Sunday 15 March 2015

'Âm mưu mới nhất của TQ trên Biển Đông'

 

'Âm mưu mới nhất của TQ trên Biển Đông'

Đại tá Bùi Văn BồngGửi cho BBC từ Cần Thơ
·         14 tháng 3 2015
Hải quân Trung QuốcHải Quân Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh và hiện diện ở khu vực.
Từ chỗ tự vẽ ra “Đường lưỡi bò”, rồi liên tiếp gây ra tranh chấp các vùng biển có mỏ dầu của các nước láng giềng trên biển Đông, lấy cớ đó kêu gọi các nước “Gác tranh chấp cùng khai thác” trong chiến thuật “Ba bước lấn tới”, mới đây Trung Quốc tuyên bố thẳng thừng: “Biển Đông là sân nhà của Trung Quốc”.

Quả thật, với tiền đề 'chủ quyền của ta', Trung Quốc (TQ) chủ động khai thác và tự chủ khai thác hoàn toàn không bài xích hợp tác khai thác hoặc cùng khai thác với các nước khác. Đặc biệt là khu vực giàu dầu khí ở phía giữa và nam Biển Đông, chỉ có hợp tác mới có thể ép đối thủ đến trước bàn đàm phán, cuối cùng thực hiện cùng khai thác” – thủ đoạn đang làm hiện nay của Trung Quốc.

Đối với những khu vực có tranh chấp lớn (thực tế là TQ cố tình tạp ra tranh chấp để đòi hỏi lợi ích vô lý), độ nhạy cảm cao, có thể có ý thức liên kết với các công ty dầu khí nước ngoài hợp tác khai thác.

Ai cũng nhớ rõ: Tháng 5-2014, Trung Quốc cho giàn khoan 981 xâm phạm vùng lãnh hải gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lúc đó, đã có nhiều thông tin cảnh báo rằng: Việt Nam phải xem chừng Trường Sa. Quả nhiên, giàn khoan 981 đã thực hiện mục tiêu “một mũi tên trúng 2 con chim”. Trung Quốc đã kéo dư luận quốc tế và ở Việt Nam chỉ nhằm vào giàn khoan HD-981, để bơm cát, bồi trức đảo đá nhân tạo Gạc Ma và bãi đá ngầm Chữ Thập để xây dựng sân bay quân sự trên quần đảo Hoàng Sa. Nhưng khi ấy, Việt Nam đã không hề lên tiếng về hành động có tính toán chiến lược này.


Trong khi đó, với giàn khoan HD-981, Trung Quốc đặt ra hai ý đồ: 1- ‘Ngụy trang, đánh lạc hướng’, ‘Dương đông kích Tây’, tập trung dư luận, sự chú ý về giàn khoan HD-981 để rảnh tay ‘cải tạo đảo Gạc Ma, bãi đá Chữ Thập’; đồng thời thăm dò dầu khí vùng nước sâu Hoàng Sa. 2 – Nếu ViệtNam nổ súng phản công tại giàn khoan HD-981 thì Trung Quốc lấy cớ tấn công đánh chiếm đảo Trường Sa Lớn.

Ngày 12-5-2014, trên nhiều trang mạng đã tiết lộ: Hiện nay nhiều tàu chiến Trung Quốc, 17 tàu hỏa tiễn, 20 tàu đổ bộ đang tập trung phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Hơn 1.000 Lính Trung Quốc đã xuống các tàu đổ bộ.

Tin cho hay, qua một cuộc điện đàm SAT-COM của Trung Quốc mà hệ thống viễn thông và điều hành vệ tinh tại Mỹ biết được, họ (TQ) đã được lệnh tấn công CHIẾM LUÔN ĐẢO TRƯỜNG SA LỚN CỦA VIỆT NAM nếu trường hợp có tiếng súng xảy ra tại giàn khoan. Hải quân và tàu đổ bộ Trung Quốc đang âm mưu, tìm cớ tấn công. Tại giàn khoan, hiện nay (10-5-2014) có khoảng 79 các tàu Tuần Duyên & Kiểm Ngư Trung Quốc, cùng 3 tàu chiến, máy bay trực thăng, máy may tiêm kích từ Hải Nam bay ra KHIÊU KHÍCH các tàu của Cảnh Sát Biển của Việt Nam. Nếu Việt Nam ‘khai hỏa’ thì Trung Quốc sẽ đổ bộ chiếm luôn các đảo Trường Sa của Việt Nam, đặc biệt là đảo Trường Sa Lớn.

Mưu đồ 'cùng khai thác'?

Sau đó 5 tháng, trên trang mạng tuanvietnam.net có đăng bài “Gác tranh chấp, cùng khai thác của Trung Quốc”, dẫn lại bài của tác giả Dương Danh Huy, đăng trên website Nghiên cứu Biển Đông ngày 21/10/2010. Phi lộ đầu bài viết, tác giả nêu: “Gần đây, chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" được Trung Quốc nhấn mạnh nhiều lần như một sáng kiến mang tính xây dựng trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông vẫn đang căng thẳng. Xét đến tính phức tạp và khó tìm lối ra hiện tại đối với tranh chấp Biển Đông, giải pháp này có thể chấp nhận được nếu các bên cùng "gác tranh chấp, cùng khai thác "một cách công bằng”…
Giàn khoan HD-981Giàn khoan HD-981 là một động thái 'dương đông, kích tây' nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của VN vào một điểm ở trên Biển, theo tác giả.
Những lời gọi là "phi lộ" trên đây rất cần phải xem lại. Như: "sáng kiến mang tính xây dựng", rồi thì "có thể chấp nhận được...một cách công bằng". Với Trung Quốc, nhìn từ trong bản chất âm mưu, động cơ, ý định chiến lược trong các vụ tranh chấp Biển Đông đừng mất công nói đến cái ý thức "xây dựng", sự "công bằng" với các nước trong khu vực, cả với nhiều nước khác trên thế giới...

Trong bài viết, tác giả đã dẫn liệu, phân tích: Tại hội thảo quốc tế với chủ đề "Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" ở Hà Nội ngày 26-27 tháng 11/2009, GS Ji Guoxing của Đại học Jiaotong, Thượng Hải, nguyên giám đốc bộ môn Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Thượng Hải, nhắc lại chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc. GS Ji Guoxing cụ thể hoá bằng cách đề nghị Việt Nam và Trung Quốc bàn về khả năng cùng khai thác bãi Tư Chính, một khu vực nằm hoàn toàn bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam, không thuộc quần đảo Trường Sa vốn đang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền.

Nhìn lại 5 năm trước, tại buổi họp báo ở Hà Nội ngày 6/1/2010, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường cũng đề nghị chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác". Rằng: "Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nêu ra một sáng kiến mang tính xây dựng, đó là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác", và đề nghị rằng Việt Nam và Trung Quốc nên tạm gác lại tranh chấp, đợi điều kiện chín muồi.

Thực ra, chủ trương "Gác tranh chấp, cùng khai thác" được Trung Quốc chính thức đề nghị lần đầu tiên tại chuyến thăm Nhật, ngày 25/10/1978, Thủ Tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với Thủ Tướng Nhật Takeo Fukuda trong văn cảnh tranh chấp chủ quyền quần đảo Shenkaku (tên Nhật) /Điếu Ngư Đài (tên Trung Quốc) giữa Nhật và Trung Quốc. Điều đáng lưu ý là Shenkaku/Điếu Ngư Đài và vùng biển lân cận nằm dưới sự kiểm soát của Nhật, và vùng biển này gần Nhật và Đài Loan hơn Trung Quốc, cho nên Nhật có nhiều khả năng để đơn phương khai thác vùng biển này hơn Trung Quốc. Vì vậy, đề nghị của Trung Quốc để khai thác chung vùng biển này là một đề nghị nằm trong chủ đích lấn chiếm Biển Đông, có lợi cho Trung Quốc hơn là có tính xây dựng cho cả Trung Quốc và Nhật. Cho tới nay, Nhật luôn luôn khước từ tất cả các đề nghị của Trung Quốc để khai thác vùng biển lân cận đảo này.



Cũng với con bài “cây gậy và củ cà rốt” này, hồi tháng 6/1986, Đặng Tiểu Bình đề nghị với Phó Tổng Thống Philippines Salvador Laurel rằng Trung Quốc và Philippines nên gác tranh chấp Trường Sa, "không nên để vấn đề này cản trở tình hữu nghị của Trung Quốc với Philippines và các nước khác". Tiếp đến, tháng 4/1988, Đặng Tiểu Bình lại đề nghị với Tổng Thống Philippines Corazon Aquino, "Xét quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta, chúng ta có thể tạm gác vấn đề này và tiếp cận theo hướng khai thác chung".

Thế giới vẫn chưa quên sự kiện cồn sóng Biển Đông, vào đầu năm 1988 Trung Quốc chiếm đóng những bãi cạn Đá Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Huy Gơ và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa và vào tháng 4/1988 máu của các chiến sĩ Việt Nam còn chưa tan hết trên biển Trường Sa sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam để chiếm Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao ngày 14/3/1988 và chiếm được Gạc Ma. Đây là một thí dụ cho thấy rõ sự từng bước lấn sân bằng đánh, đàm, dụ dỗ không có giới hạn của Trung Quốc. Vùng biển-đảo thuộc chủ quyền các nước trong khu vực đang yên lành, Trung Quốc gây ra tranh chấp rồi đưa ra cái gọi là "gác tranh chấp, cùng khai thác".

'Ba bước lấn tới'

Hải quana Trung QuốcTác giả cho rằng Trung Quốc có những tính toán sâu xa với các bước đi 'cụ thể, quyền mưu' để 'thâu tóm' Biển Đông.
Như vậy, cái gọi là sáng kiến "gác tranh chấp, cùng khai thác" của chính phủ Đặng Tiểu Bình cho tranh chấp Trường Sa không phải do "có tính xây dựng" mà là để phục vụ mục đích đối trọng với các nước để từng bước chiếm đoạt hẳn. Chiến lược "3 bước lấn tới" của Trung Quốc là xông vào vùng chủ quyền lãnh hải của nước láng giềng, nước tiếp cận, gây tranh chấp, rồi đàm phán song phương "gác lại tranh chấp, cùng khai thác", cuối cùng là độc chiếm luôn.

Dựa theo cái ‘đường lưỡi bò” tự vẽ, tự đơn phương công bố chính thức lần đầu tiên ra thế giới ngày 7-5-2009, không có ý kiến chấp nhận nào của bên thứ 2 hoặc thứ 3, Trung Quốc muốn biến vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và các nước liên quan từng bước đi từ tranh chấp, đến “gác tranh chấp cùng khai thác” rồi cuối cùng sẽ “ẵm” luôn trọn gói.
Quả nhiên, với chiêu thức thâm độc nhưng khá lộ liễu này của chiến lược "3 bước lấn tới", Trung Quốc lăm le Khu vực 9 lô dầu khí từ lâu, nhân sự kiện QH Việt Nam thông qua Luật biển, TQ đã kêu gọi mời thầu thăm dò khai thác hòng cố tình gây ra tranh chấp để rồi đi đến bước tiếp theo yêu cầu Việt Nam “gác tranh chấp, cùng khai thác”, làm cái nền, cái cớ để tiến tới dùng “lưỡi bò” liếm hết luôn.

Khu vực này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Bản đồ công bố trên website của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho thấy cả 9 lô mỏ dầu mà Trung Quốc đang mời chào thăm dò, khai thác đều nằm trong vùng biển thuộc “đường lưỡi bò” nằm trong mưu đồ tính toán đầy tham vọng có tính chiến lược của Trung Quốc. Các lô mỏ dầu này nằm ngoài khơi bờ biển miền Trung của Việt Nam, trải rộng hơn 160.000 km 2. Rìa phía tây của một số lô mỏ dầu nằm cách bờ biển Việt Nam không đầy 80 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, có nơi chỉ cách đất liền 30-50 hải lý, nằm trong vùng nội thủy và thềm lục địa của Việt Nam.


Việc tuyên bố mời thầu cho thấy một bước đi mới trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố quyền chủ quyền tại vùng biển này. Thâm hiểm, gian dối, phản trắc, dễ nuốt lời, lấy “Hữu hảo để chen ngang hứa hão” vẫn là bản chất có từ trong máu Đại Hán từ xa xưa. “Gác tranh chấp, cùng khai thác” rất phi lý lại là con bài đưa dần các nước vào tròng, bằng hung hăng đe dọa kết hợp với dụ dỗ, lấn dần. Bắc Kinh đang tìm mọi cách lật lọng để đạt cho kỳ được mục đích của tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trong biển Đông và các vùng biển lân cận; có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và lòng đất của những vùng biển này” (?!).

Ý đồ này của Trung Quốc đã có từ lâu, rõ nhất là sự trắng trợn trong vụ giàn khoan HD-981 và cải tại đảo Gạc Ma thành sân bay quân sự, đưa cả dân ra ở đó, mở ‘Khu du lịch Gạ Ma’. Tháng 7, giàn khoan HD-981 của Trung Quốc ‘hoàn thành kế hoạch’ rút về. Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 8/8/2014 đăng bài viết nhan đề "Bành Nguyên Chính: Biển Đông là trọng điểm khai khác dầu khí mới của ta (Trung Quốc)" xuyên tạc về chủ quyền Biển Đông, phản ánh lòng tham cả chủ quyền và tài nguyên cũng như thủ đoạn thâm độc của Trung Quốc. Tác giả Bành Nguyên Chính là phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dầu khí Trung Quốc. Bài viết cho biết: 

“Hiện nay Trung Quốc đã hoàn thành lựa chọn địa chỉ xây dựng (trái phép) hải đăng ở 5 đảo, đá ngầm vùng biển Tây Sa”. Theo luận điệu của bài viết: “Ở Biển Đông, cạnh tranh dầu khí những năm gần đây ngày càng gay gắt, làm thể nào để bảo vệ quyền thăm dò dầu khí vùng biển Trung Quốc trở thành vấn đề quan trọng không thể tránh khỏi”.
"Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC) và CNOOC khoan thành công ở Hoàng Sa (đây là hành dộng trái phép của Bắc Kinh-PV), cho thấy các công ty dầu khí của Trung Quốc có khả năng tiến hanh thăm dò, khai thác nước sâu độc lập, điều kiện phá vỡ bế tắc khu vực tranh chấp đã có”.

'Nhà và sân Trung Quốc'

Trung QuốcNhiều quốc gia trong khu vực gần đây tỏ ra quan ngại về chính sách của Trung Quốc trên Biển trong vùng.
Tờ báo này ‘đề xuất’ rằng: “Nhà nước (Trung Quốc) cần hỗ trợ trên các phương diện chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, như đưa ra chính sách ưu đãi khai thác Biển Đông trên các phương diện như vốn đăng ký, thu thuế, thuế quan và tài chính, thiết lập quỹ khai thác rủi ro Biển Đông có tính chất quỹ giá trị chủ quyền, đưa ra chính sách phát triển ngành nghề hỗ trợ cần thiết, để cho khai thác Biển Đông nhanh chóng tiến triển, tạo được quy mô".

Rõ ràng, từ việc đẩy vấn đề theo hướng tranh chấp, để làm đà đi đến “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng vẫn nhằm đích cuối cùng là xâm chiếm. Đó chỉ là các nấc thang mà Trung Quốc đang leo dần. Với mưu đồ tham vọng bá quyền từ lâu đời của Trung Quốc, lúc nào cũng lăm le bành trướng xuống phương Nam, lấn chiếm Biển Đông sẽ không bao giờ có "sáng kiến mang tính xây dựng", và cái gọi là “công bằng” với các nước ASEAN có lãnh hải Biển Đông. Việt Nam và các nước ‘cùng cảnh’ trong khu vực đừng mất cảnh giác mắc mưu Trung Quốc để sau này khỏi phải gánh hậu họa do sự thiếu kiên quyết, do những bước đi, sự nhu nhược nhân nhượng do mềm yếu thiếu bản lĩnh không cứu vãn nổi.

Mới đây, dựa theo câu hỏi của Tân Văn Xã (China News Service) - hãng tin chính thức thứ hai tại Trung Quốc sau Tân Hoa Xã - theo đó phải chăng là hoạt động bồi đắp các bãi đá và rạn san hô của Trung Quốc ở Biển Đông báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông và thậm chí đối với cả các láng giềng, ông Vương Nghị đã tại khẳng định là chính sách Trung Quốc không thay đổi.

Đặc biệt mới đây, thách thức công khai và trắng trợn nhất, tại cuộc họp báo ngày 08/03/2015 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Vương Nghị đã bác bỏ thẳng thừng những phản đối của nước khác về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh các công trình bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp với các láng giềng trong đó có Việt Nam. Ông Vương Nghị đã không ngần ngại khẳng định: Biển Đông là “nhà” và là “sân” của Trung Quốc.



Rõ ràng, cho đến nay, mưu đồ và hành động của Trung Quốc ngày càng lộ rõ. Trung Quốc đang ‘hợp pháp hóa’ và dồn sức xây dựng ‘hiện đại hóa’ cái gọi là “Thành phố Tam Sa”.

Tam Sa là một thành phố được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào ngày 24 tháng 7 năm 2012 để quản lý một khu vực mà nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền, bao gồm: Quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa), Quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa), bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa) cùng vùng biển xung quanh. Theo phân cấp hành chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tam Sa là một địa cấp thị (thành phố cấp địa khu) thuộc tỉnh Hải Nam và có chính quyền nhân dân đặt tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng).

Theo chính phủ Trung Quốc, việc thành lập thành phố Tam Sa sẽ giúp tăng cường hơn nữa khả năng quản lý, khả năng phát triển và kiến thiết của quốc gia này đối với những hòn đảo và các vùng nước xung quanh các quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Trường Sa, bảo vệ môi trường biển trong vùng biển Đông. Thực chất, Trung Quốc đang nỗ lực để “cái lưỡi bò” liếm hết Biển Đông.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nguyên Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, cựu Trưởng đại diện Báo Quân đội Nhân dân ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment