Monday, 26 May 2014

Sài Gòn, thời giàn khoan Trung Quốc xâm lăng

Sài Gòn, thời giàn khoan Trung Quốc xâm lăng
Phùng Thức/Người Việt

25.05.2014 SÀI GÒN (NV) - Sau ngày nổ ra vụ Trung Quốc xâm lăng lãnh hải và nhất là sau các cuộc biểu tình lớn của công nhân Bình Dương, Ðồng Nai... người lao động Sài Gòn cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp của vụ khủng hoảng này.

Trong một xóm ở phường 9 Tân Bình, một người đàn bà cho biết, mấy ngày nay, bà mua ve chai chỉ mua có nửa giá, họ nói là do Trung Quốc ngừng mua phế liệu nên chủ vựa không dám vô hàng.



Trong hẻm nghèo những người Hoa lao động đang theo dõi vụ giàn khoan Trung Quốc xâm lăng và không giấu nỗi lo lắng. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)

Những tin đồn về việc Trung Quốc đóng một số cửa khẩu biên giới, có vẻ như dấu hiệu phá sản của các lò ve chai, các chủ vựa nông sản, hải sản... “Ðánh hàng” xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc trong vài chục năm gần đây, vốn là một ngành béo bở của giới con buôn người Việt móc ngoéo với người Trung Quốc.

Một chủ hàng bán ớt tươi, ớt khô ở chợ nông sản Bình Ðiền cho biết: “Lúc ở An lạc, Bình Dương công nhân nổi dậy, ngay hôm sau là mấy anh Trung Quốc hô biến hết ráo. Mấy bà vựa dưa hấu, thanh long... nháo nhát như gà.”

Nhà nước Việt Nam đang ra sức đền bù, trấn an các doanh nhân Trung Quốc, Ðài Loan... bị thiệt hại do các cuộc biểu tình bạo động, nhưng hoàn toàn không quan tâm đến mức độ thiệt hại của các tiểu thương người Việt lỡ làm ăn với người Trung Quốc.

Những chuyện quái đản như mua đuôi trâu, bò, mua gốc rễ hồ tiêu, dừa non, lá cây phong ba, đọt rau lang... làm náo loạn các vùng quê từ Bắc vô Nam của thương lái Trung Quốc và chính sách phó thác vận mạng giới tiểu thương, giới nông dân vào tay các thương lái Trung Quốc đã được dư luận cảnh báo từ lâu.

 Nhưng trớ trêu thay, chỉ nhờ vụ giàn khoan xâm lăng mà dân tiểu thương và người nông dân tạm yên chuyện bị thương nhân Trung Quốc lừa gạt.

Như thông lệ, trước những biến động, người Sài Gòn lại chộn rộn chuyện giá vàng và đô la.

Ở một điểm đổi ngoại tệ nằm trên đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, người bán ít, người mua nhiều. Giá thu và mua ở đây không phải là giá niêm yết chính thức và nhân viên cũng không nói giá bằng tiếng Hoa hoặc tiếng Việt, họ chỉ có mỗi thao tác là xoay cái máy tính cho khách hàng thấy con số báo giá, giao dịch bằng cái gật đầu hoặc lắc đầu là một kiểu làm ăn trong thời khủng hoảng giàn khoan.

Giá đô la Mỹ ở thị trường chợ đen tăng liên tục trong những ngày qua, không ai có thể biết được thị trường ngoại tệ chợ đen phục vụ cho sự tháo chạy của các doanh nhân Trung Quốc, Ðài Loan và Singapore... lớn đến con số nào.

Nhiều người Sài Gòn, trong lúc nóng rực chuyện biển Ðông cũng không mất đi tính hài hước trước chuyện ngân hàng nhà nước khuyên dân trước những biến động mạnh của thị trường, giá vàng tăng, nên bán vàng cho nhà nước.

Từ sau vụ công an xông vào tiệm vàng Hoàng Mai ở Bình Thạnh tịch thu vàng, ngoại tệ, đến vụ giàn khoan của Trung Quốc, tâm lý mua vàng phòng thân đã đưa thị trường vàng lên ngôi bá chủ như trước đây.

Nếu biển Ðông bùng nổ chiến tranh hoặc khủng hoảng giàn khoan Trung Quốc HD 981 kéo dài thì đương nhiên vị thế độc quyền vàng và ngoại tệ của nhà nước cộng sản sẽ phá sản.

Thành phần dân cư vô tư nhất hiện nay vẫn là các thế hệ thanh niên sinh sau 3 cuộc chiến tranh Ðông Dương. Vũ trường, quán nhậu vẫn đầy người, trò cá độ bóng đá vẫn ồn ào khắp các quán cà phê...

Một nhóm người trẻ ngồi ở quán Girval trên đường Võ Văn Tần chỉ bàn sôi nổi về thị trường quần áo hàng hiệu. Khi có ai đó nhắc đến vụ khủng hoảng giàn khoan ở biển Ðông thì lập tức có tiếng đáp lại, “Trung Quốc muốn nước ta từ Vạn Lý Trường Thành đến Mũi Cà Mau, giờ mới biết à. Mà nếu có súng nổ thì ông bố quan to nhà tớ sẽ mua thêm nhà giá rẻ.”

Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc có xảy ra không? Câu hỏi này hiện chưa có lời đáp. Nhưng những diễn biến thị trường và đời sống của giới lao động, dân trung lưu Sài Gòn đã bắt đầu vào guồng quay chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=188750&zoneid=1#.U4KsDHaHjeU

Công hàm Phạm Văn Đồng tiếp tục là vết thương rỉ máu của Việt Nam

 Phạm Nhật Bình
Giống như bao nhiêu lần trước, cứ mỗi khi Hà Nội có đủ bạo dạn để phản đối mạnh bước chân xâm lấn của Trung Quốc thì Bắc Kinh lại lôi ra cái túi gấm cố hữu.

Vào ngày 20/5/2014, để đáp lại các phản đối ồ ạt quanh việc Trung Cộng kéo giàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam, ông Lưu Hồng Dương, đại sứ Trung Quốc ở Indonesia đã tuyên bố trên báo Indonesia Jakarta Post rằng:

“Vị trí của các đảo đã được cộng đồng quốc tế, kể cả Việt Nam, công khai thừa nhận trong nhiều thập niên từ Thế chiến Hai. Trong tuyên bố ngày 14/9/1958 thay mặt chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam khi đó, Phạm Văn Đồng, công khai thừa nhận quần đảo Tây Sa và các đảo khác ở Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc.”

Thật vậy, trong hiện tình Biển Đông và trong suốt bao năm qua, công hàm Phạm Văn Đồng tiếp tục là nền tảng pháp lý cơ bản để Trung Cộng khẳng định cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi” của họ tại Biển Đông. Công hàm này còn làm khựng lại các ý định trong vùng Đông Nam Á muốn hợp tác với Việt Nam đem Trung Cộng ra tòa án quốc tế. Vì ngày nào chính nước chủ nhà còn thừa nhận Biển Đông thuộc Trung Cộng, thì việc kéo Việt Nam nhập bọn chỉ làm cho các lý cớ kiện tụng của họ yếu đi mà thôi.

Bắc Kinh biết rõ công hàm Phạm Văn Đồng là khúc xương khó nuốt của Hà Nội. Và càng nhìn Hà Nội loay hoay tránh né khúc xương đó, Bắc Kinh càng khai dụng để lấn tới. Cho đến nay, giới lãnh đạo đảng CSVN vẫn loay hoay tránh né bằng 2 cách rất vô ích sau đây:

Cách thứ nhất là cãi chày cãi cối qua miệng các quan chức như cựu trưởng ban biên giới Lê Công Phụng, cựu trưởng ban biên giới Trần Công Trục, và gần đây nhất là Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trần Duy Hải, vào ngày 23/5/2014. Lập luận của Ban Tuyên Giáo Trung Ương là: vì các chữ Hoàng Sa, Trường Sa không được nhắc tới trong bức công hàm nên không hề có chuyện thừa nhận 2 quần đảo đó là của Tàu. Hoặc bức công hàm chỉ thừa nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc tính từ bờ thôi chứ không nói tính từ bờ nào.

Đây là kiểu lý luận coi tất cả dân Việt Nam là người mù chữ. Nếu lý luận này đem ra trước quốc tế thì lại càng là trò diễu dở và làm lùn thêm mức uy tín vốn đã thấp của Hà Nội. Vì công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958 tệ hơn thế nhiều. Nó thừa nhận nguyên cả vùng biển mà Trung Cộng tuyên bố chỉ 10 ngày trước là hải phận Tàu và còn ghi rõ Việt Nam "ghi nhận", "tán thành", và hứa sẽ "tôn trọng". Đó chính là đường lưỡi bò 9 vạch. Vùng biển này không chỉ bao trọn 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà còn bao luôn từ 70% đến 90% toàn vùng Biển Đông, tùy theo cách tính. Nguyên văn cốt lõi của bức công hàm Phạm Văn Đồng là:

"Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.

Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa trên mặt biển."

Công luận quốc tế biết đọc và đã đọc trọn vẹn cả tuyên bố ngày 4/9/1958 của Bắc Kinh và công hàm ngày 14/9/1958 của Hà Nội. Vì vậy, đã đến lúc nhà cầm quyền CSVN phải bỏ hẳn những cố gắng vặn vẹo ý nghĩa văn bản này một cách vô ích. Chỉ có con đường duy nhất là phủ nhận giá trị của toàn bộ bản công hàm Phạm Văn Đồng.

Cách thứ nhì là chỉ nói riêng với người Việt Nam. Nhà cầm quyền nay đã đưa ra đủ loại biện minh, như lý do gởi bản công hàm là vì thời điểm đó "có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối với Trung Quốc”; như bản công hàm đó "đơn giản chỉ là một cử chỉ ngoại giao"; như bản công hàm đó không có giá trị pháp lý vì 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó thuộc chính thể Việt Nam Cộng Hòa; như công hàm đó không có giá trị vì "chưa được Quốc hội thông qua" cũng như “Quốc hội Việt Nam cũng chưa từng bao giờ ra nghị quyết phủ nhận chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”; v.v....

Tất cả các luận điểm đó là một bước tiến dài nếu nhìn lại các tuyên bố của thời trước và ngay sau 1975 của các lãnh đạo cao nhất đảng CSVN, như "Trung Quốc chỉ giữ các đảo giùm ta", hoặc "chẳng thà để Trung Quốc giữ còn hơn để các đảo nằm trong tay chính quyền ngụy",.... Nhưng các bước tiến đó vẫn hoàn toàn vô ích đối với chủ quyền đất nước ngày nào mà nhà cầm quyền Việt Nam chưa dám nói công khai những luận điểm đó trước thế giới.

Nói cách khác, đã đến lúc giới lãnh đạo CSVN đừng làm việc vừa thừa thãi vừa kỳ cục là cứ cố gắng thuyết phục người Việt Nam rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam trên mọi bình diện lịch sử, pháp lý, v.v... Tại sao cứ đòi tranh luận và thuyết phục những người ĐÃ đồng ý rồi. Có người Việt Nam nào còn ngờ vực điều đó đâu! Trong khi khối người cần nghe những điều đó một cách chính thức từ miệng nhà nước Việt Nam là thế giới bên ngoài, đặc biệt là các đầu lãnh tại Bắc Kinh, chứ không phải người Việt Nam!

Hiển nhiên ai cũng biết Hà Nội tránh né là vì đang lo sợ phản ứng của Bắc kinh một khi họ công khai phủ nhận công hàm Phạm Văn Đồng. Nhưng ngược lại, việc phủ nhận đó sẽ mở rộng con đường đưa Bắc kinh ra trước các tòa án quốc tế; mở rộng cửa cho các chính sách khác của Việt Nam để đối phó với đại họa Bắc Thuộc; chấm dứt cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược ngay trong nội bộ giới lãnh đạo đảng CSVN; và đặc biệt là ngưng vĩnh viễn cảnh trói tay các chiến sĩ Việt Nam làm bia bắn cho hải quân Tàu như thời Trường Sa 1988.

Không ai có thể làm công việc phủ nhận công hàm Phạm Văn Đồng thay cho các lãnh tụ đảng và nhà nước CSVN được, vì họ thừa nhận là chủ thể tiếp nối chính phủ VNDCCH từ thời ông Phạm Văn Đồng và cũng tự nhận là lực lượng lãnh đạo duy nhất tại Việt Nam hiện nay.

Cửa sổ cơ hội cho lãnh đạo đảng CSVN chuyển hướng cũng không còn nhiều. Với vận tốc xâm lấn từ ngoài khơi đến sâu trong đất liền và tràn lan trên cả nước hiện nay, lằn mức "không cưỡng bánh xe xâm lược được nữa" đang đến rất gần.

Vấn đề còn lại là lãnh đạo đảng CSVN đã đủ can đảm để loại bỏ những kẻ thề thốt "không ăn ở hai lòng với Trung Quốc" ra khỏi hàng ngũ chưa? Đã nhận ra sự dại dột và từ giã chính sách "thà mất nước chứ không mất đảng" chưa? Vì một khi nước vừa mất thì kẻ mà Bắc Kinh truy diệt đầu tiên chắc chắn là đảng./.


No comments:

Post a Comment