Tuesday 13 May 2014

Không thể vì ai.

Nguoi Buon Gio: Không thể vì ai
 
Chủ Nhật, ngày 11 tháng 5 năm 2014
Không thể vì ai.

Sáng của ngày thứ 9.  Từ hành lang dãy buồng giam vọng vào tiếng bước chân, tôi nhỏm khỏi bệ xi măng, mặc quần áo, đứng trước cửa lặng lẽ chờ. Cả dãy buồng giam này chả còn ai đi cung, chắc chỉ có mình tôi, kẻ mới bị bắt. Tiếng chân vào lúc này chỉ có là tiếng chân của người quản giáo gọi tôi đi làm việc. Quản giáo ở đây rất nhẹ nhàng,họ gọi việc lấy cung bằng âm điệu rất nhẹ nhàng.

- Anh Hiếu đi làm việc.

Cánh cửa thứ nhất bên ngoài mở khoá, tôi quay lại nói với người bạn tù.

- Có thể hôm nay anh về, mày có dặn gì thì dặn đi.

Người bạn tù không tin, anh ta cười nhạt. Tôi hiểu anh ta, vì tôi đã từng ngồi tù nhiều hơn anh ta, tôi đã chứng kiến bao bạn tù khấp khởi hy vọng về từ chỗ tạm giam, để rồi tôi gặp họ ở nơi trại cải tạo.

Dãy phòng cung nằm bên ngoài khu giam, phòng cung có cửa sổ sáng và thoáng đãng trong tiết mùa thu. Tôi chợt nhớ lần trước mình bị bắt cũng vào tầm này trong năm. Mùa thu với tôi có nhiều kỷ niệm buồn.

Người cán bộ hỏi cung hôm nay là người có phong thái nhẹ nhàng. Bao giờ cũng vậy, trong tốp người hỏi cung có người thái độ rất hống hách đầy đe doạ , nói giọng thù nghich. Có người khác lại rất ân cần. Tôi không ghét người đe doạ, cũng không mến người ân cần. Tôi biết đó là nghiệp vụ của họ. Thứ nghiệp vụ để vờn đối tượng như con mồi, lúc gây căng thẳng, lúc lại giảm trầm xuống, khiến tinh thần đối tượng mệt mỏi. Rồi thời điểm nào đó sẽ có đòn quyết định, như một cán bộ cấp cao nào đó tiến vào đúng khi đối tượng đã suy sụp, cán bộ cấp cao sẽ cảm hoá, hay răn đe tuỳ theo tâm lý đối tượng. Nhiều người đã sụp đổ như vậy.

Cũng như ta đi câu, khi con cá mắc lưới câu, nếu con cá nhỏ người ra giật phắt lên bờ, còn đâu thường phải dòng cá, lúc cá đứng im họ thu cước vào, cá chạy họ nới cước ra, cứ thế đến khi con cá mệt lử nổi trắng bụng hết cựa họ mới nhẹ nhàng kéo vào bờ dùng vợt xúc.

 Giấy tờ làm việc lại dở ra y như mọi khi. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy tôi được về. 

Những câu hỏi lặp lại như 8 ngày trước. Tôi  trả lời như mới trả lời lần đầu tiên. Nếu ta phải nhàm chán và uất ức vì những câu hỏi người ta lập đi lâp lại thì chắc người hỏi cũng phải nhàm chán với những câu trả lời lập đi lâp lại như thế. Ai là kẻ bực bội, cáu gắt hoặc suy sụp vì cách làm việc đó mới là mấu chốt của vấn đề. Tôi trả lời các câu hỏi cũ với thái độ bình thản như dẫu 20 năm nữa họ hỏi tôi liên tục thế này thì tôi vẫn vậy.

Nếu bạn ở cảnh tôi, muốn đỡ nhàm chán. Bạn hãy tỏ ra bực dọc, hoang mang hay lo sợ, suy sụp tinh thần. Bạn sẽ có những câu hỏi mới khiến không khí làm việc thay đổi đỡ nhàm chán đi. Nhưng tôi khuyên bạn tốt nhất là duy trì sao cho những câu hỏi cũ lập đi lập lại tốt hơn, những câu hỏi mới không hứa hẹn đem lại cho bạn điều tốt lành, trái lại là hậu qủa sau này nặng hơn mà thôi. Điều bạn cần là có đủ thần kinh không phát điên khi trả lời những câu hỏi cũ thậm chí bạn thuộc lòng đến 10 câu hỏi lần lượt tiếp theo.

 Cuối giờ sáng, người cán bộ hỏi cung xếp giấy tờ sớm hơn chừng một tiếng. Đó là sự thay đổi khác so với những ngày trước, anh ta đề nghị tôi viết kiểm điểm nhận sai trái về hành vi của mình.

 Tôi nhìn xấp giấy anh ta đưa và cây bút, tôi mỉm cười. Mãi tôi không viết gì. Anh ta bảo nhận đi để trên xem xét thế nào giải quyết cho.

Tôi lắc đầu, tôi bảo tôi không thể nhận sai trái về cái việc mà trước sau tôi sẽ làm. Tôi nói chuyện sai trái này có thể là luật pháp, nhưng đối với tôi suy nghĩ của mình mới là quan trọng. Khi cần thì kể cả phạm luật tôi vẫn làm, trong quá khứ tôi vẫn hành động như vậy. Huống chi đây là tôi chỉ in áo có nội dung Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam. Nếu tôi nhận sai với các anh, lúc sau ra ngoài tôi lại làm thế tiếp. Thành ra chúng ta lừa nhau, và tôi lại sẽ bị bắt. Vậy thì thôi, coi như bắt luôn bây giờ cho khỏi nhiều lần, đỡ mất công mỗi lần bắt lại lệnh này, lệnh no, bàn giao, tiếp nhận...Tôi ở đây cũng bắt đầu quen rồi, giờ ra xong lại vào mỗi lần như vậy xáo trộn lắm. Nếu các anh cho tôi về với điều kiện nhân sai thế này tôi không nhận đâu. Tôi nói luôn là tí ra ngoài tôi lại Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam . Đấy là sự thiêng liêng mà tôi không thể chối bỏ, không thể vì điều gì mà làm khác đi. Không vì thế lực nào xúi giục mà làm, không vì bị đối diện với tù đày mà không làm.

Tôi đẩy xấp giấy ra xa, nói thõng. Tóm lại thế này tôi không viết đâu, nếu không có gì anh cho tôi về lại buồng giam.

Người cán bộ nhếch mép cười, anh ta hỏi tôi.

- Tôi hỏi thật, ông làm nghề in quảng cáo, ông biết những thứ gì in ấn phải xin phép chứ.?

Tôi gật đầu. Anh ta hỏi.

- Vậy cái này anh xin phép cơ quan văn hoá nào chưa.?

Tôi nói.

- Này nhé, những khẩu hiệu thế này in ít chả phải xin phép ai, ở hàng Gai , hàng Quạt người ta in bán đầy kìa.

Người cán bộ vặn.

- Người ta in anh biết có phép hay không, chỉ biết anh in là không có phép.

Tôi nói.

- Ừ thì không phép tội này chỉ phạt hành chính nhắc nhở, cùng lắm phạt tiền, sao ông bắt tôi vào đây giam. Giờ ông mang tôi ra xử vì in áo nội dung Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam, tôi ok ngay. Nhận tội là sai trái vì in khẩu hiệu như thế.

Cán bộ điều tra cười nhạt, anh ta nói.

- Anh nói đúng, ai xử anh chuyện đấy. Chuyện ở đây là chyện anh in áo không xin phép, anh cam đoan lần sau in gì sẽ làm đúng trình tự xuất bản ấn phẩm thôi. Nội dung không nhắc đến nữa.

Tôi viết tờ kiểm điểm nhận hành vi in áo ấn phẩm không xin phép. Khi viết xong, người cán bộ cười tươi hỏi.

- Thế nếu có đánh nhau với TQ, anh có đi không ?

Tôi đứng dậy nói.

- Tôi sẽ đi, chắc lúc đó sẽ có anh đi cùng chứ.

Anh ta cười, bảo tôi về phòng nghỉ trưa. Chiều hôm ấy quản giáo đưa tôi giấy huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn.

3 năm sau, người ta khuyên tôi không nên đi biểu tình chống TQ ở Hà Nội , vì cuộc biểu tình đó do Việt Tân lợi dụng. Tôi bảo thế thì các ông tổ chức biểu tình để tôi đi , đỡ bị bọn nào lợi dụng. Còn không thì cứ có biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm biển đảo Việt Nam là tôi đi thôi, bọn nào tổ chức tôi không cần biết.

Bây giờ thì tôi không đi ở Hà Nội, nhưng nếu ở đây có đám biểu tình nào phản đối TQ thì tôi sẵn sàng đi. Cờ đỏ hay cờ vàng tổ chức tôi đi tuốt.



No comments:

Post a Comment