Monday 18 August 2014

Luật pháp Quốc tế và Chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa

 

Luật pháp Quốc tế và Chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa

SBTN Úc Châu: HỘI LUẬN QUYỀN LAO ĐỘNG & TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM Tại Việt Nam- Part1


(Tham luận tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử”
từ ngày 19-21/6/2014 tại Tp. Đà Nẵng, do Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp với Đại học Đà Nẵng đồng tổ chức)

Thái Văn Cầu
Chuyên gia Khoa học Không gian, Hoa Kỳ


Bác Huệ Chi, bác Phạm Toàn và Thế Hùng mến,
Hai tuần trước, lời giới thiệu của bác HC trong bài về CH-PVĐ có đoạn:

“Càng ngày càng thấy cái gọi bằng liên minh cộng sản nhân danh chủ nghĩa vô sản quốc tế trong thế kỷ XX chỉ ẩn giấu phía sau độc nhất mỗi mưu đồ thôn tính lãnh thổ của nước lớn đối với nước nhỏ.”


Hôm qua thì có ý kiến sau của bác PT:
“Vấn đề hôm nay đặt ra hay nhưng theo tôi là lạc đề, bởi vì chúng ta giải quyết cũng được mà không giải quyết cũng được. Chúng ta hãy quên quá khứ đi, bắt đầu từ hôm nay, phải bắt đầu bằng một sự hiện đại”.

Tôi hoàn toàn đồng ý với các nhận định trên.

Hơn 5 năm trước, trong những ngày đầu tiên của boxitvn, tôi đóng góp một số bài viết, điển hình như:

Nhìn lại, tôi nhận thấy boxitvn, cùng bạn đọc, đã vượt qua được một khúc quanh quan trọng trong quá trình chuyển hoá của dân tộc và đất nước.

Vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên hay vấn đề tranh chấp Biển Đông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm to lớn.
Để Việt Nam không trở thành một Tân Cương hay Tây Tạng kiểu mới của Trung Quốc trong thế kỷ XXI, để Việt Nam bắt kịp đà tiến của các nước láng giềng, “thoát Trung” trong mọi lãnh vực: văn hoá, kinh tế, chính trị, quân sự, v.v. không còn là câu hỏi mà là mệnh lệnh của lịch sử, và tất cả những người còn mang dòng máu Việt phải tuân hành.

Đoạn đường trước mắt còn nhiều khó khăn, thử thách; sẽ có khúc quanh khác chờ đợi boxitvn và những người cùng chí hướng trong 5 năm tới.

Vì sự hy sinh của cha ông, vì tương lai của con cháu, triệu người như một, chúng ta quyết tâm và vững tin tiến bước.
*******
Nhân đây, tôi xin chia sẻ bài tham luận (bản gốc đính kèm) về luật pháp quốc tế và chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, viết cho Hội thảo do hai trường Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Đà Nẵng tổ chức hai tháng trước.

VietNamNet biên tập lại và đăng thành ba bài:
Báo đảng và chính phủ chọn đăng toàn bộ hay trích dẫn:

Gần đây nhất, báo Trung Quốc và báo Đài Loan đề cập đến 5 kịch bản nêu lên trong tham luận:

Và VietNamNet vừa phổ biến bản dịch tiếng Anh của ba bài:

Thái Văn Cầu
TB: Một số báo ghi thêm chức danh giáo sư cho tác giả tham luận. Chuyên môn của người viết không về giáo dục mà về khoa học không gian!

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân vào cuối tháng 3 năm 2014 ở The Hague, Hà Lan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ “nên có thái độ công bằng và khách quan, phân rõ phải trái và cần làm nhiều hơn để tìm ra giải pháp thích hợp và cải thiện tình hình” trong tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama “nhấn mạnh việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề này dựa trên đối thoại và luật pháp quốc tế và bày tỏ Mỹ tiếp tục ủng hộ cho nỗ lực này.”[1]
Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước mạnh hàng đầu thế giới, tuy ngắn ngủi, nói lên tính chất nghiêm trọng trong tranh chấp lãnh hải giữa các nước thành viên ASEAN, Nhật Bản với Trung Quốc.

Mục đích của bài nghiên cứu này nhằm xét đến một số góc cạnh then chốt của luật pháp quốc tế, qua đó liên hệ đến nỗ lực bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.

Cơ chế quốc tế để giải quyết tranh chấp trên đất liền hay trên biển giữa các nước là Toà án Quốc tế (ICJ), Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Toà án Trọng tài Đặc biệt theo Phụ lục VIII của UNCLOS.

ICJ hiện hữu từ năm 1946; ba Toà án còn lại hình thành sau khi UNCLOS có hiệu lực năm 1994. ICJ và ITLOS đòi hỏi mọi bên trong tranh chấp đồng ý tham gia vào quá trình thưa kiện.

1. Việt Nam đánh mất chủ quyền quần đảo Hoàng Sa dưới thời thực dân Pháp ? 

Dựa vào hoạt động của chính quyền Quảng Đông vào những năm đầu thế kỷ XX, Marwyn S. Samuels, sử gia Mỹ, cho rằng Trung Quốc hành xử chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, hay ít nhất là ở đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa, hơn 10 năm trước khi Pháp tuyên bố chủ quyền.[2]

Lập luận trên phạm các sai lầm nghiêm trọng sau:
a. Theo chứng cứ lịch sử của phương Tây và của Việt Nam, trong hơn 200 năm, trước khi bị Pháp áp đặt chế độ thuộc địa, Việt Nam hành xử chủ quyền ở Hoàng Sa đúng theo những tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế ở thời điểm trước Công ước Berlin hay như quy định trong Công ước này năm 1885: nơi chiếm hữu phải là đất vô chủ (terra nullius) hay đất bị từ bỏ (terra derelicta), bộ phận chiếm hữu thuộc cơ chế quốc gia, và sự chiếm hữu được thông báo.[3]

Sau khi ký kết Hiệp ước Thiên Tân với nhà Thanh năm 1885, Pháp hoàn tất chế độ thuộc địa ở Việt Nam, và nắm quyền đại diện cho Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Trong những năm đầu thế kỷ XX khi người Tàu hay người Nhật hiện diện ở Hoàng Sa, Hoàng Sa không còn là đất vô chủ, như công ty Nhật Mitsui Bussan Kaisha hoạt động ở đảo Phú Lâm trong thập niên 1920 thừa nhận:

“Khi được thẩm vấn, người Nhật Bản cầm đầu doanh nghiệp này nói rằng đại diện của công ty Mitsui Bussan Kaisha của họ đâu dám tự tiện tiến hành việc khai thác vào cuối năm 1920 mà không thông báo trước cho Tư lệnh Hải quân Sài Gòn, và vị tư lệnh này, đứng về quan điểm quân sự, đã không thấy cần thiết ra lệnh cấm đoán… 
chính quyền Pháp đã thấy không cần thiết phải hủy bỏ sự cho phép hầu như chính thức mà tư lệnh Hải quân đã cung cấp một cách hơi dễ dãi, (vì) người Nhật đã hành xử đúng phép tắc đối với nhà chức trách Pháp và họ không hề phủ nhận quyền của Pháp đối với các đảo Hoàng Sa.”[4]

Sau khi Quốc gia Việt Nam được hình thành năm 1949, Pháp trao trả cho Việt Nam quyền hạn trong quan hệ quốc tế. Khi cơ hội đến, phái đoàn Quốc gia Việt Nam chính thức tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam trước sự hiện diện của 51 nước tham dự Hội nghị San Francisco năm 1951.[5]

b. Theo luật pháp quốc tế, sự kiện triều đình nhà Nguyễn hay thực dân Pháp không thường xuyên hay tích cực hành xử chủ quyền Hoàng Sa trong một thời gian không cấu thành yếu tố quần đảo Hoàng Sa, một phần hay toàn phần, bị Việt Nam từ bỏ chủ quyền.
Trong vụ kiện Tây Sahara, ICJ đề cập đến đặc tính của một vùng đất có thể gây ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động xã hội và chính trị trong vùng đất ấy.[6]

Trong vụ kiện giữa Hà Lan và Mỹ về đảo Palmas, Max Huber, chuyên gia Thụy Sĩ về luật pháp quốc tế, có ý kiến cho rằng khi một nhóm đảo hình thành một đơn vị, số phận của các đảo chính quyết định số phận các đảo còn lại. Nói một cách khác, hành xử chủ quyền ở một nhóm đảo, như một đơn vị, không đòi hỏi hành xử chủ quyền ở từng đảo riêng biệt trong nhóm đảo đấy.

Monique Chemillier-Gendreau, chuyên gia Pháp về luật pháp quốc tế, đề cập đến quan điểm của Max Huber khi nói về hành xử chủ quyền của Pháp ở Trường Sa, và quan điểm này cũng ứng dụng trong hành xử chủ quyền ở Hoàng Sa.[7]

Trong vụ kiện giữa Cameroon và Nigeria, ICJ nhận xét, “từ khi dành được độc lập, Cameroon có hoạt động, qua đó, rõ ràng cho thấy là nước này không cách nào từ bỏ chủ quyền vùng Bakassi”. ICJ quyết định trao chủ quyền vùng Bakassi cho Cameroon.[8]

Sir Robert Yewdall Jennings, chuyên gia Anh về luật pháp quốc tế, đưa ý kiến về nguyên tắc từ bỏ chủ quyền (abandonment), “quốc gia có chủ quyền chỉ cần chứng minh là không có ý từ bỏ chủ quyền hay không chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của quốc gia khác”.[9]

Monique Chemillier-Gendreau nêu ý kiến, “Triều đình Việt Nam bị suy yếu bởi cuộc chinh phục và bởi chính sách của Pháp nhanh chóng biến đổi quy chế bảo hộ thành thuộc địa, (nên) tiếng nói của họ về biển đảo gần như không được nghe đến. Tuy nhiên khi có cơ hội, họ vẫn lên tiếng.”[10]

Tóm lại, phán xử của ICJ, quan điểm của chuyên gia luật pháp quốc tế, và chứng cứ lịch sử của Việt Nam và của phương Tây cho thấy Việt Nam đã không đánh mất chủ quyền biển đảo, một phần hay toàn phần, như Marwyn S. Samuels hay các tác gỉả khác lập luận một cách sai lầm, trong giai đoạn từ đầu thập niên 1850 cho đến giữa thập niên 1920, khi Toàn quyền Đông Dương chính thức tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.[11]

2. Nguyên tắc “quieta non movere” hay “không làm xáo trộn sự ổn định”
Trong nhiều năm qua, quan chức, học giả Việt Nam có ý kiến cho rằng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa là vấn đề lâu dài, kéo đến đời con, đời cháu, hay ngay cả hàng trăm năm.[12]
Ý kiến như trên không phản ánh thực tế Việt Nam phải đối diện trước luật pháp quốc tế.

Trong giải quyết tranh chấp giữa hai nước, ICJ vẫn sử dụng nguyên tắc “quieta non movere” hay “không làm xáo trộn sự ổn định”. ICJ có thể đưa phán xét thuận lợi cho nước đang chiếm giữ một vùng đất, vùng biển, mặc dù chủ quyền ban đầu không thiết lập rõ ràng, nhưng có hành xử thích hợp trong một thời gian.[13]

Trong vụ kiện giữa Norway và Sweden, nguyên tắc này là một trong những yếu tố khiến Sweden nhận được quyết định thuận lợi về Grisbadarna Banks.[14]

Trong vụ kiện giữa Bahrain và Qatar, nguyên tắc này cũng là một trong những yếu tố khiến Bahrain nhận được quyết định thuận lợi về quần đảo Hawar.[15]

Nguyên tắc “quieta non movere” không được giới nghiên cứu trong nước biết đến nhiều, nhưng Giản Quân Ba, một học giả Trung Quốc, từng gián tiếp nói về nguyên tắc này hơn ba năm trước:
“Nếu Bắc Kinh không thể giải quyết vấn đề tranh chấp và xác lập chủ quyền ở những hòn đảo và vùng lãnh hải trước năm 2020, đây sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, bởi vì theo một nguyên tắc của luật quốc tế, nếu một quốc gia chiếm đóng một vùng đất thành công trong hơn 50 năm, vùng đất đó có thể trở thành một phần của lãnh thổ nước này. Nhưng với điều kiện tiên quyết là việc chiếm đóng đó không bị các nước khác phản bác.”[16]

Theo Wu Shicun, Giám đốc học viện nghiên cứu Biển Đông cấp quốc gia duy nhất của Trung Quốc, tranh chấp Biển Đông bắt đầu trở nên căng thẳng vào đầu thập niên 1970.[17]
Mặc dù chưa thấy hiện hữu bằng chứng hỗ trợ con số 50 năm như một đòi hỏi cho nguyên tắc “quieta non movere”, một số điểm nên ghi nhận:
Suốt gần 20 năm, sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ, trong khi Việt Nam thiếu quan tâm đúng mức về vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, Trung Quốc tận dụng thời gian để xây dựng lực lượng cho tham vọng độc chiếm Biển Đông: Trung Quốc hiện có quan toà đại diện trong hai cơ chế luật pháp quốc tế ICJ và ITLOS; Trung Quốc hoàn tất hàng trăm luận án tiến sĩ, hội thảo về đề tài Biển Đông trong thập niên 2000, hải quân Trung Quốc lớn mạnh và hiện diện rộng khắp trên Biển Đông, v.v.[18]

Hậu quả là sự hiện hữu một khoản cách giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nỗ lực nghiên cứu luật pháp quốc tế cũng như trong các lãnh vực khác liên hệ đến Biển Đông.

Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên phản đối hành động của nước đối tác liên quan đến Biển Đông và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa (hay Tây Sa-Nam Sa, theo cách gọi của Trung Quốc).[19]

Trong vụ kiện giữa Nicaragua và Honduras trong Biển Caribbean, ICJ nhận định rằng sự liên tục khẳng định chủ quyền vùng biển liên hệ của Nicaragua là không đầy đủ so với cách hành xử chủ quyền của Honduras. Khiếm khuyết này của Nicaragua trở thành một trong những yếu tố khiến Honduras nhận được quyết định thuận lợi.[20]

Quyết định trên của ICJ cho thấy rằng phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền là điều kiện cần trong luật pháp quốc tế, nhưng nó không phải là điều kiện đủ để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Theo M. Taylor Fravel, chuyên gia Mỹ về quan hệ quốc tế, từ khi thành lập CHNDTH năm 1949 cho đến nay, trong tổng số 23 cuộc tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, Trung Quốc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán 17 lần và sử dụng vũ lực 6 lần. Trong đó, 3 lần sử dụng vũ lực là với Việt Nam: Tại Hoàng Sa năm 1974, khu vực biên giới cực Bắc năm 1979, và Trường Sa năm 1988. Ba lần còn lại là với Đài Loan, Ấn Độ và Liên Xô.[21]

Hiến chương Liên hiệp quốc có Chương I, Điều 2, Khoản 4, ngăn cấm thành viên của tổ chức Liên hiệp quốc đe doạ hay sử dụng vũ lực chống toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của thành viên khác.

Hiến chương Liên hiệp quốc cũng có Chương VII, Điều 51, đề cập đến quyền tự vệ cá nhân hay quyền tự vệ tập thể khi thành viên bị tấn công vũ trang.[22]

Trong hơn 30 năm nay, học giả Trung Quốc và một số học giả phương Tây có quan điểm thuận lợi cho Trung Quốc, trực tiếp hay gián tiếp, bóp méo hay làm lu mờ sự thật khi lập luận Trung Quốc đã thực hiện “quyền tự vệ” hay bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ” trong xung đột biển đảo với Việt Nam.[23]

Mặc dù nguyên tắc “quieta non movere” chưa thấy được ICJ nêu lên trong trường hợp sử dụng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp, nhưng Trung Quốc khôn khéo kết hợp nguyên tắc “quieta non movere” và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của họ để thúc đẩy cán cân thuận lợi trong chứng cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam trong hàng thế hệ qua nghiên dần về phía Trung Quốc.
Qua chiến thuật kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa, Trung Quốc từng bước buộc Việt Nam phải đối diện với thực tế về sự chiếm đóng vĩnh viễn quần đảo của Việt Nam, và từ vị trí chiến lược của Hoàng Sa-Trường Sa, Trung Quốc từng bước tăng cường sức mạnh cho đòi hỏi “đường lưỡi bò” của họ trên Biển Đông.[24]

3. Vai trò của chứng cứ lịch sử và mức độ chính xác cần thiết
Trước luật pháp quốc tế, chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý là yếu tố thuyết phục nhất.

Tuy nhiên, chuyên gia luật pháp quốc tế cũng nhận định, trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, trên đất liền hay trên biển, khả năng để các bên có chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý không cao.

Theo Nuno Sergio Marques Antunes, chuyên gia Bồ Đào Nha về tranh chấp hàng hải quốc tế,  “tranh chấp dựa duy nhất trên lập luận pháp lý … tương đối hiếm. Tuyệt đại đa số các cuộc tranh chấp lãnh thổ thiếu lập luận pháp lý có ý nghĩa. Trong phần lớn các trường hợp, những lập luận không mang tính pháp lý nổi bật hơn”.[25]

Mỗi bên trong tranh chấp lãnh thổ phải tận dụng tất cả chứng cứ nghiêm túc, bất kể hình thức, như Brian Taylor Sumner, chuyên gia Mỹ về luật pháp quốc tế, khẳng định, bao gồm 9 loại khác nhau, trong đó có chứng cứ lịch sử.[26]

Chứng cứ lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Trung Quốc, dựa vào cổ sử hay ngay cả dựa vào các sự kiện xảy ra trong 60 năm qua, chứa đựng nhiều sai lầm, lắm lúc với chủ đích để đánh lừa dư luận.

Trong khi một số học giả phương Tây, do dựa vào một phần hay toàn phần cổ sử của Trung Quốc, để đưa quan điểm thuận lợi cho nước này, giới nghiên cứu của Việt Nam đã phân tích những thiếu sót nghiêm trọng trong cổ sử Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Trung Quốc.[27]

Trong tác phẩm tiếng Anh xuất bản cuối năm 2013, Wu Shicun sử dụng các lập luận sau cho đòi hỏi chủ quyền biển đảo trên Biển Đông: Trung Quốc là nước khám phá, nước đặt tên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, nước nhận triều cống từ phong kiến Việt Nam, VNDCCH từng công nhận chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc, CHXHCNVN chỉ kế thừa duy nhất từ VNDCCH, v.v.[28]

Lập luận cho rằng Trung Quốc, do là nước khám phá hay nước đặt tên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, nên có chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, không thỏa mãn các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về quyền chiếm hữu đề cập trong phần #1 ở trên.

Lập luận cho rằng Trung Quốc, do là nước nhận triều cống từ phong kiến Việt Nam cho đến năm 1885, nên có chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, bị bác bỏ, dựa trên chứng cứ lịch sử và dựa trên vụ kiện giữa Pháp và Anh về khu vực Minquiers-Ecrehos.[29]

Lập luận cho rằng, do VNDCCH từng công nhận chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc, và do CHXHCNVN chỉ kế thừa duy nhất từ VNDCCH, nên Trung Quốc có chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, bị bác bỏ, dựa trên sự không thích ứng của nguyên tắc ngăn chặn (estoppel), quyền kế thừa của quốc gia theo luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử trong quan hệ quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 1954-1976.[30]

Ngoài thoả mãn hai tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế trước thời điểm của Công ước Berlin, chứng cứ lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam trong tư liệu cổ phương Tây, trong hơn 200 năm, từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX đặc biệt thoả mãn tiêu chuẩn nêu lên trong Công ước năm 1885 về nhận thức của cộng đồng thế giới đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam.[31]

Trái lại, cho đến ngày nay, Trung Quốc không trình bày được chứng cứ lịch sử nào thuận lợi cho đòi hỏi chủ quyền của họ từ nguồn tư liệu cổ phương Tây trước thế kỷ XX.

Trung Quốc đề cập đến hai sự kiện: Kuo Sung-tao, Đại sứ Trung Hoa đầu tiên ở Anh vào khoản năm 1876-1877 tuyên bố Hoàng Sa thuộc Trung Hoa, và Trung Hoa phản đối và ngăn chặn đoàn khảo sát Đức thực hiện công tác đo đạc ở Hoàng Sa và Trường Sa năm 1883.

Bên cạnh không có tư liệu độc lập kiểm chứng tính chính xác về tuyên bố của Kuo Sung-tao, thực tế cho thấy năm 1885, Đức phổ biến bản đồ chi tiết khu vực Hoàng Sa mà họ đã khảo sát trong các năm 1881-1883.[32]

So sánh với Trung Quốc, chứng cứ lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam rõ ràng, vững chắc hơn.

Tuy nhiên, do sự gián đoạn gần 20 năm trong nỗ lực nghiên cứu chủ quyền và giới thiệu nghiên cứu chủ quyền trước dư luận thế giới, và nhằm đảm bảo tính khoa học và nghiêm túc của nó, hồ sơ chứng cứ chủ quyền của Việt Nam còn cần sự quan tâm của giới chuyên gia và nghiên cứu, như người viết đề nghị năm 2011:

“Để khắc phục thiếu sót trong quá khứ, và để loại bỏ lỗ hổng trong lập luận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, nhà nước Việt Nam nên khẩn trương hỗ trợ giới nghiên cứu (độc lập cũng như trực thuộc bộ máy chính quyền), thúc đẩy tham khảo tư liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và từ các nguồn khác (kể cả ngoài nước), chuyển dịch những nghiên cứu đúng đắn từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài (cụ thể như tiếng Anh, tiếng Hoa), tư vấn chuyên gia ở ngoài nước về giải quyết tranh chấp lãnh thổ, đào tạo lớp người trẻ với chuyên môn nghiệp vụ cao, v.v.”[33]

4. Các kịch bản trong tranh chấp Biển Đông
Vào cuối tháng 9 năm 1975, trong cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước, khi Bí thư Thứ nhất đảng Lao động Việt Nam Lê Duẫn nêu vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thừa nhận có tranh chấp và đề nghị hai nước thảo luận sau.[34]
Sau gần 40 năm, cuộc tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa vẫn chưa được giải quyết.
Năm kịch bản cho tranh chấp Biển Đông trong 10 năm tới:
1.   Trung Quốc sử dụng vũ lực để đánh chiếm một phần hay toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhằm “giải quyết vấn đề tranh chấp và xác lập chủ quyền ở những hòn đảo và vùng lãnh hải trước năm 2020” như học giả Trung Quốc khẳng định và các nguồn thông tin khác cho biết.[35].

Trong tranh chấp biển đảo, Trung Quốc từng sử dụng vũ lực với Đài Loan vào thập niên 1950, và sử dụng vũ lực với Việt Nam vào thập niên 1970 và thập niên 1980.

Cuộc phiêu lưu quân sự mới của Trung Quốc ở Trường Sa, nhằm kiểm soát toàn bộ các đảo, đá trong phạm vi “đường lưỡi bò”, sẽ gây mất an ninh, ổn định trên Biển Đông, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hải của Mỹ, Nhật, Ấn Độ, v.v.

Không ai ngạc nhiên với nhận định là Trung Quốc đã theo sát diễn biến ở Ukraine và Crimea để đánh giá phản ứng và biện pháp đối phó của Mỹ và Liên hiệp Châu Âu đối với Nga.

Tuy nhiên, do khác biệt lớn với sự sáp nhập của Crimea vào Nga, kịch bản này đưa đến hậu quả kinh tế, quân sự, chính trị, v.v. có khả năng cao nằm ngoài mức dự đoán của lãnh đạo Trung Quốc.
2.               Trung Quốc đồng ý để các toà án quốc tế giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Do sự yếu kém của Trung Quốc trong chứng cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền, do hành động sử dụng vũ lực năm 1974 và 1988 để chiếm đóng các đảo, đá ở Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam, và do chưa hội đủ điều kiện thuận lợi cho nguyên tắc “quieta non movere”, Trung Quốc phản đối luật hoá hay quốc tế hóa vấn đề biển Đông, kiên trì với chủ trương “đàm phán song phương”, “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ rằng họ mất nhiều hơn được khi phải đối diện với các toà án quốc tế.
3.               Trung Quốc không sử dụng vũ lực nhưng tiếp tục chiến thuật kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Dựa trên các nguyên tắc đã nêu lên trong luật pháp quốc tế, Trung Quốc củng cố vị trí của họ trên Biển Đông nhằm chiếm đóng vĩnh viễn các đảo hiện đang kiểm soát bất hợp pháp. Đây là kịch bản thuận lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho Việt Nam, nếu Việt Nam không sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy Trung Quốc đã thành công trong hơn 20 năm qua khi áp lực nước có tranh chấp với Trung Quốc thực hiện “đối thoại hoà bình”, cho đến khi Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS đầu năm 2013.
4.                        Trung Quốc đẩy mạnh chiến thuật “tằm ăn dâu” trên Biển Đông: tiếp tục hành xử chủ quyền ở các khu vực đang chiếm đóng bất hợp pháp, biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp, áp lực nước có tranh chấp với Trung Quốc thực hiện “đối thoại hoà bình” hay đi theo chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở khu vực “tranh chấp” mới.

Kịch bản này giúp cho Trung Quốc mở rộng ranh giới “đường lưỡi bò” nhưng họ không thể dự đoán được mọi phản ứng, bao gồm khả năng xung đột quân sự có giới hạn, với thành viên khối ASEAN, với Mỹ hay các đồng minh khác của Mỹ.

Kịch bản này bất lợi trên nhiều mặt cho Việt Nam: Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200 km để kiểm soát, các đảo của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp sẽ trở thành vĩnh viễn của Trung Quốc, khu vực thuộc EEZ của Việt Nam, trở thành khu vực “tranh chấp” với Trung Quốc, nếu Việt Nam không sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian tới.

5.               Trung Quốc đàm phán nghiêm chỉnh với Việt Nam (và với các nước ASEAN có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc) để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Đây là kịch bản thuận lợi nhất cho Việt Nam và các nước khác nhưng bất lợi cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Các sự kiện liên quan đến Biển Đông từ đầu năm 2013 cho đến hôm nay cho thấy tình hình không cho phép Việt Nam chần chờ, trì hoãn trong nỗ lực giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc tận gốc rễ.

5. Biến chuyển quan trọng ảnh hưởng đến tranh chấp Biển Đông
Từ trong khu vực: 
Philippines:
Sau một thời gian đối thoại hoà bình để giải quyết tranh chấp, trước lập trường không thay đổi của Trung Quốc, vào cuối tháng 1 năm 2013, Philippines quyết định khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS. Vào cuối tháng 2 năm 2014, Francis Jardeleza, luật sư phụ trách tư vấn cho chính phủ Philippines về vụ kiện, kêu gọi Việt Nam và Malaysia tham gia vào vụ kiện. Một tháng sau lời kêu gọi, Philippines chính thức trình hồ sơ pháp lý gần 4.000 trang lên Toà án Trọng tài theo đúng quy trình.[36]
Malaysia:
Vào tháng 3 năm 2013, các tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện ở bãi cạn James, sâu vào trong EEZ của Malaysia, cách bờ biển bang Sarawak chỉ 43 hải lý. Đây là điểm cực Nam trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trong khoản 6 tháng sau, Malaysia triển khai kế hoạch thành lập một căn cứ hải quân mới ở thị trấn lớn nhất của bang Sarawak để đối phó với đe doạ của Trung Quốc.[37]
Indonesia:
Từ đầu thập niên 1990 cho đến gần đây, do là nước không có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, Indonesia giữ vị thế trung lập và đóng vai trò trung gian trong hoà giải giữa các bên. Sau khi ký kết “Tuyên bố về ứng xử” (DOC) với những giới hạn của nó năm 2002, trong gần một thập niên qua, Indonesia cùng các nước ASEAN khác soạn thảo “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC) mang tính ràng buộc hơn là DOC. Nỗ lực này không gặp đáp ứng tích cực của Trung Quốc.
Vào giữa tháng 4 năm 2014, Indonesia thay đổi vị thế trung lập khi tuyên bố nước này quyết định tăng cường lực lượng quân sự ở quần đảo Natuna trước sự kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc bao gồm cả lãnh hải của Indonesia.[38]
Việt Nam:
Từ đầu thập niên 2000 cho đến nay, Trung Quốc hàng năm ngang nhiên tuyên bố lệnh cấm đánh cá trên vùng biển của Việt Nam. Không những thế, Trung Quốc còn liên tục gây thiệt hại tài sản và ngay cả thiệt hại nhân mạng cho ngư dân của Việt Nam.[39]
Vào đầu tháng 10 năm 2011, trước chứng kiến của lãnh đạo hai đảng, Việt Nam và Trung Quốc ký kết thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề trên biển “thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị”.[40]
Vào cuối tháng 11 năm 2011, lãnh đạo chính phủ Việt Nam lần đầu tiên đề cập đến sự kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974.[41]
Trước sự leo thang gây hấn, khiêu khích, và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc, vào cuối tháng 4 năm 2013, lãnh đạo Việt Nam cũng lần đầu tiên đề cập đến luật pháp quốc tế như một công cụ để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.[42]
Vào đầu tháng 5 năm 2014, khi ngang nhiên đặt giàn khoan HD-981 sâu vào trong EEZ của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc chính thức cho Việt Nam và quốc tế biết rằng các cam kết của Trung Quốc với Việt Nam, bao gồm thoả thuận ký năm 2011, về giải quyết tranh chấp biển đảo trên Biển Đông bằng “đối thoại hoà bình” hoàn toàn không có giá trị.[43]
Trong gần 40 năm nay, Việt Nam không ngừng kêu gọi Trung Quốc đối thoại hoà bình để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa.
Theo Wang Hanling (Vương Hàn Lĩnh), học giả Trung Quốc, quan điểm của Trung Quốc  là:
Không có gì để đàm phán cả… Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc chưa bao giờ là đề tài tranh chấp và Việt Nam đã thừa nhận điều này trong quá khứ. Thảo luận về nỗ lực hợp tác bảo vệ tài nguyên, tìm kiếm cứu nạn và các việc khác là một chuyện, chủ quyền của Trung Quốc là một chuyện khác”.
Lập trường của Trung Quốc về Hoàng Sa không thể nào dứt khoát hay rõ ràng hơn: Hoàng Sa là của Trung Quốc. Họ còn ngang ngược đề nghị Việt Nam “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Trường Sa, ở khu vực biển đảo của Việt Nam.[44]

Từ ngoài khu vực:
Vào cuối năm 2011, Mỹ đề cập đến chiến lược mang tên “xoay trục”, hay còn gọi là “tái cân bằng” tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong hai năm qua, có nhiều bàn thảo, tranh luận, ý kiến về chính sách này. Một số điểm nên ghi nhận:
1.   Do chiến lược tái cân bằng đến từ một quá trình chuẩn bị tích cực trong hai thập niên dưới chính quyền Clinton và Bush, thuộc đảng Dân chủ và Cộng hoà, chiến lược này được hậu thuẫn của hai đảng và không ngừng lại ở chính quyền Obama.
2.   Với 10 tàu chở máy bay đang hoạt động (so với 1 cho Nga và 1 cho Trung Quốc), và hai tàu chở máy bay, với kỹ thuật hiện đại nhất, Ford-class, được thêm vào trước cuối thập niên này, hải quân Mỹ tiếp tục đứng ở vị trí hàng đầu so với hải quân các nước khác trong ít nhất là 20 năm tới.
3.   Trước cuối năm 2020, Mỹ sẽ hoàn tất chuyển sang Châu Á-Thái Bình Dương, 60% lực lượng hải quân, 60% căn cứ không quân ở nước ngoài, 60% khả năng đối phó của không quân trong không gian và thế giới ảo.
4.   Yếu tố không thể thiếu trong chiến lược tái cân bằng là tiến triển trong quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế của Mỹ với khu vực: Mỹ hiện có hiệp ước quân sự với 5 nước, là đối tác chiến lược với 7 nước khác; Mỹ là thành viên Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, có đại sứ trong ASEAN; Mỹ hoàn tất hay đang trong quá trình đàm phán với một số nước, trong đấy có Việt Nam, về các hiệp ước để thúc đẩy thương mại, v.v.[45]

Trong thời gian gần đây, trước sự kiện giàn khoan HD-981, lãnh đạo các nước công nghiệp G7, Liên minh Châu Âu EU, Nhật, Australia, Anh, Pháp, v.v., đã có tuyên bố mạnh mẽ và thuận lợi cho Việt Nam, bao gồm lời kêu gọi chống sử dụng vũ lực và sự ủng hộ giải quyết tranh chấp qua cơ chế toà án quốc tế.[46]

6. Bước đột phá trong tranh chấp Biển Đông
Với diện tích hơn 3.5 triệu km2, Biển Đông là một phần của Biển Thái Bình Dương, tiếp cận với lãnh hải của Việt Nam, Trung Quốc, Taiwan, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Singapore.
Trong thời đại toàn cầu hoá kinh tế, Biển Đông không những quan trọng với các nước tiếp cận mà còn cực kỳ quan trọng với nhiều nước đã và đang phát triển khác trên thế giới.

Hàng năm có hơn 5.300 tỷ dollars mậu dịch quốc tế đi ngang qua Biển Đông trong đấy 1.200 tỷ dollars mậu dịch là của Mỹ. Số lượng mậu dịch này đóng góp vào con số thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, với gần 320 tỷ dollars trong năm 2013, chiếm 3,5% GDP của Trung Quốc hay gấp đôi GDP của Việt Nam trong cùng năm.[47]

Do vị thế chiến lược của hai quần đảo này, Việt Nam nên năng động, tích cực trình bày cho thế giới thấy rõ rằng, Hoàng Sa-Trường Sa đóng vai trò then chốt trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Khi sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh hải giữa riêng hai nước mà còn giúp mang lại an ninh và ổn định cho tất cả các nước phụ thuộc vào giao thông hàng hải ngang qua một khu vực quan trọng hàng đầu thế giới và có diện tích rộng bằng một phần ba diện tích nước Mỹ. 
Cách hành xử như trên chứng minh mạnh mẽ cho thế giới thấy rằng Việt Nam là một nước tôn trọng luật pháp và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Để tạo đột phá trong bế tắc và để tranh thủ thuận lợi hiện có, xét từ góc độ luật pháp quốc tế, chứng cứ lịch sử và tình hình khu vực như đề cập trong bài, Việt Nam, trong thời gian sớm nhất, nên hoặc tự mình, trong trường hợp Hoàng Sa, hoặc cùng Philippines, Malaysia, Indonesia, hay Brunei, trong trường hợp Trường Sa, hoặc một kết hợp khéo léo của cả hai phương án, công khai kêu gọi Trung Quốc đồng ý để các toà án quốc tế giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Bên cạnh đấy, do điều kiện đảo, đá, do nhu cầu giảm thiểu mức độ xung đột, tranh thủ ủng hộ của quốc tế, và do nhu cầu vô hiệu hoá “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Việt Nam nên chủ trương quy định ngay cả đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa-Trường Sa có lãnh hải 12 hải lý và không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Trung Quốc có quan toà đại diện trong Toà án Quốc tế và Toà án Luật Biển; Trung Quốc luôn luôn khẳng định trước dư luận thế giới là họ có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý hậu thuẫn cho đòi hỏi chủ quyền “đường lưỡi bò” nói chung và quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa nói riêng.

Nếu Trung Quốc muốn chứng minh họ cũng là nước tôn trọng luật pháp và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, nếu khẳng định của Trung Quốc về chủ quyền dựa trên cơ sở sự thật, khó có bất cứ lý do chính đáng nào khác cho Trung Quốc viện dẫn để từ chối vai trò giải quyết tranh chấp giữa các nước mà Toà án Quốc tế hành xử hữu hiệu trong hơn 60 năm nay.[48]

Việt Nam đang thật sự đối diện với một trách nhiệm to lớn mà lịch sử giao phó: sử dụng luật pháp quốc tế để duy trì hoà bình trong một khu vực trọng yếu của thế giới.

T.V.C

No comments:

Post a Comment