Hải quân Mỹ: Trung Quốc
đang gia tăng nhanh chóng đội tàu hải cảnh
Tàu hải cảnh Trung Quốc
số hiệu 2506 trong khu vực cách đảo Senkaku hay Điếu Ngư ở biển Hoa Đông 66km.
(Ảnh: AP/Lực lượng Tuần duyên Khu vực 11 Nhật Bản)
VOA - 11.04.2015
Một báo cáo mới của Hải quân Mỹ cho biết Trung Quốc đã tăng 25 phần
trăm số lượng tàu hải cảnh của mình trong ba năm qua. Đây là những loại tàu mà
lực lượng Cảnh sát Biển của Trung Quốc thường sử dụng cho hầu hết những cuộc tuần
tra ở Biển Đông.
Trung Quốc hiện có đội tàu Cảnh sát Biển lớn nhất thế giới, nhiều
hơn tàu của các nước láng giềng Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và
Philippines cộng lại, theo bản báo cáo.
Báo cáo cho biết trong năm 2014, Trung Quốc bắt đầu đóng, hạ thủy
hoặc đưa vào hoạt động hơn 60 tàu, và một số lượng tàu tương tự đã được hoạch
định trong năm 2015. "Trong năm 2013 và 2014, Trung Quốc hạ thủy tàu hải
quân nhiều hơn bất kỳ nước nào khác và dự kiến tiếp tục xu hướng này suốt những
năm 2015-16," báo cáo nói.
Báo cáo lưu ý rằng mặc dù nền kinh tế đang chậm lại, Trung Quốc
vẫn tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự ở mức hai chữ số. Hồi tháng Ba, Trung
Quốc loan báo ngân sách quốc phòng là 141,5 tỉ đôla, tăng 10%.
Để phù hợp với mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình là biến Trung
Quốc thành một cường quốc hải quân lớn, Trung Quốc sẽ có một lực lượng hải quân
mạnh hơn với tầm hoạt động xa hơn trong thập niên tới với nhiều tàu sân bay
(Trung Quốc hiện chỉ mới có một chiếc), tàu ngầm phi đạn đạn đạo, và có thể một
tàu đổ bộ boong lớn. Tại thời điểm này, báo cáo cho biết Hải quân Trung Quốc
được xây dựng quanh những tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu ngầm thông thường.
Báo cáo của Hải quân Mỹ cũng xác nhận những tin tức gần đây mà
truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tải, cho biết Trung Quốc đã triển khai
những phi đạn YJ-18 thuộc thế hệ những phi đạn hành trình siêu thanh chống tàu
mới. Giới chuyên gia quân sự nhận định đây có thể là thách thức chưa từng có
đối với những hệ thống phòng không của các tàu Mỹ và đồng minh.
Nguồn: oni.navy.mil, New York Times
Bộ trưởng Hải quân Mỹ
thăm Đà Nẵng
Bộ trưởng Hải quân Mỹ cũng nhấn mạnh đến cơ hội để hải quân hai
nước thực hành Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển.
·
VOA - 10.04.2015
Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Ray Mabus ngày 9/4 tới Đà Nẵng trong
chuyến thăm các thủy thủ đang tham gia đợt Hoạt động Giao lưu Hải quân thường
niên Việt-Mỹ lần thứ 6.
Thông cáo báo chí của sứ quán Hoa Kỳ dẫn lời Bộ trưởng Mabus phát
biểu trước các thủy thủ của tàu tác chiến gần bờ USS Fort Worth và tàu khu trục
có tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald đề cao tầm quan trọng của hoạt động trao
đổi giữa hải quân hai nước cựu thù nhằm tăng cường hợp tác trên biển.
Ông Mabus nói ‘Chính nhờ các hoạt động giao lưu trực tiếp mà chúng
ta có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Việt Nam.’
Bộ trưởng Hải quân Mỹ cũng nhấn mạnh đến cơ hội để hải quân hai
nước thực hành Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên
biển vào cuối tuần này, giúp xây dựng lòng tin và đảm bảo liên lạc an toàn khi
tàu của đôi bên gặp nhau trên biển.
Buổi huấn luyện chung về Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm
trán ngoài ý muốn trên biển là hoạt động kết thúc chuyến thăm hữu nghị Đà Nẵng
của hai tàu chiến Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 6 đến 10/4.
Phát biểu nhân sự kiện này, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius,
cho biết ông tự hào về những tiến bộ đạt được trong mối quan hệ giữa hải quân
hai nước kể từ chuyến thăm Thiện chí và Hữu nghị đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ
tới Việt Nam vào năm 2003.
Hoạt động Giao lưu Hải quân giữa Hoa Kỳ với Việt Nam bắt đầu từ
năm 2010, tập trung vào các lĩnh vực phi tác chiến và các hoạt động trao đổi kỹ
năng về quân y, tìm kiếm và cứu nạn, an ninh hàng hải.
Nội dung trao đổi chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức về biển, kiểm
soát thiệt hại trên tàu, giải cứu tàu ngầm, tổ chức các buổi hòa nhạc, các hoạt
động phục vụ cộng đồng và các hoạt động giao lưu thể thao.
Đợt giao lưu năm nay diễn ra giữa bối cảnh hai nước kỷ niệm 20 năm
bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày kết thúc cuộc chiến tranh
Việt Nam 30/4/1975.
Theo US Embassy PR
__._,_.___
No comments:
Post a Comment