời là cựu tù binh chiến tranh (POW), làm đại sứ đầu tiên
của Mỹ tại Việt Nam sau 1975.
-Ngày 24/6/1997: Vị ngoại trưởng thứ hai của Mỹ là Bà
Madeline Albright thăm Việt Nam.
-Tháng 8/1997: Chính phủ Hoa Kỳ thông qua quy chế đặc biệt
cho phép Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ Việt Nam cải thiện
hoạt động thương mại thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật về luật thương mại
và chính sách thương mại.
- Ngày 11 tháng 3/1998: Tổng Thống Bill
Clinton ban hành quy chế tạm miễn áp dụng đạo luật sửa đổi bổ sung Jackson -
Vanik đối với Việt Nam, mở đường cho hoạt động của nhiều công ty Mỹ tới đầu tư
và làm ăn buôn bán tại Việt Nam.
-Ngày 13/ 3/2000: Bộ Trưởng Quốc Phòng đầu tiên của Mỹ William
Cohen thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.
-Ngày 16/11/2000: Tổng Thống Bill Clinton thăm Việt Nam trong bốn ngày.
-Ngày 24/ 7/2001: Ngoại Trưởng Mỹ Colin
Powell thăm Việt Nam trong ba ngày đồng thới tham dự Diễn Đàn Khu Vực ASEAN tại
Hà Nội. Đây là vị ngoại trưởng thứ ba của Mỹ thăm Việt Nam.
- Ngày 10 /11/2003: Bộ
Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phạm Văn Trà thăm Hoa Kỳ để thảo luận về hợp tác
thúc đẩy an ninh khu vực.
-Ngày15/
9/2004 – Việt Nam bị xếp vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt
(Country of Particular Concern) theo Đạo
Tuật Tự Do Tôn Giáo của Hoa Kỳ.
-Ngày 19-24 tháng 6/2005: Thủ tướng Việt
Nam Phan Văn Khải hội kiến Tổng Thống George W. Bush tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.
-Ngày 21/ 4/2006: Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ
Dennis Hastert thăm Việt Nam.
-Ngày 14/5/2006: Hoa Kỳ và Việt Nam đạt được
sự thỏa thuận trên nguyên tắc về việc Việt
Nam gia nhập WTO.
-Ngày 04/6/2006 – Bộ Trưởng Quốc Phòng
Donald Rumsfeld thăm Việt Nam để bàn về các phương thức mở rộng hợp tác quốc
phòng. Đây là vị bộ trưởng quốc phòng thứ hai của Mỹ thăm Việt Nam.
-Ngày 07/1/2006: – Tổ Chức Thương Mại Thế
Giới (WTO) chính thức mời Việt Nam trở thành hội viên của tổ chức này.
- Ngày 11/1/2007: Việt Nam trở thành thành
viên thứ 150 của WTO.
-Ngày 08/4/2007: Trong chuyến viếng thămViệt
Nam ba ngày, Ô. Bill Gates - Chủ Tịch Microsoft và phu nhân Melinda gặp gỡ Thủ
Tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam để thảo luận về vấn đề cải thiện sức khỏe của
trẻ em.
-Ngày
3/ 4/2008: Đại sứ Hoa Kỳ Micheal W. Michalak cắt băng khánh thành Trung Tâm Hoa
Kỳ đầu tiên tại Hà Nội, được coi như văn phòng “một cửa”, nơi cung cấp tất cả
các thông tin cập nhật về mọi lĩnh vực liên quan đến nước Mỹ.
-Ngày 23-26 tháng 6/2008: Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng của Việt Nam thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng Thống George W. Bush.
-Ngày 6/ 4/2009: Thượng Nghị Sĩ John
McCain đến Hà Nội và có các cuộc hội đàm với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ Tịch
Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam.
(Kết thúc tài liệu của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội)
-Ngày 10/7/2012: Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary
Clinton thăm Việt Nam. Đây là vị ngoại trưởng thứ tư của Hoa Kỳ thăm Việt Nam.
-Ngày 25/7/2013: Việt
Nam và Hoa Kỳ tuyên bố hợp tác toàn diện.(Comprehensive Partnership)
-Ngày 03/06/2013 Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ
Leon Panetta thăm Việt Nam. Đây là vị bộ trưởng quốc phòng thứ ba của Hoa Kỳ
thăm Việt Nam.
-Ngày 18/12/2013: Ngoại
Trưởng John Kerry thăm Việt Nam. Đây
là vị ngoại trưởng thứ năm của Hoa Kỳ thăm Việt Nam.
-Ngày 13/8/2014: Tướng Martin Dempsey-
Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam.
-Ngày 2/10/2014: Mỹ tuyên bố tháo gỡ một phần
lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng chưa thấy một thỏa hiệp mua
bán vũ khí nào dủ Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã thăm Hoa Kỳ và các đại công ty sản
xuất vũ khi Mỹ đã tới thăm Việt Nam.
-Ngày 6/2/2015 Mỹ
tuyên bố giao 5 tàu tuần duyên cho Việt Nam.
-Tháng 4, 2015: Hai
bên có thể đang thương thảo về vấn đề tập trận chung trên biển với chuyến thăm
của Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ Ray
Mabus ngày 9/4/2015.
-Chuyện gì sẽ tiếp diễn?
* * *
Bốn mươi năm đã qua, từ cựu thù tới dò dẫm, từng
bước Hoa Kỳ đã trở lại Việt Nam trong tư thế của một người “Hợp Tác Toàn Diện”. Hình ảnh chiến tranh
1945-1975 (1) nay chỉ còn có giá trị lịch sử, kỷ niệm và rút tỉa kinh nghiệm.
Do tình hình thế giới thay đối, từ cựu thù trở thành đồng minh là chuyện rất thường tình như Mỹ với Nhật chẳng hạn. Không
một ai có thể cứ sống mãi với dĩ vãng nhất là một quốc gia. Chuyện Hoa
Kỳ bình thường hóa ngoại giao với Cuba cho thấy Hoa Kỳ không thể cứ giữ mãi lập
trường thù nghịch với một đảo quốc nhỏ bé, không có khả năng “đụng tới sợi lông chân” Hoa Kỳ và trước sự
phản đối của toàn thế giới.
Ngay từ đầu năm 1990,
dưới sức ép của dư luận, các nhà nghiên cứu chiến lược lúc bấy giờ cho rằng nếu
Mỹ không vào Việt Nam thì sẽ là “trâu chậm
uống nước đục”. Việc Hoa Lục xây dựng xong các căn cứ quân sự khổng lồ ở Đảo
Hải Nam năm 1990 khiến Hoa Kỳ giật mình, hối hả lên kết hoạch trở lại Đông Nam
Á mà Hoa Kỳ đã “tháo chạy” mặc cho
Trung Quốc tung hoành từ năm 1974 (năm mất Quần Đảo Hoàng Sa) nhất là dưới thời
Tổng Thống Bill Clinton.
Lúc bấy giờ ở Mỹ, người
ta ca ngợi tài ba của Ô. Đặng Tiêu Bình và sự thành công của nước Trung Hoa như
một phép lạ và là niềm hân hoan của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ với kim nghạch ngoại
thương giữa hai nước lên tới 550 tỉ Mỹ Kim mỗi năm. Rồi đây khi Trung Hoa gia
nhập cộng đồng thế giới và “tư bản hóa”
thì …thiên hạ thái bình. Nhưng có ngờ đâu Minh Ước Thượng Hải 1972 ký kết giữa
Mao Trạch Đông và cặp bài trùng Nixon/Kissinger rồi được triển khai mạnh mẽ dưới
thời Ô. Bush Cha và Ô. Bill Clinton - nay
trở thành thảm họa cho Hoa Kỳ.
Trước sức trỗi dậy kinh khủng của Hoa Lục, nếu muốn kiềm chế thì
Mỹ phải trở lại Đông Nam Á vì con đường tiến ra Thái Bình Dương của Hoa Lục phải
qua cửa ngõ Đông Nam Á- mà Việt Nam là “cửa
ải” đầu tiên. Nhưng Mỹ trở lại Đông Nam Á bằng cách nào đây?
Trở lại Đông Nam Á mà không có Việt Nam thì cũng như không bởi
vì Việt Nam là trọng điểm chiến lược. Trở lại Việt Nam không những quân bình được
ảnh hưởng của Hoa Lục mà còn cả của Nga. Dĩ nhiên Mỹ không thể trở lại Việt Nam
theo kiểu cho thùy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng như dưới thời Tổng Thống
Johnson.
Lúc bấy giờ vì Việt Nam còn e ngại và do dự cho nên Hoa Kỳ cần
kiên nhẫn. Về điểm này chúng ta phải công nhận Hoa Kỳ rất khéo léo. Giống như một
cậu thanh niên muốn làm quen với một cô gái thì cũng phải dẫn cô ấy đi ăn nhà
hàng, tặng quà liên miên rồi hai bên khi đã “tâm đầu ý hợp” rồi mới tính chuyện. Chứ xớn xác chưa có gì cả mà đã
“nhào vô” thì chắc chắn thất bại. Do ưu thế gần như tuyệt đối về mặt kinh tế lẫn tài chính,
nhìn vào thời biểu của mối bang giao, chúng ta thấy từng bước Hoa Kỳ đã tháo gỡ
lệnh cấm vận, hủy bỏ bớt những ngăn cấm về luật lệ, giúp Việt Nam giao dịch với
thị trường Mỹ, hội nhập vào cộng đồng thế giới, rồi vào WTO và sẽ vào TPP do
Hoa Kỳ lãnh đạo…điều mà Việt Nam rất cần cho kế hoạch “Đổi Mới” để sinh tồn. Rồi
từ những hợp tác về giáo dục, kinh tế, tài chính, ngoại thương, năng lượng, đầu
tư, hai bên đã công khai tiến tới hợp tác quốc phỏng thông qua hiệp định “Hợp
Tác Toàn Diện”.
Tuy nhiên Hoa Kỳ và cả thế giới đều thấy mối bang giao Việt-Mỹ
vô cùng phức tạp vì những nhân tố sau đây:
-Hoa Kỳ và Trung
Quốc đang là “Hợp Tác Chiến Lược” gắn bó về kinh tế gần như “vợ chồng” cho nên Hoa Kỳ chỉ “tái cân bằng lực lượng” chứ chưa
muốn hoặc chưa dám đụng độ về quân sự với Hoa Lục ở Biển Đông. Do đó mọi
chuyển động ngoại giao Việt-Mỹ, cả hai đều phải thăm dò phản ứng của Trung Quốc.
Trong thâm tâm cả Việt lẫn Mỹ đều không muốn tiến xa tới mức độ “chọc giận” Hoa Lục. Chẳng hạn, Hoa Kỳ
không thể có căn cứ quân sự tại Việt Nam bởi một hành động như thế cũng là hình
thức tuyên chiến với Hoa Lục. Cho nên, theo tôi, trong tinh thế hiện tại “Hợp Tác Toàn Diện” thì cũng giống hệt
như “Hợp Tác Chiến Lược” nhưng nghe
có vẻ hòa bình, nhẹ nhàng và không gây lo sợ hoặc chọc giận Trung Quốc.
-Vì Việt Nam có
chung biên giới với Trung Quốc và cùng chung ý thức hệ chính trị, cho nên nếu
có bang giao với Hoa Kỳ thì chỉ giới hạn ở mức độ “tự vệ” chứ Việt Nam không thể liên kết với Mỹ để trở thành mũi nhọn
tấn công Trung Quốc hoặc mối nguy về an ninh cho Trung Quốc. Cho nên đứng về mặt
lý luận, căn cứ trên thực tiễn mà nói: Nếu Hoa Kỳ đóng quân tại 8 căn cứ nhìn
ra Biển Đông của Phi Luật Tân thì trận thư hùng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ nổ ra
tại Phi Luật Tân chứ không phải ở Việt Nam. Hiện tại, dù hợp tác với Mỹ hay với
Nga, Việt Nam chưa phải là mối đe dọa về an ninh cho Trung Quốc. Việt Nam không
phải là “mũi nhọn của Mỹ” để thọc vào
cạnh sườn Trung Quốc, giống như Ukraina là mũi nhọn của NATO đâm vào yết hầu
Nga.
Sách lược ngoại giao của Việt Nam vô cùng khó khăn vì ba siêu
cường Nga-Mỹ-Trung Quốc thù nghịch với nhau, đang cùng tranh giành ảnh hưởng ở
Việt Nam. Chiến lược ngoại giao để giữ yên đất nước mà không làm buồn lòng các
đại cường - có thể là phức tạp nhất thế giới hiện nay. Chính vì thế mà Tướng Dempsey-
Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ trong chuyến thăm viếng Việt Nam, khi phóng
viên New York Times hỏi về vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, đã trả lời
như sau: “ Tôi không thể không đồng
ý về tầm quan trọng và vị thế đặc biệt của Việt Nam đối với khu vực và toàn cầu
trong tương lai. Theo tôi, Việt Nam sẽ đóng một vai trò địa chính trị cực kỳ
quan trọng trong khu vực và trên thế giới trong những năm tới. ”
Trong lịch sử 4000 năm, chưa bao giờ
Việt Nam trải qua một thời kỳ khó khăn đến như vậy. Tuynhiên theo nhận định lạc
quan của cựu Đại Sứ Pete Peterson (VOA) thì,
“Giữa lúc đôi bên năm nay (2015) kỷ niệm hai thập niên bình
thường hóa quan hệ, vị sứ giả có công hàn gắn bang giao hai nước cựu thù cũng dự
đoán rằng trong 20 năm kế tiếp, chắc chắc Việt-Mỹ sẽ trở thành đồng minh mạnh mẽ
ở Đông Nam Á.”
Và Ô. Pete Peterson cũng phải công nhận rằng, “Hoa Kỳ không (ngấm) ngầm muốn thay đổi ý thức
hệ trong lòng Việt Nam, một trong những yếu tố được xem là thách thức lớn nhất
cho quan hệ song phương kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975 tới nay.”
Ô. Pete Peterson nhận định đúng. Nếu phía Việt Nam phác giác
ra Hoa Kỳ lợi dụng mối bang giao để tìm cách lật đổ họ thì mối quan hệ đổ vỡ
ngay lập tức. Mà Việt Nam sẵn sàng làm như vậy vì ở vào thời điểm này dù có cắt
đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ họ vẫn không chết. Nhật Bản, Âu Châu, Ấn Độ
và nhất là Nga vì quyền lợi của mỗi nước cũng sẽ tiếp tục trợ giúp Việt Nam và
khi đó Hoa Kỳ trở nên cô lập. Dĩ nhiên cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều không muốn
tình thế đó xảy ra vì chẳng có lợi gì cho hai bên trong khi hiểm họa Trung Quốc
sờ sờ ra đó.
Hoa Kỳ nổi tiếng và dạy dỗ cả nhân loại về tình thần “thực tiễn”
tức “quyền lợi là trên hết” trong khi
họ lại luôn luôn đề cao “lý tưởng”. Mà hễ đã lý tưởng thì không thể thực tiễn…cho
nên Hoa Kỳ chơi trò chơi “Hai Mặt” (Double Standard) - tức chỗ nào cần “lý tưởng” thì nói “lý tưởng”, chỗ nào “vì quyền
lợi” thì quẳng “lý tưởng” đi. Cho
nên “đi” với Hoa Kỳ rất khó. Khi nào vì quyền lợi thì - sống chết Hoa Kỳ cũng
nhào vô. Khi nào không còn quyền lợi thì Hoa Kỳ giở “lý tưởng” ra để sinh sự. Cho nên ngoại giao với Hoa Kỳ phải “biết”
như cái “biết” của Lão Tử, nếu không sẽ “chết
không kịp ngáp”.
Kinh nghiệm thực tế, ít nhất 40 năm qua, sau Chiến Tranh Việt
Nam đã dạy cả thế giới một bải học là nếu đi với Mỹ thì phải đi với một đại cường
khác để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ. Nếu chỉ ôm một trụ Mỹ, khi Mỹ bỏ hoặc o ép, không
chết thì cũng mất hết chủ quyền. Các quốc gia Đông Nam Á như Nam Dương, Mã Lai,
Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam đã học được bài học này cho nên họ theo chính
sách ngoại giao đa phương để không bị lệ thuộc vào bất cứ siêu cường nào.
Hiện nay, qua chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ Tướng Abe, chúng
ta thấy Nhật Bản tim chỗ dựa mạnh mẽ hơn nữa vào Mỹ để đối đầu với Trung Quốc.
Trước mắt đó là một bảo đảm an ninh, nhưng chắc chắn chính sách đối
ngoại lớn của Nhật Bản sẽ bị Hoa Kỳ kiềm chế, chẳng hạn Nhật Bản không
thể có mối giao hảo với Nga- hiện đương là kẻ thù của Mỹ- hoặc bất cứ quốc gia
nào mà Mỹ coi như thù nghịch.
Khi bạn bị một người nào đó sai bảo, “Mày không được chơi với người này. Mày không được chơi với người kia.”
thì người đó là cha mẹ của bạn hoặc là “boss
hay chef” của bạn.
Đào Văn Bình
(California ngày 20/5/2015 )
Cước chú:
(1)
Thực
ra Mỹ đã can dự vào “Chiến Tranh Việt Nam” từ năm 1946 khi hỗ trợ cho Thực Dân
Pháp tái chiếm Đông Dương. Cho tới
khi Pháp thất bại hoàn toàn thì Mỹ đã viện trợ trên 1 tỷ USD mỗi năm (tương
đương khoảng 5.8 tỷ USD theo thời giá năm 2004) tức 78% của toàn bộ chi phí chiến
tranh của Pháp ở Đông Dương.Các cố vấn Mỹ có thể thanh tra các doanh trại, căn
cứ quân sự của Pháp mà không cần báo trước. (Tài liệu Wikipedia & Vietnam:
A History& Các phim tài liệu của Mỹ)
Dưới đây là hình ảnh của mối bang giao Việt-Mỹ theo sự tường
trình của Ô. Christopher R Hill năm 2008 như một tài liệu tham khảo.
Christopher R. Hill, Thứ Trưởng
Ngọai Giao Đặc Trách Đông Á và Thái Bình Dương Sự Vụ
Ủy Ban Ngọai Giao Thượng Nghị Viện
Hoa Kỳ
Ngày 12, Tháng Ba 2008
Mở Đầu:
Trân trọng cám ơn bà TNS Boxer chủ
tịch, TNS Murkowki và quý vị trong tiểu ban đã cho phép tôi được điều trần về Mối
Liên Hệ Song Phương Mỹ- Việt. Tôi mới vừa từ Việt Nam về và rất vui mừng được dịp chia xẻ cùng quý vị những cảm
nghĩ của tôi về Việt Nam
Mối liên hệ Mỹ-Việt đã phát triển một
cách sâu rộng trong một số lãnh vực kể từ
khi chúng ta tái lập bang giao với Việt Nam năm 1995. Chuyến công du của TT.
Bush tới Hà Nội năm 2006 để tham dự Hội Nghị Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình
Dương (APEC) và chuyến viếng thăm Hoa Thịnh Đốn của chủ tịch Nguyễn Minh Triết
vào Tháng 6, 2007 đã phản ảnh những bước tiến bộ trong mối quan hệ của chúng
ta. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, đặc biệt là lãnh vực nhân quyền.
Nói chung, chúng ta đã thực hiện được những tiến bộ rộng lớn trong những vấn đề
hai bên cùng có chung quyền lợi cũng như khả năng của chúng ta can dự một cách
thẳng thắn vào những vấn đề mà hai bên có những khác biệt. Tiếp tục can dự và
cùng chung giải quyết với Việt Nam hiển nhiên là mối quan tâm của chúng ta.
Những Liên Hệ Song
Phương: Từ Đối Đầu Tới Hợp Tác
Bước khởi đầu
tốt nhất để duyệt lại quá trình mở ra mối bang giao giữa hai quốc gia là nhìn
vào sự chuyển đổi mạnh mẽ của quốc gia Việt Nam. Khi chúng ta bắt đầu tái can dự
(re-engaging) vào Việt Nam những năm 1990, sứ sở này mới vừa ra khỏi những năm
còn cuồng nhiệt với chủ nghĩa Mác. Những năm tháng đó đã tàn phá nền kinh tế vẫn
còn lảo đảo vì chiến tranh, xô đẩy hằng trăm ngàn người vào các trại cải tạo hoặc
trốn chạy sang Hoa Kỳ hay vào các quốc gia khác. Chính sách ngọai giao của Việt
Nam lúc bấy giờ là liên kết chặt chẽ với Liên-Sô, và cũng vừa chấm dứt một thập
niên chiếm đóng Cambodia.Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đảo ngược con đường đi vào ngõ
cụt này vào cuối thập niên 1980 bằng chính sách “Đổi Mới” để thúc đẩy kinh tế. Họ
từ bỏ con đường họach định trung ương mà thiên về những nỗ lực thúc đẩy khu vực
tư nhân. Các nhà lãnh đạo Việt Nam thấy rằng họ phải gia nhập vào kinh tế thế
giới để lôi cuốn thương mại quốc tế, đầu tư và kỹ thuật. Kết quả là, cuộc đổi
thay này đã tạo ra một cuộc cách mạng về kinh tế nhanh chóng nhất trong lịch sử
cận đại. Hoa Kỳ đã khích lệ hướng đi mới này và đã tích cực giúp đỡ những đổi
thay tại Việt Nam trong hơn một thập niên, qua những trợ giúp về phát triển và
chính sách thương mại.
Nếu Việt
Nam có thể tiến hành một cách hữu hiệu cải tổ kinh tế thị trường hơn nữa, họ có
tiềm năng theo kịp những Con Rồng Á Châu. Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) tăng
8.5 % trong năm 2007 đó là mức gia tăng cao nhất trong thập niên. Giới trung
lưu đô thị cũng đã gia tăng và thị trường bán lẻ cũng mở rộng. Ngân Hàng Thế Giới
(World Bank) đã mô tả đây là chiến dịch chống nghèo đói (xóa đói giảm nghèo)
thành công nhất. Việt Nam đã giảm con số nghèo đói từ ¾ dân số xuống còn 14%
năm 2007. Để thành công trong tham vọng trở thành một quốc gia kỹ nghệ vào năm
2020, Việt Nam còn phải làm nhiều hơn
nữa để phát triển hạ tầng cơ
sở vật chất lẫn nhân sự, bao gồm cả việc giải quyết những khiếm khuyết nghiêm
trọng trong hệ thống giáo dục.
Việt Nam
đang mau chóng hội nhập vào thế giới. Quốc gia này đang gia tăng ảnh hưởng trong Hiệp Hội Các Quốc Gia
Đông Nam Á (ASEAN), Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC),
tham gia vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) Tháng 1, 2007. Tháng Giêng năm
nay, Việt Nam gia nhập Hội Đồng Bảo An LHQ nhiệm kỳ hai năm. Chúng ta làm việc
chặt chẽ với Việt Nam trong Hội Đồng này và củng cố sự hợp tác với Việt Nam trong diễn đàn quốc tế
quan trọng này trong hai năm tới.
Xây dựng trên những hứa
hẹn từ Thỏa Hiệp Thương Mại Song Phương (BTA) 2001 (US-Vietnam Bilateral Trade
Agreement) chúng ta đã và đang tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế qua những gia
tăng lớn lao về thương mại và đầu tư.
Vào cuối năm 2006, Việt Nam đã được ban
cấp Quy Chế Thương Mại Thường Trực với Hoa Kỳ (Permanent Normal Trade Relations).
Rồi từ đó Việt Nam gia nhập WTO vào Tháng Giêng 2007 với lợi ích cho hai quốc
gia. Vào Tháng Sáu 2007, Hoa Kỳ và Việt Nam đã chung kết Thỏa Hiệp Chỉ Đạo Về
Thương Mại và Đầu Tư (TIFA- Trade and Investment Framework Agreement) để giúp
cho việc thi hành Quy Chế Thương Mại Bình Thường cũng như những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và cũng để xác nhận những
cơ hội mới để thúc đẩy những quan hệ về thương mại và đầu tư. Sự tiếp cận của
Việt Nam với WTO đã giúp thúc đẩy thương mại hai chiều là 12.5 tỉ trong năm
2007- tức gia tăng 29% so với năm 2006. Trong khi cán cân thương mại lệch về
phía Việt Nam, nhưng xuất cảng của Hoa Kỳ sang Việt Nam gia tăng 73% trong năm
2007, nhanh gấp ba lần số xuất cảng của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Như chủ tịch Triết
xác nhận trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào Tháng 6, Việt Nam hoan nghênh số đầu
từ hơn nữa từ Hoa Kỳ. Bộ Trưởng Thương Mại Gutirrez đã hướng dẫn giám đốc điều
hành của 22 công ty lớn của Hoa Kỳ tới Việt Nam vào Tháng 11, 2007 để thương thảo
và gia tăng xuất cảng.
Sự trợ giúp
của Hoa Kỳ cho Việt Nam để cải tổ kinh tế tập trung vào sự quản trị tốt và
trong sáng hầu làm dễ dàng cho mối liên hệ thương mại và đầu tư của chúng ta. Qua
những dự án viện trợ như Trợ Giúp Thúc Đẩy Thương Mại - Support for Trade
Acceleration (STAR), chúng ta giúp ý kiến và cố vấn cho hằng lọat các luật lệ mới
liên quan đến việc thi hành Thỏa Hiệp Thương Mại Song Phương (BTA) và những cam
kết khi vào WTO. Những nỗ lực này giúp chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam bằng
cách xúc tiến một mức độ cho lãnh vực tư nhân, bao gồm cả cả các công ty trong
nước và ngọai quốc. Cùng xu hướng đó, viện trợ Mỹ dành cho chương trình Việt
Nam Tự Lập Cạnh Tranh (Vietnam Competetiveness Initiative) thiết lập một chỉ số
xếp hạng mỗi tỉnh trong việc dễ dàng làm thương mại, dựa trên nhãn quan của
chính các công ty Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam đang xử dụng phương tiện này
để khích lệ sự trong sáng hơn và các biện pháp chống tham nhũng tại cấp địa
phương.
Kết quả là
các công ty tư nhân Việt Nam đã có ảnh hưởng mới trong việc họach định chính
sách kinh tế của nhà cầm quyền. Một vài nhà lãnh đạo Việt Nam đã bày tỏ quan tâm
tới vấn đề mở rộng hơn nữa chương trình quản trị kinh tế của chúng ta vào các
lãnh vực cải cách pháp lý và hành chánh.
Những vấn đề trong
khu vực và an ninh:
Về vấn đề của
khu vực và an ninh, sự hợp tác với Việt Nam của chúng ta mở rộng một cách vững
chắc. Trong ASIAN và APEC, sự can dự của chúng ta vào các vấn đề như tự do kinh
doanh và chống khủng bố tăng tiến cùng với đà mở rộng ảnh hưởng của Việt Nam. Tại
Hội Đồng Bảo An LHQ, chúng ta tìm kiếm sự hỗ trợ của họ trên tất cả các vấn đề
an ninh và hòa bình thế giới. Đầu tháng này, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận về một
nghị quyết mới của Hội Đồng Bảo An LHQ cấm vận Iran. Chúng ta hy vọng củng cố sự
hợp tác này suốt nhiệm kỳ của Việt Nam tại Hội Đồng. Đứng về phương diện song
phương, chúng ta giúp Việt Nam xây dựng khả năng gìn giữ hòa bình và khả năng
tìm-và- cứu cấp (seach –and –rescue) thông qua những chương trình Đào Tạo và Huấn
Luyện Quân Sự Quốc Tế và các chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ đang víếng thăm các hải
cảng Việt Nam. Tàu bệnh viện USNS Mercy dự định viếng Việt Nam vào mùa Hè năm
nay.
Chống bệnh Aid/Hiv và
cúm gia cầm:
Trong vài
năm vừa qua, sự hợp tác của chúng ta trên các vấn đề y tế nghiêm trọng như bệnh
Aid/Hiv và cúm gia cầm đã gia tăng một các nhanh chóng. Nhà cầm quyền Việt Nam
đã là người cộng tác nhiệt thành và cởi mở trong cả việc chống lại những de dọa
về y tế trên lãnh vực tòan cầu. Việt Nam đã hoan nghênh trợ giúp của Hoa Kỳ
trong việc chống lại bệnh cúm gia cầm và làm việc chặt chẽ với chúng ta trong
những lãnh vực này. Những đợt bộc phát cúm gia cầm đã khiến bốn người chết tại
Việt Nam năm nay. Chúng ta đứng thứ nhì trong số tặng dữ lớn nhất cho Việt Nam,
đã góp khỏang 23 triệu từ năm 2005, kể cả 10 triệu riêng tài khóa 2007. Sự trợ
giúp của chúng ta tập trung vào chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp, khả năng thí
nghiệm và ý thức của quần chúng. Chúng ta làm việc với Việt Nam để chuyển từ phản
ứng trong trường hợp khẩn cấp có hướng dẫn sang phương pháp quy họach kéo dài.
Việt Nam cũng nằm trong 15 quốc gia được Kế Họach Khẩn Cấp Cứu Trợ Bệnh AIDS của
Tổng Thống lưu tâm và trợ giúp cho bệnh AIDS đã chiếm một phần rất lớn trong trợ
giúp của chúng ta cho Việt Nam. Chỉ trong tài khóa 2007 không thôi, chúng ta đã
chi 66 triệu cho việc phòng ngừa, chăm sóc và chữa trị bệnh AIDS.
Vấn Đề Nhân Quyền:
Sự hội nhập
kinh tế và văn hóa vào thế giới của Việt Nam đã giúp mở cửa xã hội và nới rộng
tự do. Công dân Việt Nam ngày nay có tự do hơn trong đời sống, làm việc, thờ
phượng và hưởng sự cải thiện đáng kể trong mức sống.
Tuy nhiên trong lãnh vực
chính trị và tự do của công dân, vẫn còn tồn tại nhiều khiếm khuyết. Người dân
không có quyền tự do chọn lựa người lãnh đạo, họ bị bắt giữ khi phát biểu nguyện
vọng của họ trong ôn hòa. Nhà cầm quyền tiếp tục duy trì hạn chế gắt gao về tự
do báo chí, tự do ngôn luận, hội họp và nội dung trao đổi trên hệ thống liên mạng
tòan cầu. Vào đầu năm 2007, nhà cầm quyền đã tung chiến dịch đàn áp các nhà đối
kháng, bắt giữ và bỏ tù nhiều cá nhân có liên hệ tới Khối 8406 và các nhóm đấu
tranh cho dân chủ khác. Một số vẫn còn đang bị giam giữ.Vào Tháng 11, 2007 nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ một
nhóm gồm các nhà đấu tranh dân chủ trong đó có hai công dân Hoa Kỳ. Do áp lực từ
chính phủ lẫn quốc hội và từ rất nhiều cơ quan khác trong cộng đồng thế giới, một
vài người đã được thả tự do trong đó có một công dân Hoa Kỳ. Một công dân Hoa Kỳ
khác là BS Nguyễn Quốc Quân vẫn còn bị giam giữ tại Thành Phố HCM. Trong số những
nhà đối kháng có tên tuổi còn bị giam giữ có LM Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài
và Lê Thị Công Nhân. Trong chuyến viếng thăm Hà Nội tháng qua, tôi đã nêu những
trường hợp này với các giới chức cao cấp Việt Nam và nhấn mạnh rằng chúng ta phản
đối bất kỳ sự bắt giam những cá nhân đã phát biểu quan điểm của họ trong ôn hòa
và cũng nói rõ rằng tất cả những ai bị bắt giữ như thế đều phải được trả tự do
ngay lập tức.
Bên cạnh những
thóai bộ như vậy, đã có một vài tiến bộ trong hai năm vừa qua, đó là: Sự tái
đàm phán về những vấn đề nhân quyền, việc trả tự do cho một vài tù nhân mà
chúng ta quan tâm (prisoners of concern), cộng đồng quốc tế thăm viếng dễ dàng
hơn vùng Tây Nguyên, các trại giam để thẩm lượng và sự thu hồi Nghị Định 31CP –
một nghị định cho phép nhà cầm quyền vượt qua giới hạn luật pháp. Những giới chức
thăm viếng từ Việt Nam, chẳng hạn như những giới chức cao cấp vùng Tây Nguyên
thăm viếng Hoa Thịnh Đốn tháng này đã chú ý hơn đến việc gặp gỡ các cơ quan phi
chính phủ (NGO), các nhóm người Mỹ gốc Việt và các thành viên của Quốc Hội để
thảo luận về vấn đề nhân quyền. Chúng ta mạnh mẽ khích lệ hình thái làm việc
chung này. Việt Nam cũng đã tiến hành một vài biện pháp can đảm để chống tham
nhũng. Tuần qua, một viên chức cao cấp của Đảng CSVN tại Tỉnh Cần Thơ – Miền
Nam Việt Nam đã bị khiển trách và cất chức vì tham nhũng trong việc mua bán đất.
Cuộc Đối Thọai
Nhân Quyền Hằng Năm của chúng ta đã tạo một thông mạch quan trọng để nêu những
quan tâm của chúng ta về vấn đề nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam. Chúng ta
đã tổ chức cuộc Đối Thọai lần thứ hai sau khi tái tục vào Tháng Tư, 2007 và lần
thứ ba dự định tại Hà Nội vào Tháng Năm. Đây là cuộc đối thọai thẳng thắn để
chúng ta có thể đưa ra mọi quan tâm một cách không khoan nhượng (không nương
tay). Nhà cầm quyền Việt Nam trân trọng điều này nhưng cải tiến rất ít. Họ phải
làm nhiều hơn nữa. Chúng ta đã nhấn mạnh rằng cuộc Đối Thọai phải tập trung vào
hành động cụ thể của nhà cầm quyền để cải thiện nhân quyền và phải có kết quả
rõ ràng. Điều mà chúng ta muốn nhắn gửi tới nhà cầm quyền Việt Nam là
Hoa Kỳ quan tâm tới vấn đề này không phải để làm mất ổn định chính quyền của họ
mà vì chúng ta tôn trọng những giá trị phổ quát về nhân quyền và nhân phẩm con
người. Chúng ta cũng nói rõ cho nhà cầm quyền Việt Nam biết cải tiến nhân quyền
phục vụ quyền lợi của họ và làm cho đất nước mạnh hơn. Đây là những bước mà
chúng ta muốn Việt Nam phải làm ngay, chẳng hạn như chấm dứt việc xử dụng những
điều khỏan rất mơ hồ “vi phạm anh ninh quốc gia” như Điều 88 của Bộ Hình Luật
nhằm đặt ra ngòai vòng pháp luật “các hành động tuyên truyền chống lại nhà nước”,
và thả ngay tất cả tù chính trị hiện đang bị giam giữ.
Vấn Đề Tự Do Tôn Giáo:
Tương phản
với những tiến bộ chậm trễ trong lãnh vực tự do về mặt chính trị, quyền tự do
tôn giáo ở Việt Nam đang mở rộng một cách đáng kể. Từ 2004 tới 2006, Bộ Ngọai
Giao đã liệt Việt Nam vào danh sách “Các Quốc Gia Cần Phải Theo Dõi” (CPC-
Country of Particular Concern) vì những vi phạm tôn giáo ở đây. Trong thời gian
này, nhiều cộng đồng tôn giáo bị sách nhiều, buộc phải giải thể và đất nước ghi
nhận có 45 tù nhân tôn giáo. Nhà cầm quyền chính thức hỗ trợ cho một chính sách
hà khắc, đặc biệt tại các vùng gọi là “nhạy cảm”. Vào Tháng 11, 2006 Việt Nam
đã nói lên vấn nạn này và đây là sự vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo
quy định trong Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Thế Giới 1998.
Nhà cầm quyền
Việt Nam dứt khóat thay đổi nhiều mặt trong chính sách trứơc đây đã hạn chế tự
do tôn giáo và đưa ra đạo luật mới về tôn giáo trong đó cấm cưỡng bách giải thể,
tôn trọng tự do thờ phượng của cá nhân và cho phép đăng bộ (đăng ký) hằng ngàn
Giáo Đòan Protestant. Nhà cầm quyền đã thả những người mà Hoa Kỳ coi họ là những
tù nhân cần quan tâm, hòan tòan vì tín ngưỡng. Họ chấp nhận mọi tin tức hoặc
nghi ngờ liên quan đến việc thi hành các luật lệ này. Chúng ta đã theo dõi việc
thi hành việc mở rộng quyền tự do tôn giáo một cách cẩn trọng- và được phép tiếp
cận để làm công việc theo dõi. Chúng ta cũng phác giác một vài trường hợp trong
đó nhà cầm quyền địa phương đã không tuân thủ luật mới. Khi chuyện đó xảy ra,
chúng ta báo cho chính quyền trung ương biết, hoặc theo dõi nỗ lực của các nhóm
đấu tranh cho tự do tôn giáo để bảo đảm quy dịnh mới được thi hành.
Trong thời
gian ở Hà Nội, tôi đã gặp gỡ các giới chức của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo và Giáo
Hội Truyền Giáo Phúc Âm (Miền Bắc), họ đều xác nhận đã có nhiều cải tiến đáng kể,
tuy nhiên họ quan ngại về những vụ tranh chấp đất đai, sự chậm chạp trong tiến
trình đăng bộ. Vào Tháng 2, đông đảo giáo dân Hà Nội đã tụ họp cầu nguyện đòi hỏi
nhà cầm quyền trả lại Tòa Khâm Sứ. Trước khi cuộc va chạm lên tới cực điểm, Tòa
Giám Mục Hà Nội và nhà cầm quyền đã đồng ý giải quyết bằng con đường thương thảo.
Các nhà lãnh đạo mà tôi gặp gỡ đã yêu cầu nhà cầm quyền cho phép giáo hội được
quyền rộng rãi hơn trong các lãnh vực từ thiện và dịch vụ xã hội- như giúp đỡ
người nghèo, giáo dục, y tế và cứu trợ thiên tai.
Kể từ khi
danh sách Các Quốc Gia Cần Phải Theo Dõi (CPC) được tháo gỡ, nhà cầm quyền Việt
Nam đã ban hành bảy cấp đăng bộ cho các giáo đòan, đã tổ chức 3000 khóa huấn
luyện và 10,000 khóa hội thảo cho các viên chức tòan quốc hiểu rõ việc thi hành
luật lệ mới về tôn giáo. Những mối liên hệ với Vatican cũng đã cải thiện. Cuộc
gặp gỡ giữa Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giáo Hòang Benedict XVI đã đưa tới việc
thành lập Nhóm Công Tác Chung vào Tháng 10 năm ngóai để tiến hành việc thiết lập
quan hệ ngọai giao.
Việt Nam có
thể và cần phải làm nhiều hơn nữa để tiến tới tự do tôn giáo. Chúng ta mong nhà
cầm quyền Việt Nam thúc đẩy nhanh tiến trình đăng bộ cho các giáo đòan và tăng
cường huấn luyện cho các giới chức địa phương về luật lệ mới. Tuy nhiên Việt
Nam không phải là nước vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng. Những nhà lãnh đạo
của nhiều tôn tôn giáo chính trong nước xác nhận điều này. Điều quan trọng là
chúng ta tiếp tục theo dõi tình hình. Và điều quan trọng nữa là chúng ta mong nhận
thấy những tiến bộ và khích lệ những điều tốt nên tiếp tục.
Vấn Đề Nhận Con Nuôi
( Chúng tôi không dịch vì thấy không quan trọng)
Vấn Đề Giáo Dục:
Một dấu hiệu nữa cho thấy
mối liên hệ song phưong gia tăng là những liên hệ về giáo dục của chúng ta với
Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng. Các nhà lãnh đạo trẻ Việt Nam rất ưa thích học
hỏi về xã hội và những giá trị của Hoa Kỳ; trợ giúp để họ có dịp chia xẻ những
gì chúng ta đã trải qua là cuộc đầu tư
dài hạn và tối cần thiết của chúng ta. Học bổng Fulbright cho Việt Nam là một
trong chương trình lớn nhất cho Việt Nam ở Á Châu. Chúng ta đang tiến hành để mở
rộng hơn nữa với sự giúp đỡ của các công ty. Chương Trình Huấn Luyện Kinh Tế Của
Học Bổng Fulbright Liên Kết Với Đại Học Havard (Harvard –affiliated Fulbright
Economics Training Program) tại Thành Phố HCM thành công rất lớn, đã cung cấp cho hằng ngàn giới chức
trung cấp Việt Nam những hiểu biết cần thiết về chính sách đối với công chúng để
giữ đất nước đi vào đường hướng kinh tế thị trường. Hội Giáo Dục Việt Nam
(Vietnam Education Foundation) đang giúp các sinh viên Việt Nam về khoa học và
kỹ thuật tại các đại học tại Hoa Kỳ. Những giới chức lãnh đạo cao cấp của Việt
Nam mong muốn Peace Corp đến Việt Nam, và Peace Corp cũng đã thảo luận với nhà
cầm quyền Việt Nam về khả năng thiết lập chương trình cho một quốc gia. Chúng
ta mong những cuộc thảo luận như vậy được tiếp diễn.
Di Sản Chiến Tranh:
Sau hết, điều
cần ghi nhận rằng chúng ta tiếp tục làm việc chặt chẽ với Việt Nam trong những
vấn đề liên quan đến di sản của chiến tranh. Việc tìm kiếm đầy đủ các quân nhân
Hoa Kỳ mất tích tại Việt Nam vẫn là vẫn là một thành tố quan trọng của mối liên
hệ song phương. Từ năm 1973 chúng ta đã có thể hồi hương và ghi nhận 883 hài cốt
của lính Mỹ, 627 quân nhân mất tích ở Việt Nam. Chúng ta tiếp tục nhận được sự
hợp tác tốt đẹp từ nhà cầm quyền Việt Nam trong việc kiểm kê số mất tích, nhưng
chúng ta đòi hỏi thêm về hồ sơ liên quan đến lực lượng của họ ở Lào và Cambodia
là nơi mà nhìêu trường hợp chưa có giải đáp. Cuối năm nay, chúng ta sẽ họp với
các giới chức Việt Nam để đánh giá 20 năm hợp tác trong lãnh vực này và tìm ra
phương thức tìm kiếm tốt hơn.
Hoa Kỳ là
quốc gia viện trợ nhân đạo nhiều nhất cho Việt Nam qua chương trình mine-action
program, cung cấp 40 triệu từ năm 1993. Ngòai ra, chúng ta đã cung cấp 43 triệu
trợ cấp năm 1989 qua Ngân Khỏan Leahy War Victims Fund để giúp cho tất cả người
tàn phế tại Việt Nam. Sự trợ giúp từ Quốc Hội đã giúp thảo gỡ một vấn đề rất tế
nhị: đó là vấn đề thuốc khai quang nhiễm chất dioxin. Từ năm 2002, chúng ta đã
cung cấp 2 triệu để Việt Nam có khả năng giải quyết những môi trường bị nhiễm
chất dioxin, và hiện nay chúng ta dự định một chương trình cung cấp 3 triệu do
ngân khỏan riêng của Quốc Hội để làm sạch môi trường và trị liệu. Sự can dự của
Hoa Kỳ đã thúc đẩy thêm những nguồn trợ giúp khác như Ford Foundation, UNDP và
Czech Republic cùng nhau hợp tác để cùng nói lên quan tâm về tác dụng của chất
dioxin. Trong khi Hoa Kỳ và Việt Nam có thể có điểm bất đồng trên vấn đề tế nhị
này, song chúng ta đã đạt tới thỏa thuận với Việt Nam là giúp đỡ cho tất cả những
người tàn phế bất kể đó là ai, và trình bày vấn đề trong tinh thần hợp tác,
không cường điệu.
Thưa bà chủ tịch, trước khi dứt lời, tôi muốn nhấn mạnh đến
vai trò trọng yếu của Quốc Hội trong việc giúp đỡ đẩy nhanh tiến trình bang
giao giữa hai nước trong những năm vừa qua.Với sự trợ giúp của Quốc Hội, chúng
ta tái lập bang giao với Việt Nam và biến họ thành đối tác thương mại bình thường
và thừơng trực. Khi mối liên hệ với Việt Nam ngày càng cải tiến, Quốc Hội cũng
đã cũng đã tăng cường nỗ lực để mở rộng sự can dự này và cũng bảo đảm rằng nhân
quyền và tự do tôn giáo vẫn là những ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ song
phương.
Mười ba năm
qua, mối liên hệ của chúng ta với Việt Nam đã chuyển hóa từ đối đầu sang hợp tác.
Đất nước này đã thay đổi lớn lao trong thời gian qua, và đời sống của đại đa số
nhân dân đã cải tiến có thể thấy rõ. Những khó khăn vẫn còn tồn tại, đặc biệt
trong lãnh vực nhân quyền và dân chủ, và chúng ta phải thẳng thắn nói ra điều
này. Vì quyền lợi của đất nước Hoa Kỳ, chúng ta tiếp tục cùng với họ như một
người hợp tác để chuyển hóa Việt Nam, và khi cần thiết vẫn có những chỉ trích
xây dựng.
Xin cám ơn
quý vị đã cho tôi cơ hội phát biểu ngày hôm nay. Tôi sãn sàng chờ đón những câu
hỏi từ quý vị.
Tài liệu: Bộ Ngọai Giao
Hoa Kỳ (Website)
Người dịch: Đào Văn Bình
(2008)
No comments:
Post a Comment