Tàu
quân sự của Trung cộng liên tục tấn công tàu Việt Nam trên biển Đông
Tin “nóng” Hoàng Sa ngày 25.5: Hàng chục tàu
Trung Quốc lao ra bao vây, tấn công, thêm 4 kiểm ngư viên VN bị thương
Lao Động Online - Diễn
biến trên thực địa hiện nay cho thấy, phía Việt Nam đã hết sức kiềm chế nhưng
phía Trung Quốc ngày càng lấn tới. Ngày 23.5, Trung Quốc đã điều động thêm
nhiều tàu lớn ra đâm húc, phun vòi rồng khiến 1 tàu kiểm ngư của Việt Nam hư
hỏng, 4 người bị thương nặng.
Tấn công cách giàn khoan hơn 8 hải lý
Lúc 6h30 ngày 25.5, khi các tàu trong biên đội
kiểm ngư 4 ở cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 8,3 hải lý, bất ngờ hàng chục
gồm tàu hải cảnh, hải giám, tàu kéo, tàu dịch vụ của Trung Quốc lao ra tấn
công.
Theo quan sát của PV, đây là lần đầu tiên Trung
Quốc điều động số lượng tàu nhiều nhất nhằm vào biên đội tàu kiểm ngư 4.
Trong số này có nhiều tàu lớn, hình thù quái dị
chưa từng xuất hiện trong những ngày trước đó. Chỉ ít phút sau khi xông vào đội
hình tàu Việt Nam, các tàu Trung Quốc đã áp sát uy hiếp, khoảng 3-4 tàu Trung
Quốc kèm chặt một tàu Việt Nam, trong đó tàu hải cảnh 37101, 31001, 32101,
32102 truy đuổi các tàu kiểm ngư KN 768, KN 769 và tàu cảnh sát biển 4032 của
Việt Nam.
Ở một hướng khác, 8 tàu Trung Quốc giàn trận bao
vây các tàu kiểm ngư của Việt Nam gồm: KN 22, KN 767, KN 770. Trong đó nhiều
tàu của Trung Quốc đã mở bạt che pháo, đe dọa vũ trang.
Vài phút sau, tàu hải cảnh 37102 của Trung Quốc
bật sẵn vòi rồng đã lao vào tàu kiểm ngư 770, duy trì khoảng cách khoảng 5m.
Tàu kiểm ngư 770 bị vòi rồng phun liên tục suốt quá trình tàu hải cảnh 37102
tiếp cận phía sau, đi ngang mạn phải vượt lên trước mũi. Cùng thời điểm, tàu kiểm
ngư 9 của Trung Quốc cũng bắn vòi rồng vào tàu kiểm ngư 22 của Việt Nam, đồng
thời, vòng sang phải sang trái tìm cách đâm va, phá hủy.
Lúc này, chúng tôi có mặt trên tàu HP 926 ở cách
đó không xa, nên dễ dàng chứng kiến, theo dõi toàn bộ hành động ngang ngược của
tàu Trung Quốc. Nhìn vào camera thu hết cỡ, nhiều lần chúng tôi có cảm giác tàu
kiểm ngư 9 của Trung Quốc đã đâm vào mạn của tàu kiểm ngư 22.
Toàn thể cán bộ, công nhân viên trên tàu HP 926
đều rất bất bình, lo lắng cho đồng đội. Thuyền trưởng tàu HP 926 Nguyễn Cao Duy
nhận định, tàu kiểm ngư 22 sẽ bị thiệt hại rất nặng, có thể bị tê liệt, ông Duy
ra lệnh các thủ thủ chuẩn bị dây kéo, chờ lệnh ứng cứu đồng đội.
Cũng từ tàu kiểm ngư 926, Biên đội trưởng Biên
đội tàu kiểm ngư 4 Vũ Đức Tạo ra lệnh cho các tàu kiểm ngư 22, 770 chủ động
phòng tránh, từng bước cơ động ra khỏi vòng vây của tàu Trung Quốc.
3 ngày, 4 tàu hư hỏng nặng
Trong khi vòi rồng phun xối xả, hai tàu kiểm ngư
22, 770 đã liên tục di chuyển phòng tránh sang phải sang trái, có lúc lùi máy
rất nhanh để tránh sự đâm va của tàu Trung Quốc.
Đến gần trưa cùng ngày, các tàu Trung Quốc mới
chuyển hướng, tạm dừng cuộc tấn công, rất may tàu kiểm ngư 770 không có ai bị
thương.
Riêng tàu kiểm ngư 22, anh em cho biết đang bị
rò nước, anh em đang khắc phục, sẽ báo cáo chi tiết sau.
Tuy nhiên, Biên đội trưởng Biên đội tàu kiểm ngư
4 Vũ Đức Tạo rất lo lắng, liên tục yêu cầu tàu kiểm ngư 22 báo cáo cụ thể hơn.
Giữa trưa, tàu kiểm ngư 22 cho biết, một tấm
kính đã bị vỡ, nước vào gây chập điện, hỏng một máy định vị, 4 người bị thương.
Các đồng chí bị thương đều được cứu chữa tại chỗ, riêng thuyền trưởng bị thương
nặng nhất phải truyền nước.
Đây là tàu kiểm ngư thứ 4 của Việt Nam hư hỏng
do Trung Quốc tấn công trong 3 ngày qua. Trước đó, sáng 23.5, tàu kéo kiểm ngư
9 của Trung Quốc đã đâm hỏng mạn trái tàu HP 926 với chiều dài 17m, trong đó 3m
sập hoàn toàn (Lao Động đã thông tin).
Trước đó, chiều 23.5, tàu kiểm ngư 628 thuộc một
biên đội kiểm ngư khác cũng bị đâm thủng mạn, nước tràn vào, tàu kiểm ngư 630
phải đến bơm nước cứu hộ. Khi tàu kiểm ngư 630 quay ra thì gặp nhiều tàu Trung
Quốc vây chặn, phun vòi rồng, làm vỡ kính, hư hỏng nhiều thiết bị.
Tàu cá Trung Quốc vào gần giàn khoan dày đặc
Lúc 13h30 ngày 25.5, tại tọa độ 15,21 độ vĩ bắc, 111,02 độ kinh đông, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 13 hải lý về phía tây nam, xuất hiện hơn 50 tàu cá vỏ sắt công suất lớn của Trung Quốc. Các tàu này đi theo đội hình hàng dọc, có lúc dồn lại một vị trí rồi lại tản ra, có tàu chỉ huy đi bên cạnh đội hình. Theo nhận định của lực lượng kiểm ngư, phần lớn các tàu này đều lắp 2 máy, mỗi máy có công suất từ 600-800CV. Đặc biệt, các tàu này xuất hiện ở Hoàng Sa không nhằm mục đích khai thác hải sản mà chủ yếu để cản trở tàu cá và các lực lượng chấp pháp của Việt Nam. |
Bị tàu lạ đâm chìm, 2 ngư dân Việt Nam tử vong
và mất tích trên biển
Hoàng Anh Tuấn
(Dân Việt) - Khoảng 17 giờ chiều nay, huyện đảo Cô
Tô (tỉnh Quảng Ninh) tiếp nhận 6 ngư dân, trong đó có 1 người đã tử vong vì bị
thương, do tàu bị va chạm trước đó đã chìm.
Theo khai báo của các ngư dân, khoảng 4 giờ sáng
nay (25.5) tại khu vực có tọa độ 20,26 N – 108 độ 05E (thuộc địa phận TP Hải Phòng),
tàu đánh cá số hiệu QNG96180TS lắp 1 máy công suất 155CV, do ông Đặng Văn Dùm
(tức Phê), trú tại khu 8 An Dĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi làm thuyền trưởng. Trên
tàu có 6 thuyền viên, đều có hộ khẩu tại An Dĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi, gồm: Trần
Văn Đông (49 tuổi), Đặng Văn Lai (46 tuổi), Lê Văn Cương (50 tuổi), Đặng Ngọc
Lễ (33 tuổi), Nguyễn Văn Thành (35 tuổi), Đặng Quang Hoành (27 tuổi).
Được biết, khi tàu này đang neo đậu thì bất ngờ
bị 1 tàu lạ thân gỗ, đâm chính diện vào khu vực khoang lái, khiến tàu bị
nghiêng và chìm sau đó.
Vụ đâm va mạnh khiến ông Đặng Văn Dùm là thuyền trưởng
bị thương nặng, được 5 người trên tàu kịp đưa lên chiếc mủng thoát ra khỏi tàu,
còn anh Đông không kịp thoát nên đã bị chìm theo tàu.
6 ngư dân, trong đó 1 người đã tử vong, đã
được đưa về huyện đảo Cô Tô trong chiều nay.
Đến khoảng 8 giờ 30 cùng ngày, 6 người trên được
tàu HP90499PS do anh Đinh Như Sửa (sinh năm 1975, có hộ khẩu thường trú tại xã
Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) cứu giúp.
Đến khoảng 9 giờ, ông Dùm đã tử vong do bị
thương quá nặng. Đến 17 giờ thì 5 thủy thủ tàu gặp nạn QNG96180TS và thi thể
ông Dùm đã được đưa về huyện Cô Tô.
Theo văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, ngay sau
khi nhận được thông tin, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chức
năng tới Cô Tô để kịp thời triển khai phương án cứu hộ cứu nạn, cứu chữa người
bị thương, khẩn trương kiểm tra hiện trường, lấy lời khai, xác định nguyên nhân
ban đầu vụ tai nạn.
Đồng thời các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh
đã báo cáo với các cơ quan tìm kiếm, cứu nạn trung ương và các bộ ngành triển khai
các công tác tìm kiếm cứu nạn, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
* * *
Một tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc
đâm húc hơn 50 lần
Nguyễn Tú (TNO) - Đó là tàu kiểm ngư 762 vừa về Đà Nẵng để sửa chữa chiều nay
25.5.
Thuyền trưởng Ngô Quốc Tuấn cho biết tàu kiểm
ngư 762 là tàu đầu tiên đến thực địa Hoàng Sa nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan
Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Có lúc, tàu kiểm ngư 762 tiến gần chỉ cách giàn
khoan này 3,5 hải lý để phát loa, treo băng rôn khẳng định chủ quyền Việt Nam,
yêu cầu tàu bảo vệ phía Trung Quốc và giàn khoan rút khỏi vùng biển chủ quyền
của Việt Nam.
Do đó, tàu kiểm ngư 762 bị các tàu bảo vệ giàn
khoan của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công dữ dội với hàng chục lượt phun, các
kiểm ngư viên phải dùng nệm chắn cửa kính để giảm áp lực, thuyền trưởng Tuấn
cho biết thêm.
Tuy vậy, tàu kiểm ngư 762 cũng đã bị tàu Trung
Quốc đâm va hơn 50 lần, biến dạng thân vỏ, có vết đâm ở mạn đến mức xé toác cả
lớp sắt dày, những cú va chạm mạnh đến nỗi làm rơi cả các tấm đệm mũi của tàu
Trung Quốc.
Cận cảnh vết đâm khủng khiếp mạn phải tàu kiểm
ngư 762 do bị tàu Trung Quốc tấn công
Tàu kiểm ngư 762 dùng nệm che cửa kính để
chống vòi rồng tàu Trung Quốc tấn công
Trong quá trình vào bờ sửa chữa, tàu kiểm ngư
762 còn lai dắt thêm tàu kiểm ngư 703, vốn bị chết máy, hỏng chân vịt vì tàu
Trung Quốc phun vòi rồng vào ống xả, đâm thủng sâu mạn trái và hệ thống lan
can, cửa kính, không một chỗ nào còn lành lặn.
Bên cạnh các thiết bị hư hỏng, tàu kiểm ngư 703
còn có 3 kiểm ngư viên bị thương ở đầu, mặt, tay do các mảnh kính văng vào khi
tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun xịt. Tuy nhiên, các anh vẫn quyết ở lại thực
địa, sát cánh cùng lực lượng chấp pháp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ.
Dịp này, Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại
miền Trung đã đến thăm và trao 200 triệu đồng cho các kiểm ngư viên của 2 tàu
trên, nhằm động viên các anh tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân
dân tin tưởng giao phó.
Có đúng
Công hàm Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958 vô hiệu lực?
Phan Châu Thành (Danlambao) - Mọi điều cuối cùng đều dẫn đến một điểm đầu
tiên: để bảo vệ lãnh thổ đất nước và tương lai Việt Nam đầu tiên phải hạ bệ
chính phủ CSVN trước hết và thay bằng chính phủ dân chủ chính danh do toàn dân
hơn 90 triệu người Việt khắp năm châu bầu ra để đại diện họ thừa kế non sông
đất nước, lãnh thổ quốc gia mà dân tộc Việt Nam đã để lại cho đời sau, thì 90
triệu người Việt mới có thể cùng nhau đòi lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa,
và ải Nam Quan, thác Bản Giốc... từ tay Trung cộng mà CSVN đã cống nạp mới gần
đây.
*
Tuyên bố ngày 04/9/1958 của CHNDTH
“1. Chiều rộng lãnh hải của CHNDTH là 12 hải lý.
Điều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước CHNDTH bao gồm phần đất Trung quốc
trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo
Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa
và các quần đảo khác thuộc Trung quốc.
2. Các đường thẳng nối liền mỗi điểm cơ sở của
bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường cơ
sở của lãnh hải dọc theo đất liền Trung quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển
12 hải lý tính ra từ các đường cơ sở là hải phận của Trung quốc. Phần biển kề
trong các đường cơ sở, kể cả vịnh Bôhai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải
của Trung quốc. Các đảo bên trong các đường cơ sở, kể cả đảo Dongyin, đảo
Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaogin, đảo Đại và Tiểu Jinmen, đảo Đadam,
đảo Irdan và đảo Đongdinh, là các đảo thuộc nội hải của Trung quốc.
3. Nếu không có sự cho phép của Chính phủ CHNDTH
tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung
quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào di chuyển
trong hải phận Trung quốc đều phải tuân thủ các luật lệ liên hệ của Chính phủ
CHNDTH.
4. Điều 2 và điều 3 trên cũng áp dụng cho Đài
Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa,
quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và các quần đảo khác thuộc Trung quốc.”
*Nhận xét:
Trung quốc tuyên bố lãnh hải trên cơ sở một lãnh
thổ tự nhận tự mở rộng bao gồm luôn các đảo và quần đảo của nước khác (như Tây
Sa - Hoàng Sa và Nam Sa - Trường Sa của Việt Nam, Đông Sa - ... của
Philippines...) hoặc còn đang tranh chấp (như Đài Loan - với Trung Hoa Dân
Quốc...), là một hành động bành trướng lãnh thổ thô bạo, không có cơ sở và vi
phạm mọi điều luật quốc tế.
Vì thế, tuyên bố hải phận 12 hải lý tính từ đường
cơ sở của TQ dù có vẻ rất rõ ràng và phù hợp thông lệ quốc tế, lại trở thành lố
bịch, chỉ để che đậy đường cơ sở mà Trung quốc vẽ ra trong tuyên bố ngày
4/9/1958 rất mập mờ, tham lam phủ chùm vào lãnh thổ lãnh hải các nước khác, nên
tất nhiên không ai có thể chấp nhận.
Tóm lại, tuy gọi là tuyên bố lãnh hải, nhưng
thực chất đó là tuyên chiếm lãnh thổ biển đảo nước khác của CHNDTH bằng đường
cơ sở mập mờ mà nó vẽ ra, sau này đã hiện nguyên hình là đường lưỡi bò chin
khúc.
Thế mà...
Công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958 của
VNDCCH
“Kính gửi: Đồng chí Chu Ân Lai
Tổng lý Quốc vụ viện nước CHNDTH
Kính thưa đồng chí Tổng lý,
Chính phủ nước VNDCCH ghi nhận và tán thành bản
tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước CHNDTH, quyết định về hải phận của
Trung Quốc. Chính phủ nước VNDCCH tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các
cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung
Quốc, trong mọi quan hệ với nước CHNDTH trên mặt bể.
Phạm Văn Đồng
(đã ký và đóng dấu)
Thủ tường Chính phủ nước VNDCCH”
Công hàm trên được Đại sứ VNDCCH tại Bắc Kinh
Nguyễn Khang trao cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TQ - Cơ Bằng Phi ngày 21/9/1958.
*Nhận xét:
Chính phủ VNDCCH của HCM và PVĐ đã nhanh chóng,
dường như ngay lập tức, bằng công văn ngoại giao cấp cao nhất (công hàm) qua
con đường chính thức nhất (Đại sứ và đại sứ quán) chấp nhận Tuyên bố “lãnh hải”
của TQ một cách trân trọng nhất: ghi nhận, tán thành và tôn trọng “quyết
định về lãnh hải” của TQ. Ngày 14 và 21/9/1958 lại là hai ngày chủ nhật mà CSVN
vẫn làm việc miệt mài thế - thể hiện tinh thần bán nước của họ say mê như thế
nào! Không biết có nước nào có văn bản, công hàm công nhận Tuyên bố “tuyên
chiếm lãnh thổ nước mình” của TQ nhanh nhảu và tận tụy như VNDCCH hay không
nhỉ? Chắc là chỉ có Bắc TT, nếu có?
Chúng ta hãy để ý sự phối hợp rất nhịp nhàng
tương xứng giữa Tuyên bố 04/9/1958 của TQ và công hàm phúc đáp 14/9/1958 của VN
như một cặp tung hứng, cứ như chúng từ một người viết ra: TQ tuyên bố về lãnh
hải để che đậy tuyên chiếm lãnh thổ các nước khác và công hàm VN ngay lập tức
ghi nhận và tán thành tuyên bố về lãnh hải mà thực chất là xác nhận quyền lãnh
thổ của TQ đối với hai quần đảo HS và TS của chính mình!
Cho đến nay, sự phối hợp ăn ý đó vẫn đang được
tiếp tục trong việc hai bên đều dùng công hàm PVĐ để làm cơ sở tạo ra tranh
chấp biển giữa hai nước trên vùng biển vốn không hề có tranh chấp trước đó! Tức
là họ vẫn dùng công hàm PVĐ để biến không thành có.
CHXHCN Việt Nam “phủ định” hiệu lực pháp lý
của Công hàm 1958
Hôm 23/5/2014, Chính phủ CHXHCN Việt Nam tuyên
bố rằng công hàm của Chính phủ VNDCCH do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày
14/9/1958 phúc đáp Tuyên bố của ngày 04/09/1958 Chính phủ CHNDTH trên là vô
hiệu lực pháp lý, vì vào thời điểm đó Chính phủ VNDCCH không quản lý các quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Tây Sa và Nam Sa), mà là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa
(VNCH)! Tức là, “VNDCCH không thể cho CHNDTH cái mà mình không có, không quản
lý; hay: Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không sở hữu”. Nhiều người
cho rằng đó là lập luận thuyết phục!
Như vậy, CP CHXHCN VN cho rằng việc chính mình
(CP VNDCCH trước đó) ngày 14/9/1958 đã công nhận chủ quyền của TQ đối với các
quần đảo HS và TS là vô hiệu lực pháp lý.
Theo tôi, CP CHXNCH VN lập luận và tuyên bố như
trên để coi Công hàm PVĐ vô hiệu lực là đánh tráo khái niệm một cách rất ấu trĩ
và vì thế sai hoàn toàn. Bởi vì, người ta hoàn toàn có thể từ bỏ
quyền sở hữu cái mà người ta không sở hữu bằng cách xác nhận cái đó thuộc quyền
sở hữu của người khác. Và công hàm PVĐ đã làm điều đó. Công hàm PVĐ đã
xác nhận (ghi nhận và tán thành) hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của
Trung quốc, bất kể lúc đó chúng đang do ai quản lý.
Kết quả tất nhiên là, Công hàm PVĐ trên của
VNDCCH vẫn có hiệu lực cho đến nay: xác nhận quyền sở hữu của TQ đối với HS và
TS, tức là phủ nhận quyền sở hữu của VN (hay bất cứ ai) đối với hai quần đảo và
vùng biển đó.
Chính phủ VN có biết rằng việc họ phủ nhận công
hàm PVĐ của họ như thế là hề và vô ích không? Tôi tin là họ biết, TQ càng biết
rõ, vì thế họ mới để cho một cán bộ cấp thấp như thế nói ra điều đó. Còn nếu
điều đó thực sự đúng và có hiệu quả, sẽ giúp VN đòi được HS, TS từ tay TQ thì
mấy kẻ “tứ trụ” điếm, nhất là 3X, sẽ giành nói ngay nói lớn để ghi công lớn cho
mình rồi. Một công lớn cỡ đó đủ để 3X ngồi ghế CTN và TBT như Tập hay Tổng
thống như Putin trong 10 năm nữa chứ bỡn?
Biết vậy tại sao họ vẫn làm thế? Là để đóng kịch
trước nhân dân Việt Nam rằng họ “vô can”. Tất cả là tại TQ tham lam và bành
trướng mà thôi..., nhưng họ “sợ bát nước đổ đi không hót lại được” nên họ sẽ
không kiện TQ ra tòa QT - mà chỉ “dọa TQ” thôi... để giữ “bát nước Tàu cho” mà
húp chứ...!
Các quan điểm khác cho rằng công hàm PVĐ vô
hiệu lực
Ngoài quan điểm và tuyên bố chính thức mới nhất
trên về hiệu lực của Công hàm PVĐ dựa trên bối cảnh thực tế thời điểm VNDCCH ký
công hàm, còn có vài quan điểm khác cũng cho rằng công hàm đó vô hiệu lực pháp
lý do bối cảnh hay do hành văn ẩn ý, như:
1. Công hàm PVĐ chỉ nói đến lãnh hải 12 hải lý chứ có nói
đến HS TS đâu? Đây là cách lừa dân thô thiển của CSVN khi họ nói đến công
hàm PVĐ mà không đưa ra cho Tuyên bố ngày 4/9/1958 của TQ chính là nguyên nhân
phải có công hàm đó. Có người còn nghi ngờ rằng công hàm VN và Tuyên bố TQ là
do cùng một nhóm soạn thảo từ trước, PVĐ chỉ việc ký thôi.
(Có người còn đùa: Chủ nhật 14/9/58, Bác gọi chú
Đồng sang Phủ Chủ tịch chơi rồi đưa công hàm Bác đã đánh máy sẵn để chú ký mang
về VPCP bên cạnh để gửi ngay đi Bắc Kinh...)
2. Chữ ký của PVĐ không có hiệu lực vì PVĐ là thủ
tướng lúc đó do đảng phân công, không đúng trình tự được qui định cho việc bổ
nhiệm Thủ tướng trong Hiến pháp 1946 (đang “có hiệu lực” lúc đó) qui định Thủ
tướng do Chủ tịch nước chọn từ Nội các rồi phải được Quốc hội phê chuẩn... Vì
thế, người đứng đầu chính phủ VNDCCH lúc đó là HCM, không phải PVĐ.
3. Thủ tướng PVĐ không có quyền hạn tự ký công hàm về các
vấn đề lãnh thổ mà phải được Quốc hội đồng ý và phê chuẩn quan điểm,
nội dung trước đó. Có nghĩa là PVĐ đã ký công hàm 1958 vượt quyền hạn cho
phép...
4. Công hàm PVĐ chỉ là thư công ngoại giao (diplomatic
notes), không có hiệu lực pháp lý quốc tế....?
Trong các lập luận trên, chỉ có lập luận đầu
tiên hay được nói đến là đáng bàn kỹ thêm, đó là, công hàm PVĐ vô hiệu lực vì
hành văn ẩn ý của nó tránh nói đến HS và TS. Vậy nên hiểu thế nào về câu: “Chính
phủ nước VNDCCH ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước
CHNDTH, quyết định về hải phận của Trung Quốc.” Đây là câu phức
hợp có hai mệnh đề tách nhau bởi dấu phẩy mà mệnh đề chính đi trước, mệnh đề
sau là phụ.
Có người nói, đó là CPVN chỉ ghi nhận và tán
thành phần quyết định về hải phận 12 hải lý của TQ mà thôi, để
biện minh cho tính vô tội của công hàm PVĐ. Hiểu thế có đúng không?
Mệnh đề chính nói đến Tuyên bố ngày 04/9/1958
của TQ và VN hoàn toàn tán thành 4 điểm chính của nó, và thế là hoàn toàn đủ ý
trọn câu, có thể chấm hết câu ở đây: “Chính phủ nước VNDCCH ghi nhận
và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước CHNDTH.” Nếu
Tuyên bố của TQ đó có một số hiệu văn bản riêng và rõ ràng (như ngày nay mọi
công ty con tý nhất khi ra bất kỳ văn bản nào đó cũng phải có số công văn bên
cạnh ngày ra công văn để phân biệt và lưu trữ thông tin), thì câu trên chỉ cần
ghi cả mã số của Tuyên bố của TQ đó là xong, không cần có mệnh đề phụ sau dấu
phẩy để phân biệt với ác tuyên bố khác nếu có nữa.
Chính vì TQ đã không có số văn bản cho Tuyên bố
ngày 04/9/1958 nên nếu trong ngày đó TQ phát ra nhiều hơn 2 tuyên bố gì đó thì
trả lời ngày 14/9/1958 của VN (cũng lại không có mã số văn bản, dù là chỉ cho
nhu cầu lưu trữ!) sẽ khó hiểu, vì không biết là cho Tuyên bố nào của TQ. Vì
thế, công hàm của PVĐ ký trong câu đầu dù đã đủ trọn ý muốn nói là ghi nhận và
tán thành hoàn toàn Tuyên bố ngày 4/9/58 của TQ, bao gồm cả việc Hoàng Sa và
Trường Sa là lãnh thổ và lãnh hải của Trung quốc rồi, thì PVĐ vẫn phải có thêm
mệnh đề phụ để nói rõ là mình ghi nhận và tán thành cái tuyên bố nào của TQ!
Thế thôi… Có hay không có mệnh đề phụ ở câu đầu thì ý chính vẫn đã trọn như
thế, và câu sau chỉ là “xin hứa” về cách triển khai thực hiện sự tôn trọng hải
phận 12 hải lý của TQ để tạo cảm giác là công hàm chỉ nói đến hải phận 12 hải
lý?! Nhưng tất cả đã được định đoạt trong một mệnh đề chính của câu đầu tiên
của công hàm PVĐ rồi.
Còn nếu PVĐ (hay HCM) muốn nói tôi chỉ ghi nhận
và tán thành phần về hải phận 12 hải lý trong tuyên bố ngày 04/9/1958 của TQ
thì Chính phủ VN phải viết (bằng tiếng Việt) như sau:
“Chính phủ nước VNDCCH ghi nhận và tán thành
phần về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của
Chính phủ nước CHNDTH. Riêng phần về lãnh thổ TQ bao gồm cả quần đảo Tây Sa
(Hoàng Sa của VN chúng tôi) và Nam Sa (Trường Sa của VN chúng tôi) thì chúng
tôi xin không đồng ý và đề nghị đồng chí Tổng lý xem lại trên tinh thần “môi hở
răng lạnh” mà Mao Chủ tịch đã dạy bảo chúng ta...
Hẳn đồng chí Tổng lý còn nhớ cách đây 4 năm ở
Hội nghị Geneve đồng chí đã khuyên tôi cắt phần đất và biển đảo VN sau Vĩ tuyến
17 về phía Nam, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho chính quyền
ông Ngô Đình Diệm tạm thời quản lý, để sau này các đồng chí sẽ giúp chúng tôi
xây dựng XHCN mạnh hơn rồi mới giúp chúng tôi lấy lại phần đất và biển đảo đó?
Về phần biển phía Bắc Vĩ tuyến 17, Chính phủ
nước VNDCCH tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có
trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi
quan hệ với nước CHNDTH trên mặt bể. ”
By the way, tiện thể, tôi rất ngạc nhiên khi
thấy đến 1958 và ở cấp cao nhất (chính phủ) với các vấn đề quan trọng nhất
(lãnh thổ, lãnh hải) mà chính phủ cả TQ và VN đều chưa áp dụng chế độ mã số
công văn giao dịch nội ngoại để theo dõi, phân biệt, lưu trữ và bảo quản tài
liệu, thông tin? Hay là chỉ có hai công văn (Tuyên bố 4/9/58 và công hàm
14/9/58) trên là ngoại lệ “ngoài luồng”, không do và không qua hệ thống văn thư
của VPCP VN viết ra và lưu trữ? Việc này có thể kiểm tra khá dễ dàng nếu hai
chính phủ muốn làm sáng tỏ?
Còn nhớ, có lần tôi đã hỏi ba tôi: Ba
ơi, mấy ký mã hiệu trong góc giấy khai sinh của chị và con sao lại giống nhau
dù chúng con được sinh ở hai thành phố khác nhau (HN và NĐ)?Ba tôi thú
nhận: Hồi 1958, sau khi các con sinh ra, lúc đó ba là thư ký một nhà
máy cơ khí ở HN và ba đã tự đánh máy giấy khai sinh của các con, tự cho số mã
hiệu vào đó cho giống văn thư nhà nước, tự mua tem dán vào như là có công
chứng… để các con có tiêu chuẩn làm sổ gạo cùng ba mẹ, không thì nhà ta đói
to... Như thế có nghĩa là, năm 1958, ba tôi, một chiến sĩ quân giới
tiểu đoàn 307, mới có tiểu học đã bỏ đi làm ở Ba Son, rồi đi bộ đội, còn biết
cho mã số vào giấy khai sinh của chúng tôi cơ mà?...
Tại sao nói CPVN không thể phủ nhận hiệu lực
pháp lý của công hàm PVĐ?
Trước khi trình bày quan điểm của mình cho rằng
dù CP CHXHCN VN hiện nay có nói gì thì công hàm PVĐ vẫn có hiệu lực pháp lý,
tôi xin nói rõ mong muốn của cá nhân tôi cũng như của đại đa số người Việt Nam
thôi, rằng giá mà công hàm PVĐ vô hiệu lực, hoặc giá mà không hề tồn tại công
hàm PVĐ thì tốt hơn cho dân tộc Việt Nam. Nhưng chúng ta vẫn cần phải đối diện
sự thực để vượt qua nó.
Thứ nhất, công hàm PVĐ là một văn bản pháp lý quốc tế thể hiện quan điểm
chính thức của Chính phủ VNDCCH, nay là CHXHCN VN mà PVĐ là Thủ tướng của cả
hai chính phủ đó trong hơn 32 năm (1947-1975: VNDCCH, 1975-1979: CHXHCNVN) về
một vấn đề quốc tế: về lãnh thổ và lãnh hải của TQ. Quan điểm đó tồn tại chừng
nào chính phủ đó hay hậu duệ và/hoặc thừa kế của nó tồn tại mà không có công
hàm pháp lý chính thức khác cấp cao hơn bác bỏ hay phủ nhận nó.
Hiện nay, hậu duệ thừa kế của VNDCCH là CHXHCNVN
chưa có văn bản pháp lý nào cấp cao hơn công hàm cấp Chính phủ do người đứng
đầu CP ký như công hàm PVĐ ngày 14/9/1958 phủ nhận công hàm PVĐ thì công hàm
PVĐ năm 1958 vẫn hoàn toàn còn hiệu lực.
Thứ hai, dù nội dung công hàm 1958 của PVĐ là xác nhận chủ quyền của TQ
đối với hai quần đảo HS và TS là nơi lúc đó không thuộc quyền quản lý của Chính
phủ VNDCCH thì sự công nhận đó vẫn có hiệu lực pháp lý đối với chính phủ ra
công hàm đó, bởi vì quan điểm là cam kết hoặc là niềm tin.
Ví dụ, khi Thủ tướng Cămpuchia tuyên bố xác nhận
HS và TS là của TQ thì công hàm đó có hiệu lực pháp lý không? Có. Chính phủ
Campuchia có thể nói: "Vì tôi không quản lý HS và TS nên những gì tôi nói
về HS và TS là không có giá trị pháp lý!" Không? Không! CP Campuchia cam
kết gì qua tuyên bố đó? Họ cam kết rằng khi cần hành động liên quan đến HS và
TS họ sẽ tuân theo ý muốn của TQ mà họ coi là chủ của HS và TS. Như thế, tuyên
bố đó vẫn có giá trị pháp lý và Chính phủ Campuchia phải chịu mọi trách nhiệm
về tuyên bố đó của mình. Nếu họ giữ nó – quan hệ với VN sẽ sứt mẻ có hại cho
Cămpuchia, nếu không giữ nó, quan hệ với TQ sẽ sứt mẻ, sẽ không có 20 tỷ đôla
viện trợ của TQ nữa... cho đến khi họ chính thức thay đổi quan điểm đó.
Thứ ba, trong trường hợp công hàm PVĐ năm 1958 của VN, VN không chỉ là
bên thứ ba thể hiện quan điểm về vấn đề/sự việc của các bên khác, mà VN (DCCH)
luôn tự tuyên bố mình mới là “kẻ thừa kế chính thức” lãnh thổ của chính phủ
VNCH – tức là CP VNDCCH là “kẻ có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, lại càng
không thể chạy trốn trách nhiệm và tuyên bố những gì mình nói là vô giá trị
pháp lý.
Thứ tư, công hàm PVĐ là một công văn ngắn chỉ có hai câu và nội dung rất
chung chung chỉ nhằm ghi nhận và tàn thành Tuyên bố ngày 4/9/1958 của TQ mà
thôi, và bất kỳ chính phủ nào ký nó cũng phù hợp và cơ lợi cho TQ, và sự tán
thành đó có thể có hiệu lực vượt thời gian. Ví dụ, nếu thay PVĐ và CPVN bằng
Hunsen và CP CPC (hay Kim và CP Bắc TT...) thì ta có “công hàm” như:
“Kính gửi: đồng chí Chu Ân Lai
Tổng lý Quốc vụ viện nước CHNDTH
Kính thưa đồng chí Tổng lý,
Chính phủ nước Campuchia Dân chủ/CHNDTT ghi nhận
và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước CHNDTH, quyết định
về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước CPC DC/CHNDTT tôn trọng quyết định
ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải
phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước CHNDTH trên mặt bể.
Hunsen/Kim
(đã ký và đóng dấu)
Thủ tướng Chính phủ nước CPC DC/CHNDTT”
Tức là ai ký cũng được, chỉ cần có người ký. Tức
là công hàm này có thể đã được ai đó viết sẵn cho PVĐ ký thôi.
Đó là chưa kể, cách hành văn không phải của
người Việt của hai câu văn duy nhất của công hàm PVĐ đều giống nhau đó là cấu
trúc câu hai mệnh đề chính trước phụ sau (người Việt thích nói phụ trước chính
sau) và tách biệt nhau cộc lốc bởi dấu phẩy (người Việt sẽ thích dùng liên từ
để nối hai mệnh đề cho câu văn mềm dẻo đi như “với”, “về” (cho câu đầu) hay bỏ
dấu phẩy nếu không cần thiết (cho câu sau).
Tất cả những điều trên chỉ ra rằng, không chỉ
nói một công văn nòa đó vô hiệu lực là nó vô hiệu lực. Nếu TQ dựa trên công hàm
1958 của PVĐ để “chứng minh” cho chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa trước Tòa án quốc tế, và bên nguyên đơn là chính phủ CSVN chính là
kẻ đã ra công hàm đó, thì cái lý, cái chính nghĩa tất nhiên không còn thuộc về
VN nữa, vì đã là kẻ viết và ký công hàm 1958 tự bán nước đó rồi.
Thế cho nến, vấn đề ở đây là không chỉ là kiện
TQ mà còn phải là ai kiện TQ – Chính phủ CSVN hay chính phủ khác của nhân dân
VN? Bởi vì, đã là kiến thì không kiện được khoai, phải là đá…
Ai có thể phủ nhận tính pháp lý của công hàm
PVĐ 1958?
Câu trả lời khá đơn giản, đó là chính phủ thừa
kế và là hậu duệ chính trị của chính phủ đã quản lý HS TS và phản đối TQ đến
cùng (bằng hành động chiến đấu bảo vệ HS) - chính phủ VNCH. Có nghĩa là, đó sẽ
không phải là chính phủ CSVN hiện nay hay các biến thể trá hình của nó nếu có
sau này. Có nghĩa là, đó sẽ phải là một chính phủ hậu cộng sản, một chính phủ
dân chủ.
Nhưng nếu đó sẽ là một chính phủ hậu cộng sản,
một chính phủ dân chủ của VN sau này, thì để đòi lại HS TS họ có cần phủ nhận
công hàm PVĐ nữa không? Không. Cùng với sự sụp đổ của chính phủ cộng sản, mọi
cam kết, thỏa thuận hay quan điểm của chính phủ CSVN với TQ tự động trở nên vô
hiệu lực pháp lý. Lúc đó, TQ (nếu còn) thì cũng không thể dùng các loại thỏa
thuận kiểu công hàm 1958 hay cam kết thành đô 1990 của đảng CSVN để xâm chiếm
biển đảo và lãnh thổ Việt Nam được nữa.
Mọi điều cuối cùng đều dẫn đến một điểm đầu
tiên: để bảo vệ lãnh thổ đất nước và tương lai Việt Nam đầu tiên phải hạ bệ
chính phủ CSVN trước hết và thay bằng chính phủ dân chủ chính danh do toàn dân
hơn 90 triệu người Việt khắp năm châu bầu ra để đại diện họ thừa kế non sông
đất nước, lãnh thổ quốc gia mà dân tộc Việt Nam đã để lại cho đời sau, thì 90
triệu người Việt mới có thể cùng nhau đòi lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa,
và ải Nam Quan, thác Bản Giốc... từ tay Trung cộng mà CSVN đã cống nạp mới gần
đây.
No comments:
Post a Comment