Sunday, 15 June 2014

Tướng Brisset: "Trung Quốc sẽ chiếm Biển Đông nếu Việt Nam không lôi kéo được sự chú ý của thế giới"


Tướng Brisset: "Trung Quốc sẽ chiếm Biển Đông nếu Việt Nam không lôi kéo được sự chú ý của thế giới"

BS NGUYỄN ĐAN QUẾ & TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG - VIỆT NAM



Một tàu hải cảnh Trung
 Quốc gần giàn khoan, phía trái là cờ của lực lượng tuần duyên Việt Nam. Ảnh chụp ngày 14/05/2014.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc gần giàn khoan, phía trái là cờ của lực lượng tuần duyên Việt Nam. Ảnh chụp ngày 14/05/2014.
REUTERS/Nguyen Ha Minh

Thụy My

Hôm nay 14/06/2014 tại khu vực giàn khoan Hải Dương do Trung Quốc đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, các tàu Trung Quốc đã dàn hàng ngang để ngăn cản các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam làm nhiệm vụ cũng như các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt, sẵn sàng đâm va.

Từ đầu tháng Năm đến nay, tình hình vẫn luôn căng thẳng tại khu vực này, khiến mọi người đều lo sợ khả năng xảy ra chiến tranh trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tướng không quân Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) chuyên về an ninh châu Á và Trung Quốc, đã vui lòng trả lời RFI Việt ngữ về vấn đề này. 

RFI : Kính chào ông Jean-Vincent Brisset. Thưa ông, tình hình tại Biển Đông xung quanh giàn khoan do Trung Quốc đơn phương kéo đến đặt tại vùng biển gần Hoàng Sa vẫn đang căng thẳng. Không ngày nào không có những vụ tàu Trung Quốc gây hấn, tấn công vào các tàu Việt Nam bằng nhiều hình thức. Liệu sẽ xảy ra chiến tranh tại vùng biển này, hay đây chỉ là chiến tranh cân não ?
Tướng Jean-Vincent Brisset _Pháp

14/06/2014
by Thụy My

More


Tướng Jean-Vincent Brisset : Hiện giờ chưa có nguy cơ xảy ra chiến tranh do một phía nào đó chủ động gây chiến. Tuy nhiên chiến tranh cũng có thể diễn ra, do Trung Quốc tỏ thái độ vô cùng bạo lực, vô cùng đế quốc, khiến nguy cơ xung đột vẫn hiển hiện. Nếu xảy ra chết người ở phía Việt Nam và các nước khác chẳng hạn, thì đương nhiên sẽ có các vụ trả đũa, gây ra các vụ đối đầu càng lúc càng quan trọng hơn. 

RFI : Thưa ông, việc kiện ra tòa có phải là giải pháp cho các nước liên quan như Việt Nam và Philippines, trong khi Bắc Kinh luôn từ chối ra trước các định chế tư pháp quốc tế ? 

Rõ ràng là Việt Nam, Philippines có các lý do tuyệt hảo khi đi tìm một giải pháp pháp lý, vì khá dễ dàng để chứng tỏ rằng đây là quyền của họ. Giải pháp đi kiện là một giải pháp tốt, do ra trước tòa án quốc tế nào, các nước này cũng có cơ hội thuyết phục rằng họ có lý. Nhưng vấn đề là Trung Quốc không tôn trọng luật lệ quốc tế. 
RFI : Ông có nghĩ Biển Đông là vùng biển mang tính quốc tế ? 
Từ rất lâu Biển Đông là vùng biển quốc tế. Có một số đảo nhỏ được nhiều nước chiếm đóng, nhưng tương đối ổn, không có những yêu sách chủ quyền thô bạo. Có điều Trung Quốc lại quyết định toàn bộ Biển Đông là của mình, bất chấp mọi luật pháp quốc tế. 

RFI : Với tính cách quốc tế của Biển Đông, ông có nghĩ rằng châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng cũng có liên quan, tuy không đứng về phía nào trong tranh chấp ? 

Pháp và các quốc gia châu Âu khác đều có liên quan với tư cách là những nước đã ký vào Công ước quốc tế về Luật Biển, tuy cho đến nay Công ước này không được tôn trọng. Vấn đề là cũng có rủi ro cho các nuớc này, vì một phần lớn trao đổi thương mại hàng hải đi qua khu vực này, đến 40%. Mặt khác châu Âu không có nhiều tiếng nói trong vùng này, Pháp lại càng ít hơn. 
Tôi nghĩ rằng đối với những nước không có mấy trọng lượng để gây áp lực lên Trung Quốc, thì để yên cho Trung Quốc hành động có lợi cho mình hơn là giúp đỡ những nước nhỏ, thế nên thường là họ không có phản ứng. 

RFI : Bắc Kinh luôn đề nghị thương lượng song phương thay vì đa phương … 

Bắc Kinh có thể hy vọng mạnh hơn đối thủ trong các giải pháp song phương. Rõ ràng là Bắc Kinh ít khi tiến hành các giải pháp đa phương, dù là với châu Âu hay với các đối tác khác, mỗi lần có đề nghị thương lượng. Có rất ít trường hợp thương thảo đa phương với Trung Quốc vì không có lợi cho họ bằng song phương. Thế nên Bắc Kinh luôn xoay sở để phá hoại tất cả các toan tính của ASEAN cho giải pháp đa phương về vấn đề an ninh. 

RFI : Nhưng cho đến giờ mọi nỗ lực để đưa vấn đề ra trước các tòa án quốc tế đều thất bại, như ông biết

Tôi cho rằng đối với Việt Nam, Philippines, Malaysia - và không chỉ có thế, bây giờ Indonesia mới phát hiện là họ cũng liên quan, các quốc gia này có quan điểm tôn trọng pháp chế. Họ muốn có được phán quyết của các định chế tư pháp quốc tế, từ các chuyên gia, các tòa án độc lập.

Nhưng vấn đề hiện nay là ở chỗ, mà Trung Quốc hiểu rất rõ, trước hết, kẻ mạnh là người áp đặt luật chơi, và tiếp đến là truyền thông. Các nước kể trên chưa bao giờ là người mạnh nhất, và nhất là họ không liên kết lại để có một giải pháp chung, cũng như không vận dụng báo chí quốc tế. Vì vậy chuyện của họ không được ai quan tâm đến. 
RFI Như vậy theo ông, các nước này cần nỗ lực tuyên truyền nhiều hơn ? 

Tất nhiên rồi ! 

RFI Ông nghĩ gì về phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam tại Diễn đàn An ninh Khu vực Shangri-la vừa rồi ? 
Người ta thấy rằng quan hệ giữa Nhật Bản và Đài Loan có vấn đề đôi chút liên quan đến quần đảo Senkaku, và giữa Philippines với Đài Loan, đã được giải quyết tương đối ổn với các thỏa thuận hòa bình, chứng tỏ rằng có thể thương lượng được với nhau. Đài Loan là một ví dụ ngạc nhiên và thú vị.

Thú vị hơn là giữa Nhật và Philippines không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhưng đã thành công trong việc đạt được thỏa ước nhằm tránh xung đột. Điều này cũng chứng tỏ là Trung Quốc khi từ chối các thỏa thuận này là muốn xung đột vì muốn chiếm được Biển Đông, làm thành biển riêng của người Trung Quốc. 

Tôi có thể hiểu được rằng, người Nhật gặp khó khăn với Trung Quốc về hồ sơ Senkaku, cho rằng chính sách của Bắc Kinh rất nguy hiểm cho thế giới. Người Mỹ cũng quan tâm đến vấn đề này vì có lợi ích trực tiếp trong khu vực. Hoa Kỳ được tất cả các nước kêu gọi giúp đỡ vì trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc, các nước này không có đủ phương tiện kỹ thuật để đối phó. Giải pháp của họ là kêu gọi sự trợ giúp của Mỹ - một điều mới cách đây vài năm khó thể nghĩ đến. 

Việt Nam cố gắng hòa hoãn vì biết rằng yếu hơn về quân sự cũng như kỹ thuật, không có trọng lượng bao nhiêu đối với truyền thông. 
RFI : Ông có nghĩ rằng có sự hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc hay không ? 

Tôi nghĩ rằng giữa Trung Quốc và Nga có nhiều lý do để xung đột với nhau hơn là hợp tác quân sự. Đã có cuộc tập trận chung hết sức giới hạn cả về mặt kỹ thuật lẫn thực tiễn. Có vài sự trao đổi, chẳng hạn như đã có loan báo việc Nga xuất khẩu các thiết bị quân sự phòng không, máy bay tiêm kích…cho Trung Quốc.

Chính các nhà xuất khẩu vừa cho biết rằng việc bán hàng không phải ngay lúc này đã thỏa thuận xong, ngược lại đang bị hoãn. Bởi vì người Nga biết rõ rằng về mặt quân sự, việc « có qua có lại » không hề hiện hữu : Bắc Kinh chỉ muốn nhận được chứ nhất định không muốn cho đi. 

RFI Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đả kích thẳng thừng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng phải chăng đây chỉ là nói suông không dẫn đến hành động, mà sự kiện ở bãi cạn Scarborough của Philippines là một ví dụ ? 

Người Mỹ sẽ ngày một hiện diện cụ thể hơn tại Biển Đông. Để tấn công một tàu của Philippines, Malaysia hay Việt Nam như Trung Quốc vẫn thường xuyên làm, họ có nguy cơ gặp phải một chiếc tàu Mỹ đi ngang qua. Bắc Kinh sẽ không muốn nhận lấy rủi ro khi tấn công, đánh chìm một tàu của Mỹ, như họ vẫn tự cho phép. Đánh đắm một chiếc tàu Việt Nam thì dễ dàng thôi, không ai trên thế giới chú ý cả. Ngược lại, đối với tàu Mỹ sẽ gây ra các phản ứng rất nặng nề. 

RFI : Trở lại với giàn khoan Trung Quốc, ông có nghĩ rằng đây là một phần của chiến lược tổng thể của Bắc Kinh – và gần đây người ta còn nói đến một giàn khoan thứ hai nữa. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ tiếp tục chiến lược này ? 

Người Trung Quốc sử dụng một chiến lược có thể gọi là trò chơi của trẻ con với cha mẹ. Khi người ta còn bé, người ta thử không chịu nghe lời một chút, và nếu cha mẹ không trừng phạt thì đứa bé sẽ bướng bỉnh hơn. 

RFI : Ông có lời khuyên nào đối với Việt Nam không ? 

Nếu Việt Nam không thành công trong việc làm cho các nước khác trên thế giới chú ý đến vấn đề của mình, thì Trung Quốc sẽ thắng, cũng như họ đã thắng khi chiếm được Hoàng Sa cách đây bốn mươi năm. 

Tất nhiên là Việt Nam phải khởi kiện rồi, nhưng nhất là phải nỗ lực về mặt truyền thông. Nếu Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng hiện nay, thì cần phải làm cho thế giới chú ý đến những gì đang diễn ra tại Biển Đông. 


RFI Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tướng Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), đã vui lòng trả lời RFI Việt ngữ.

No comments:

Post a Comment