Tuesday, 14 April 2015

Mỹ bày tỏ lo ngại Nga có thể bán vũ khí tối tân cho Iran

Mỹ bày tỏ lo ngại Nga có thể bán vũ khí tối tân cho Iran

Hệ thống phòng không tinh vi S-300 của Nga được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS ở Zhukovsky, bên ngoài Moscow, Nga, 27/8/2013.
Hệ thống phòng không tinh vi S-300 của Nga được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS ở Zhukovsky, bên ngoài Moscow, Nga, 27/8/2013.

14.04.2015
Chính quyền Obama hôm thứ Hai bày tỏ lo ngại về thương vụ khả dĩ mà trong đó Nga bán hệ thống phòng không tinh vi S-300 cho Iran, sau khi Tổng thống Vladimir Putin dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp những hệ thống phi đạn đất đối không tiên tiến cho nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết chính quyền Mỹ trước đó đã bày tỏ sự phản đối của mình đối với việc Nga có thể bán những hệ thống S-300 cho Iran, và rằng Ngoại trưởng John Kerry "đã có cơ hội để nêu lên mối lo ngại một lần nữa trong một cuộc trò chuyện gần đây" với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov.
Ông Earnest cho biết Nga hiểu Mỹ nghiêm túc về sự an toàn và an ninh của các đồng minh của mình trong khu vực.
Sáng ngày thứ Hai, website của điện Kremlin cho biết ông Putin đã ký một sắc lệnh dỡ bỏ một lệnh cấm cung cấp hệ thống S-300 cho Iran.
Moscow đã ký một hợp đồng trị giá 800 triệu đôla vào năm 2007 để cung cấp cho Tehran năm hệ thống S-300. Tuy nhiên ba năm sau Nga đình chỉ hợp đồng này sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf hôm thứ Hai nói rằng việc chuyển giao những hệ thống S-300 cho Iran không vi phạm lệnh trừng phạt hiện thời của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng Mỹ tin rằng "đây không phải là lúc" thích hợp cho thương vụ này vì tình hình bất ổn trong khu vực. Bà cũng nói rằng Mỹ không nghĩ rằng việc chuyển giao đó sẽ ảnh hưởng đến sự đoàn kết của sáu cường quốc đang đàm phán với Iran.
Giải thích về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống S-300 cho Iran, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng vì có sự tiến bộ đạt được giữa Iran và nhóm sáu cường quốc thế giới P5+1 hồi gần đây trong các cuộc đàm phán hạt nhân, nên lý do cho lệnh cấm vận quốc tế về cung cấp hệ thống S-300 cho Tehran, và lệnh cấm của Nga, đã "hoàn toàn biến mất."
Ông Lavrov nói thêm rằng hệ thống S-300 "chỉ có tính phòng thủ, không được chuyển đổi cho mục đích tấn công và và sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh của bất kỳ nước nào trong khu vực, tất nhiên có cả Israel."
Trong khi đó, Bộ trưởng Tình báo Israel Yuval Steinitz hôm thứ Hai nói rằng việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống S-300 cho Iran là "kết quả trực tiếp" của "sự hợp pháp" mà Iran đang nhận được từ thỏa thuận khung hạt nhân, và là bằng chứng Iran sẽ lợi dụng việc dỡ bỏ chế tài để vũ trang chính mình hơn là cải thiện điều kiện sống của người dân.

mediaAnh chụp khu vực đảo Đá Vành Khăn nằm cách bờ tây Philippines 216 km (135 miles)REUTERS/CSIS's Asia Maritime Transparency Initiative/Digital Glo
Philippines hôm nay 13/04/2015 tố cáo, Trung Quốc đã gây thiệt hại lớn lao cho môi trường tại Biển Đông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các đảo đá ngầm đang tranh chấp, tiêu hủy các rạn san hô có diện tích rộng gấp ba lần Vatican.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose tuyên bố : « Việc xây dựng của Bắc Kinh đã phá hủy các đảo san hô có diện tích khoảng 300 mẫu Anh, gần gấp ba Thành Vatican, gây thiệt hại kinh tế hàng năm đối với các quốc gia ven biển ước tính khoảng 100 triệu đô la. Các hoạt động quy mô của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền đã gây ra các thiệt hại to lớn không thể phục hồi được cho đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tại Biển Đông ».
Ông Charles Jose còn tố cáo Bắc Kinh dung dưỡng các hành động xâm hại môi trường của các ngư dân Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, vùng biển phong phú hải sản mà Trung Quốc giành được quyền kiểm soát từ tay Manila từ năm 2012.
Các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Hoa Kỳ công bố tuần qua cho thấy một đoàn tàu Trung Quốc nạo vét cát từ Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines và Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, tốc độ xây dựng chóng mặt của Trung Quốc nhằm đe dọa các quốc gia nhỏ hơn trong việc đòi hỏi chủ quyền.
Ông Jose cũng cảnh báo việc người đồng nhiệm Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, tuần trước đã tuyên bố việc cải tạo các đảo nhỏ có thể phục vụ cho nhu cầu quân sự của Bắc Kinh. Ông nói : « Các tuyên bố như thế của Trung Quốc chỉ làm tăng bóng ma chạy đua vũ trang, đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực ».
Philippines tiếp tục khẳng định việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, trên cơ sở đường lưỡi bò 9 đoạn, là bất hợp pháp. Ông Charles Jose nói thêm : « Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động bồi đắp, ý thức được trách nhiệm của mình trong vai một quốc gia đang tranh chấp và là một thành viên quan trọng của cộng đồng quốc tế ».
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 9/4 đã chỉ trích Trung Quốc sử dụng « tầm vóc to lớn và cơ bắp » để chèn ép trong việc đòi hỏi chủ quyền. Khi viếng thăm Philippines năm ngoái, ông Obama từng tuyên bố Hoa Kỳ « cam kết mạnh mẽ » bảo vệ quốc gia đồng minh này.

mediaTàu ngầm Trung Quốc tại căn cứ Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông 23/04/2009.Trung Quốc chi phí quân sự 2014 ước tính lên đến 216 tỉ đô la, tăng 9,7%REUTERS/Guang Niu/Pool/Files
Chi tiêu quân sự đã tăng vọt tại Trung Quốc và Nga, cũng như tại Đông Âu do cuộc khủng hoảng Ukraina, theo thống kê do Viện nghiên cứu quốc tế về hòa bình (SIPRI) ở Stockholm công bố hôm nay 13/04/2015.
Hoa Kỳ vẫn là nước chi cho quốc phòng nhiều nhất, nhưng thực ra chi phí quân sự của Mỹ năm 2014 đã giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với 610 tỉ đô la. Số tiền này vẫn còn cao hơn 45% so với thời kỳ trước sự kiện ngày 11 tháng Chín năm 2001.
Trung Quốc đứng hạng nhì với chi phí quân sự ước tính lên đến 216 tỉ đô la, tăng 9,7%. Với tổng chi 84,5 tỉ đô la, Nga đứng thứ ba trong bảng xếp hạng. Chi quân sự của Nga tăng 8,1% trong năm 2014 do hiện đại hóa quân đội. Theo dự kiến ngân sách 2015, chi quốc phòng sẽ tiếp tục tăng 15%, nhưng do tình hình kinh tế ủ ê, tỉ lệ này có thể bị giảm xuống.
Cuộc xung đột ở Ukraina đã khiến cho nhiều quốc gia Trung Âu, các nước vùng Baltic và Bắc Âu phải xem xét lại chính sách quốc phòng của mình.
Sam Perlo-Freeman, một chuyên gia của SIPRI nhận xét : « Cuộc khủng hoảng Ukraina đã làm thay đổi sâu sắc tình hình an ninh tại châu Âu, nhưng cho đến nay ảnh hưởng về phương diện chi tiêu quân sự chủ yếu chỉ thấy rõ ở các nước giáp giới với Nga ».
Tại Ukraina, chi phí quân sự tăng đến 23% trong năm 2014, với tổng chi 4 tỉ đô la và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm 2015. Còn Ba Lan đã tăng 13% ngân sách quốc phòng trong năm 2014, lại dự kiến tăng 38% trong năm 2015 - vượt mục tiêu do NATO ấn định cho các nước thành viên là không quá 2% tổng sản phẩm nội địa.
Trong khi đó nhìn chung trên thế giới, chi tiêu quân sự đã sụt giảm ba năm liên tiếp. Tổng chi năm 2014 mà 1.776 tỉ đô la, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo của SIPRI ghi nhận : « Trong những năm gần đây, chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ và Tây Âu giảm xuống, nhưng lại tăng ở phần còn lại trên thế giới. Tình trạng này vẫn duy trì trong năm 2014, cho dù chi quân sự của châu Mỹ latinh không thay đổi ».
Tại châu Phi, chi tiêu quân sự tăng 5,9%, còn tại châu Á- Thái Bình Dương tăng 5%. Các nước trong khu vực này buộc lòng phải tăng chi phí quốc phòng để đối phó với Trung Quốc, vốn từ mười mấy năm qua đều dành ngân sách rất lớn, từ 2 đến 2,2% tổng sản phẩm nội địa cho chi tiêu quân sự.

Chuyên gia Nga: Moscova muốn VN trở thành cửa ngõ của Nga vào ASEAN

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (trái) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác trong chuyến đến thăm Việt Nam của ông Medvedev, 6/4/15
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (trái) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác trong chuyến đến thăm Việt Nam của ông Medvedev, 6/4/15
  • 13.04.2015
Nga đang tìm cách củng cố hơn nữa các quan hệ sẵn có với Việt Nam, và coi Hà Nội là một trong các đối tác chiến lược chủ yếu của Moscova tại Đông Nam Á.
Đó là tựa đề một bài viết đăng trên tờ báo Nga Russia Beyond the Headlines, số ra hôm nay. Tác giả bài báo cho rằng trong bối cảnh các cường quốc thế giới đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Moscova cũng tìm cách củng cố chỗ đứng đã có tại Việt Nam để mở ra một cánh cửa vào các nước ASEAN. Muốn thực hiện kế hoạch của mình, Nga đang đẩy mạnh các quan hệ thương mại với Hà nội, lên tới 10 tỉ đôla trong 5 năm tới, chủ yếu qua các dự án phát triển hợp tác trong các lĩnh vực: hạt nhân, năng lượng và công nghệ quân sự.
Tác giả bài báo là Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Ban Lịch sử Viễn Đông thuộc Đại Học St. Petersburg. Ông nói một cuộc cạnh tranh ráo riết đã bùng nổ mới đây để tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam, trong bối cảnh các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, trở nên gay gắt hơn giữa Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Philippines.
Giáo sư Kolotov cho rằng nước năng động nhất trong vùng là Trung Quốc, với các hoạt động xây đảo nhân tạo trong Biển Đông nhằm xây các cấu trúc hạ tầng quân sự. Sự leo thang của các cuộc tranh chấp trong vùng biển này đã khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ khí mà Giáo sư Kolotov mô tả là gay gắt chưa từng thấy trước đây trong khu vực.
Giáo sư Kolotov nói người Mỹ đã lợi dụng tình hình để tìm cách khôi phục ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, thể hiện qua việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ, đẩy mạnh các cuộc thương thuyết để hình thành Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhằm đối trọng với các thoả thuận thương mại do Trung Quốc dẫn đầu trong cùng khu vực.
Nga, tuy không trực tiếp liên hệ tới các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nhưng vấn đề này vẫn là một quan tâm của Moscova. Giáo sư Kolotov cho rằng một sự thay đổi trong cán cân quyền lực trong khu vực, chẳng hạn như sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam, có thể đe dọa vị thế của Moscova trên thị trường năng lượng, cũng như thị trường vũ khí cho Việt Nam.
Giáo sư Kolotov nói Liên Bang Nga ủng hộ một giải pháp ôn hoà để giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Bài báo dẫn lời các nhà ngoại giao Việt Nam nói họ hy vọng rằng Nga sẽ góp phần để tìm một giải pháp cho vấn đề Biển Đông, bởi vì họ tin là Nga có quan hệ tốt với Trung Quốc và Bắc Kinh thường lắng nghe các quan điềm từ Moscova.
Mặt khác, khi củng cố quan hệ với Việt Nam, Nga cũng phục vụ các lợi ích của chính mình. Giáo sư Kolotov nói trong tình hình hiện tại, điều quan trọng là Nga phải phát triển các quan hệ hữu hảo với nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, hầu có thể giảm thiểu mức thiệt hại do các biện pháp chế tài mà các nước Tây phương áp đặt đối với Moscova, vì vai trò của Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Giáo sư trường Đại học St. Petersburg này nói rằng trong thời gian qua, trong khi nhiều nước trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương trỗi dậy và trở thành các nền kinh tế năng động hàng đầu thế giới, thì nước Nga vẫn ngủ yên, và giờ đây phải gấp rút đuổi theo mới có thể bắt kịp các quốc gia khác trong cuộc chạy đua để tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.
Ông cho rằng chuyến công du chính thức của Thủ Tướng Dimitry Medvedev của Nga tới Việt Nam mới đây cũng nhắm vào mục tiêu đó.
Tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ với Việt Nam, theo Giáo sư Kolotov, được thể hiện qua sắc lệnh của Tổng Thống Nga Vladimir Putin “về những biện pháp để thi hành chính sách đối ngoại của Liên Bang Nga”, trong đó Việt Nam được xếp ngay sau Trung Quốc và Ấn Độ, và như thế kể như được Moscova coi là một trong các đối tác chiến lược hàng đầu của Nga tại Đông Nam Á.
Cùng lúc, Hoa Kỳ cũng muốn tăng cường các quan hệ với Việt Nam, qua chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tới Á Châu. Ông Carter vừa kết thúc chuyến công du này mà các nhà phân tích cho là chủ yếu để gặp gỡ và thắt chặt tình thân hữu với các đồng minh của Mỹ. 
Về vị thế của Hoa Kỳ, sau khi phỏng vấn Bộ trưởng Carter hôm Chủ nhật vừa rồi, thông tín viên Carla Babb của Đài VOA có nhận định rằng theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington muốn đánh đi một thông điệp rõ rệt tới khu vực, đó là Hoa Kỳ muốn tái cân bằng lực lượng sang Châu Á, rằng Hoa Kỳ là một thành viên thuộc khu vực Á Châu-Thái Bình Dương và trong cương vị đó, muốn tiếp tục củng cố vai trò của mình, với mục đích duy trì ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Nguồn: Russia Beyond the Headlines‎, Carla Babb- VOA Interview


 


__._,_.___

Posted by: ly vanxuan 

No comments:

Post a Comment