Biển Đông : Mỹ tố cáo yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Bắc Kinh hôm nay để chuẩn bị cho
cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung - REUTERS /B. Smialowski
Mai Vân
Các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông
"có vấn đề". Một hôm trước lúc mở ra cuộc Đối thoại Chiến lược và
Kinh tế thường niên Mỹ-Trung tại Bắc Kinh, một quan chức Mỹ cao cấp đã nhận xét
như trên vào hôm nay, 08/07. Vấn đề chính là các hành động của Trung Quốc nhằm
áp đặt các yêu sách đã gây căng thẳng trong vùng.
Trung Quốc hiện cũng tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu
Ngư với Nhật Bản, một đồng minh có hiệp định an ninh với Hoa Kỳ và sẽ được
Washington bảo vệ nếu bị tấn công. Các quan chức Mỹ tháp tùng theo Ngoại trưởng
Mỹ đã cho biết là Mỹ "hết sức quan ngại" về "sự sẵn sàng của các
bên tranh chấp trong việc sử dụng các lực lượng quân sự, bán quân sự, tuần
duyên nhằm thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền của mình".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Bắc Kinh vào hôm nay để chuẩn bị
cho hai ngày họp với phía Trung Quốc trong khuôn khổ cuộc Đối thoại Chiến lược
và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ sáu. Hồ sơ tranh chấp biển đảo giữa Bắc Kinh và các
láng giềng được cho là sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị
sự vì đã khuấy động quan hệ giữa hai cường quốc trong thời gian gần đây, bên
cạnh hai vấn đề khác là tin tặc và thương mại.
Riêng về Biển Đông, phía Mỹ đặc biệt tố cáo tính chất mập mờ của
tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mà Bắc Kinh dùng làm cơ sở để đòi thâu tóm gần như
toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước khác, trong đó có
Việt Nam và Philippines. Một quan chức Mỹ trong đoàn của Ngoại trưởng Kerry xác
định : "Sự mơ hồ gắn với đường chín đoạn quả là có vấn đề."
Trung Quốc và các láng giềng đã tăng cường công việc tuần tra trên
các khu vực tranh chấp, và gần đây ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam đã
xẩy ra những vụ phun vòi rồng, tàu hai bên đâm vào nhau, ngư dân bị bắt giữ.
Theo quan chức cao cấp Mỹ nói trên tình hình căng thẳng leo thang
"có liên quan đến Mỹ trong tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương, là
một quốc gia thương mại chủ chốt, một khách tiêu thụ quan trọng của các tuyến
đường biển và là người bảo kê lâu dài cho sự ổn định trong khu vực Châu Á-Thái
Bình Dương."
Theo hãng tin Pháp AFP, viên chức cao cấp Mỹ đã xin được giấu tên
để có thể nói thẳng thắn về các vấn đề tế nhị. Nhân vật này khẳng định rằng các
cuộc nói chuyện với phía Trung Quốc sẽ "rất trực tiếp, thẳng thắn, và xây
dựng".
Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh rằng họ không bênh bên nào trong cuộc tranh
chấp chủ quyền, nhưng đã tố cáo Bắc Kinh về những hành vi gây mất ổn định và
thúc giục Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải trên các tuyến đường thủy
quan trọng.
Theo quan chức Mỹ được AFP trích dẫn, Trung Quốc từng tuyên bố là
họ quyết tâm dùng các biện pháp ngoại giao và hòa bình để giải quyết tranh
chấp, do đó phía Mỹ sẽ yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng các cam kết.
Đối thoại Mỹ-Trung : Lập trường về Biển Đông vẫn đối nghịch
Tranh chấp Biển Đông và biển Hoa Đông nổi cộm nhân cuộc Đối thoại
chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung / Reuters
Thanh Phương
Ngày mai, 09/07/2014, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ mở cuộc Đối thoại
chiến lược và kinh tế thường niên tại Bắc Kinh. Trong cuộc đối thoại lần này,
bên cạnh vấn đề gián điệp mạng, tranh chấp chủ quyền Biển Đông và biển Hoa Đông chắc chắn sẽ bao trùm
chương trình nghị sự.
Đặc biệt là về tình hình Biển Đông, lập trường giữa Washington và
Bắc Kinh vẫn còn rất đối nghịch, rất khó dung hòa với nhau.
Vụ gián điệp đôi : Nhà Trắng từ chối bình luận
Phát ngôn viên Nhà trắng Josh Earsnest - REUTERS
Thanh Phương
Hôm qua, 07/07/2014, Nhà Trắng đã từ chối bình luận những thông
tin về vụ một gián điệp đôi của Đức dường như đã làm việc cho Hoa Kỳ, nhưng bảo
đảm là sẽ hợp tác với Berlin để giải quyết vụ này.
Từ Washington, thông tin viên RFI Anne-Marie Capomaccio gởi về bài
tường trình :
« Nhà trắng tỏ ra rất thận trọng trong hồ sơ này. Bốn ngày đã trôi
qua kể từ khi cuộc điều tra được mở ra ở Đức, nhưng Washington vẫn không có một
bình luận gì.
Nhờ cuối tuần qua đã được kéo dài với ngày lễ Độc lập 04/07, phát
ngôn viên của Tổng thống Barack Obama khỏi phải trả lời các phóng viên. Nhưng
hôm qua, ông Josh Earnest đã không thể né tránh câu hỏi liên quan đến vụ này.
Vẻ mặt rất bối rối, ông đã từ chối bình luận về hồ sơ gián điệp, nhưng hứa là
các cơ quan của Mỹ sẽ hợp tác với Berlin để giải quyết vụ này.
Phát ngôn viên Earnest nói : « Lý do tôi không thể bình luận về vụ này đó là vì cuộc điều tra của
ngành tư pháp Đức đang được tiến hành. Tôi không muốn phát biểu gì hay can
thiệp vào tiến trình điều tra. Nhưng chúng tôi sẽ làm việc với phía Đức để giải
quyết vụ này một cách đúng đắn. »
Quan hệ giữa Washington và Berlin đã trở nên rất tế nhị, kể từ khi
có những tiết lộ của cựu nhân viên tư vấn Edward Snowden và vụ Cơ quan An ninh
Quốc gia của Mỹ bị tố cáo nghe lén điện thoại thủ tướng Angela Merkel.
Vụ gián điệp này, nếu được xác nhận, chắc chắn sẽ gây tác hại hơn
nữa cho mối quan hệ vốn rất vững chắc giữa Hoa Kỳ với đồng minh Đức, mà phát
ngôn viên Nhà Trắng hôm qua đã cố sức ca ngợi. »
Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Đức ca ngợi phúc lợi của tự do, dân chủ
Thủ tướng Đức Angela Merkel sau buổi đọc diễn văn đại học Thanh
Hoa, Bắc Kinh - Reuters
Tú Anh
Sau khi phái đoàn doanh nhân Đức đã ký kết hàng loạt hợp đồng kinh
tế, thương mại với Trung Quốc, Thủ tướng Angela Merkel dành ngày hôm nay 08/07
để tiếp xúc với sinh viên Trung Quốc và đề cập đến nhân quyền. Với tư cách là
người đã lớn lên trong xã hội cộng sản độc tài, lãnh đạo Đức chia sẻ kinh
nghiệm về nhu cầu của đối thoại để phá vỡ một chế độ công an trị.
Trong bài diễn văn được cân nhắc thận trọng, đọc tại đại học Thanh
Hoa, Bắc Kinh, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh đến những « phúc lợi » mà
người dân sống trong « chế độ tư do và cởi mở » được thụ hưởng.
Theo Thủ tướng Đức, bên cạnh những yếu tố công nghệ và kinh tế ,
một quốc gia muốn được « phát triển bền vững » cần phải có một « hệ
thống tư pháp công minh chính trực vì điều quan trọng là người dân tin tưởng
vào pháp luật chứ không phải cúi đầu chấp nhận sự áp đặt của pháp luật » bất
minh.
AFP nhận định , trái với các nhà lãnh đạo Tây phương khác thường
tránh né đề cập nhân quyền để mua lòng giới lãnh đạo Bắc Kinh, bà Angela Merkel
đã thẳng thắn nói đến những giá trị tốt đẹp của đối thoại, của dân quyền, của
tự do dân chủ : « Công dân cần phải có cảm tưởng được phát luật bảo vệ. Luật
pháp phải tôn trọng nguyên tắc bảo vệ dân. Điều then chốt là phải có một xã hội
tự do, cởi mở, đa nguyên để xây dựng một tương lai thành công tốt đẹp ».
Sinh viên Trung Quốc được Thủ tướng Đức thông báo về diễn đàn «
Nhân quyền, Tự do cá nhân và đa nguyên xã hội » mà hai nước Đức và Trung
Quốc gặp gỡ thảo luận. Angela Merkel nhấn mạnh chi tiết bà lớn lên trong chế độ
độc tài cộng sản Xô-viết nơi mà các quyền tự do bị đàn áp và công dân bị công
an theo dõi chặt chẽ.
Do đó, bà Merkel thấy rõ cuộc cách mạng ôn hòa 25 năm trước đây
làm chế độ Đông Đức và bức tường Bá Linh đã sụp đổ một cách không đổ máu là nhờ
vào đối thoại. Để kết luận, Thủ tướng Đức nhắn nhủ giới trẻ Trung Quốc là xã
hội Hoa lục cũng cần có đối thoại tự do .
Đại học Thanh Hoa là nơi xuất phát ngọn gió Mùa Xuân Bắc Kinh dẫn
đến phong trào Thiên An Môn 1989.
--
No comments:
Post a Comment