Nhật Ký Biển Đông: Chuyến Á Du Mười
Ngày Của Ô. Trump
Nhật
Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Mười Một ghi nhận những biến chuyển quan trọng
như sau:
Tình hình Hoa Kỳ:
-AP ngày 4/11/2017: “Một người đàn bà Hoa Kỳ đã bị truy tố về tội phá hoại tại
Zimbabwe vì đã thóa mạ Tổng Thống Mugabe khi trên Twitter khi nói rằng ông này
đầu óc bệnh hoạn (sick) và đã
xuất hiện tại tòa án ngày hôm nay, có thể đối diện với bản án 20 năm tù. Luật
sư cho cô Martha O’Donovan 25 tuổi nói rằng cáo buộc phá hoại này bất hợp lệ.”
Cô
bé trẻ người non dại này chưa biết gì về “ông già gân” 93 tuổi Mugabe làm
tổng thống 41 năm rồi và chẳng sợ ai cả. Ngày 18/9/2017 vừa qua, tại Đại Hội
Đồng LHQ, sau khi Ô. Trump tuyên bố sẽ hủy diệt Bắc Triều Tiên, Ô. Mugabe đã ví
Ô. Trump như người khổng lồ Goliath sức mạnh vô địch trong thần thoại, sau bị
cậu bé David dùng súng cao-su bắn một hòn sỏi vào trán, chết. Đến xứ người ta
thì phải tôn trọng luật pháp, phong tục, tập quán của người ta.
Ở Mỹ này có đem
đầu lâu máu tổng thống ra diễu cợt, biểu tình kêu gào làm “nổ tung Tòa Bạch
Ốc”, đòi ám sát tổng thống, xé cờ, đốt cờ, đái lên cờ, không thèm chào cờ…cũng
không sao. Thử đến Thái Lan phê bình nhà vua xem, chắc chắn vào tù. Đến
Pakistan phê bình Giáo Chủ Muhammadd thì sẽ lãnh án treo cổ. Mấy cậu bé Mỹ thử
đến Tân Gia Ba vẽ bậy xem, quất cho sáu roi da vào mông thì “tởn” tới già. AP
ngày 4/11/2017 cho biết Quốc Hội Trung Hoa vừa ban hành luật phạt tù 3 năm cho
những ai không tôn trọng quốc kỳ, quốc ca. Tin cuối cùng ngày 14/11/2017 cho
biết quân đội đã làm cuộc đảo chính, bắt giam Ô. Mugabe và vợ đồng thời kiểm
soát Thủ Đô Harare.
-Tổng Hợp ngày 5/11/2017: Vào tối ngày 1/10/2017, Stephen Paddock- một người
đàn ông Da Trắng 64 tuổi, từ lầu 32 của một khách sạn ở Las Vegas, đã
dùng 8 khẩu súng máy, liên tục bắn vào một đám đông khoảng 22,000 người đang
tham dự buổi hòa Nhạc Đồng Quê (Country
Music) ngoài trời về đêm, giết chết 58 và làm bị thương trên 500 người. Đây
là vụ thảm sát bằng súng lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ. Thế rồi chỉ một tháng
sau, vào ngày 5/11/2017, tại Sutherland Spring -một thị trấn nhỏ của Tiểu Bang
Texas, Devin
Kelley một thanh niên Da Trắng 26 tuổi
bị tòa án quân sự sa thải khỏi không quân đã bước vào nhà thờ nơi đang có
50 tín đồ hành lễ, nổ súng giết chết ít nhất 26, làm bị thương 20 người. Hung
thủ đã bị bắn chết sau đó. Đây là một vụ thảm sát rất đáng sợ vì trong số nạn
nhân có những em bé và phụ nữ có thai.
Nước
Mỹ đang là một siêu cường về kinh tế và quân sự mạnh nhất hành tinh này nhưng dường
như xã hội đang có một cái gì đó bất ổn. Đầu óc kỳ thị, lòng thù hận chính trị
và ghét bỏ giữa người dân với nhau, sự quẫn bách, dồn ép trong đời sống đang là
động lực khiến con người tìm cách giết người hàng loạt để thỏa mãn lòng thù hận
hoặc đầu óc bệnh hoạn của mình. Vì nước Mỹ quá rộng lớn cho nên những vụ thảm
sát như thế chỉ chừng một tuần lễ sẽ chìm vào quên lãng. Nhưng nếu nó xảy ra
tại một nước nhỏ thì có thể gây khủng hoảng và chính phủ có thể bị kết án vô cùng
nặng nề. Việc cầu nguyện cho người chết, an ủi gia đình nạn nhân là chuyện dễ.
Nhưng làm thế nào để những chuyện như vậy không xảy ra nữa là chuyện khó, vô
cùng khó khăn.
Đức Đạt Lai Lạt Ma có lần đã nói rằng cầu nguyện không giải quyết
được vấn đề. Phải ngồi chung với nhau để tìm ra phương thức tốt nhất. Câu hỏi
đặt ra ở đây là: Ông thị trưởng thành phố đó phải làm gì? Ông thống đốc tiểu bang
phải làm gì? Quốc hội phải làm gì? Ông tổng thống phải làm gì ? Và toàn thể 300
triệu dân cũng phải suy nghĩ và làm gì để góp phần vào cuộc sống chung tốt lành…thay
vì chỉ cầu nguyện rồi quên, rồi thảm sát lại tái diễn. Chỉ tám giờ sau cuộc
thảm sát, Huffington Post đi một bài báo với nhan đề, “Người dân đã chán ngấy
với những tưởng nhớ và cầu nguyện và đòi hỏi có hành động sau cuộc thảm sát.” (People Fed Up With ‘Thoughts And
Prayers’ Demand Action After Texas Church Massacre)
Theo
tôi chính quyền phải thành lập ngay một Trung Tâm Giúp Đỡ Tinh Thần miễn
phí cho tất cả những ai đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Những vị cố vấn cho trung
tâm có thể là các tâm lý gia, các mục sư, các linh mục, các Thiền sư và sẽ được
các đại công ty bảo trợ về vật chất. Mới đây có ông tỷ phủ đã bỏ ra 10 triệu đô-la
quảng cáo đòi luận tội Ô. Trump, cuối cùng nội vụ chìm xuồng. Nếu 10 triệu đô-la
đó bỏ vào trung tâm nói trên thì phúc lợi biết là bao nhiêu. Nhưng than ôi! Con
người bỏ ra một đồng giúp người nghèo khó
thì rất khó. Nhưng bỏ ra cả triệu tung vào những cuộc
vui chơi ngông cuồng thì lại rất dễ. Đó là nghiệp chướng của chúng sinh trong
cõi Diêm Phù Đề này! Cho nên Tuân Tử nói, “Nhân chi sơ tính bổn ác” cũng có
lý vì nó phù hợp với quan niệm “nghiệp
lực từ vô thủy” của chúng sinh.
-Newsweek
ngày 8/11/2017: “Chi nhánh California của Hội Thăng Tiến Người Dân Da Màu
(NAACP) (với số hội viên khoàng
300, 000 người có trụ sở ở Virginia) đang đòi hỏi Quốc Hội hủy bỏ bản quốc
gia Star Sprangle vì lời của nó chống lại người Da Đen, ủng hộ chế độ nô lệ -
một cuộc tranh chấp có tính màu da mới nhất về bài quốc ca có tính thế tục.”
Tình hình thế giới:
-ABC News ngày 1/11/2017: ”Tổng Thống Putin tới Ba Tư vào ngày hôm nay và có
cuộc hội đàm tay ba Nga-Ba Tư -Azeebaijan giữa lúc thỏa hiệp hạt nhân bị Tổng
Thống Donald Trump đe dọa hủy bỏ với việc không ký tái xác nhận định kỳ là
Ba Tư tuân thủ thỏa hiệp. Cuộc hội đàm tại Tehran tập trung vào những vấn đề của
khu vực, khủng bố và vấn đề an ninh. Cả ba quốc gia này đều nằm ở Biển Caspian
và các dự án về xe hỏa và đường bộ sẽ được thảo luận trong cuộc gặp gỡ này. Đây
là chuyến thăm Ba Tư lần thứ ba của Ô. Putin sau các cuộc thăm viếng vào
năm 2015 và 2017.”
Theo
Reuters Nga và Ba Tư sẽ thảo luận về vấn đề năng lượng nguyên tử và vấn đề Syria
sau khi Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố Ô. Assad không thể có mặt trong
giải pháp chính trị cho Syria, trái với lời tuyên bố trước đây là Ô. Assad có
thể ở lại. Cũng theo Reuters, Giáo Chủ Khameni- lãnh đạo tối cao Ba Tư nói rằng
Ba Tư và Nga cần hợp tác để cô lập Hoa Kỳ và giúp ổn định cho vùng Trung Đông.
“ (Ông Giáo Chủ này cũng giống như
mấy ông thượng nghị sĩ Hoa Kỳ nhiều khi tuyên bố vong mạng vì chẳng có trách
nhiệm gì cả. Còn ông tổng
thống Ba Tư thì nói năng cẩn thận hơn.)
-Fox News ngày 1/11/2017: “Hoa Kỳ vừa biểu quyết chống lại một nghị quyết của
LHQ lên án Hoa Kỳ áp đặt cấm vận lên Cuba. Ô. Trump đã đảo ngược quyết định của
Ô. Obama năm ngoái khi Ô. Obama né tránh bằng cách không tham gia bỏ phiếu.
Việc này làm tệ hại thêm mối bang giao Mỹ-Cuba . Nghị quyết nói trên đã được
tuyệt đại đa số 193 quốc gia của Đại Hội Đồng LHQ tán thành vào ngày Thứ Tư với
191 thuận và 2 phiếu chống của Do Thái và Mỹ. “
Mới đây đã xảy ra một biến cố là 22 nhân viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Havana
nói rằng họ “bị bệnh” vì một loại âm thanh nào đó tấn công. Mặc dù Cuba đã lên
tiếng bác bỏ nhưng vào ngày 17/10/2017, tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Donald
Trump nói rằng Cuba phải chịu trách nhiệm về việc này. Vào ngày 2/11/2017,
Ngoại Trưởng Bruno Rodriguez Parrilla của Cuba nói rằng, “Hoa Kỳ không có bằng
chứng nào chứng tỏ nhân viên ngoại giao của họ tại Havana đã bị tấn công một
cách có chủ mưu bằng âm thanh, từ đó nêu lên câu hỏi phải chăng Ô. Trump đã
dùng sự kiện này để tháo bỏ tiến trình xích gần ngoại giao mới đây giữa hai
nước.”
Phải
chăng đây lại là một vụ “Vịnh Bắc
Bộ” dưới thời Ô. Johnson năm 1964 và vụ “Sadam Hussein thủ đắc một kho vũ khí
giết người hằng loạt” dưới thời Ô. Bush Con năm 2003 để lấy cớ cấm vận hay
tấn công Cuba?
Nói
một cách công tâm nhất, quyết định của Ô. Trump không vì lợi ích chiến lược của
nước Mỹ mà chỉ muốn chiều lòng cử tri Cuba chiếm đa số tại Tiểu Bang Florida nơi
ai muốn làm tổng thống phải thắng cử ở tiểu bang này. Mỹ đã cấm vận kinh tế Cuba
51 năm rồi nhưng không làm thay đổi chế độ. Nếu cứ tiếp tục như thế thì chỉ đẩy
Cuba vào tay Nga và Trung Quốc mà thôi. Tin tức ngày 8/11/2017 cho biết Hoa Kỳ
quyết định gia tăng cấm vận Cuba, hạn chế việc du lịch, thăm viếng và đưa một số
công ty Cuba vào sổ bìa đen vì có liên hệ tới quân đội. Với lệnh cấm vận có hiệu
lực từ ngày hôm nay, du khách Hoa Kỳ không được phép tới Cuba, một số khách sạn
nổi tiếng cũng bị cấm, kể cả rượu rum.
-Yahoo UK ngày 2/11/2017: “Giáo Hoàng Francis vừa đề nghị các tu sĩ thuộc Giáo
Hội Ca-tô Giáo La Mã có quyền lấy vợ. Đề nghị này áp dụng cho các tu sĩ ở Ba
Tây và sẽ ghi vào chương trình nghị sự khi công đồng họp tại vùng Amazon. Quyết
định gây tranh cãi này cho thấy sự thiếu thốn đàn ông đi tu- nhưng chắc chắn sẽ
đưa tới sự chia rẽ trong giáo hội bởi những phần tử bảo thủ. Hiện nay một số
nhỏ tu sĩ Thiên Chúa Giáo đã lập gia đình, đó là các tu sĩ thuộc Giáo Hội
Anh vừa gia nhập Giáo Hội Ca-tô Giáo La Mã.” (Pope
Francis has requested that Roman Catholic priests be given the right to get
married. The request applies to priests in Brazil, and is on the agenda for an
upcoming synod (church council) in the Amazon region. The controversial move
would address the critical shortage of men joining the priesthood – but is
likely to drive divisions through the church by enraging conservative factions. A small number of married
Roman Catholic priests already exist, including previously married Anglican
vicars who have joined the church.)
-AP ngày 4/11/2017: “Để trả lời bức thư của hai dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ yêu
cầu lượng giá số thương vong nếu xảy ra cuộc chiến với Bắc Triều Tiên, Phó Đô
Đốc Michael J. Dumont nói rằng,
chỉ còn cách xác định địa điểm rồi
phá hủy toàn bộ cơ sở chế tạo vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên bằng một cuộc
tấn công trên bộ.”
Theo bản lượng giá của ông phó đô đốc
này thì oanh kích không ăn thua gì mà phải tiến hành một cuộc tổng tấn công
bằng bộ binh với số thương vong rất cao và quân Mỹ sẽ ở lại chưa biết tới bao
giờ. Có thể khi quân Mỹ tiến vào thì quân Nam Triều Tiên cũng sẽ vượt Sông Áp
Lục để theo quân Mỹ “giải phóng” Bắc Triều Tiên.
-AP ngày 5/11/2017: “Ả Rập Sê-út vừa
bắt giam 11 hoàng tử, một số viên chức quân sự cao cấp, thương gia và viên chức
chính phủ kể cả tỷ phú thuộc hoàng gia nắm giữ một số công ty của Tây Phương như
một chiến dịch chống tham nhũng và củng cố quyền hành cho thái tử trẻ tuổi.”
Trong lịch sử, các chế độ quân chủ
thay vì cho tể tướng nắm quyền, lại cho con là các hoàng tử nắm quyền, sẽ là
nguyên do đại loạn và nhiều khi chia cắt đất nước. Nguyên do, không ông hoàng
tử nào chịu nhường nhịn ông hoàng tử nào (Anh là con vua tôi cũng là con vua).
Nếu quả đúng như vậy thì ông vua già Salman này quả là con người thủ đoạn biết
cách để củng cố quyền lực cho thái tử. Thế nhưng không biết các bà vợ (mẹ của các hoàng tử đó) có khóc
lóc, mè nheo, “cấm vận ái tình”
làm ông điên đầu không?
-Newsweek ngày 7/11/2017: “Các chuyên
viên về chính sách đối ngoại, so với Tổng Thống Donald Trump, họ đã tin tưởng Tổng
Thống Putin hơn với con số gấp ba lần (39% so với 12%). Cuộc thăm dò
được tổ chức qua diễn đàn 2017 Brussels Forum do German Marshall Forum tổ chức
vào Tháng Ba 2017. Câu hỏi được đặt ra chung quanh quan điểm cá nhân của hai vị
tổng thống về hai vấn đề dân chủ và sự lãnh đạo và nhận thấy họ thiếu tin cậy
một cách khác thường vào nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa này.”
-AP ngày 11/11/2017: “750,000 người
đã xuống đường biểu tình ở Barcelona để ủng hộ kế hoạch đòi độc lập, phản đối chính
quyền trung ương Tây Ban Nha và đòi thả những lãnh tụ ly khai đang bị bắt giam.”
-Vox.com ngày 14/11/2017: “Hoa Kỳ
trong nhiều năm đã giúp Ả Rập Sê-út bỏ bom Yemen giết hại vài chục ngàn thường
dân. Giờ đây Quốc Hội muốn Hoa Kỳ ngưng hỗ trợ cho cuộc đổ máu này. Đảng Cộng
Hòa đang kiểm soát Hạ Viện vừa thông qua một nghị quyết ngầm nói rằng Hoa Kỳ
phải ngưng hỗ trợ cho Ả Rập Sê-út trong cuộc chiến chống lại phiến quân Houthi
tại Yemen. Bằng kết quả 366 thuận với 33 phiếu chống, Hạ Viện tin rằng hành
pháp chỉ được ủy quyền chống lại
các nhóm khủng bố như Nhà Nước Hồi Giáo và al-Qaeda cho dù các nhóm này ở Trung
Đông, Bắc Phi hay Á Châu.”
Theo điều khoản này thì Quốc Hội
không ủy quyền hay cho phép đem quân hay hỗ trợ cho các cuộc chiến không phải
chống khủng bố. Hiện nay cả triệu thường dân Yemen có nguy cơ chết đói. Có lẽ
Hoa Kỳ và Ả Rập Sê-út không còn giải pháp nào hơn là tiến hành một cuộc thương
thảo với lực lượng Houthi thuộc hệ phái Shiite được Ba Tư hỗ trợ để chấm dứt
cuộc chiến. Thiếu sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, chính quyền của Tổng Thống Hadi được Ả
Rập Sê-út hỗ trợ chắc chắn sẽ xụp đổ.
Tình hình Trung Đông:
-Daily Mail ngày 3/11/2017: “Quân đội của Ô. Assad nói rằng Thành Phố Deir
Ezzor nằm ở đông Syria vừa được giải phóng sau ba năm bị chiếm giữ bởi lực
lượng Nhà Nước Hồi Giáo. Đây là thành trì cuối cùng của nhóm khủng bố này sau
khi thủ đô trong thực tế của họ thất thủ vào tháng trước. Trong khi đó,
quân đội Iraq nói rằng họ vừa đẩy nhóm khủng bố ra khỏi Al-Quaim – một thành
phố ở biên giới Syria . Nhà Nước Hồi Giáo tự xưng trở nên điều tàn, ba tháng
sau khi quân đội Iraq tái chiếm Mosul- thành phố lớn thứ hai của Iraq.”
Tình hình Biển Đông:
-ABC News ngày 2/11/2017: “Việt Nam hy vọng lãnh đạo 11 quốc gia còn lại của
Vành Đai Thái Bình Dương nằm trong thỏa hiệp Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể họp để duyệt lại vào
tuần tới khi Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa hiệp này. Thứ Trưởng Ngoại Giao Bùi Thanh
Sơn hy vọng rằng những cuộc thảo luận vào tuần tới tại Nhật Bản sẽ thu hẹp
những khác biệt để các bộ trưởng thương mại và lãnh đạo các quốc gia đồng ý về
một thỏa hiệp TPP Tu Chính trong cuộc Hội Thảo Kinh Tế Á Châu tổ chức thường
niên tại Đà Nẵng.” Thế nhưng cuộc họp gần như đổ vỡ khi Thủ Tướng Gia Nã Đại
Justin Trudeau và bộ trưởng thương mại François-Philippe Champagne đều
không đến họp vào buổi tối 10/11/2017 tại Đà Nẵng. Có thể Gia Nã Đại lo sợ Ô.
Trump hủy bỏ thỏa hiệp Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ (NAFTA) khiến Gia Nã Đại khốn đốn,
nay lại hùa theo 11 quốc gia cứu vãn TTP khiến mất lòng Mỹ thì…nguy to.
Cuối cùng bỏ họp mà không cần thông báo khiến Thủ Tướng Abe bực tức. Cuối cùng
11 quốc gia còn lại đã “khai tử” TPP và đồng ý với nhau về thỏa hiệp mới có tên
Thỏa Hiệp Hợp Tác Toàn Diện và Tiến
Bộ Châu Á Thái Bình Dương (Comprehensive
and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) không có Mỹ và chờ đợi các vị nguyên
thủ quốc gia phê chuẩn.
-AFP ngày 4/11/2107: “Trung Quốc vừa hạ thủy con tàu khổng lồ mô tả như là ‘tàu xây đảo thần kỳ’ lớn nhất Á
Châu, có khả năng đào 6000 mét khối trong một giờ. Con tàu này có thể xây dựng
đảo nhân tạo giống như các đảo mà Hoa Lục đã làm tại vùng tranh chấp ở Biển
Đông vừa được hạ thủy tại phía đông Tỉnh Giang Tô.”
Đây là dấu hiệu cho thấy Hoa Lục tiếp tục biến cải các bãi đá ngầm tại Biển
Đông thành đảo rồi biến nó thành căn cứ quân sự. Không biết Việt Nam có nên
công khai mướn các công ty Mỹ, Âu Châu để biến cải các bãi đá ngầm thành đảo
hay mở rộng các hòn đảo nhỏ hiện có? Khi Bắc Kinh chơi “luật rừng” mà mình
thượng tôn luật pháp thì lỗ vốn.
-Reuters ngày 7/11/2017: “Hoa Kỳ sẽ cắt 2 triệu Mỹ Kim viện trợ trong năm tới
cho chương trình rà phá bom mìn là chương trình để Căm Bốt không lên tiếng chỉ
trích Hoa Kỳ đã ném bom xuống đất nước này trong thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam.
Việc cắt giảm viện trợ xảy ra giữa lúc chính quyền độc tài Hun Sen đang chuẩn
bị đối phó với thách thức bầu cử vào năm tới và luận điệu chống Mỹ gia tăng ở
trong nước.”
Trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, Mỹ đã ném 2.7 triệu tấn bom xuống đất nước
Kampuchia và 2.5 tấn bom xuống đất nước Lào.
-AFP ngày 8/11/2017: “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte ra lệnh gỡ bỏ chương
trình xây một nơi tạm trú cho ngư phủ tại một bãi cát ở khu vực có tranh chấp
của Biển Đông sau khi có lời khiếu nại của Hoa Lục. Vào Tháng Tám, binh sĩ Phi
đã đem tre và lá gồi lợp nhà tới bãi cát, gần một đồn binh của họ ở Trường Sa.
Đây là dấu hiệu Phi muốn cải thiện bang giao và xích lại gần Hoa Lục.”
-CBS News ngày 9/11/2017: “Ba hàng không mẫu hạm tối tân thuộc Hạm Đội 7 sẽ
tiến hành một cuộc tập trận hợp đồng thật hiếm hoi từ ngày 11-14 Tháng 11 tại
tây Thái Bình Dương (Biển Đông
nhìn từ Hoa Kỳ) nhưng không nói rõ địa điểm nào. Đây là hành động phô
trương sức mạnh để trấn an các đồng minh Nhật Bản, Nam Triều Tiên đồng thời răn
đe Bắc Triều Tiên.”
Ngày xưa hệ thống phòng thủ bờ biển không có, không quân thì không thể hoạt
động xa bờ cho nên HKMH là “nữ hoàng” trên biển. Nhưng nay với hệ thống hỏa
tiễn như Đông Phong, S-300, S-400 chẳng hạn, có thể bắn xa 1500km. Nếu Tomahaw
không hủy diệt được nó thì HKMH sẽ biến thành khối sắt khổng lồ từ từ chìm
xuống biển. Kỹ thuật quân sự biến đổi từng thập niên cho nên các nhà quân sự
nói rằng coi chừng HKMH rồi sẽ lỗi thời. Hiện nay hệ thống Đông Phong(FD) đều được đặt trên các dàn di
động trên đường rầy xe lửa cho nên rất khó phát hiện xem nó ở đâu. Còn hệ thống
S-300 ở Việt Nam được thiết trí trên các xe vận tải lớn, ngụy trang ẩn nấp
trong rừng và có thể có cả trăm hỏa tiễn S-300 giả làm bằng giấy bồi (carton) đặt trên các xe tải vận
hành tự động (điều khiển từ
xa/không người lái) để đánh lừa đối phương. Trong chiến tranh, ai nhanh
tay, tập trung được hỏa lực và nhất là “nghi binh” tức đánh lừa được đối thủ thì thắng, dù
sức yếu hơn.
Nhận Định:
Trung tuần Tháng 11 vừa qua, Bắc Á và Đông Nam
Á rộn ràng với những hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á, US-ASEAN diễn ra tại Phi Luật
Tân và Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC 2017) diễn ra tại Việt Nam.
Vì có ba “ông kẹ” Donald Trump, Putin và Tập Cận Bình cùng đến Việt Nam tham dự
cho nên vấn đề an ninh và nghi thức tiếp đón trở thành mối quan tâm hàng
đầu của chính quyền Việt Nam. Nghi thức tiếp đón ba “ông lớn” này phải ngang
nhau. Sơ sót một chút là mang vạ lớn. Tổng Thống Donald Trump lúc đầu tuyên bố
không tham dự Thượng Đỉnh Đông Á, nhưng do bị chỉ trích, ông thay đổi ý định. Chuyến Á du của Ô. Trump bao
gồm các quốc gia Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Việt Nam và Phi Luật Tân.
Tại Nhật Bản:
Ngay khi tới Nhật Bản ngày 5/11/2017, Ô. Trump đã gặp Thủ Tướng Abe tại
sân gôn Kasumigaseki Country Club, Tokyo. Hai bên đã ký tên vào
chiếc mũ trắng trên đó có thêu chữ “Làm Cho Tình Đồng Minh Vĩ Đại Hơn” (Make Alliance Even Greater) rồi
trao tặng nhau . Ông Trump cũng lên giọng nhắn nhủ Bắc Triều Tiên rằng Hoa Kỳ
và các đồng minh chuẩn bị cho việc bảo vệ tự do và “không một nhà độc tài nào,
không chế độ, không quốc gia có thể đánh giá thấp ý chí của Hoa Kỳ”. Còn về vấn
đề thương mại với Nhật Bản, Ô. Trump nói rằng, “Chúng tôi sẽ ăn cơm với nhau tối
nay. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ phỉ báng mọi người nếu cứ tiếp tục nói về ngoại
thương.” (Khác hẳn với luận điệu
khi tranh cử lên án Nhật Bản đã xuất siêu sang Hoa Kỳ hơn 80 tỉ Mỹ Kim)
Trong cuộc họp báo chung ngày hôm sau, Tổng Thống Donald Trump đề nghị Nhật Bản
nên mua vũ khí của Mỹ để đối phó với Bắc Triều Tiên. Đáp lại, Ô. Abe nói rằng
Nhật đã mua nhiều vũ khí của Mỹ rồi nhưng cũng cần tăng cường thêm khả năng
quốc phòng. Trong khi đó Bắc Triều Tiên phản ứng lại và nói Ô. Trump là “lái
buôn chiến tranh và xiết cổ hòa bình” (a war merchant and strangler of
peace.)
Tại Nam Triều Tiên:
AP ngày 7/11: “Bằng một sự
thay đổi lập trường thật lạ lùng, Tổng Thống Donald Trump đã từ bỏ giọng điệu
hung hăng đối với Bắc Triều Tiên, tỏ dấu hiệu muốn thương thảo và kêu gọi Bình
Nhưỡng ngồi vào bàn hội nghị để đạt tới một thỏa hiệp. Trong ngày đầu tiên của
chuyến công du tới Nam Triều Tiên, Ô. Trump thúc giục Bình Nhưỡng từ bỏ chương
trình vũ khí nguyên tử nhưng. Nhưng trong khi nói về việc Hoa Kỳ sẽ dùng vũ lực
nếu thấy cần thiết nhưng thiên về giải pháp ngoại giao để giải quyết những căng
thẳng với Bắc Triều Tiên. Còn Tổng Thống Moon dĩ nhiên là mong muốn củng cố
tình đoàn kết với Ô. Trump, nói rằng chuyến viếng thăm của tổng thống Hoa Kỳ có
thể là khúc quanh của cuộc giằng co với Bắc Triều Tiên và rằng hai nhà lãnh đạo
đồng ý giải quyết vấn đề vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên bằng giải pháp hòa
bình hầu đem lại một nền hòa bình thường trực cho bán đảo.”
Tại Trung Quốc:
Ngày 8/11 Ô. Trump đến Trung
Quốc được Ô. Tập Cận Bình long trọng tiếp đón. Trong tiệc trà đàm, Ô. Trump cho
Ô. Tập Cận Bình coi một đoạn thu hình cháu ngoại Aabella Kushner hát một bản
nhạc Tàu và đọc một bài thơ cổ của Trung Hoa nhân dịp Ô. Tập Cận Bình ghé dinh
thự của Mar-A-Lago vào Tháng Tư 2017 khiến Ô. Tập Cận Bình khen nức nở và mong
cháu bé sớm ghé Trung Quốc chơi. Sau đó Ô. Tập Cận Bình và Bà Bành Lệ Quyên
bằng một hành động rất hiếm hoi, hướng dẫn vợ chồng Ô. Trump đi thăm Tử Cấm
Thành, tham dự một buổi trình diễn nhạc kịch, ăn tiệc tại hoàng cung của các
hoàng đế Trung Hoa (Tử Cấm Thành)
- một vinh dự đặc biệt dành cho Ô. Bà Trump kể từ năm 1949 tới giờ, giữa lúc
thống kê cho biết thặng dư mậu dịch Trung Quốc-Hoa Kỳ vượt qua mức 300 tỉ Mỹ
Kim cho dù suốt thời gian tranh cử từ 2016 cho tới nay Ô. Trump lúc nào cũng
chỉ trích Hoa Lục về vấn đề này. Ngay khi tới Bắc Kinh, trái với những tuyên bố
êm dịu lúc còn ở Hán Thành, Ô. Trump lại lên giọng kết án Bắc Triều Tiên và nói
rằng “Chế độ này đã tạo ra những xung đột để người dân quên đi những thất bại.”
Sau
cuộc họp giữa hai ông vào ngày 9/11/2017, Ngoại Trưởng Tillerson cho biết không
có chuyện mập mờ nào (tức rất rõ
ràng) giữa Hoa-Mỹ rằng Triều Tiên không thể có bom nguyên tử và một số kết
quả rất đẹp “hẩu! hẩu lớ!” như: Trung Quốc sẽ mua 300 máy bay vận tải của Mỹ
trị giá 37 tỷ Mỹ Kim và các công ty còn ký kết một số thỏa hiệp mua bán khác
trị giá 9 tỷ Mỹ Kim…mà các viên chức trong bộ tham mưu của Ô. Trump khoe rằng
nó sẽ giảm bớt thâm thủng mậu dịch và gia tăng thương mại song phương.
Theo
CNN, Ô. Trump đã nhiều lần “bôi
tro trát chấu” vào mặt Trung Quốc nhưng nay thì họ là bạn (Trump once trashed China. Now,
they're friends).
Như vậy chuyến đi của Ô. Trump tới Bắc Kinh chỉ để củng cố thêm “tình bạn tuyệt
vời” (outstanding frienship)
như ông đã từng nói tại Mar-A-Largo và bàn chuyện làm ăn buôn bán và kể như
thành công vì sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty Mỹ và công ăn việc
làm cho người dân .
Tại Việt Nam:
Ngày 10/11: Ông Donald Trump dự Diễn
đàn APEC tại Đà Nẵng. Trong bài diễn văn ông nói rằng Đà Nẵng là nơi người Mỹ
đóng quân trước đây và hai bên đã trải qua một cuộc chiến đẫm máu. Nhưng ngày nay
chúng ta không còn là kẻ thù nữa mà là bạn. Cách đây vài chục năm, người dân
Việt sống với vài đô-la. Ngày nayViệt Nam là quốc gia phát triển kinh tế với
tốc độ nhanh nhất thế giới và đây là “sự lạ kỳ nhất thế giới” (One of the great miracles
of the world). Sinh viên Việt Nam được xếp vào hạng thông
minh nhất thế giới. Tôi có mặt ở đây hôm nay với mục tiêu làm bạn, đồng minh và
là người hợp tác với tất các quốc gia trong vùng một cách công bằng và trách
nhiệm. Ông cũng lên tiếng ca ngợi những thành tựu của Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ
và các quốc gia Đông Nam Á. Ông cũng nhắc tới vụ thâm thủng mậu dịch 223 tỉ
trong 10 tháng đầu với Trung Quốc và than phiền là Hoa Kỳ mở rộng thị trường,
hạ thấp thuế quan cho một số quốc gia, nhưng các quốc gia này lại không mở cửa
cho hàng hóa của Hoa Kỳ, không đối xử công bằng với Hoa Kỳ. Tôi sẽ không để Hoa
Kỳ bị lợi dụng nữa, không chấp nhận việc ăn cắp sở hữu trí tuệ và tài trợ của
chính quyền làm giảm giá thành. Tôi sẽ làm việc với từng lãnh đạo có mặt nơi
đây để cùng hợp tác trong tinh thần hai bên đều có lợi. Nếu tôi có đặt “quyền lợi của Hoa Kỳ trước đã”
thì quý vị cũng đặt “quyền lợi của
quý vị trước đã”. Có lẽ Ô. Trump đã kết thúc số phận của thỏa hiệp TPP khi
nói rằng chúng tôi sẽ không còn tham gia vào những thỏa hiệp rộng lớn khiến
trói tay chúng tôi, hy sinh chủ quyền và khiến việc thi hành không thể nào thực
hiện được. Khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị đứng
chụp hình chung với nhau ở hội nghị, Ô. Trump đã tiến đến chỗ Ô. Putin và
thân mật vỗ vai tổng thống Nga, nói vài lời trao đổi. Đây là dấu hiệu thân
thiện. Vào tối hôm đó, Ô. Trump cùng quý vị lãnh đạo các quốc gia đã tham dự Dạ
Tiệc Gala do Ô. Trần Đại Quang chủ tọa và tiếp đón tại Đà Nẵng, thưởng thức một
số tiết mục trình diễn nghệ thuật.
Còn về hoạt động của Nga, Tổng Thống
Putin, theo VOV, “Chủ
TịchTrần Đại Quang đã có cuộc gặp song phương với Tổng Thống Vladimir Putin.
Sau cuộc gặp gỡ hai bên đã ra Tuyên Bố Chung về hợp tác trên lĩnh vực bảo đảm
an ninh thông tin quốc tế vì truyền thông ngày nay
có thể bị sử dụng vào các mục đích không phù hợp với an ninh, ổn định và hòa
bình quốc tế; trở thành mối đe dọa trực tiếp tới công dân, xã hội và nhà nước.”
Ô. Putin không có cuộc họp riêng bên
lề với Ô. Trump. Nhưng trong một thông cáo chung, hai nhà lãnh đạo Nga và Hoa Kỳ đã
khẳng định quyết tâm đánh bại nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria. Hai nhà lãnh đạo nói rằng
giải pháp chính trị dứt khoát tháo gỡ xung đột phải
được nhìn thấy trong khuôn khổ tiến trình Geneva, phù hợp với Nghị
Quyết 2254 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.” Ô. Trump còn nói rằng, cứ mỗi
lần gặp Ô. Putin, ông ta đều nói rằng tôi không can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ
và hãy tin tôi.
Kết thúc Thượng Đỉnh APEC, chiều ngày 11/11/2017, Ô. Trump bay ra Hà Nội và
cùng phái đoàn Mỹ dự dạ tiệc tại Trung Tâm Sinh Hoạt Quốc Tế (International Convention Center)
do Ô. Trần Đại Quang khoản đãi. Trong dạ tiệc này người ta nhận thấy có Ngoại
Trưởng Tillerson và cố vấn An Ninh Quốc Gia McMaster . Việc Ô. Trump bay ra Hà
Nội và có cuộc họp với Ô. Trần Đại Quang cho thấy Hoa Kỳ đã đặt Việt Nam vào
trọng tâm của kế hoạch Tái Cân Bằng Lực Lượng hầu ngăn chặn sự trỗi dậy
của Trung Quốc. Trong dạ tiệc, Ô. Trần Đại Quang đã nhấn mạnh tới tầm quang
trọng của bang giao Việt-Mỹ, sự hiện diện và cam kết của Hoa Kỳ tại Châu Á sẽ
đem lại hòa bình, ổn định và phát triển cho khu vực. Rõ ràng là Việt Nam rất cần
Mỹ và Mỹ cũng rất cần Việt Nam.
Vào sáng ngày hôm sau 12/11/2017, trong cuộc họp với Ô. Trần Đại Quang, Ô.
Trump đề nghị làm trung gian giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông
khi ông nói rằng, “Tôi là người trung gian và trọng tài giỏi” trong khi lập trường
của Hoa Kỳ là không đứng về phe nào nhưng chỉ trích Hoa Lục đã biến cải những
bãi đá ngầm thành đảo. Còn Ô. Trần Đại Quang thì nói rằng tôi đã chia xẻ ý nghĩ
này với Tổng Thống Donald Trump và Việt Nam muốn giải quyết những tranh chấp
bằng đường lối thương thảo và tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhân dịp này Ô. Trump
cũng thúc giục Ô. Nguyễn Xuân Phúc mua hỏa tiễn và những vũ khí khác của Hoa
Kỳ, một dấu hiệu cho thấy Ô. Trump không sợ làm mất lòng Trung Quốc. Và điều này
cũng chứng tỏ Ô. Trump bỏ TTP nhưng không bỏ Việt Nam. Điều lạ kỳ ở chỗ, một quốc
gia như Việt Nam - không phải là “đồng minh”của Mỹ - mà bốn ông tổng thống Dân
Chủ lẫn Cộng Hòa đều ghé thăm. Trong khi Thái Lan, một đồng minh chiến lược của
Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam lại chưa một ông tổng thống Mỹ nào “thèm” để ý
tới.
Theo tôi nghĩ, Hoa Lục sẽ không chấp nhận vai trò trung gian hay trọng tài của
Hoa Kỳ mà chỉ muốn thương thảo “song phương” và không muốn “nước thứ ba” xía
vào. Khi có Hoa Kỳ can dự vào thì Hoa Lục không thể giở thủ đoạn “cá lớn nuốt
cá bé”. Trong khi đó Việt Nam duy trì lập trường “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông
để đi tới một giải pháp có giá trị quốc tế và bảo đảm quyền lợi của Hoa Kỳ,
Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Úc Châu v.v.. Biển Đông giờ đây không còn là vấn đề
song phương, mà là vấn đề của quốc tế. Chỉ có một giải pháp quốc tế mới bảo đảm
quyền lợi lâu dài cho Việt Nam và Phi Luật Tân.
Sau khi Ô. Trump rời Việt Nam thì Ô. Tập Cận Bình bay ra Hà Nội và được chào
đón nồng nhiệt bằng 21 phát đại bác, họp với Ô. Nguyễn Phú Trọng và hai bên
chứng kiến rất nhiều thỏa hiệp hợp tác được ký kết. Theo tôi nghĩ, việc Ô. Tập
Cận Bình- “Hoàng Đế của Trung Hoa” - chịu bay ra Hà Nội gặp gỡ các nhà lãnh đạo
Việt Nam cho thấy Trung Quốc tạm thời hòa dịu với Việt Nam
để đối phó với những vấn đề toàn cầu quan trọng hơn.
Ngoài ra, họ cũng
nhìn thấy Việt Nam bây giờ không phải là Việt Nam năm 1979 mà là trọng
điểm chiến lược của Á Châu khiến cả thế giới đổ xô tới đây. Đông Nam Á không ai
muốn chống lại Hoa Lục nhưng cũng không ai muốn Hoa Lục khống chế vùng này. Họ
cũng không muốn Hoa Kỳ kéo tới đây để gây chiến, nhưng lại muốn Hoa Kỳ hiện
diện ở một mức độ nào đó để kiềm chế Trung Hoa. Cái vô cùng phức tạp và rối rắm
của Đông Nam Á ở chỗ đó mà Việt Nam đứng đầu sóng ngọn gió. Tài lãnh đạo và
tinh hoa của chiến lược ngoại giao nằm ở giai đoạn này đây.
Tại Phi Luật Tân:
Ngày 12/11/2017 Ô. Trum đã tới Manila và tham dự dạ tiệc do Tổng Thống Duterte
khoản đãi, ngoài một số vị lãnh đạo đã hiện diện trong APEC Đà Nẵng, người ta
nhận thấy có thêm: Thủ Tướng Nga Medvedev, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường,
Thủ Tướng Ấn Độ Modi và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Vào
ngày 13/11/2017, người ta chờ đợi cuộc gặp gỡ giữa “Ô Trump Hoa Kỳ” và “Ô. Trump Phi Luật Tân” (Duterte) xem hai ông “Trương Phi” này đối phó với nhau
như thế nào. Cuối cùng Ô.
Trump đã khôn ngoan bằng cách không đề cập gì tới
chiến dịch bài trừ ma túy của Ô. Duterte đang bị Âu Châu lên án để giữ
Phi Luật Tân không vuột khỏi tay Hoa Kỳ. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói rằng
cuộc thảo luận bao quanh các vấn đề như Nhà Nước Hồi Giáo, ma túy bất hợp
pháp và thương mại. Trong bản tuyên bố chung hai bên nhấn mạnh cam kết duy trì các nguyên tắc, trong đó có tự do hàng hải, tự do bay trên không phận Biển Đông và hành động tự chế.
Còn về
cuộc họp Thượng Đỉnh Đông Á, Ô.
Trump đã bỏ về sớm và không tham dự phiên bế mạc với lý do đã đạt được nhiều
tiến bộ về vấn đề an ninh và mậu dịch. Có thể là vì những diễn biến phức tạp
của cuộc điều tra liên quan đến sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 cần
sự có mặt của ông để đối phó.
Ô.
Duterte nói rằng dù có những khác biệt nhưng sẽ không đề cập tới vấn đề Biển
Đông. Tuy nhiên bản dự thảo công bố dường như có đoạn nói rằng tuy tình hình
Biển Đông hiện tại tương đối yên tĩnh nhưng điều đó không phải “đương nhiên mà
có”. Còn bản công bố thứ hai giữa Trung Quốc và 10 hội viên của ASEAN, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc
đã chính thức tuyên bố khởi đầu tham khảo và đàm phán về nội dung Bộ Quy Tắc
Hành Xử (COC), coi đây là nền tảng quan trọng góp phần duy trì hòa bình ở Biển
Đông; đồng thời khẳng định lại việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên Bố DOC
và tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công Ước Quốc Tế về Luật Biển 1982.
Tóm
lại, chuyến Á Du 10 ngày của Ô. Trump tương đối thành công. Theo thống kê thăm
dò, Ô. Trump được 58% dân Việt Nam và 69% dân Phi Luật Tân ủng hộ, trong khi ở
quốc nội tỷ lệ ủng hộ ông xuống chỉ còn 38% và đặc biệt Âu Châu lại kịch liệt
chống đối ông. Sự thành công ở chỗ ông đã hàn gắn được sự rạn nứt Mỹ-Phi
mà có lần Ô. Duterte gọi Ô. Obama là “con của con điếm”. Ngoài ra ông
còn nói rõ với Thủ Tướng Modi của Ấn Độ về một “Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương” (Sino-Pacific) để ngăn chặn ảnh
hưởng của Hoa Lục. Còn ở Việt Nam, ông nói ra được trước cộng đồng Á Châu những
gì ông nói trước cử tri Mỹ đó là vấn đề thâm thủng mậu dịch và cạnh tranh bất
chính của các quốc gia hợp tác làm ăn với Mỹ. Còn việc có thi hành được hay không
lại “thiên nan vạn nan”.
Trong
tình hình hiện nay, nước Mỹ đang đứng đầu thế giới. Mà muốn đứng đầu thế giới,
muốn làm “đại ca” thì phải bao bọc đàn
em. Đàn em chơi với ông nếu có lợi một chút thì nó mới
trung thành chứ? Giả dụ, Việt Nam, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân có “xuất siêu” sang ông thì đó là
“nồi cơm hũ gạo” của nó khiến
nó “gắn bó” với ông. Nay ông đòi bình đẳng tức nó chẳng có lợi gì cả thì nó đi
tìm một “đại ca” khác. Đời là vậy! Ngoài ra việc thâm thủng mậu dịch với các
cường quốc thương mại như Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Triều Tiên mới đáng kể, chứ
còn Đông Nam Á chỉ là “ba cái lẻ tẻ” ăn thua gi?
Hy
vọng Ô. Trump chỉ răn đe nhưng “giơ cao đánh khẽ” để giữ
ngôi vị bá chủ của mình khỏi lung lay trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung
Hoa về cả hai mặt quân sự và tài chính. Tuy nhiên tôi có lời khuyên với các
quốc gia đang làm ăn buôn bán với Mỹ là “chớ nên đùa rỡn với Mỹ”. Đừng
để tức nước vỡ bờ. Tới một mức nào đó, nếu Ô. Trump phản ứng thì thiệt hại lớn
lao không phải Mỹ mà là các quốc gia đang đối xử không đẹp với Mỹ trong
vấn đề ngoại thương. Nếu mình biết lo cho nước mình trước thì Ô. Trump cũng
phải lo cho nước Mỹ trước. Đó là “America First”.
Đào Văn Bình
(California ngày 15/11/2017)
__._,_.___