Friday, 31 July 2020

Trung Quốc tập trận trên không phận Biển Đông gởi tín hiệu đến Mỹ



Trung Quốc tập trận trên không phận Biển Đông gởi tín hiệu đến Mỹ

Đăng ngày: 31/07/2020 - 13:06
(Ảnh minh họa) - Bức ảnh được chụp vào ngày 02/01/2017 cho thấy các máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc được phóng từ tàu sân bay Liêu Ninh trong các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông.
(Ảnh minh họa) - Bức ảnh được chụp vào ngày 02/01/2017 cho thấy các máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc được phóng từ tàu sân bay Liêu Ninh trong các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông. STR / AFP
Mai Vân
4 phút
Trung Quốc hôm qua, 30/07/2020, thông báo đã cho tiến hành những cuộc tập trận trên không “với cường độ cao” ở Biển Đông. Động thái của Bắc Kinh được cho là một tín hiệu gởi đến Mỹ, đã từng gởi hai tàu sân bay đến khu vực để phô trương uy lực.
Trong cuộc họp báo định kỳ hàng tháng trực tuyến, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết không lực của Hải Quân Trung Quốc “mới đây” đã thao diễn “với cường độ cao” cùng với các loại oanh tạc cơ H-6G, H-6J cũng như phi cơ khác ở Biển Đông.
Phát ngôn viên này nói rõ là máy bay Trung Quốc tham gia tập trận đã “cất cánh và hạ cánh ban ngày cũng như ban đêm, tiến hành những cuộc oanh kích tầm xa hoặc tấn công vào những mục tiêu trên biển” và các bài tập đã “đạt được mục đích chờ đợi”. Tuy nhiên, địa điểm cụ thể tập trận không được thông báo.
Theo hãng tin Pháp AFP, động thái tập trận của Trung Quốc là một tín hiệu rõ ràng gởi đến phía Mỹ, trong cuộc đọ sức ngày càng thêm gay gắt giữa hai bên, đặc biệt là sau khi Mỹ bất ngờ gởi hai tàu sân bay đến Biển Đông vào đầu tháng 7.
Bên cạnh đó, trên mặt ngoại giao, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vào trung tuần tháng 7, cũng nói thẳng quan điểm của Hoa Kỳ, xem yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, trong lúc cho đến trước đây Mỹ vẫn giữ thái độ trung lập.
Vào hôm qua, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã mỉa mai là “Hoa Kỳ muốn đóng vai trò trọng tài, nhưng lại chỉ phá hoại hòa bình”. Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper, tuần qua thông báo là ông muốn đến Trung Quốc trước cuối năm 2020 với hy vọng làm dịu tình hình.

Biển Đông: Malaysia lại bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc

Với lời lẽ cứng rắn khác thường, Malaysia ngày 29/07/2020 lại gửi công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nội dung bác bỏ “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tự nhận là họ có trên Biển Đông dựa theo bản đồ “Đường 9 đoạn” do chính họ vẽ ra.
Trong công hàm, Malaysia đã khẳng định bác bỏ “toàn bộ nội dung” của một công hàm khác mà Trung Quốc đã gởi lên Liên Hiệp Quốc ngày 12/12/2019, trong đó Bắc Kinh cho rằng Kuala Lumpur không có quyền đề nghị kéo dài thềm lục địa của Malaysia ở khu vực phía bắc nước này.
Công hàm ngày 29/07 của chính quyền Kuala Lumpur nhấn mạnh rằng đề nghị của Malaysia hoàn toàn phù hợp với quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Văn kiện của Malaysia gởi lên Liên Hiệp Quốc nói rõ :Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán, liên quan tới khu vực hàng hải trên Biển Đông nằm trong ‘đường chín đoạn’.”
Đối với Malaysia, các yêu sách của Trung Quốc đã “đi ngược lại UNCLOS và không có tác động pháp lý vì đã vượt quá phạm vi địa lý và ranh giới thực chất mà Trung Quốc được hưởng theo công ước”.
Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, một chuyên gia về lập trường Biển Đông của Kuala Lumpur cho rằng dù công hàm ngày 29/07 của Malaysia có lời lẽ cứng rắn bất ngờ, nhưng nội dung văn kiện này vẫn phản ánh quan điểm từ trước đến nay của Malaysia là bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sự kiện Malaysia gởi công hàm phản đối Trung Quốc là diễn biến mới nhất trong điều được các nhà quan sát gọi là “cuộc chiến công hàm về Biển Đông, hiện đang diễn ra trong bối cảnh các yêu sách quá đáng của Trung Quốc liên tục bị tố cáo và bác bỏ trước Liên Hiệp Quốc.
Ngoài Malaysia, các nước khác như Indonesia, Philippines, Việt Nam Hoa Kỳ và Úc cũng đã gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc.

Đăng nhập Facebook | Facebook

Hãy đăng nhập Facebook để bắt đầu chia sẻ và kết nối với bạn bè, gia đình và những người bạn biết.


Công hàm của Malaysia phản đối yêu sách của Trung Quốc nói lên điều gì?

Phan Huyền Thư
2020-07-31
Email
Ý kiến của Bạn
Image en ligne
Hình minh hoạ. Hình chụp vệ tinh Đá Subi ở Trường Sa do Trung Quốc chiếm đóng
Reuters

Malaysia đưa công hàm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc

Cuộc chiến công hàm” tại Liên hợp quốc (LHQ) giữa các bên tranh chấp trên Biển Đông đã có chuyển biến mới khi Malaysia gửi công hàm bác bỏ tuyên bố trước đó của Trung Quốc nói rằng Kuala Lumpur không có quyền xin thiết lập thềm lục địa ở vùng biển phía Bắc của Biển Đông.
Ngày 29/7, Phái đoàn thường trực của Malaysia tại LHQ đã gửi công hàm số HA26/20 tới Tổng thư ký LHQ, trong đó khẳng định định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Theo phái đoàn thường trực của Malaysia tại LHQ, công hàm HA26/20 thể hiện quan điểm của quốc gia Đông Nam Á này đối với công hàm CML/14/2019 của Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ.
Nội dung công hàm của Malaysia khẳng định bản đệ trình mà nước này gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) LHQ ngày 12/12/2019 đối với thềm lục địa mở rộng ngoài phạm vi 200 hải lý trong khu vực phía Bắc Biển Đông, tính từ đường cơ sở, được thực hiện theo đúng cam kết về nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, phù hợp với các quy định của UNCLOS cũng như Quy tắc tố tụng của CLCS. Công hàm nhấn mạnh, Chính phủ Malaysia khẳng định bản đệ trình phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của Malaysia trong việc phân định ranh giới thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở theo quy định tại Khoản 7, điều 76 UNCLOS.
Nội dung công hàm cũng nêu rõ, liên quan đến tuyên bố của Trung Quốc trong các đoạn thứ hai và thứ ba của công hàm CML/14/2019, chính phủ Malaysia bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán khác đối với vùng biển thuộc Biển Đông được bao phủ trong phạm vi cái gọi là "Đường 9 đoạn" vì các tuyên bố này trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý khi vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của các quyền hàng hải của Trung Quốc theo quy định của UNCLOS.
Chính vì vậy, Chính phủ Malaysia cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể tại Biển Đông không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và quốc gia Đông Nam Á này bác bỏ toàn bộ nội dung của công hàm CML/14/2019.
Bên cạnh đó, phái đoàn thường trực của Malaysia tại LHQ cũng đề nghị CLCS tiếp tục tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định đối với bản Đệ trình bộ phận mà quốc gia Đông Nam Á đã gửi ngày 12/12/2019.

Những lưu ý về công hàm này của Malaysia

Có một số lưu ý trong công hàm này của Malaysia. Thứ nhất là công hàm này cho thấy cách thể hiện lập trường về vấn đề biển Đông của Malaysia có những thay đổi nhất định.
Malaysia là bên khởi đầu dẫn tới “cuộc chiến công hàm” với đệ trình về thềm lục địa mở rộng lên CLCS ngày 12/12/2019. Từ đó dẫn tới việc các quốc gia liên quan đã gửi một loạt các công hàm/công thư lên Liên Hợp Quốc để bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình ở biển Đông.
Công hàm ngày 29/7/2020 của Malaysia được đưa ra sau các công hàm tương tự của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Mỹ và Australia kể từ sau đợt trao đổi đầu tiên giữa Malaysia và Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái. Các công hàm này không phải là công hàm ngoại giao bình thường giữa các quốc gia, mà được đệ trình lên Tổng thư ký LHQ với đề nghị rằng chúng sẽ được lan truyền tới các nước thành viên khác.
Một trong những nội dung đáng chú ý của công hàm HA26/20 đó là việc Malaysia công khai khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý cũng như phủ nhận “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách biển Đông của Malaysia.
Trước đây, Malaysia luôn kiên trì áp dụng “chính sách ngoại giao thầm lặng” trong việc giải quyết các bất đồng với Trung Quốc ở biển Đông. Thế nhưng, đây là lần đầu Malaysia công khai khẳng định điều này khi mà trước đây nước này chỉ trao đổi trong các cuộc gặp song phương kín với đại diện của Trung Quốc. Tuy nhiên, công hàm này không phải là sự thay đổi hoàn toàn lập trường của Malaysia trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, mà đây là sự khẳng định tiếp theo chính sách nhất quán giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình của quốc gia Đông Nam Á này.
Trước đây, Malaysia luôn kiên trì áp dụng “chính sách ngoại giao thầm lặng” trong việc giải quyết các bất đồng với Trung Quốc ở biển Đông. Thế nhưng, đây là lần đầu Malaysia công khai khẳng định điều này khi mà trước đây nước này chỉ trao đổi trong các cuộc gặp song phương kín với đại diện của Trung Quốc.
Điểm lưu ý thứ hai trong nội dung của công hàm này, đó là mặc dù trong Đệ trình về thềm lục địa mở rộng gửi lên CLCS năm 2019, Malaysia dường như đã dựa trên sự tiến triển của các lập luận pháp lý sau Phán quyết của Toà trọng tài năm 2016 trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, trong công hàm ngày 29/7 này, Malaysia không đả động gì tới Phán quyết 2016. Cho dù, các công hàm/công thư của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Hoa Kỳ và Australia đều viện dẫn Phán quyết và yêu cầu các bên liên quan thực thị Phán quyết 2016 này.
Điều này thể hiện rằng, mặc dù trước áp lực của “cuộc chiến công hàm”, Malaysia thấy cần phải lên tiếng vừa để bảo vệ lợi ích của mình, vừa không để vuột mất cơ hội đi cùng các quốc gia chống lại tham vọng phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, Malaysia cũng vẫn rất thận trọng, tránh để mích lòng Trung Quốc, khi không nhắc tới Phán quyết, cho dù khẳng định các yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, một hàm ý gián tiếp và gây nhiều tranh cãi từ điều này.

Cuộc chiến pháp lý ở biển Đông vẫn tiếp diễn

Như vậy, cùng với công hàm mới đây của Malaysia, nội dung của các công hàm của các nước thành viên ASEAN trước đây về vấn đề biển Đông đều nhấn mạnh rằng các tuyên bố về quyền và quyền tài phán đối với các khu vực biển trên Biển Đông phải tuân thủ UNCLOS mà trong đó Trung Quốc và các nước ASEAN đều là các bên tham gia. Các công hàm của các quốc gia ASEAN này cũng khẳng định thêm rằng việc Trung Quốc tuyên bố về các quyền và quyền tài phán trên Biển Đông không phù hợp với UNCLOS.
Ngoài ra, Việt Nam, Philippines và Indonesia đều nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 về vụ kiện giữa Manila và Bắc Kinh, trong đó khẳng định Bắc Kinh không có quyền lịch sử tại Biển Đông. Việc các quốc gia ASEAN ban hành các công hàm như vậy là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tranh cãi về tính pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không sớm lắng dịu, cho dù ASEAN và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Cuộc Chiến Với Trung Quốc Đã Bắt Đầu Chuyển Động?


Cuộc Chiến Với Trung Quốc Đã Bắt Đầu Chuyển Động?

Vào thập niên 70, Trung Quốc còn là một quốc gia chậm tiến, đông dân và nghèo đói.  Nhờ vào sự giúp đỡ và những ưu đãi của Hoa Kỳ,  quốc gia này đã được vực dậy từ nền kinh tế đang bị đổ nát.  Khi hỗ trợ cho Trung Quốc, Hoa Kỳ mong rằng nhờ vào sự thịnh vượng của nền kinh tế, Trung Quốc sẽ được dân chủ hóa, và do vậy sẽ có thể đóng góp cho hòa bình thế giới.  Nhưng về thực chất, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lợi dụng chính sách thân thiện, nhân đạo của Hoa Kỳ để xây dựng một Trung Quốc theo chủ nghĩa cộng sản và sẵn sàng lấn lướt qua mặt Hoa Kỳ khi đủ điều kiện.  

Chính sách ngoại giao sai lầm của Hoa Kỳ
Tham vọng đưa Trung Quốc lên vị trí siêu cường quốc nhất thế giới được hình thành rõ ràng kể từ khi Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến "Made in China 2025".  Đây là một kế hoạch muốn chiếm lãnh thị trường quốc tế của ĐCSTQ, với sự hỗ trợ hàng trăm tỷ dollars của nhà nước cho các doanh nghiệp, nhằm sản xuất 80% sản phẩm ngành công nghệ cao như xe điện, robot, hàng không, . . . Trung Quốc đã không cạnh tranh thương mại công bằng mà đã dùng mọi thủ đoạn, bất chấp các quy luật của tổ chức WTO, đánh cắp sản phẩm trí tuệ của Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiền tiến trong kỹ thuật công nghệ cao, giành lấy ưu thế cho riêng mình.  

Vì muốn ngăn chận tham vọng của Trung Quốc, nên nhà tỷ phú Donald Trump đã ra tranh cử Tổng Thống năm 2016.  Trong thời gian tranh cử, Ứng Cử Viên Donald Trump đã nói "Trung Quốc đã bóc lột Hoa Kỳ, đã thao túng tiền tệ để làm cho hàng xuất cảng của nước này có giá rẻ trên toàn cầu.  Trung Quốc đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và công nhân Hoa Kỳ. Trung Quốc là quốc gia ăn cắp tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Tôi sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp tục xâu xé đất nước của chúng ta. Tôi sẽ thay đổi chính sách" (theo BBC).  

Trong bài diễn văn ngày 24/7/2020, Ngoại Trưởng Mike Pompeo đã nhìn nhận chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong nửa thế kỷ qua là sai lầm.  Chính ra Hoa Kỳ đã phải chấm dứt chính sách ngoại giao "thân thiện" này từ khi ĐCSTQ đưa quân đội và xe tăng tới giải tán cuộc biểu tình, đàn áp sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, gây tử vong cho hàng chục ngàn người trẻ.  Hoa Kỳ đã thờ ơ trước sự tàn bạo, đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ, đã không lắng nghe tiếng nói của những người trẻ đòi dân chủ cho đất nước này.  

TT Trump đã quyết tâm thay đổi chính sách sai lầm của Hoa Kỳ, ngay sau khi nhậm chức, Tổng Thống đã quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi nhiều hiệp ước thương mại bất lợi như TPP, NAFTA, WTO, . . .  để Hoa Kỳ có cơ hội thảo luận trực tiếp riêng rẽ với từng quốc gia. 

Đối phó toàn diện với Trung Quốc
Từ năm 2018, sau khi Hoa Kỳ không còn bị ràng buộc bởi WTO, TT Trump đã ký những sắc lệnh áp đặt hàng nhiều trăm tỷ dollars thuế trên một số mặt hàng của Trung Quốc.  Trong lúc đang phải đương đầu với cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ thì tới đầu năm 2020 Trung Quốc lại phải hứng chịu thêm thiệt hại do đại dịch cúm gây ra.  Nhiều công ty của Hoa Kỳ và một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản và Nam Hàn đã di chuyển ra khỏi Trung Quốc.  Hậu quả là kinh tế của Trung Quốc đã bị suy giảm.   

Trong nội các chính phủ của TT Trump, hiện có 4 thành viên nồng cốt đắc lực nhất là Ngoại Trưởng Mike Pompeo, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper, Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr và Bộ Trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin.  Liên tiếp trong mấy ngày qua, các Bộ Trưởng này đã đưa ra nhiều tuyên bố quan trọng.  Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr đưa ra nhận định là "từ nhiều thập niên qua, Hoa Kỳ vẫn nuôi hy vọng là sẽ thay đổi Trung Quốc nhưng ngược lại, thực tế là ĐCSTQ đang tận dụng sức mạnh kinh tế để thay đổi Hoa Kỳ và cả thế giới.  Vấn đề quan trọng là Hoa Kỳ và thế giới cần đối phó với tham vọng bá chủ toàn cầu của ĐCSTQ.  Đối phó với ĐCSTQ là cấp bách và có tính cách lịch sử, nếu không thực hiện, Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh có thể sẽ bị ĐCSTQ chế ngự."  

Nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ như Google, Apple, Microsoft, Yahoo, . . . đã không đứng cùng nhau chống lại sự độc tài của ĐCSTC, trái lại họ đã là những công cụ của Trung Quốc, sẵn sàng nhượng bộ, và tuân theo những chỉ thị của ĐCS TQ để được hưởng lợi nhuận từ một môi trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.   Bộ Tư Pháp đã có nhiều bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đã gài người tiếp xúc với giám đốc của các doanh nghiệp lớn, áp lực họ ủng hộ các chính sách và hành động của ĐCSTQ.  Ngoại Trưởng Mike Pompeo cũng thêm rằng nếu các doanh nghiệp muốn làm ăn tại Trung Quốc thì phải nhắm mắt làm ngơ trước những đàn áp nhân quyền gay gắt xảy ra tại quốc gia này.

ĐCSTQ đã tìm cách xâm nhập vào lãnh vực giáo dục qua việc kiểm duyệt hoặc đồng tổ chức các viện nghiên cứu, học thuật của Hoa Kỳ.  Viện Khổng Tử được mở tại nhiều trường đại học Hoa Kỳ do ĐCSTQ tài trợ nhằm gây áp lực những trường đại học này phải im lặng hoặc hủy bỏ những cuộc thảo luận, học hỏi về những đề tài gây bất lợi cho Trung Quốc.  Nhiều Viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ đã bị đóng cửa.  Cùng lúc Tòa Lãnh Sư Trung Quốc tại Houston (được biết tới là một trung tâm gián điệp quy mô nhất của Trung Quốc tại Hoa Kỳ) bị đóng cửa ngày 24/7/2020 thì hàng chục ngàn du học sinh Trung Quốc cũng bị di tản ra khỏi Hoa Kỳ và nhiều gián điệp đã bị bắt.  Trong lãnh vực thương mại, ĐCSTQ đã cài gián điệp xâm nhập vào hàng trăm công ty hàng đầu của Hoa Kỳ, đánh cắp bí mật thương mại, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và hàng chục ngàn người dân bị mất việc làm.  Giám Đốc FBI Christopher Wray cảnh báo Trung Quốc đang tạo ra sự nguy hiểm trên toàn diện nền kinh tế Hoa Kỳ, cứ mỗi 10 tiếng đồng hồ là có thêm một cuộc điều tra về tội ăn cắp, gian lận của Trung Quốc. 
Liên minh các quốc gia tự do
Ngoại Trưởng Pompeo đã lên tiếng báo động rằng ĐCSTQ là mối đe dọa cho Hoa Kỳ và thế giới tự do vì hiện tại "chúng ta vẫn phải đeo khẩu trang và các nạn nhân của đại dịch cúm vẫn liên tục gia tăng vì Trung Quốc đã không thành thật với chúng ta". Trung Quốc đã không thực hiện những gì đã cam kết  "Cách duy nhất có thể làm thay đổi ĐCSTQ là hành động chứ không dựa trên những gì ĐCSTQ hứa."  Hoa Kỳ và các nước tự do trên thế giới không thể tiếp tục làm ngơ trước thái độ hung hăng, hiếu chiến muốn làm bá chủ toàn cầu của ĐCSTQ.
Hoa Kỳ đã tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và Ngoại Trưởng Mike Pompepo hứa là sẽ bênh vực những quốc gia bị Trung Quốc hà hiếp.  Từ đầu tháng 7 vừa qua đã có nhiều cuộc tập trận tại Biển Đông của các quốc gia: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ.  Không còn nghi ngờ gì nữa, một Liên Minh Bộ Tứ đang được thành hình nhằm đối phó với Trung Quốc, chiến lược gia Steve Bannon gọi là "Alliance of Liberty against China."  Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một nhân vật quan trọng trong việc thúc đẩy thành lập Liên Minh Bộ Tứ ở khu vực Thái Bình Dương -  Ấn Độ Dương. Từ năm 2007, Thủ Tướng Abe đã từng đưa đề nghị này ra thảo luận nhưng thời gian đó Úc và Ấn Độ còn muốn duy trì giao thương với Bắc Kinh, và TT Obama lại chủ trương thực hiện chính sách "thân thiện" với Trung Quốc.  Không giống như TT Obama, TT Trump hoàn toàn ủng hộ việc thành lập một liên minh "Bộ Tứ" để làm pháo đài chống lại Trung Quốc (theo ntvn.com).
Cho tới nay, TT Trump là Tổng Thống duy nhất có chính sách mạnh mẽ đối với Trung Quốc.  Hoa Kỳ và liên minh các quốc gia tự do đã và đang liên kết chặt chẽ với nhau, tạo sức mạnh để ngăn chặn, đối đầu và triệt hạ Trung Quốc.
Kim Nguyễn
July 28-2020 


----- Forwarded Message -----
From: vuthach nguyen <p
Sent: Saturday, July 25, 2020, 09:33:13 AM CDT
Subject: TRUNG QUỐC MUỐN TT TRUMP THẮNG CỬ TỔNG THỐNG THÁNG 11/2020

Kính thưa qúy vị,

Trong thời gian qua, TT Donald Trump đã thu hẹp ảnh hưởng của Hoa kỳ trong sinh hoạt chính trị thế giới, chẳng hạn ông đã gây mâu thuẫn với các nước trong liên minh phương tây và tổ chức quốc tế NATO, WHO và mạ lỵ cá nhân một số nhà lãnh đạo ....

Tại châu Á, Trump đã rút khỏi hiệp định Trans-Pacific Partnership Agreement  viết tắt  là TPP ( Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ), một hiệp ước củng cố mối quan hệ giữa Hoa kỳ và các đồng minh.

Các chính trị gia Trung quốc cho rằng TT Trump càng có thái độ xa rời với các quốc gia trên thế giới... càng tạo nhiều cơ hội cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của họ ở Đông Á và thế giới.

Ông Long Yongtu, chuyên viên thương thuyết về thương mại của Trung Quốc đã nói trong một hội nghị ở Thâm Quyến rằng  “ Chúng tôi muốn TT Trump được tái đắc cử; chúng tôi sẽ rất mừng khi thấy điều đó xảy ra”.

Nhà báo Hu Xijin của Hoàn Cầu Thời báo nhận định người Trung quốc mong muốn TT Trump tái thắng cử trong kỳ bầu cử tháng 11/2020 bởi vì trong 4 năm kế tiếp, ông ấy có thể sẽ tạo thêm thù hận với thế giới, đồng thời hành vi của ông sẽ giúp người dân Trung quốc đoàn kết với nhau hơn nũa để chống lại Hoa kỳ và thúc đẩy sự phát triển ảnh hưởng của Trung quốc trên trường quốc tế.

Nhà báo Hu Xijin nói thêm rằng, người Trung Quốc gọi TT Trump là ‘Jianguo’ nghĩa là " kiến quốc "‘ người hỗ trợ xây dựng Trung Quốc’.

Giáo sư Minxin Pei chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại đại học Claremont McKenna College nhận định rằng TT Trump có nguồn gốc là một doanh gia nên dễ đối phó hơn Joe Biden, TT Trump dễ bị thuyết phục nếu giá cả phù hợp và đó  là chìa khóa đối với Trung Quốc.

Việc TT Trump cũng như các vị TT tiền nhiệm Bush con, Barack Obama bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông là vì quyền lợi hàng hải của Hoa kỳ hoặc cho các chiến hạm Mỹ chạy áp sát các đảo Hoàng sa... chỉ là sự kiện bình thường vì luật biển quốc tế qui định phạm vi lãnh hải 12 hải lý của mỗi quốc gia chỉ được tính từ đất liên của nước đó, không tình từ đất liền của các hải đảo giữa biển.

Tháng 11/2020 đã sắp đến, là ngày bầu cử tổng thống Hoa kỳ đã xảy ra căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung cộng và việc đóng cửa cơ quan ngoại giao của nhau là bình thường và các đại sứ quán, lãnh sự quán của mọi quốc gia trên thực tế đều là những ổ gián điệp, không phải chỉ riêng Tổng lãnh sự quán của Trung quốc là ổ gián điệp.  Trong quá khứ, Nga sô cũng đã từng tố cáo Tòa đại sứ Hoa kỳ ở Moscow là ổ gián điệp.

Các bình luận gia cho rằng Mỹ và Trung Cộng đang diễn kịch với nhau, thái độ căng thẳng của hai quốc gia chỉ là bề ngoài, chỉ là thủ đoạn trong chiến dịch tranh cử của TT Trump với sự tiếp tay của Trung quốc để màn kịch đạt kết quả tốt, giúp cho TT Trump tái đắc cử trong tháng 11/2020 sắp tới như John Bolton đã tố cáo trong cuốn sách của ông, vì trong thực tế, việc kinh doanh của gia đình Trump tại Trung cộng vẫn phát triển tốt đẹp, giao hảo giữa TT Trump và Tập Cận Bình nồng ấm.  

Sau tháng 11/2020, nếu TT Trump tái đắc cử,  màn kịch chấm dứt, tình trạng căng thẳng Trung quốc và Mỹ chấm dứt, hai nước sẽ lại có quan hệ ngoại giao - kinh tế tốt đẹp, lãnh sự quán Trung quốc sẽ quay trở lại Houston....

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết " Ông Trump, ông Biden và nước cở Trung quốc " của tác giả Hiếu Chân

Trân trọng,
Phúc Linh

            Ông Trump, ông Biden và nước cờ Trung Quốc

Hiếu Chân/Người Việt - Jul 21, 2020


Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc dường như chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay khi Washington trong vài tuần qua đã liên tục và dồn dập tung ra những đòn hiểm nhắm vào quyền lợi của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Có thể kể tới các sắc lệnh của Tổng Thống Trump cấm vận các quan chức hàng đầu Trung Quốc có vai trò trong việc giam cầm và đàn áp người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) ở Tân Cương, trong đó có một ủy viên Bộ Chính Trị chóp bu của đảng Cộng Sản, cùng lúc với Bộ Thương Mại công bố cấm vận đợt thứ ba nhắm vào 11 công ty Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức của người thiểu số theo Hồi Giáo ở Tân Cương, đưa tổng số công ty Trung Quốc bị cấm vận lên 48 đơn vị.

Ông Trump cũng đã ký sắc lệnh thu hồi quy chế ưu đãi về thương mại và tài chánh cho Hồng Kông, phê chuẩn luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông có vai trò trong việc thực thi luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt lên vùng lãnh thổ tự trị này.

Báo chí còn bàn luận sôi nổi về một dự định của Tòa Bạch Ốc, cấm các đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc và gia đình họ nhập cảnh vào Mỹ, trục xuất những người đang ở Mỹ nhưng là đảng viên đảng Cộng Sản hoặc có quan hệ gần gũi với đảng này.

Nhưng ngón đòn nặng nhất có lẽ là việc Ngoại Trưởng Mike Pompeo công bố lập trường của Mỹ về Biển Đông, bác bỏ thẳng thừng mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này, cho rằng chúng “bất hợp pháp,” đồng thời tố cáo Trung Quốc mưu toan biến Biển Đông thành một “đế quốc hàng hải.”

Tuyên bố của ông Pompeo được phát ra đúng lúc quân đội Mỹ cử hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới Biển Đông tập trận – lần thứ hai trong vòng hai tuần lễ – cũng như cử nhiều lượt chiến đấu cơ, cả oanh tạc cơ B52, tới Biển Đông làm hậu thuẫn cho tuyên bố của Bộ Ngoại Giao.

Ngoại Trưởng Pompeo gần đây nổi lên như một tiếng nói chống Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong chính phủ Mỹ; nhưng ông không đơn độc mà gần đây đội ngũ “bài Hoa” đó đã có thêm sự góp mặt của các quan chức cao cấp như Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr, cố vấn kinh tế Peter Navarro và nhiều người khác.

Ở điện Capitol, trụ sở Quốc Hội Mỹ ở Washington, các nhà lập pháp của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đối lập nhau như nước với lửa nhưng lại rất đồng tâm hiệp lực trong chính sách chống Trung Quốc.

Tất cả các đạo luật chống Trung Quốc, ủng hộ người dân Tân Cương, Đài Loan, Hồng Kông đều được thông qua với số phiếu thuận tuyệt đối, và các nghị sĩ vẫn thường xuất hiện trên truyền thông để bình luận về các âm mưu của Trung Quốc và phương thức ứng phó của Mỹ.

Để trả đũa, Trung Quốc đã ban lệnh cấm vận nhắm vào các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng Hòa có lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ là hai thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz (Texas) và Marco Rubio (Florida); Dân Biểu Chris Smith (New Jersey); cựu thống đốc tiểu bang Kansas và hiện là đại sứ lưu động đặc trách tôn giáo quốc tế, ông Sam Brownback.

Từ kinh tế, thương mại, công nghệ tới an ninh quốc gia, từ những thảm họa toàn cầu như đại dịch COVID-19 đến những sự kiện bí mật như tin tặc Trung Quốc thâm nhập và đánh cắp thành quả nghiên cứu vaccine ngừa virus Corona, chính quyền Mỹ càng lúc càng đối kháng mạnh mẽ với Trung Quốc, không còn nể nang hòa dịu như trước.

Trong xã hội Mỹ cũng vậy, suy nghĩ và tình cảm của người dân Mỹ đối với Trung Quốc đã không còn hòa ái như trước.

Một khảo sát được Pew Research thực hiện và công bố hồi Tháng Tư, 2020, cho thấy 66% người Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc, 71% không tin lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình và 62% cho rằng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc là mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ.
***
Năm nay là thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ và một phần Quốc Hội. Những hành động quyết liệt và khá bất ngờ với Trung Quốc của chính phủ Mỹ làm cho một số nhà phân tích chính trị nhận định “Trung Quốc đang trở thành một quân cờ quan trọng trên bàn cờ chính trị nội bộ của Mỹ,”  và cả hai ứng cử viên tổng thống – Tổng Thống đương nhiệm Donald Trump của đảng Cộng Hòa và cựu Phó Tổng Thống Joe Biden của đảng Dân Chủ – đang tranh nhau biểu thị lập trường, xem ai là người cứng rắn với Trung Quốc hơn.

Điều đó cũng dễ hiểu khi làn gió chống Trung Quốc đã nổi lên trong khí quyển chính trị Mỹ như khảo sát của Pew dẫn trên cho thấy, ứng cử viên nào thuận theo chiều gió thì có lợi thế hơn.

So với ứng cử viên Biden, ông Trump có thuận lợi là tổng thống đương nhiệm, là người đứng đầu nhánh hành pháp của nước Mỹ, có quyền ban hành và thực thi chính sách quốc gia về mọi lãnh vực.

Những quyết định đối kháng với Trung Quốc của ông Trump, từ khi ông khơi mào cuộc thương chiến bằng cách đánh thuế lên hàng hóa nhập cảng, cho đến những chính sách quyết liệt hiện nay làm cho mọi người nhìn ông như “một anh hùng chống Trung Quốc” mà mọi lực lượng đối kháng với đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể trông cậy.

Đó cũng là một trong nhiều lý do nhiều người Việt cả trong và ngoài nước, trong lòng sục sôi nỗi căm hận bọn bành trướng Bắc Kinh đang ngày đêm xâm lấn vùng biển vùng đất của quê hương Việt Nam, đều sùng kính ông Trump như một thần tượng, mong chờ ông ra tay “diệt Trung Cộng” giúp cho người Việt Nam.

Nhưng một số nhà phân tích chính trị lão làng thì vấn đề không đơn giản như vậy.

Ông Brian P. Klein, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, viết trên South China Morning Post rằng: “Đội ngũ của ông Trump đang sử dụng Trung Quốc làm chiến tuyến để chống lại đối thủ Joe Biden và tận dụng mong muốn của khu vực Châu Á Thái Bình Dương chặn đứng các kế hoạch bành trướng của Trung Quốc.”

Nhà bình luận Philip Sherwell chuyên về Châu Á của báo London Times nhận định: “Ở Washington, ông Trump đặt hy vọng làm sống lại chiến dịch tranh cử đang loạng choạng bằng một chính sách cực kỳ diều hâu đối với Trung Quốc”…

Những người này cho rằng, chống Trung Quốc chỉ là một “ thủ đoạn tranh cử ” của ông Trump, bản thân ông nhiều lần tỏ ra thân thiết với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và gia đình ông có nhiều mối làm ăn với Bắc Kinh nên ông Trump khó mà quyết liệt với Trung Quốc.


Tiết lộ trong cuốn sách gây tranh cãi của ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ rằng ông Trump nhờ ông Tập giúp thắng cử bằng cách mua thêm nhiều nông sản Mỹ, và việc ông Trump hoãn thực hiện các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về vụ Tân Cương do lo ngại ảnh hưởng tới cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai bên càng làm cho nhiều người nghi ngờ ý định chống Trung Quốc thật sự của Tổng Thống Trump.

Đi xa hơn, đã có nhà phân tích dự báo, chỉ trong vài tháng nữa khi cuộc bầu cử tổng thống đã hoàn tất và ông Trump tiếp tục làm ông chủ Tòa Bạch Ốc thêm bốn năm nữa thì chính sách đối với Trung Quốc lại sẽ thay đổi: quan hệ Mỹ-Trung lại trở lại đằm thắm như xưa, một phần vì Trung Quốc có vai trò quá lớn trong việc phục hồi kinh tế Mỹ sau đại dịch, một phần vì lá bài chống Trung Quốc không còn công dụng nữa.

Ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden không có điều kiện thể hiện lập trường chống Trung Quốc qua chính sách và biện pháp cụ thể như ông Trump, chiến dịch tranh cử của ông Biden hiện vẫn tập trung nhiều vào những vấn đề kinh tế và đối nội của Mỹ. Nhưng đội ngũ của ông Biden luôn nhắc lại trong các thông điệp tranh cử rằng, chính chính phủ Obama – trong đó có ông Biden – mới là chính phủ Mỹ đầu tiên “xoay trục” (pivot) về Châu Á, bố trí 60% năng lực của Hải Quân Mỹ tại Đông Á trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc.

Chính phủ này đã làm đầu tàu, đề ra và hoàn tất đàm phán Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nội dung chính là kiềm chế kinh tế Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải làm ăn theo thông lệ quốc tế – hiệp định mà ông Trump đã hủy bỏ ngay trong tuần đầu tiên sau ngày ông đăng quang tổng thống.

Đội ngũ chuyên viên tranh cử của ông Biden cũng nhận định rằng các chính sách chống Trung Quốc của Tổng Thống Trump chỉ là những biện pháp rời rạc và đơn độc, thiếu một tầm nhìn, một chiến lược xuyên suốt cũng như thiếu sự tham gia và ủng hộ của các đồng minh.

Đáp lại, đội ngũ của ông Trump cho rằng, nhiệm kỳ của ông Obama-Biden trước đây là thời kỳ Mỹ đã nhân nhượng Trung Quốc quá đáng dẫn tới hậu quả ngày hôm nay; chính phủ Obama-Biden đã tự nguyện làm ngơ cho Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, tấn công tin học và thực hành cung cách thương mại bất công làm cho Mỹ bị thâm hụt thương mại trầm trọng.

Cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên, xem ai mới là người thực sự chống Trung Quốc, sẽ còn sôi nổi cho tới ngày bầu cử 3 Tháng Mười Một, lôi cuốn nhiều bình luận viên, phân tích viên trên các kênh truyền hình và truyền thông báo chí. Cử tri Mỹ sẽ có dịp quan sát, suy ngẫm và chọn lựa người mà họ tin tưởng có khả năng buộc Trung Quốc phải chơi theo luật, vì lợi ích của nước Mỹ và cộng đồng thế giới.
***
Về phần Trung Quốc, một số bình luận gia nhận định, dù phải vất vả chống đỡ những cú ra đòn dồn dập của Tổng Thống Trump song Bắc Kinh vẫn muốn ông Trump thắng cử trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc và tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ một nhiệm kỳ nữa.

Người Trung Quốc dường như đã làm quen với cung cách lãnh đạo của ông Trump, có những chính sách đối đầu gây khó khăn cho Bắc Kinh nhưng cũng có những chủ trương có lợi lớn cho Trung Quốc, chẳng hạn như việc hủy bỏ hiệp định TPP hoặc dự định rút bớt quân đội Mỹ khỏi Nam Hàn được báo chí bàn luận sôi nổi mấy hôm nay.

Sức mạnh vô địch của nước Mỹ nằm ở khối đồng minh đông đảo và hùng mạnh các quốc gia Âu-Á cùng chia sẻ hệ giá trị dân chủ tự do nhưng chính sách “Nước Mỹ trước hết” trong khuôn khổ “Make America Great Again, MAGA” của Tổng Thống Trump đang làm cho các đồng minh của Mỹ cảm thấy khó xử và họ không thể tin tưởng hoàn toàn vào những cam kết của Mỹ như trước đây. Và đó là điều có lợi cho Trung Quốc.

Nếu ông Joe Biden thắng cử, chắc chắn ông sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách chống Trung Quốc hiện hành của ông Trump vì đó là một xu hướng lớn trong xã hội Mỹ hiện nay, là điểm đoàn kết Dân Chủ với Cộng Hòa không thể đảo ngược.

Có điều, là chính trị gia lão luyện, ông Biden chắc chắn sẽ tìm cách củng cố lại mối quan hệ đang có vấn đề giữa Mỹ với các đồng minh Châu Âu, với Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Hàn ở Châu Á, hình thành một liên minh toàn cầu chống lại những tham vọng của Bắc Kinh trên mọi lĩnh vực, từ công nghệ đến an ninh, từ thương mại tới Biển Đông, Biển Hoa Đông…

 Và đó là chuyện làm Bắc Kinh lo ngại.

Ông Daniel Wagner, CEO của công ty Country Risk Solutions, tác giả sách “Cuộc Chia Rẽ Mỹ-Trung” (The America-China Divide) cho rằng, Trump và Biden đều là đối thủ của Trung Quốc, song nếu được lựa chọn, Bắc Kinh sẽ chọn ông Trump tiếp tục làm tổng thống vì “đó là đối thủ mà họ biết rõ.”

Binh pháp Tôn Tử dạy cho người Trung Quốc: “Biết địch biết ta thì mới trăm trận trăm thắng.” [qd]




__._,_.___

Posted by: Kim Nguyen 

Sunday, 26 July 2020

Biển Đông : Úc phản đối yêu sách của Trung Quốc lên LHQ



Biển Đông : Úc phản đối yêu sách của Trung Quốc lên LHQ

Đăng ngày: 25/07/2020 - 11:17Sửa đổi ngày: 25/07/2020 - 11:18
Image en ligne
Đến lượt Úc bác bỏ bản đồ đòi chủ quyền hình "lưỡi bò" của Trung Quốc tại Biển Đông. (@wikipedia.org)
Thu Hằng
3 phút
Trong công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc ngày 23/07/2020, phái bộ thường trực của Úc lên án Bắc Kinh tự vẽ “đường 9 đoạn”, đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị” theo phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 chiểu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Công hàm được Úc gửi lên Liên Hiệp Quốc chỉ một tuần sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông” ngày 13/07/2020. Trước đó, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia cũng lần lượt gửi công hàm phản đối những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong công hàm, chính quyền Úc bác yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” hoặc “quyền lợi hàng hải” được thiết lập trong suốt “quá trình hoạt động lâu dài trong lịch sử”. Canberra khẳng định đường cơ sở được Trung Quốc tự vẽ (đường 9 đoạn) là “không phù hợp” với UNCLOS, vì vậy, Úc bác mọi đòi hỏi của Trung Quốc đối với vùng nội thủy, lãnh hải, hoặc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế dựa trên bản đồ này.
Chính phủ Úc cũng không chấp nhận bản ghi chú ngày 17/04/2020 của Trung Quốc khẳng định chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa “được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi”.
Canberra khuyến khích tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, làm sáng tỏ những yêu cầu hàng hải và giải quyết tranh chấp theo con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật gần Vịnh Bắc Bộ

Dù tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng trong thời gian gần đây, Trung Quốc vẫn quyết định tập trận bắn đạn thật ở bờ tây bán đảo Lôi Châu (gần đảo Hải Nam), sát Vịnh Bắc Bộ, trong vòng 9 ngày, từ 25/07 đến 02/08.
Trong thông báo ngày 23/07/2020 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, được South China Morning Post trích dẫn, cuộc tập trận được tiến hành theo hai giai đoạn : Giai đoạn 1 có quy mô rộng, từ ngày 25 đến 27/07 ; giai đoạn 2 từ 28/07 đến 02/08 được tiến hành ở một khu vực có bán kính 8 km.
Quân đội Trung Quốc cảnh báo tập trận bắn “đạn thật rất mạnh” nên cấm mọi hoạt động đánh bắt và lưu thông hàng hải trong vùng cho đến hết Chủ Nhật 02/08.
Theo Song Zhongping, một nhà phân tích quân sự ở Hồng Kông, đây là một đợt tập trận thông thường của quân đội Trung Quốc để nâng cao khả năng chiến đấu, nhưng cũng có thể mở đầu cho cuộc tập trận đổ bộ lên bãi biển được dự kiến vào tháng Tám.
Quân đội Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận sau khi Hải Quân Mỹ điều hai đội tầu sân bay tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung ở Biển Đông để bảo vệ lưu thông hàng hải.

Đăng nhập Facebook | Facebook

Hãy đăng nhập Facebook để bắt đầu chia sẻ và kết nối với bạn bè, gia đình và những người bạn biết.



Úc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

RFA
2020-07-24
Email
Ý kiến của Bạn
Image en ligne
Hình minh hoạ. Thủ tướng Úc Scott Morrison phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 25/9/2019 ở New York
AFP
Úc hôm 23/7 gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền đối với “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Công văn của Úc được đăng trên trang web của Uỷ ban Giới hạn Thềm lục địa của UN vào hôm thứ Sáu, ngày 24/7.
Như vậy, bắt đầu từ sau công văn của Malaysia gửi lên UN đăng ký thềm lục địa mở rộng của nước này ở vùng bắc Biển Đông hồi tháng 12 năm ngoái, đến nay đã có 5 nước chính thức lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó là các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia, Mỹ và Úc.
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển, lấn vào các vùng đặc quyền kinh tế của những nước láng giềng. Toà Trọng tài Quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lý của đường này, nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của toà.
Công văn của Úc có đoạn viết: “Chính phủ Úc bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc không tuân theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), đặc biệt là các yêu sách trên biển không tuân theo các quy định về đường cơ sở, vùng biển và phân loại các thực thể.”
Theo công văn này, Úc đã bác bỏ đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc áp dụng đối với Tứ Sa là các quần đảo trên Biển Đông bao gồm Trường Sa, Hoàng Sa, Đông Sa và Trung Sa (bãi Macclesfield). Và như vậy Úc bác bỏ các yêu sách quyền lợi của Trung Quốc liên quan đến vùng nội thuỷ, lãnh hải, đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa mà Trung Quốc áp dụng dựa trên các đường cơ sở thẳng này.
Trung Quốc trong các tháng qua đã gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định các yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông của mình bao gồm việc tiến hành tập trận, điều các tàu hải cảnh và khảo sát vào vùng biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines bất chấp những phản đối của các nước.
Hôm 13/7 vừa qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo lần đầu tiên chính thức lên tiếng phản bác các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhắc lại phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo cho rằng thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh xem Biển Đông như là vương quốc biển của họ. Hoa Kỳ đứng về phía các quốc gia đồng minh Đông Nam Á và đối tác trong nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền đối với nguồn tài nguyên xa bờ, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế.
Mới đây, vào ngày 21/7, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã tham gia một cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Mục tiêu được nói nhằm tỏ rõ cam kết trong chiến lược tự do và rộng mở ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Dù lên tiếng phản bác các yêu sách của Trung Quốc nhưng Úc và Mỹ đều không phải là các nước có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông.
Trung Quốc nhiều lần lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ đang khuấy động, gây bẩn ổn trong khu vực khi gửi tàu chiến và máy bay đến Biển Đông.




__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh