Monday 17 November 2014

Mỹ - Úc - Nhật kêu gọi giải pháp hòa bình Biển Đông và Hoa Đông


Mỹ - Úc - Nhật kêu gọi giải pháp hòa bình Biển Đông và Hoa Đông
media
Từ trái sang phải: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Thượng đỉnh G20 Brisban, Úc năm 2014.REUTERS/Kevin Lamarque

Tham vọng biển đảo của Trung Quốc cũng được các cường quốc dân chủ quan tâm bên lề thượng đỉnh G20. Tổng thống Mỹ cùng với hai vị Thủ tướng Nhật và Úc sau cuộc thảo luận tay ba vào hôm nay 16/11/2014 gián tiếp lên án Bắc Kinh đe dọa « an ninh tự do hàng hải và hàng không ».

Theo AFP, bản thông cáo chung của tam cường Mỹ-Nhật-Úc không gọi đích danh Trung Quốc cũng không nói rõ vùng biển nào nhưng rõ ràng gián tiếp ám chỉ hành động « tranh giành chủ quyền biển đảo, áp đặt vùng nhận dạng phòng không ». Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, không ai là không biết cường quốc nào đang đe dọa các nước chung quanh.

Bản thông cáo kêu gọi « giải quyết xung khắc bằng biện pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật ». Một lần nữa, Mỹ, Nhật và Úc cùng nhấn mạnh đến « giá trị của kế hoạch tái định vị của Mỹ » tại Châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ cũng có cơ hội nhắc lại những mối « đe dọa » tại Châu Á mà kẻ chủ mưu là một « nước lớn ỷ mạnh hiếp yếu ».

Nhà báo Lưu Tường Quang, Sydney:16/11/2014Nghe
Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang phân tích :

« Đây là một xác quyết về chính sách của Mỹ, Úc và Nhật Bản… riêng về vấn đề Việt Nam thì tổng thống Obama đã nhắc đến sự kiện Hoa Kỳ đang giúp Việt Nam cải thiện khả năng bảo vệ hàng hải…. Tuy nhiên, sau đó ông cũng nhắc đến giá trị của nền dân chủ »



Mỹ-Nhật-Úc thắt chặt liên minh để kềm hãm Trung Quốc ?
mediaBarack Obama, Shinzo Abe, Tony Abbott, Tập Cận Bình : Trong mắt Bắc Kinh, liên minh Mỹ Úc Nhật có mục tiêu vây chặn, kềm hãm đà vươn lên của Trung Quốc - Reuters

Tổng thống Mỹ và hai Thủ tướng Nhật và Úc sẽ tranh thủ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brisbane (Úc) để bàn cách tăng cường hợp tác quân sự tay ba. Dù ba nước đều khẳng định rằng họ chỉ muốn phát huy việc bảo đảm an ninh cho toàn vùng Châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Kinh được cho là sẽ xem đấy là một mưu toan mới nhằm kềm hãm Trung Quốc.

Trước tiên hết, cuộc họp tay ba giữa các ông Barack Obama, Shinzo Abe và Tony Abbott vào ngày mai, 16/11/2014 mang một ý nghĩa quan trọng vì hiếm khi mà ba lãnh đạo này gặp nhau. Phải lần ngược về năm 2007 mới thấy một cuộc họp thượng đỉnh tay ba giữa Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Úc John Howard và ông Shinzo Abe trong nhiệm kỳ Thủ tướng Nhật đầu tiên của ông. 

Ngay từ khi ấy, cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Sydney cũng đã được giữ bí mật để tránh việc bị Trung Quốc cho là họ bị bao vây. Lần này, sáng kiến đã được loan báo một cách công khai hơn. 

Theo hãng tin Pháp AFP, một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ đã giải thích rằng : «Đối thoại ba bên là một cách thức độc đáo và mới mẻ để tận dụng khả năng của các đối tác châu Á chủ chốt (của Mỹ) trong việc cải thiện an ninh trong khu vực, chẳng hạn như an ninh hàng hải, và phòng thủ tên lửa, cũng như làm việc trên các vấn đề khác trong đó có vấn đề tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Ukraina và Ebola ». 

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong một bài viết đăng trên tờ báo Úc Australian Financial Review vào hôm qua, đã xác nhận quyết tâm thắt chặt thêm quan hệ quân sự của Nhật Bản với Úc và Hoa Kỳ nhằm « xây dựng một tương lai hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho vùng châu Á-Thái Bình Dương. » 

Hợp tác quốc phòng ba bên Mỹ-Nhật-Úc được cho là sẽ củng cố thêm quan hệ an ninh quân sự song phương vốn đã chặt chẽ giữa ba nước, với Mỹ và Úc là đồng minh thân thiết với nhau cả về quân sự lẫn chính trị, với quan hệ quân sự Mỹ-Nhật càng lúc càng được củng cố thêm và mở rộng.

Mắt xích yếu là quan hệ quốc phòng Úc Nhật thì mới đây đã được tăng cường đáng kể sau chuyến công du nước Úc của Thủ tướng Abe, một mối quan hệ được Tokyo xem là mang tính chất « gần như là một liên minh quân sự ». 

Vào lúc Hoa Kỳ đang triển khai chính sách xoay trục qua vùng Châu Á Thái Bình Dương, và đã chọn nước Úc làm đầu cầu phóng lực lượng qua vùng Đông Nam Á với một lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ khoảng 2.500 người túc trực thường xuyên tại căn cứ Darwin miền Bắc Úc, việc ba nước Mỹ, Úc và Nhật kề vai sát cánh với nhau một cách chặt chẽ hơn sẽ không được Trung Quốc tiếp nhận một cách thuận lợi. 

Cho đến nay, Bắc Kinh luôn cho là chính sách xoay trục của Mỹ có mục tiêu vây chặn, kềm hãm đà vươn lên của Trung Quốc. Việc Nhật Bản can dự vào Biển Đông, giúp các quốc gia đang là đối tượng bị Bắc Kinh lấn lướt - như Việt Nam và Philippines - củng cố năng lực kiểm soát vùng biển của mình – cũng làm cho Bắc Kinh phật ý. 

Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho là Trung Quốc sẽ cẩn thận theo dõi sát sao các góc cạnh trong tam giác quốc phòng Mỹ-Nhật-Úc đang ngày càng rõ nét.

No comments:

Post a Comment