Thursday 21 August 2014

Biển Đông : "Mỹ không nói suông nữa"


BIỂN ĐÔNG - HOA KỲ - 
Bài đăng : Thứ ba 19 Tháng Tám 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 19 Tháng Tám 2014

Biển Đông : "Mỹ không nói suông nữa"

Tướng Mỹ Martin E.Dempsey bên cạnh Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ trong chuyến thăm Việt Nam từ 14 đến 17/08/2014.
Tướng Mỹ Martin E.Dempsey bên cạnh Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ trong chuyến thăm Việt Nam từ 14 đến 17/08/2014.

Mai Vân / Trọng Nghĩa

Lần đầu tiên kể từ năm 1971 đến nay, ngày 14/08/2014 vừa qua, nhân vật đứng đầu quân đội Mỹ công du Việt Nam. Trong khuôn khổ một chuyến thăm Việt Nam trong 4 ngày, Tướng Martin E. Dempsey, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đã thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam về việc tăng cường quan hệ quân sự giữa hai nước vốn trước đây là cựu thù.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/08/2014, Tướng Martin Dempsey xác nhận khả năng Mỹ giảm nhẹ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, và trong trường hợp đó, ông chủ trương cung cấp các loại thiết bị và vũ khí để Việt Nam tăng cường năng lực binh chủng Hải quân.
Theo tướng Dempsey, Washington có thể bán cho Hà Nội từ tàu tuần tra, các thiết bị tình báo, giám sát và trinh sát, cho đến các phương tiện tìm kiếm và cứu hộ, và thậm chí các loại vũ khí mà hạm đội Việt Nam chưa từng có.
Về vấn đề Biển Đông, Tướng Dempsey dĩ nhiên đã xác định trở lại lập trường từ trước đến nay của Hoa Kỳ là "không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Mỹ hết sức quan tâm đến cách thức giải quyết các bất đồng mà theo ông không được phép sử dụng vũ lực.
Giải pháp cho Biển Đông phải là đa phương
Cốt lõi của một giải pháp cho vấn đề Biển Đông, theo Tướng Dempsey, là một phương thức giải quyết đa phương, thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN, chứ không phải là vấn đề "Mỹ có ý định làm gì".
Đối với tướng Dempsey, Mỹ và Việt Nam có lợi ích chung, và Hoa Kỳ đang khuyến khích các đối tác ASEAN và đồng minh trong khu vực phát huy một cách tiếp cận đa phương đối với vấn đề an ninh trên biển.
Về quan hệ quân sự Mỹ-Việt, sau khi nhắc lại rằng Washington có các thỏa thuận quốc phòng lâu dài với các nước trong khu vực, trong đó Philippines và Thái Lan là hai đồng minh có ký hiệp ước với Mỹ, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ xác định : "Chúng tôi rất quan tâm đến việc trở thành đối tác với một nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng".
Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Tướng Martin Dempsey, RFI đã có bài phỏng vấn nhanh với Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ). Trước hết Giáo sư Long đã xác định tầm mức quan trọng của chuyến thăm Việt Nam của Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey, trong bối cảnh Việt Nam bị Trung Quốc chèn ép dữ dội trên Biển Đông.
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ cuộc viếng thăm này rất là quan trọng… Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất ở Biển Đông. Việt Nam bị tổn hại nhất vì sự bành trướng của Trung Quốc, nhưng lại yếu về vấn đề quân sự cũng như vấn đề chính trị và liên hệ với các nước khác. Thành ra vai trò của Mỹ củng cố quan hệ với Việt Nam rất quan trọng, không những cho Việt Nam mà cho cả khu vực.
Và chính Đại tướng Dempsey, khi ở Việt Nam, cũng đã nói rằng ông hoàn toàn chia sẻ đánh giá là hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông, đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những đòi hỏi phi lý, có nghĩa là (đòi hỏi) của Trung Quốc.
Và ông nói rằng việc này không những đe dọa Việt Nam và các nước ASEAN mà còn đe dọa đến lợi ích của Mỹ và của các nước khác.
Mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và các nước khác trong khu vực là quan tâm chung, và những quan ngại đã được nêu ra đều có cơ sở, thành ra Mỹ và và giới quân sự Mỹ cần chú ý thêm đến khu vực này (Biển Đông). Tôi thấy đây là một hướng tích cực đối với an ninh chung của khu vực.
RFI: Riêng về phía Mỹ, chuyến thăm Việt Nam của ông Dempsey thể hiện điều gì ?
Ngô Vĩnh Long: Về phía Mỹ, chuyến thăm của ông Dempsey thể hiện việc chính phủ Mỹ - và quân đội Mỹ - thấy rằng việc Trung Quốc bành trướng và sử dụng sức mạnh để đe dọa làm tổn hại đến an ninh khu vực và cũng như là quyền lợi của Mỹ.
(Chuyến thăm) thể hiện vấn đề Mỹ không nói suông nữa. Từ trước đến giờ Mỹ muốn trấn an Trung Quốc, nói ‘suông suông’, rồi nói với Trung Quốc là không nên gây hấn… Nhưng giờ đây là việc Mỹ tăng cường sự hiện diện để cho Trung Quốc biết là không nên làm quá, vì nếu Trung Quốc tiếp tục làm quá, thì Mỹ sẽ có những biện pháp đối với Trung Quốc...
Mỹ sẽ giám sát hiện trạng Biển Đông
Về lâu về dài, Mỹ có thể sẽ cấm vận Trung Quốc, nhưng hiện nay, Mỹ chẳng hạn đã tuyên bố là đang đưa máy bay đi giám sát các hòn đảo ở Trường Sa xem thử coi Trung Quốc có tăng cường hoạt động trong vùng đó hay không.
Rõ ràng là Mỹ nghĩ rằng vì các hành động của Trung Quốc, cho nên Mỹ phải ra tay mạnh hơn, để cho Trung Quốc thấy được dấu hiệu rõ ràng là quyền lợi của Mỹ cũng như quyền lợi của thế giới đang bị xâm phạm.
Đây là việc Hoa Kỳ chưa dám làm trước đây, nhưng bây giờ, sau khi các nước ASEAN nói rằng các hành động khiêu khích gần đây có hại cho hòa bình, ổn định và an ninh, cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thì việc này giúp cho Mỹ nói rằng : « À ! Vậy thì chúng tôi sẽ giúp các anh giám sát các hành động này, để cho chúng ta có thể bảo vệ an ninh chung ! »
Do đó tôi thấy rằng bản thông cáo chung ASEAN vừa qua rất tốt cho việc giúp Mỹ tăng cường quan hệ và hoạt động trong khu vực.
RFI: Thông cáo chung ASEAN là « cơ sở pháp lý » để Hoa Kỳ phát triển hoạt động ?
Ngô Vĩnh Long: Vâng. Hoa Kỳ và các nước đồng minh. Hoa kỳ hiện nay cũng lập một quan hệ với Úc, với Nhật, và với Ấn Độ trong việc giám sát an ninh khu vực. Tôi nghĩ đây là cơ sở để tăng cường hoạt động chung. 
Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Hoa Kỳ

19/08/2014
by Trọng Nghĩa

More



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

No comments:

Post a Comment