Thursday, 16 October 2014

Nếu có chiến tranh trên biển với TQ?


Nếu có chiến tranh trên biển với TQ?

Lê Thành LâmGửi tới BBC từ London
  • 15 tháng 10 2014
Tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên của Việt Nam hạ thủy tại Vịnh Cam Ranh đầu năm 2014
Trong những năm gần đây, căng thẳng ngày càng leo thang xung quanh các tranh chấp trên Biển Đông, nổi bật nhất là giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines.

Đỉnh điểm là sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển mà Việt Nam cho rằng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam vào ngày 2/5/2014.

Trước khi Bắc Kinh rút giàn khoan ra khỏi khu vực tranh chấp vào ngày 16/7, đã có hàng loạt cuộc đụng độ trên biển giữa các tàu chấp pháp hai nước. Mới đây nhất, ngày 9/10, Trung Quốc tuyên bố hoàn tất đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng theo tên gọi của Trung Quốc).

Nếu tranh chấp tiếp tục leo thang, có nguy cơ một cuộc chiến tranh trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam nếu một trong hai bên không tự kiềm chế các hành động của mình.

Lợi thế của Việt Nam

Giáo sư người Úc Carl Thayer gần đây trích dẫn Gary Li, đang là chuyên gia an ninh hàng hải của IHS Maritime, cho rằng Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý so với Trung Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Theo ông, Việt Nam có số lượng đảo lớn nhất và nhiều nhất trong quần đảo Trường Sa. Và so với Hà Nội, Bắc Kinh cần phải di chuyển rất xa để tới được những hòn đảo mà nước này tuyên bố yêu sách của mình.

Điều này có thể tạo ra lợi thế ‘sân nhà’ cho Việt Nam khi có chiến tranh xảy ra trên Biển Đông – khu vực cách xa các sân bay trong đất liền của Trung Quốc. Việt Nam có thể tận dụng điều này khi mà Trung Quốc không mạnh về năng lực tiếp vận trên không, theo một nhận định khác của Lyle J. Goldstein, từ Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc vừa tuyên bố hoàn thành đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, lợi thế này của Việt Nam dường như đã giảm đáng kể.

Trên tờ South China Morning Post hôm 8/10, chuyên gia quân sự Nghê Lạc Hùng tại Thượng Hải đã so sánh đường băng này như một ‘‘hàng không mẫu hạm không thể bị đánh chìm’’ và ‘‘nó sẽ trở thành nơi cất cánh - hạ cánh lý tưởng cho các máy bay hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân’’.
Sự lớn mạnh quân sự của Trung Quốc gây lo ngại cho nhiều nước
Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng đường băng quân sự tại các đảo khác nhằm củng cố yêu sách chủ quyền cũng như khả năng tuần tra trên biển. Điều này sẽ thách thức lợi thế hiện có của Việt Nam.

Vũ khí quân sự

Năm 2009, hợp đồng Nga – Việt về chế tạo và cung cấp 6 tàu ngầm phi hạt nhân lớp Kilo thuộc đề án 636 dành cho Hải quân Việt Nam trị giá gần 2 tỷ đôla Mỹ được ký kết. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 2 chiếc đầu tiên là tàu ngầm Hà Nội, số hiệu HQ-182 và tàu ngầm TP Hồ Chí Minh, số hiệu HQ-183. Chiếc thứ ba đang trong giai đoạn thử nghiệm trên biển, chiếc thứ tư được hạ thủy hồi cuối tháng 3. Tàu ngầm cuối cùng cũng đã được khởi động đóng vào giữa năm nay.
Theo bình luận của Giáo sư Lyle J. Goldstein trên New York Times ngày 05/07/2014, các tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam có thể tạo ra các cuộc tập kích đáng sợ cho đối phương. Cùng chung nhận định, chuyên gia an ninh tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, Zhang Bahui, cho rằng tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam là mối quan ngại thực sự cho các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc.
Trong bài viết ‘Nếu Việt Nam và Trung Quốc nổ ra chiến tranh: Năm loại vũ khí Bắc Kinh phải e sợ’ đăng trên The National Interest ngày 12/07/2014, Robert Farly đã nêu ra 5 hệ thống vũ khí mà Việt Nam có thể sử dụng để đối phó hiệu quả với quân đội Trung Quốc, bao gồm: Máy bay Su-27, tàu ngầm lớp Kilo, tên lửa hành trình P-800 Onyx, tên lửa phòng không S-300 SAM, và lợi thế địa hình.

Tuy nhiên, Goldstein lại nhấn mạnh rằng năng lực không chiến và hải chiến của quân đội Việt Nam vẫn còn hạn chế, ít nhất là đến thời điểm hiện nay. Ông bình luận, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm để điều khiển các hệ thống vũ khí phức tạp này, đặc biệt là tàu ngầm lớp Kilo, và Việt Nam cũng thiếu kinh nghiệm trong “giám sát, nhắm mục tiêu và quản lý chiến đấu”.

Việt Nam cần làm gì?

Hà Nội cần tiếp tục tăng cường hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng gia tăng chi tiêu quân sự trong những thập niên qua.

Trong năm 2014, ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng 12,2% - lên đến 800 tỷ Nhân dân tệ (hơn 130 tỷ đôla Mỹ). Đây thậm chí không phải là con số chính xác khi mà Bắc Kinh luôn bị các nước như Mỹ và Nhật chỉ trích là không minh bạch về ngân sách quốc phòng.

Kyle Mizokami, trong bài viết ‘Năm vũ khí Việt Nam cần nhất để đối phó với Trung Quốc đang trỗi dậy’ trên Real Clear Defense, đăng ngày 29/09/2014, chỉ ra 5 loại vũ khí này bao gồm: máy bay tuần tra biển P-3C Orion, tàu tuần tra mang tên lửa lớp Hsun Hai hoặc Yoon Youngha, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 T-50, tàu đổ bộ Makassar , và pháo phản lực phóng loạt BM-30. Những vũ khí này sẽ giúp tăng cường năng lực không chiến và hải chiến, điều mà quân đội Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế.

Hơn nữa, tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ gần đây vào ngày 2/10 là một điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể mua những vũ khí kể trên, như là máy bay tuần tra biển P-3C Orion mà Mỹ đang có. 

Thậm chí Việt Nam có thể mua những vũ khí mà Trung Quốc không có, theo Paul J. Leaf, một nhà bình luận về chính sách đối ngoại và quốc phòng, bình luận trên The Diplomat ngày 18/9.


Mặt khác, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Mỹ, Ấn Độ và Nga, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng. Điều này cũng sẽ giúp Hà Nội đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội trong những năm tới. Đây sẽ vẫn là những thị trường nhập khẩu vũ khí quân sự chủ yếu của quân đội Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Việc thắt chặt quan hệ với các cường quốc trong khu vực cũng sẽ phần nào khiến Trung Quốc phải e ngại khi tiến hành một cuộc chiến tranh với Việt Nam. Trong bối cảnh Mỹ đang thực thi chính sách “xoay trục” ở châu Á-Thái Bình Dương thì mối quan hệ gần gũi với Washington có thể sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Chiến tranh là điều cả hai bên đều không mong muốn, đặc biệt là Việt Nam trong thực tế chênh lệch tương quan lực lượng so với Trung Quốc, dù có một số lợi thế về địa lý và vũ khí.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cần chủ động chuẩn bị năng lực đối phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Sẽ là khôn ngoan nếu Việt Nam biết tận dụng các lợi thế sẵn có của mình và nắm bắt các mối quan hệ với các cường quốc khác.

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả Lê Thành Lâm, giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, và hiện đang theo học tại City University London.



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment